Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam: Lời nói đầu
LỜI NÓI ĐẦU
Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam là một kho tàng Pháp bảo đầy đủ của Phật giáo Việt Nam, gồm Kinh, Luật, Luận, Sớ giải, Sử và các tác phẩm liên quan đến Phật giáo Việt Nam. Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam chứa đựng tư tưởng tâm linh, kho tàng trí tuệ, nền tảng văn hóa đạo đức có giá trị vượt thời gian và không gian. Cùng với những hệ thống tư tưởng lớn khác ở phương Đông và trên thế giới, hệ thống tư tưởng minh triết của đạo Phật lưu xuất từ Thánh điển Phật giáo trong từng thời kỳ, càng lúc càng có ảnh hưởng rộng lớn và thấm đượm nơi tâm hồn con người nói chung, tâm hồn người Phật tử Việt Nam nói riêng, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa đạo đức Việt Nam.
Dân tộc Việt Nam từ thời khởi nguyên đã có mối nối kết với Phật giáo. Phật giáo Việt Nam bắt đầu từ rất sớm và xuyên suốt dòng lịch sử luôn đồng hành cùng dân tộc. Đất nước và con người Việt Nam, trong không gian minh triết phương Đông, ân hưởng nguồn sáng thiêng liêng cùng với sức mạnh chuyển hóa nhiệm mầu của đạo Phật, đã phát triển, sánh vai với bạn bè trên thế giới. Ngày nay, Phật giáo Việt Nam đang tiếp tục vươn lên với những hoạt động mang tầm quốc gia và quốc tế trên nhiều phương diện, trong đó Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam là một dấu chỉ quan trọng trên lộ trình phát triển, phát huy tiềm năng con người Việt Nam và Phật giáo Việt Nam về phương diện văn hóa tâm linh và hàn lâm học thuật.
Văn pháp được sử dụng để chuyển tải nội dung của Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam tiệm cận những tiêu chí: Trung thực, uyên thâm, văn nhã. Những chuẩn mực khác cũng được quan tâm như: Trang trọng, uy nghiêm. Tiêu chí, chuẩn mực được đặt ra và triển khai nhằm nâng cao hiệu quả của việc tụng niệm và hành trì, gia tăng hiệu ứng tâm linh, khuếch tán ở mức cao nhất ánh sáng mầu nhiệm thiêng liêng lưu xuất từ đầu nguồn là đấng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Thuở khởi nguyên của Thánh điển bắt đầu với việc kết tập Tam tạng. Ba lần kết tập đầu tiên, Thánh điển được trùng tụng, chuẩn y và ghi nhớ từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng phương pháp khẩu truyền. Thế kỷ thứ III (TTL) đã có những phái đoàn hoằng pháp do Vua Asoka chủ trương và thực hiện, trong đó Hoàng tử Mahinda và Công chúa Saṅghamittā của vương triều này đã truyền bá đạo Phật sang Tích Lan. Hai thế kỷ sau, dưới triều đại nhà Vua Tích Lan Vaṭṭagāmaṇī Abhaya, Thánh điển được biên chép và bổ sung phần Chú giải. Ở Ấn Độ, lần kết tập thứ tư dưới sự bảo trợ của Vua Kaniṣka từ cuối thế kỷ thứ I đến đầu thế kỷ thứ II, Thánh điển được viết xuống bằng ngôn ngữ Sanskrit. Như vậy, cả hai hệ thống kinh điển tiếp tục được lưu giữ, quảng bá ở bản địa và lan tỏa sang các nước khác dưới hai dạng, chữ viết và khẩu truyền.
Hầu hết Thánh điển Phật giáo từ hai hệ thống trên vẫn còn được bảo tồn đầy đủ trong dạng nguyên ngữ hay dịch ngữ, và có những phiên bản tiếp tục được phát hiện dù có những khoảng thời gian việc thế thế truyền thừa dường như bị gián đoạn, thậm chí mai một. Ánh sáng trí tuệ chứa đựng trong Thánh điển Phật giáo càng lúc càng được giới trí thức của thế giới cả phương Đông lẫn phương Tây nhận thức. Tạng Sanskrit được tái phát hiện ở Nepal vào năm 1822, có thể xem là tạng Sanskrit truyền sang thế giới phương Tây sớm nhất. Tạng Pāli do Hoàng tử Mahinda khởi động truyền bá từ Ấn Độ sang Tích Lan, sau đó nhờ được sự bảo trợ dưới triều Vua Vaṭṭagāmaṇī Abhaya vào thế kỷ thứ I (TTL), công trình trùng tụng, biên chép và bảo tồn được tổ chức thực hiện quy mô lớn tại Aluvihāra, thành phố Matale, với 500 nhân sự chuyên trách.
Tạng Pāli được xem là Thánh điển Phật giáo chính thống của các nước thuộc hệ thống Nam truyền như Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào. Luận sư Buddhaghosa vĩ đại của thế kỷ thứ V đã có công lớn đối với Thánh tạng Pāli. Nửa cuối thế kỷ XIX, Miến Điện tổ chức kết tập Tam tạng, trùng tụng, học thuộc Thánh điển, và nổi tiếng với bộ kinh bằng đá hoa cương thực hiện năm 1860 do Vua Mindon bảo trợ. Năm 1881, Pali Text Society (Hội Thánh điển Pāli) ra đời với mục tiêu là biên tập, ấn hành nguyên bản Pāli và phiên dịch sang tiếng Anh. Đầu thế kỷ XX, công trình phiên dịch Thánh tạng quy mô từ tiếng Pāli sang tiếng Thái được thực hiện và giới thiệu rộng rãi thông qua mạng lưới các trường đại học trên thế giới, dưới sự bảo trợ của Vua Chulalongkorn thứ V.
Ngoài tạng Pāli và tạng Sanskrit, khi nói về phương diện đầu nguồn, cổ kính và thẩm quyền, cần ghi nhận rằng Thánh tạng tiếng Hán cổ có truyền thống lâu đời, bao phủ một địa bàn văn hóa rộng lớn tầm châu lục. Từ nhà Tống đến nay, Trung Quốc có tất cả 25 bản Đại tạng, riêng nhà Tống đã có đến 8 bản Đại tạng khác nhau. Bản Đại tạng khắc gỗ đầy đủ đầu tiên của Trung Quốc được đặt tên là Khai Bảo tạng, hoàn thành năm 983. Cao Ly (tên gọi Triều Tiên từ thế kỷ X-XIV) có ba lần khắc Đại tạng, trong đó Bát vạn Đại tạng kinh (còn gọi là Cao Ly Đại tạng kinh) nổi tiếng với trên 81.000 phiến gỗ, khắc vào thế kỷ thứ XI, đang được bảo tồn cẩn trọng tại Hải Ấn tự. Nhật Bản tiếp nhận suối nguồn Phật giáo khá trễ, có 9 bản Đại tạng. Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh (Taishō Shinshū Daizōkyō, 大正新脩大藏經) do Takakusu Junjiro, Watanabe Umiakira và các cộng sự viên thực hiện, gồm 100 tập, dựa trên các bản của Đại tạng kinh Trung Hoa và Cao Ly, tạo nên một bản Đại tạng kinh Phật giáo Bắc truyền hoàn chỉnh nhất cho đến năm 1934. Mông Cổ và Tây Tạng đều có Đại tạng riêng. Đại tạng Tây Tạng cũng đã trải qua 12 lần khắc bản, được in ấn khác nhau và bộ hiện nay rất lớn với 73 triệu chữ chia làm hai phần: Kangyur (Kinh tạng - Luật tạng) và Tengyur (Luận tạng).
Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam có điểm xuất phát từ thời còn chia sẻ chung một dạng văn tự với người Hán, phục vụ cho Phật giáo của cả một khu vực địa lý văn hóa rộng lớn bao gồm nhiều quốc gia, dân tộc. Ở Việt Nam, nhà Đinh đã bắt đầu việc khắc kinh trên đá, đến thời nhà Lý việc khắc mộc bản khởi sự và hoàn thành một phần vào năm 1126, niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ. Vào năm 1311 (Tân Hợi), niên hiệu Hưng Long nhà Trần, Tôn giả Pháp Loa và Thiền sư Bảo Sái phụng chiếu Vua Trần Anh Tông đảm trách công trình cấp quốc gia là khắc gỗ Đại tạng kinh. Trải qua những biến thiên của lịch sử, thế hệ chư cổ đức đã hết lòng truyền trì đạo mạch. Có những giai đoạn lịch sử, công trình phiên dịch và ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam có biểu hiện dừng lại hẳn, nhưng thật ra vẫn được chư Tôn đức tiền hiền âm thầm thực hiện.
Lịch sử thực hiện Đại tạng kinh Việt Nam khởi sắc trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo giữa thế kỷ thứ XX. Việc phiên dịch, ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam với những mảng lớn hơn và quy mô lớn hơn được triển khai thực hiện, tiêu biểu là Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh phiên dịch Đại tạng Bắc truyền và Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu phiên dịch Đại tạng Nam truyền. Những trung tâm phiên dịch với những dịch giả nổi tiếng cũng xuất hiện như Trung tâm Phiên dịch Huệ Nghiêm, Trung tâm Phiên dịch Hải Đức, sau này có Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang. Đặc biệt, chư Tôn đức Giáo phẩm, quý cư sĩ thiện hữu trí thức tiền bối và đương thời nối tiếp công việc phiên dịch các bộ Kinh, Luật, Luận, Sớ giải, như quý Ngài: Hòa thượng Thích Trí Nghiêm, Hòa thượng Thích Hành Trụ, Hòa thượng Thích Mật Nguyện, Hòa thượng Thích Trí Quang, Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hòa thượng Thích Thanh Từ, Hòa thượng Thích Huệ Hưng, Hòa thượng Thích Đỗng Minh, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Hòa thượng Thích Phước Sơn, Hòa thượng Thích Minh Cảnh, Hòa thượng Thích Đức Thắng, Cư sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám, Cư sĩ Đoàn Trung Còn, Cư sĩ Đào Nguyên, Cư sĩ Định Huệ, Cư sĩ Nguyên Tâm - Trần Phương Lan,…
Như vậy, nội dung bộ Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam có sự khác biệt. Các Đại tạng khác chỉ chứa đựng một trong hai hệ thống, Nam truyền hoặc Bắc truyền, hoặc có một phần của nhau, nhưng không đầy đủ. Trong khi đó, Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam chuyển tải cả hai hệ thống và được bố cục lại. Đối với Tam tạng Nam truyền (Thượng Tọa bộ), cấu trúc được giữ nguyên như trong hệ thống Pali Text Society (Chánh kinh, Chú giải, Phụ Chú giải). Đối với Bắc truyền, cấu trúc được chia thành hai phần: Bộ phái và Đại thừa, được bố cục lại theo cách phân chia Kinh, Luật, Luận, Sớ giải. Nguồn tư liệu này dựa vào Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh. Ngoài ra, còn có tham khảo thêm nguồn tiếng Sanskrit, tiếng Anh và một số ngôn ngữ khác. Phần Tục tạng của Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam bao gồm các tác phẩm kinh điển do những thế hệ tri thức của Phật giáo Việt Nam trước tác, nối kết liền mạch từ thời sử dụng chữ Hán, Hán Nôm và chữ Quốc ngữ.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay tiếp nối tinh thần phiên dịch Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam của chư tiền hiền hữu công, với sự khởi xướng của Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, đã thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam làm cơ sở pháp lý, nền tảng hành chánh cho việc tổ chức nhân sự, giúp Giáo hội Phật giáo Việt Nam nâng mức độ hoàn thiện của Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam lên một tầm cao mới, đặt một dấu ấn cho sự hoàn chỉnh trang nghiêm của ngôi báu Pháp bảo.
Phiên dịch Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam là công việc cần một nguồn nhân lực trí thức và tinh thần làm việc bền bỉ, đồng thời phải vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa và khoảng cách thế hệ. Những dịch giả đỉnh cao ở Trung Quốc như Đạo An, Cưu-ma-la-thập, Huyền Trang... đều biểu tỏ sự khó khăn khi thực hiện bản Hán dịch. Trong khi đó, độ chính xác của bản Việt dịch nói chung phải dựa trên độ chính xác của bản Hán dịch. Phiên dịch Kinh tạng Pāli cũng không ngoại lệ, khi dựa vào những bản gốc đã được sao chép nhiều lần trước khi in ấn. May thay, với sự tiến bộ của thời đại, hầu hết những rào cản đều đã được vượt qua và phản ánh trong Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam. Sự vượt qua những khó khăn trên nhờ vào sự phát triển của mạng lưới thông tin toàn cầu, nguồn tham khảo phong phú, kỹ thuật tra cứu tiên tiến. Mặt khác, Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam phản ánh việc định hình được một bộ thể lệ quy chuẩn, làm cơ sở tham chiếu cho việc biên tập và dịch bổ sung, song song với việc xây dựng một bộ thuật ngữ thiết yếu và chuyên sâu. Tất cả đều góp phần đáng kể cho tính hệ thống, tính nhất quán khoa học, nâng cao giá trị hàn lâm của Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam.
Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam mở ra một triển vọng mới cho những tác phẩm hậu kỳ như tóm tắt, tân giải, đồ giải hay làm tiền đề cho những công trình hỗ trợ tiện ích theo sau: Tổng mục lục, Đại từ điển Thuật ngữ, Lịch sử hình thành Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam.
Ngoài ấn bản mang tính thiêng liêng của hiện tiền Pháp bảo được thực hiện trang nghiêm với chất liệu cao cấp, thiết kế mẫu mực, kỹ thuật in ấn tiên tiến, chứa đựng nội dung và văn pháp như đã được giới thiệu ở trên, Ban Biên tập Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam còn thực hiện bản số hóa làm tăng thêm khả năng đồng bộ, lan tỏa rộng khắp, khả năng tiếp cận và tham khảo nhanh chóng, hướng đến những tiêu chí học thuật hàn lâm tối ưu.
Bộ Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam ra đời lần này là kết tinh từ các bậc Tổ sư, các bậc chân tu thật học, nhiều thế hệ dịch giả, nhà nghiên cứu... Hình ảnh các Ngài an nhẫn, kiên định, tận tụy, cần mẫn dịch từng trang kinh, chọn lựa từng chữ, cân nhắc từng thuật ngữ Phật học, đối khảo các bản dịch, bổ sung từng cước chú, nhuận sắc từng dấu chấm phẩy, để đảm bảo “văn nghĩa đầy đủ” một cách tốt đẹp nhất, luôn là nguồn động lực khích lệ cho các thế hệ Tăng Ni và Phật tử tiếp bước noi theo.
Hơn bảy thập niên trôi qua, các nhà phiên dịch Tam tạng ngày đêm âm thầm làm việc, đã đóng góp vào kho tàng văn học Phật giáo, tạo nên bản sắc văn hóa tâm linh Phật giáo Việt Nam, làm cho Pháp bảo được lưu bố ở nhân gian, công đức ấy đang ẩn tàng trong từng con chữ, trong số nhiều chục triệu con chữ của ấn bản Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam lần này thật bất khả tư nghì.
Việc phiên dịch và ấn hành Pháp bảo này thành tựu còn được sự yểm trợ, ủng hộ nhiệt tình của chư Tôn đức Tăng Ni và các mạnh thường quân cư sĩ Phật tử trong và ngoài nước, từ quá khứ đến hiện tại. Xin thành kính tri ân công đức của quý liệt vị.
Thành kính cúng dâng ấn phẩm Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam này lên mười phương chư Phật, chư Tôn Bồ-tát, liệt vị Tổ sư, chư vị Tôn đức dịch giả và hiện tiền chư Tôn đức Giáo phẩm chứng minh. Thành tâm hồi hướng công đức, nguyện cầu Phật nhật tăng huy, Pháp luân thường chuyển, quốc thái dân an, pháp giới hữu tình ân triêm lợi lạc.
Vesak Liên Hợp Quốc, PL.2563 – DL.2019
Hòa thượng THÍCH GIÁC TOÀN
(Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam)