Tiểu Sử Hòa thượng Thích Bửu Chung (1881-1947)

Dịp kỷ niệm ngày Viên tịch lần thứ 53 của Ngài Pháp Sư Bửu Chung là một trong những vị tiền bối góp phần đào tạo Tăng tài và chấn hưng Phật giáo vào đầu thế kỷ 20. Chúng ta cùng nhau ôn lại hành trạng của Ngài để nêu gương sáng cho nhiều thế hệ theo bước chân các Ngài trên bước đường hoằng pháp lợi sanh:


Hòa Thượng thế danh là Nguyễn Văn Kim, Pháp danh Như Kim, Pháp hiệu Bửu Chung, sinh năm Tân Tỵ (1881) Niên hiệu Tự Đức năm thứ 35, tại Rạch Cái Đầm, xã Hiệp Xương, huyện Tân Châu, tỉnh Long Xuyên (nay là An Giang). Thân phụ là cụ ông Chánh bái Nguyễn Văn Phước. Thân mẫu là cụ bà Lê Thị Dậu đều kính tin phụng thờ Tam Bảo.

Do thường theo song thân đi chùa tụng kinh niệm Phật và túc duyên Phật pháp đời trước vốn đã trồng sâu cho nên khi tuổi thiếu niên, Ngài đã được song thân cho xuất gia với Tổ Minh Thông - Hải Huệ ở chùa Bửu Lâm, Rạch Cái Bèo, Làng Phong Nẫm, Cao Lãnh (nay xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, nay  là tỉnh Đồng Tháp) và được ban pháp hiệu là Bửu Sơn.
 

Thấy Ngài nhỏ tuổi, vóc dáng ốm yếu, Tổ thương và giao trách vụ hương đăng trong chùa.

Tổ Minh Thông - Hải Huệ vì lý do đặc biệt bởi nhân thân quá khứ của mình đã dấn thân vào đường cứu quốc,  vì thế Ngài lập biệt hạnh là đi tới đâu Tổ cất chùa ở đó, tuy chỉ là mái tranh vách đất mà thôi. Hoặc nơi nào có chùa hư xuống cấp thì Ngài vận động trùng tu, tái tạo. . . Khi cất chùa xong, Tổ bổ nhiệm các đệ tử phần nhiều mới xuất gia đến trú trì. Vì phải ra làm trú trì quá sớm, phần đông đệ tử của Tổ ít được dịp tu học kinh luật đến nơi đến chốn.
Nhận thấy đó là điều thiệt thòi cho kẻ xuất gia, sợ về sau khó lòng đảm trách được vai trò và nhiệm vụ của một sứ giả Như Lai, nên trưởng tử của Tổ là Yết Ma Cả Như Khả hiệu Chân Truyền, trú trì chùa Khải Phước Nguyên (1), đã tìm cách xin phép Tổ đưa 5 Sa Di, gồm hai anh em ruột Bửu Sơn, Bửu Phước(2), Bửu Quang (3) và Bửu Tín  đang theo học tại chùa Khải Phước Nguyên lên Sàigòn, chùa Long Thạnh (4) ở đường Bà Hom thuộc xã Phú Lâm để gửi vào học đạo với Tổ Minh Hòa - Hoan Hỷ. Từ đó Ngài được đổi Pháp hiệu là Bửu Chung.
Ba năm sau, vì bệnh duyên, Ngài đành phải từ giả Bổn Sư và học chúng, để về Nha Mân ở Sa Đéc dưỡng bệnh và cầu y chỉ với Tổ Phổ Minh ở Tổ đình Hội Phước. Hàng ngày ngoài thì giờ tu học, Ngài vẫn được giao trách vụ hương đăng trong chùa.
Được ít lâu, Ngài xin phép Tổ Phổ Minh lên Lấp Vò thăm Yết Ma Cả Như Khả hiệu Chân Truyền và trình bày lý do vì sao Ngài lại rời khỏi chùa Long Thạnh về chùa Hội Phước. Yết Ma Như Khả dạy Ngài rằng: “Nếu muốn ở yên trong chúng và sau thành tựu sự nghiệp tu học thì phải nhớ lời dạy của Thiền Sư Đại Huệ:
Cung người chớ cầm,
Ngựa người đừng cưỡi,
Việc người đang biết;
Thường tự biết quấy để sửa.
Ngài thành kính thụ giáo và lui về.
Năm Kỷ Hợi ngày mồng 07 tháng 02 (18-03-1899), niên hiệu Thành Thái năm thứ 11, Ngài được Bổn sư cho đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Tổ đình Thiên Phước, Xã Tân Bình, Tổng An Phú, Huyện Long Xuyên, Tỉnh An Giang (nay thuộc xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Đàn giới này Tổ sư Minh Thông hiệu Hải Huệ đương vi đường đầu Hòa thượng, Thiền sư Tôn An đương vi Yết Ma A Xà lê, Thiền sư Từ Chơn đương vi Giáo Thọ A Xà Lê, Thiền sư Như Khả hiệu Chân Truyền đương vi đệ nhất Tôn Chứng sư.
Năm Tân Sửu (1901) Niên hiệu Thành Thái năm thứ 3, sau khi thọ Cụ túc giới, Ngài được bổ nhiệm trú trì chùa Thiền Lâm ở Nha Mân. Nơi đây Ngài mở lớp dạy giáo lý và thuyết pháp mỗi tháng hai lần vào ngày Sóc Vọng (Rằm – 30), Bổn đạo kính ngưỡng quy y càng đông, trong đó có Bổn đạo và ban Hương chức Chùa Phước Long, Rạch Ông Yên thành kính cung thỉnh Ngài về Trụ trì nơi đây cho đến khi Viên tịch.
Năm Ất Tỵ (1905) Niên hiệu Thành Thái năm thứ 7,  Ngài lại được mời làm trú trì chùa Phước Long ở Rạch Ông Yên cũng thuộc Nha Mân. Bốn năm sau, năm Kỷ Dậu (1909) Niên hiệu Duy Tân năm thứ 3,  Ngài lo trùng tu chùa và thỉnh ý Hòa thượng Hồng Thiện hiệu Bửu Phước, chùa Phước Ân Rạch Cai Bường để tư vấn việc kiến trúc tái tạo toàn bộ ngôi Chùa này và xây dựng tiện nghi phòng ốc Tăng xá để mở trường Gia giáo, Tăng chúng theo học rất đông. Trong số các đệ tử của Ngài, có các vị sau này trở nên trụ cột của Phật giáo các tỉnh miền Tây như Hòa Thượng Thích Thành Chí trụ trì chùa Phước Ân ở Rạch Cai Bường, Hòa thượng Thích Thiện Tài, viện chủ chùa Bửu Lâm ở Rạch Cái Bèo, chứng minh đạo sư của Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Đồng Tháp, Hòa thượng Thích Huệ Từ, trú trì chùa Phước Long ở Rạch Ông Yên, chứng minh đạo sư của Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Đồng Tháp, Hòa thượng Thích Phước Minh, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Cần Thơ.
Năm Bính Tý, tháng hai, ngày 15 (08.03.1936) Ngài được cung thỉnh đương vi Pháp sư tại giới đàn chùa Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Lợi, tổng Thạnh Hòa, tỉnh Bạc Liêu. Giới đàn này do Ngài Huệ Viên trụ trì Vĩnh Hòa Tự đương vi Đàn đầu Hòa thượng, Ngài Vạn An tự, Chánh Thành Hòa thượng chứng minh.
Ngài là một Pháp Sư danh tiếng, được Tổ Phi Lai - Chí Thiền mời thuyết giảng tại chùa Phi Lai trong Đại Trai đàn về “ Pháp đếm hơi nhiếp tâm niệm Phật tam muội “ mà Ngài thường truyền dạy cho các đệ tử. Sau Đại Trai đàn, bài pháp này được ghi lại thành sách lưu tại chùa Phi Lai, Châu Đốc.
Trong cuộc đời tu hành, Ngài cùng Pháp lữ Bửu Phước Khai sơn chùa Phước Ân, chủ trương tham gia lao động làm kinh tế để chùa có đủ lương thực tự túc. Nhận thấy ruộng của chùa đều là ruộng gò, năng suất rất thấp. Ngài bèn ra sức cải tạo đất, bằng cách làm lò gạch, đào đất đúc gạch ngói vừa bán có tiền vừa hạ sâu ruộng để có thể cấy lúa hai vụ, đem lại kết quả rất khả quan. Gạch ngói mang hiệu Bửu Tân Long của chùa nổi tiếng, sản phẩm được tiêu thụ tận Sàigòn.
Tuy nhiên, Ngài coi đó chỉ là phương tiện trợ duyên, còn việc tu học mới là căn bản, cho nên sau khi đã đạt mục đích cải tạo ruộng cho chùa, Ngài giao lò gạch lại cho bổn đạo để chuyên chú vào việc tu hành và dìu dắt các đệ tử. Tháng giêng năm Nhâm Thân (1932) Niên hiệu Bảo Đại năm thứ 17, Ngài lại trùng tu chùa một lần nữa được khang trang bằng kết quả làm kinh tế của thời gian qua để phụng trì Tam Bảo. Sau khi trùng tu chùa xong thì Ngài khai Đại giới đàn tại Bổn Tự và Ngài đương vi Đàn đầu Hòa thượng.
Năm Nhâm Ngọ (1942) Ngài kiến khai đại giới đàn tại Bổn tự do Ngài đương vi Đàn đầu Hòa thượng.
Ngài cũng là một nhà Sư yêu nước, cùng người em ruột là Sáu Phụng pháp danh Trung Nghĩa từng tham gia tổ chức Thiên Địa Hội chống Pháp và bị bắt giam tại bót Thị Đinh. Nhờ Ngài trả lời bằng trí tuệ khôn khéo, nên sớm được trả tự do. Còn em Ngài là ông Sáu Phụng bị đày ra Côn Đảo. Sau cuộc Cách mạng đảo chính Nhật, giành được chính quyền Ngài ủng hộ phong trào Thanh niên Tiền phong, tiến hành Cuộc cách mạng tháng 8 năm Ất Dậu (1945). Khi thực dân Pháp trở lại gây hấn ở Nam bộ, chúng thẳng tay đàn áp cán bộ và khủng bố dân chúng.
Vốn có tài thợ mộc, Ngài nghĩ ra cách giúp đỡ Cách mạng, bằng sáng kiến đóng một cái hộc “đựng lúa của chùa hình vuông, có hai lớp vách để khi quân Pháp đi ruồng bố, Cán bộ chạy đến trốn vào. Còn Ngài thì mắc võng nằm xem kinh. Nhờ vậy, quân Pháp vào chùa chỉ thấy nhà Sư với ông già bà lão và trẻ em, nên không nghi ngờ gì.
Để thể hiện lòng từ bi cứu khổ ban vui, Ngài còn làm các công tác từ thiện xã hội giúp đỡ nhân dân. Ngài cho cất nhà dưỡng lão, tập trung các cụ già, người đau ốm lệnh hoạn không người chăm sóc, kêu gọi bổn đạo phát tâm giúp Ngài lập một nghĩa trang để những người cô thế này có nơi an nghỉ khi họ từ trần.
Duyên Ta Bà quả mãn, hóa duyên ký tất, ngày 14 tháng 4 năm Đinh Hợi (tức ngày 2-6-1947) vào lúc canh năm, tứ chúng vừa công phu khuya xong, Ngài đang nằm trên võng, tay cầm quyển kinh, đưa mắt nhìn khắp tứ chúng đang bao quanh, và nhỏ giọng niệm “A Di Đà Phật Vô Lượng Y Vương “ rồi nhắm mắt an nhiên thị tịch, hưởng thọ 66 tuổi đời, 46 hạ lạp.
Các dịch phẩm của Ngài gồm có:
- Đốn ngộ nhập đạo yếu môn.
- Vạn pháp qui tâm lục.
- Phật học dị giải....
·       - Chú thích:
(1) Năm Đinh Hợi (1947), Tổ đình Khải Phước Nguyên bị hỏa thiêu,hy sinh vì Tổ quốc do tiêu thổ kháng chiến và Pháp khí bằng đồng thau thì hóa thân vũ khí để chống giặc thực dân Pháp. Tháp và di cốt của Yết Ma Cả được dời về chùa Phước Ân năm Kỷ Tỵ (1989).
(2) Khai Sơn chùa Phước Ân ở Rạch Cai Bường, xã Vĩnh Thạnh, huyện Thạnh Hưng, tỉnh Đồng tháp.
(3) Khai Sơn chùa Vạn Phước, xã Bình Thủy, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ.
(4) Hiện nay chùa Long Thạnh ở số 3/265 tỉnh lộ 10 xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh.
Do vì thiếu tài liệu tham khảo nên vào đầu thập niên 90, khi cộng tác với Thượng tọa Thích Đồng Bổn để biên tập Danh Tăng tập I còn nhiều thiếu sót, kính mong chư tôn Thiền đức khi đã phát hiện sai sót hoặc có tài liệu gì liên quan, kính xin các Ngài hoan hỷ cung cấp để hoàn thiện tiểu sử này trong những lần tái bản.
Pháp điệt Thích Vân Phong kính soạn