Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ra mắt ấn phẩm Kinh Trường Bộ và Kinh Trung Bộ

Chiều ngày 6/11, tại Thiền viện Vạn Hạnh (Quận Phú Nhuận, TP.HCM), Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam (VNCPHVN) đã có buổi ra mắt 2 ấn phẩm đầu tiên là Kinh Trường Bộ và Kinh Trung Bộ thuộc đại dự án Tam Tạng Thánh Điển Phật Giáo Việt Nam (TTTĐPGVN) sau 2 năm nghiên cứu. Lễ ra mắt đã trân trọng đón tiếp Hoà thượng Chủ tịch HĐTS Thích Thiện Nhơn quang lâm chứng minh và chỉ đạo.
 

Tham dự buổi lễ còn có sự hiện diện gồm: HT.Thích Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS, Viện Trưởng VNCPHVN, HT.Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông TƯ, Viện trưởng phân viện VNCPHVN tại Hà Nội; TT.Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS; cùng chư Tôn đức HĐTS, thành viên VNCPGVN, cùng khách mời là tầng lớp học giả, nhà nghiên cứu Phật học.

 

TT. Thích Giác Hoàng - Tổng thư ký VNCPHVN - Tổng điều phối chương trình buổi lễ
 
TT.Thích Tâm Đức – Phó Viện trưởng Thường trực phát biểu khai mạc
 
2 ấn phẩm Kinh Trường Bộ và Kinh Trung Bộ vừa được ra mắt


Tại buổi lễ, thay mặt VNCPGVN, TT.Thích Tâm Đức – Phó Viện trưởng Thường trực phát biểu khai mạc có nhấn mạnh “Đây là một trọng trách, một Phật sự kế thừa thiêng liêng hoài bão của chư Tôn đức Trưởng lão tiền nhân, cũng như lòng khát vọng về Tam Tạng kinh điển Phật giáo bằng tiếng Việt để làm chỗ nương tựa căn bản tu học, tìm hiểu về Chánh Pháp của Đức Thế Tôn, những luận giải của các bậc Đại sĩ qua các thời đại và các nền văn hoá khác nhau, làm chỗ y cứ, tham khảo cho Phật giáo Việt Nam hiện tại và tương lai”.

TT.Thích Minh Thành – Phó Viện trưởng, đồng Tổng biên tập TTTĐPGVN đã giới thiệu đôi nét về ấn bản mới và cấu trúc nội dung, cách biên tập của TTTĐPGVN


TT.Thích Minh Thành – Phó Viện trưởng, đồng Tổng biên tập TTTĐPGVN đã giới thiệu đôi nét về ấn bản mới và cấu trúc nội dung, cách biên tập của TTTĐPGVN. Theo đó, dựa vào Tạng Kinh Việt Nam do Trưởng lão HT.Thích Minh Châu làm chủ biên, VNCPHVN đã biên soạn lại Kinh Trường Bộ từ 2 tập gom thành 1 tập gồm 710 trang, Kinh Trung Bộ 3 tập gom thành 1 tập gồm 1251 trang.

TT.Thích Nhật Từ – Phó Viện trưởng, Tổng biên tập TTTĐPGVN trình bày về viễn kiến, sách lược in ấn của bộ TTTĐPGVN trong thời gian tới.
 
TT.Thích Phước Tiến báo cáo kinh phí in ấn, phát hành và vận động tài chính
 
Bà Nguyễn Thị Thu – Tổng Giám đốc công ty giấy Toàn Lực

Tại lễ ra mắt, đơn vị phụ trách in ấn TTTĐPGVN, bà Nguyễn Thị Thu – Tổng Giám đốc công ty giấy Toàn Lực đã cho biết về quy cách và chất lượng giấy sử dụng như: Ruột giấy siêu nhẹ có xuất xứ từ Phần Lan với thời gian sử dụng trên 100 năm; cùng khâu thiết kế, trình bày công phu; bìa sử dụng giấy mỹ thuật cao cấp xuất xứ từ Phần Lan với chữ và các hoạ tiết ép nhũ vàng trên bìa hiệu Kurz nhập từ Đức; toàn bộ khung sách được mạ vàng 3 cạnh theo công nghệ Thuỵ Sỹ.

HT.Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN


Ban đạo từ, Hoà thượng Chủ tịch HĐTS cho rằng, để hoàn thành công trình TTTĐPGVN cần sự quyết tâm và nỗ lực hết lòng của toàn thể chư Tôn đức VNCPHVN và thành viên Ban Biên tập TTTĐPGVN.

Hoà thượng Viện trưởng dâng cúng dường 2 ấn phẩm của TTTĐPGVN

Qua việc ra mắt 2 ấn phẩm đầu tiên đúng thời gian đề ra, thay mặt Trung ương GHPGVN, Hoà thượng lấy làm hoan hỹ và tán dương công đức Hoà thượng viện trưởng đã chỉ đạo thành viên của Viện hoàn thành một công việc mang tính lịch sử để tiếp nối những thành tựu của các bậc Trưởng lão tiền bối.

HT.Thích Giác Toàn – Viện Trưởng VNCPHVN

Phát biểu đúc kết, HT.Thích Giác Toàn khẳng định “Bộ TTTĐPGVN ra đời lần này là sự kết tinh từ các bậc Tổ sư, các bậc chân tu thật học, nhiều thế hệ dịch giả, nhà nghiên cứu…”. Dịp này, Hoà thượng cũng tri ân sự chỉ đạo sâu sát của Hoà thượng Chủ tịch và Trung ương Giáo hội trong quá trình nghiên cứu, dịch thuật, in ấn; cùng sự yểm trợ của các mạnh thường quân cư sĩ Phật tử trong và ngoài nước.

Dịp này, VNCPHVN cùng ký kết với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam để hỗ trợ công tác phát hành các ấn phẩm TTTĐPGVN đến các Học viện, Tự viện và Tăng Ni, Phật tử trên cả nước
 
Chụp ảnh lưu niệm ngày ra mắt
 
Theo phatsuonline.com