Im lặng như pháp

Người ta thường nói: “Im lặng là vàng”, nghĩa là sự im lặng có giá trị cao quý giống như vàng thật sự. Tại sao sự im lặng mà có giá trị lớn lao như vậy? Im lặng đã giúp ích được vấn đề gì cho con người trong cuộc sống?


Người ta thường nói: “Im lặng là vàng”, nghĩa là sự im lặng có giá trị cao quý giống như vàng thật sự. Tại sao sự im lặng mà có giá trị lớn lao như vậy? Im lặng đã giúp ích được vấn đề gì cho con người trong cuộc sống? Vấn đề này nghe có vẻ như mâu thuẫn. Bởi vì trong cuộc sống, sự nói năng giao tiếp có một chức năng vô cùng quan trọng chi phối mọi hoạt động của con người. Ngôn ngữ có khả năng chuyển tải mọi thông tin cần thiết giúp cho con người hiểu biết nhau hơn; là phương tiện truyền thông giữa con người với con người và giữa con người với cộng đồng xã hội. Ngôn ngữ còn biểu đạt được cả tâm tư tình cảm bên trong của con người. Ngôn ngữ còn là phương tiện đưa người ta đến với chân lý thực tại, thể nghiệm thực tại. Tất nhiên, ngôn ngữ có khả năng nâng người ta lên đến với chân-thiện-mỹ thì ngôn ngữ cũng có khả năng nhấn chìm con người trong vòng cương tỏa của tội lỗi. Ở đây, không bàn nhiều về vấn đề chức năng của ngôn ngữ mà chỉ muốn nói về thực tại phi ngôn, nhưng có khả năng hóa giải rất cao, đưa con người trở nên thánh thiện hơn.

Trong Phật giáo, ngôn ngữ cũng có một vai trò rất lớn trong việc chuyển tải lời dạy của Phật. Hành giả nương theo lời dạy đó để tu tập nhằm đạt đến sự an lạc giải thoát. Hẳn nhiên, ngôn ngữ không phải là chân lý tối hậu, mà ngôn ngữ chỉ là phương tiện để diễn đạt chân lý mà thôi. Đức Phật thường nhấn mạnh: “Nhấ t thiết Tu-đa-la như tiêu nguyệt chỉ”, hết thảy kinh điển đều như ngón tay chỉ mặt trăng, cần nương nơi ngón tay ấy để thấy mặt trăng, chứ ngón tay không phải là mặt trăng thật sự; hay “Như phiệt dụ giả”, giáo pháp như chiếc bè dùng để qua sông, mục đích chính là bờ bên kia, người qua sông rồi thì phải bỏ đò, chứ đừng qua sông rồi mà vẫn lụy đò. Từ ý nghĩa này, chúng ta dễ dàng hiểu câu nói: “Trong suốt 45 năm thuyết pháp độ sinh, Ta chưa từng nói lời nào”.

Nói như vậy không có nghĩa Phật giáo phủ nhận vai trò và chức năng của ngôn ngữ. Ngôn ngữ giúp ích rất nhiều vấn đề trong cuộc sống của con người. Thế nhưng trên phương diện tuyệt đối thì ngôn ngữ quả thật không thể chuyển tải hết tất cả giá trị của chân lý thực tại. Vì ngôn ngữ là sản phẩm của tư duy, hay của thức khái niệm, phạm trù, nên nó có tính cách võ đoán, còn tận sâu thẳm bên trong của lý tánh tuyệt đối thì ngôn ngữ không thể diễn đạt hết. Đó là thực tại phi ngôn.

Ở đây, tôi muốn nói đến sự im lặng diệu kỳ hay vô ngôn trong Phật giáo, một thuật ngữ Phật giáo đã được biểu hiện giữa các cuộc đối thoại của các bậc thánh giả, nhưng nó có khả năng đánh thức tiềm năng giác ngộ, giải thoát cho con người.

Vô ngôn, thực chất khi trong tâm thức không còn có sự phân biệt hay khái niệm phạm trù. Nó dứt bặt cả tưởng và tư, nên nó không cắt xén thực tại. Vô ngôn là không lựa chọn, không chia chẻ và cũng không đánh giá tiêu chuẩn một sự kiện nào hết. Sự im lặng diệu kỳ này vượt lên trên ranh giới của nhị nguyên đối đãi, không đóng khung trong một giá trị định mức có tính chất ước lệ khuôn sáo. Đây là trí tuệ như thật hay gọi là “không tuệ” không bị dính mắc vào tư kiến, thị phi giữa hữu và vô; chơn và tục. Vô ngôn hay sự im lặng chỉ được cảm nhận giữa tâm với tâm “dĩ tâm truyền tâm”, khi hai tâm thức cùng cảm ứng trong một giai tầng nhất định thì sự đối thoại này vượt xa hơn đối thoại của ngôn ngữ thường tình.

Đầu tiên, chúng ta bắt gặp sự im lặng của Đức Phật sau khi thành đạo. Sự im lặng này vừa để chiêm nghiệm lại quá trình chiến đấu và chiến thắng đưa đến thành tựu đạo quả, đồng thời cũng để tận hưởng những phút giây an lạc thực sự sau khi chứng đắc Vô thượng Bồ-đề.

Sự im lặng này cũng để nói lên rằng: “Đạo của Đức Phật chứng ngộ thì thật là cao xa mầu nhiệm, khó tin khó hiểu, chỉ những bậc trí mới có thể hiểu được; còn chúng sanh thì ưa ái dục, ham thích ái dục nên khó mà tiếp nhận được giáo lý thậm thâm vi diệu này”.

Đức Phật thuyết pháp độ sinh là vì lòng thương tưởng chúng sinh, ban vui cứu khổ, nên mở bày phương tiện quyền môn để tùy duyên hóa đạo, lợi lạc quần sanh.

Sự im lặng của Đức Phật tại núi Linh Thứu, khi giữa hội chúng Đức Phật đưa cành hoa sen lên, cả hội chúng không ai hiểu gì chỉ có ngài Ca-diếp mỉm cười tỏ ngộ “Niêm hoa vi tiếu”, rồi Đức Phật phú pháp cho ngài Ca- diếp: “Ta có Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, nay phú chúc cho Ca-diếp”, và Ngài truyền pháp kệ:

Pháp pháp bổn vô pháp
Vô pháp pháp diệc pháp
Kim phú vô pháp thời
Pháp pháp hà tằng pháp.

(Pháp vốn là vô pháp, vô pháp cũng là pháp, nay lúc phú vô pháp cho Ông, thì các pháp ấy chưa từng là pháp).
 


Trong cuộc đời của Đức Phật, chúng ta thấy phần lớn Ngài vẫn có nhiều sự im lặng lạ kỳ. Mỗi khi có ai đến vấn nạn thì Phật thường im lặng nhiều hơn là trả lời. Thông thường, mỗi khi chúng đệ tử thưa thỉnh một vấn đề gì, nếu không chấp nhận thì Đức Phật từ chối; còn chấp thuận thì Ngài mặc nhiên. Sự im lặng cũng thấy diễn ra trong việc tác pháp yết-ma của Tăng. Nếu yết-ma thành thì Tăng im lặng mặc nhiên, nếu không thành thì Tăng có ý kiến. Sự im lặng biểu hiện sức mạnh tự nội, sự đồng thuận nhất trí cao trong tinh thần hòa hợp thanh tịnh.

Sự im lặng của Tăng đoàn tại Kỳ Viên tinh xá đã làm cho vua A-xà-thế phải kinh hoàng, sợ hãi, khi Jìvaka, một y sỹ Phật tử dẫn ông tới yết kiến Phật vào một đêm nọ: “Này khanh Jìvaka, người phản ta chăng? Này khanh Jìvaka, người lường gạt ta chăng? Này khanh Jìvaka, người nạp ta cho kẻ thù chăng? Tại sao trong một đại chúng lớn như thế này gần một nghìn hai trăm năm mươi vị, mà không có một tiếng đằng hắng, không có một tiếng ho, không một tiếng ồn?”.

Biết được sự sợ hãi của nhà vua trước một khung cảnh quá trang nghiêm thanh tịnh này nên Jìvaka lập tức trấn an, rồi dẫn nhà vua đến diện kiến Đức Phật. Từ lần diện kiến này, vua A-xà-thế đã thực sự chuyển đổi cuộc đời sang một hướng mới, hướng của an lạc giải thoát. Chính trong những phút giây này, A-xà-thế đã khởi lên ăn năn về những lỗi lầm của mình, nhờ vào năng lực của Phật của Tăng mà vua đã làm được cuộc cách mạng vĩ đại trong cuộc đời. Từ một ông vua bạo ác hung tàn trở thành một ông vua Phật tử thuần thành hộ trì Tam bảo. Sự im lặng đó quả thật có một năng lượng đặc biệt có khả năng chuyển hóa thanh lọc từ tận trong bản thể uyên nguyên của nội tâm, tẩy trừ tất cả mọi cấu uế lỗi lầm để trở nên thanh tịnh tuyệt đối. Sự chuyển hóa này không có sự gượng ép mà hoàn toàn tự nhiên như ly nước lặng yên thì cặn lắng xuống. Thành ra khi chuyển đổi quan điểm không có sự đối kháng, do dự hay khởi lên một sự nghi ngờ nào hết.

Trong bài kinh Thánh cầu (Ariyapariyesansutta) thuộc tuyển tập Trung bộ, Đức Phật nhấn mạnh đến hai việc làm quan trọng của người xuất gia. Đó là thảo luận Chánh pháp (Dhamma- kathà) hay giữ sự im lặng của bậc Thánh (Ariya-tunhibhàva). Việc thứ nhất - thảo luận Chánh pháp - ngụ ý rằng người xuất gia phải tập trung học hỏi, nghiên cứu và thảo luận về giáo pháp của Phật để hiểu rõ về ý nghĩa, phương pháp và mục đích của việc tu học Phật pháp. Việc thứ hai - giữ sự im lặng của bậc Thánh - hàm ý sự chuyên tâm tu tập hay hành trì giáo pháp của Phật, cụ thể là việc tu thiền hay phát triển nội tâm theo lời Phật dạy.

“Im lặng như Chánh pháp” là im lặng bên trong, là tĩnh lặng tâm thức. Nghĩa là dừng lại, làm cho im lắng các ý tưởng, các suy tư, ý niệm phân biệt, các vọng thức hay tạp niệm. Đó là sự im lặng tự nội, kết quả của phép điều tâm rất căn bản và sâu sắc trong đạo Phật.

Nhiều cái im lặng của Phật và các Thánh tăng đã thực sự làm lay chuyển tâm thức của nhiều người. Có nhiều vị có thể gọi là “cứng đầu” nhất, nhưng sự im lặng kỳ diệu đã thu nhiếp được họ. Câu chuyện giữa ngài Mã Minh và Hiếp Tôn Giả là một trong những câu chuyện lý thú về diệu dụng của sự im lặng.

Trước khi theo Phật giáo, Mã Minh là một đại luận sư danh tiếng. Nhân nghe tiếng của Hiếp Tôn Giả, bèn tìm đến thách thức luận chiến, và đặt cược bằng chính thủ cấp của mình. Mã Minh dẫn chúng đệ tử đến trước Hiếp Tôn Giả nêu luận điểm tranh luận: “Tất cả ngôn ngữ điều có thể bị phủ định”. Hiếp Tôn Giả im lặng. Mã Minh không nhận được câu trả lời hay tranh luận của Hiếp Tôn Giả, cho rằng ông này đã thua, bèn sinh tâm kiêu mạn, cho rằng vị Hiếp Tôn Giả này chỉ có hư danh, vì không bác bỏ nổi luận điểm của mình.

Một thời gian sau, khi tự mình chiêm nghiệm về vấn đề, Mã Minh chợt khám phá ra lẽ và gọi chúng đệ tử đến và bảo: “Thật sự ta thua Hiếp Tôn Giả. Vì luận điểm nói, ‘Tất cả ngôn ngữ đều có thể bị phủ định’. Vậy chính tiền đề đó tự thân đã bị phủ định rồi. Hiếp Tôn Giả không nói gì, tất nhiên không có gì để bị phủ định”.

Rồi Mã Minh đến, theo đúng giao ước, để giao nộp thủ cấp cho Hiếp Tôn Giả. Nhưng Hiếp Tôn Giả nói, “Tôi không cần cắt thủ cấp của ông, mà chỉ cần cắt tóc của ông thôi”. Từ đó, Mã Minh thờ Hiếp Tôn Giả làm thầy, về sau trở thành đại luận sư của Đại thừa. Thế có nghĩa là sau sự im lặng, Mã Minh lại nói, và lại nói nhiều hơn nữa để chấn hưng đạo pháp.

Tất nhiên, về phương tiện lý giải, giữa nói năng và sự im lặng, thì sự im lặng là trình độ diễn đạt cao hơn, sâu hơn. Cho nên sau khi tường thuật chuyện Hiếp Tôn Giả, Cưu-ma- la-thập kết luận: “Nói và im lặng tuy khác nhau nhưng minh tông thì một. Điểm hội tụ là duy nhất, nhưng dấu đi đến có tinh có thô. Nói ở nơi cái không nói, tất chưa bằng không nói nơi cái nói. Cho nên, luận bằng sự im lặng là chỗ vi diệu của luận vậy”.

Ở Việt Nam chúng ta có Thiền sư Vô Ngôn Thông. Ngài là người ít nói nhưng thông minh. Trong lúc hoằng truyền Phật pháp, ngài cũng ít dùng lời nói mà phần nhiều dùng phương thức truyền tâm là chủ yếu. Theo ngài, ngay cả sự trao truyền tâm ấn cũng phải được hiểu như một sự trao truyền không trao truyền, không có người trao và người tiếp nhận và không có đối tượng trao và nhận. Chính sự im lặng này mà ngài đã cảm hóa được Cảm Thành mà sau này thiền phái Vô Ngôn Thông truyền đến rất nhiều thế hệ và có một thời ảnh hưởng rất lớn ở nước ta.
 


Nói chung từ Phật đến Tổ tất cả đều dùng đến sự im lặng diệu kỳ để tùy cơ tiếp vật. Sự im lặng này tác động lớn đối với tâm thức của con người xưa cũng như nay, mang lại lợi ích thiết thực, giải quyết được rất nhiều vấn đề mà không có sự xung đột nào. Ngày nay giữa một xã hội đầy biến động, sự ô nhiễm môi trường tràn lan trong đó có sự ô nhiễm của tiếng ồn. Thời đại của công nghệ thông tin hiện nay càng tìm cách làm cho người ta nói với nhau nhiều hơn. Nhưng càng nói nhiều thì càng rối ren thêm, có khi trở thành “miệng lưỡi đao búa”, gây nên khổ đau thù hận để rồi người ta xa nhau. Giữa lúc này thì sự im lặng kỳ diệu thật sự có giá trị thiết thực, không những làm cho môi trường thanh tịnh trong lành mà còn làm cho lòng người an tịnh nhiều hơn. Mặt khác, chúng ta có cơ hội nhìn lại nội tâm của chính mình để tìm lại nguồn hạnh phúc an lạc, làm cho cuộc đời có ý nghĩa thật sự.

Theo Văn hoá Phật giáo số 344 ngày 15-05-2020