Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

Luật Tạng >> Luật Ma Ha Tăng Kỳ - tập 1

Giới: Trộm cắp

PHẦN THỨ NHẤT CỦA GIỚI TRỘM CẮP
Khi Phật an trú tại thành Vương Xá, nói rộng như trên... Lúc bấy giờ, con của người thợ gốm là Trưởng lão Ðạt-nị-già (Sudinna) đi quyên góp về xây cất tăng phòng cao lớn, trang nghiêm đẹp đẽ, rồi điêu khắc,chạm trổ văn vẻ, lại dùng dầu thơm rưới lên nền có màu sắc lưu ly, và bày biện (238b) các thức ẩm thực.
Bây giờ có vị trưởng lão Tỳ-kheo đến, hỏi Ðạt-nị-già: "Trưởng lão bao nhiêu tuổi?"Ðạt-nị-già đáp: "Tuổi chừng đó". Khách Tỳ-kheo nói: "Thầy còn nhỏ, tôi nên ở trong phòng này". Thế rồi Ðạt-nị-già nhường phòng lại cho Thượng tọa ở rồi đi khuyến hóa về cất một căn phòng thứ hai. Lại một trưởng lão Tỳ-kheo khác đến, thầy cũng nhường phòng như trước, rồi đi quyên góp xây cất căn phòng thứ ba. Lần này cũng có một trưởng lão Tỳ-kheo khác đến, và thầy cũng nhường phòng như hai lần trước.
Khi ấy, Ðạt-nị-già suy nghĩ: "Ta trải bao gian khổ xây phòng, nhưng không được ở, vậy ta phải tìm cây gỗ và nhân công ở đâu để xây lại căn phòng khác? Ta bị mưa gió nóng lạnh, muỗi ruồi làm khốn đốn, nên tìm cách xây được căn phòng vừa mới hoàn thành, thì kẻ 

* Trang 76 *
device

khác đã chực sẵn như mèo rình chuột, vừa làm xong là đoạt mất. Vậy phải làm sao đây?". Bèn suy nghĩ: "Ta vốn là thợ khéo, lại có sức lực, ta nên xây một căn phòng bằng gạch trên tảng đá đen bên hang núi của các vị tiên nhân, rồi nung cho chín để ở". Khi Ðạt-nị-già suy nghĩ thế rồi, bèn xây một căn phòng bằng gạch trên tảng đá đen bên hang núi các tiên nhân, rồi nung chín thành ngôi nhà, đồng thời chạm trổ và đặt các cánh cửa, chỉ trừ cánh cửa, then cửa và giá áo, ngoài ra các cái khác đều được nung chín, màu sắc đỏ au như Ưu-đàm-bát.
Lúc bấy giờ, sau cơn mưa trời tạnh. Ðức Thế Tôn đang đi kinh hành bên triền núi Kỳ-xà-quật. Với Phật nhãn Đức Như Lai không việc gì chẳng thấy, không có sự gì chẳng nghe, không có điều gì chẳng biết, vì nhân duyên ấy, Ngài muốn thuyết Khế kinh để cho giới luật được tồn tại lâu dài. Do đó tuy biết, ngài vẫn hỏi các Tỳ-kheo: "Trên tảng đá đen bên hang núi của các tiên nhân, có vật gì giống như hoa Ưu-đàm-bát kia vậy?". 
Các Tỳ-kheo bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Ðạt-nị-già trước kia đi khuyến hóa về làm tăng phòng rồi điêu khắc chạm trổ cực kỳ trang nghiêm, khi hoàn thành thì có vị Thượng tọa đến chiếm lấy, thầy bèn làm cái thứ hai, thứ ba, lại cũng bị chiếm lấy như trước. Thế nên, giờ đây thầy mới xây riêng một căn phòng bằng ngói nung chín có màu sắc đẹp đẽ như hoa Ưu-đàm-bát trên tảng đá đen, bên hang núi của Tiên nhân kia vậy".
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bèn bảo A- nan đem y đến cho ngài, A-nan liền đem y dâng lên Đức Như Lai. Thế rồi, 

* Trang 77 *
device

 Thế Tôn khoác y, đi đến chỗ tảng đá đen bên hang núi của các Tiên nhân. Vì Đức Thế Tôn đã thành tựu tối thắng các oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi (nên thoạt hiện một cách tự nhiên) không cần phải dụng tâm. Vì sao vậy? - Vì công đức của hạnh nghiệp tự nhiên thù thắng nên chư Thiên, Phạm vương không thể sánh bằng, như trong Kinh Oai Nghi đã mô tả đầy đủ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng oai nghi thù thắng đi (238c) đến căn phòng gạch của Ðạt Nị Già. Thiên thần bèn làm cho cánh cửa tự mở, tuy căn phòng nhỏ hẹp, nhưng đức Như Lai đi vào tự nhiên, không thấy nhỏ hẹp chút nào. Khi đức Như Lai vào phòng của Ðạt-nị-già xong, bèn dùng bàn tay vàng sờ vào vách tường, nói với các Tỳ-kheo: "Các thầy hãy xem Tỳ-kheo Ðạt-nị-già đã trang hoàng căn phòng này thật khéo léo. Tỳ-kheo Ðạt-nị-già này tuy đã xuất gia mà vẫn chưa chán nghề nghiệp thuở trước, chưa chịu từ bỏ những kỹ thuật khéo léo, lại còn nung đốt căn phòng làm thương tổn chúng sanh. Vả lại căn phòng này khi lạnh thì rất lạnh, khi nóng thì rất nóng, có thể làm hư mắt người ta, khiến người ta sinh nhiều bệnh. Vì có những điều bất tiện như thế, nên các thầy phải phá nó đi, chớ để sau này các Tỳ-kheo lại bắt chước làm kiểu phòng ấy. Vì tương lai các Tỳ-kheo sẽ bảo: "Khi Thế Tôn còn tại thế, các Tỳ-kheo mỗi người tự làm phòng để ở, do đó cần phải phá bỏ". Thế rồi các Tỳ-kheo bèn đập bỏ căn phòng ấy.
Ðức Thế Tôn sai đập bỏ căn phòng ấy xong, liền trở về nuí Kỳ-xà-quật . 

* Trang 78 *
device

Khi Trưởng lão Tỳ-kheo Ðạt-nị-già từ thôn xóm khất thực trở về, thấy căn phòng mình đã bị đập phá, bèn hỏi các Tỳ-kheo: "Ai phá căn phòng này?". 
Lúc ấy có một Tỳ-kheo nói với Ðạt-nị-già: "Nay thầy được lợi ích rất lớn. Vì sao vậy? Vì Đức Như Lai đã hạ cố đến căn phòng này, thầy nhờ căn phòng này mà được hưởng phước lây. Ðức Thế Tôn biết thời, nên đã sai người đập phá căn phòng này". 
Khi Ðạt-nị-già nghe như thế, thầy hoan hỷ cực độ, nên suốt cả bảy ngày quên hết đói khát. Nhưng sau bảy ngày, thầy liền suy nghĩ: "Ta biết tìm cây gỗ ở đâu để xây lại căn phòng mới, viên quan kiểm lâm của vua Bình-sa là Da-thâu-đà vốn là bạn cũ của ta, ắt có cây gỗ". Nghĩ thế thầy bèn khoác y thường mặc, cầm bát đi đến nhà Da-thâu-đà, ủy lạo rằng: "Ông không bệnh, trường thọ chứ? Tôi muốn cất một căn phòng mà chưa có cây gỗ, ông có thể ủng hộ cây gỗ được không?". 
Viên đại thần đáp: "Nhà tôi không có cây, mà cây của vua cũng hết cả, khi nào gỗ chở đến tôi sẽ cấp cho thầy". 
Ðạt-nị-già liền nói: "Chớ nói như thế, lẽ nào cây của vua mà lại hết được?". 
Viên đại thần lại nói: "Tôn giả, nếu thầy không tin, hãy thân hành đến xem".
Bấy giờ. Ðạt-nị-già liền đến chỗ vườn cây, trông thấy năm cây gỗ lớn, bèn chọn lấy hai cây đem về phòng. Theo phép cũ của Tiên vương, cứ năm ngày vua phải đi tuần hành quan sát kho lẫm, kho chứa vàng bạc, nơi cung nhân cư trú, các chuồng voi ngựa, nhà để xe cộ, kế

* Trang 79 *
device

tiếp đi đến nơi cất các cây gỗ, vua thấy thiếu mất hai cây liền hỏi Da-thâu-đà: "Các cây gỗ vì sao (239a) thiếu mất hai cây?". 
Da-thâu-đà đáp: "Tâu Ðại vương! Tất cả đều còn chứ đâu có thiếu". 
Như vậy vua đi tuần hành lần thứ hai, lần thứ ba, đều hỏi Da-thâu-đà vì sao thiếu mất hai cây gỗ, nhưng Da-thâu-đà đều tâu với vua còn đủ chứ không có thiếu. Vua liền nổi giận nói: "Chẳng phải ngươi đã đốt cây gỗ của ta sao? Hay là đã đem gỗ của ta cho nước địch?".
Liền ra lệnh quan hữu ty bắt trói Da-thâu-đà. Da-thâu-đà bị bắt trói liền suy nghĩ: "Gần đây Tôn giả Ðạt-nị-già từng đến xin cây mà không có, hay đã lấy đi chăng?".Ông liền sai người tín cẩn đến hỏi Ðạt-nị-già: "Thưa Tôn giả, thầy từng đến xin cây, vậy thầy có lấy hai cây gỗ kia đi chăng?". 
Tôn giả đáp: "Có lấy đi". 
Da-thâu-đà lại sai sứ giả đến bạch với Tôn giả rằng: "Vì tôi để mất cây gỗ nên bị bắt giam vào ngục, Tôn giả hãy dùng phương tiện gì biện bạch khỏi phạm lỗi để tôi sớm ra khỏi lao tù". 
Ðạt-nị-già liền thông báo lại rằng: "Ông chỉ cần tâu với vua là trước đây Tỳ-kheo Ðạt-nị-già có đến tôi xin cây, hay là ông ta đã lấy đi, xin hãy ra lệnh tra xét". 
Vua liền sai sứ gọi Ðạt-nị-già, Ðạt-nị-già bèn đến triều khuyết. Trưởng lão Ðạt-nị-già vốn là người đoan chính, dung nghi thanh nhã, trời, người đều tôn kính, nên vua vừa trông thấy đã hoan hỷ, bèn hỏi thầy: "Tôn giả 

* Trang 80 *
device

Ðạt-nị-già, thầy không lấy hai cây gỗ của trẫm đấy chứ?".
Tôn giả đáp: "Tôi có lấy".
Vua hỏi: "Tôn giả, vì sao người xuất gia mà lấy của người ta không cho?".
Ðạt-nị-già nói: "Ðại vương trước kia đã hứa cho chứ không phải không cho".
Vua hỏi: "Ai cho?".
Ðáp: "Ðại vương chứ ai?"
Vua nói: "Thưa tôn giả! Trẫm là vua một nước nhiều bận rộn nên không nhớ được, xin thầy nhắc lại, thế nào là hứa cho?".
Ðạt-nị-già nói: "Ðại vương không nhớ khi mới lên ngôi, các quan đại thần trong triều tập họp lại, đi lấy nước của các ao hồ sông suối đem về rưới lên các mầm cây và dược thảo, lại đổ nước ấy trong ngà voi trắng, đem rót trên đầu đại vương, tôn đại vương lên ngôi báu. Lúc ấy chính từ miệng đại vương tuyên bố: "Nay trẫm là vua, tất cả cây cỏ, nước non trong xứ đều bố thí Sa-môn Bà-la-môn . Ðó là vua đã cho chứ không phải không cho".
Vua nói: "Tôn giả! Trẫm cho những vật trong nước không có người gìn giữ, chứ không phải cho những vật có người gìn giữ. Sao thầy dám xuyên tạc những lời trước kia, ngụy biện, vu khống ta".
Thế rồi, vua hạ lệnh thả Da-thâu-đà ra. Những Bà-la-môn và thiện nam tín nữ trong nước đều hoan hỷ, nói: "Lành thay tôn giả Ðạt-nị-già, đã dùng phương tiện trí tuệ khéo léo đáp đại vương mà thoát khỏi tội hôm nay. 

* Trang 81 *
device

 Vua lại còn hạ lệnh cho Da-thâu-đà an ổn ra khỏi lao ngục".
Khi ấy, tại thành Vương Xá, những kẻ không tin Phật pháp đều oán hận bảo?"Vì sao ông Sa-môn Ðạt-nị-già này lại tráo trở, ngụy biện lừa dối nhà vua để (239b)khỏi mắc tội? E rằng từ nay trở đi những cây cối trong nhà của chúng ta cũng sẽ bị ông ta lấy đem đi, rồi bảo rằng trước kia vua đã hứa cho. Phải làm sao đây? Ðó là kẻ đồi bại, nào có đạo hạnh gì!". 
Các Tỳ-kheo liền đem những lời dị nghị ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền bảo đi gọi Tỳ-kheo Ðạt-nị-già đến. Khi thầy đến rồi, Phật hỏi: "Có thật thầy lấy cây gỗ của nhà vua chăng?"
Ðáp: "Có lấy thật!".
Phật nói: "Thầy là người xuất gia, vì sao vật của người ta không cho mà lấy?". 
Ðạt-nị-già đáp: "Bạch đức Thế Tôn, trước kia nhà vua có hứa cho chứ không phải không hứa cho".
Phật hỏi: "Vua hứa cho thế nào?"
Ðạt-nị-già đáp: "Lúc vua mới lên ngôi, chính miệng vua tuyên bố: Những nước non cây cỏ trong quốc độ, trẫm bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn. Ðó là hứa cho chứ không phải không hứa cho". 
Phật bảo: "Ngươi là người ngu, vua cho vật không có người giữ,chứ không phải cho vật có người giữ. Nay những cây gỗ của vua có người giữ vì sao bảo là cho? Ðạt-nị-già, thầy há không nghe Ta dùng nhiều nhân duyên khiển trách trường hợp không cho mà lấy, và khen ngợi các trường hợp cho rồi mới lấy đó sao? Vì sao 

* Trang 82 *
device

nay thầy lại lấy của không cho? Ðạt-nị-già, đây là điều phi pháp, phi luật, chẳng phải điều Ta dạy, việc này không thể làm tăng thêm thiện pháp được".
Các Tỳ-kheo liền bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn! Vì sao Tỳ-kheo Ðạt-nị-già này lần đầu tiên phạm tội không cho mà lấy?"
Phật bảo các Tỳ-kheo : "Ông Ðạt-nị-già này không những ngày nay đầu tiên phạm tội không cho mà lấy, mà trong đời quá khứ cũng đã từng phạm tội không cho mà lấy đầu tiên".
Các Tỳ-kheo bạch với Phật: "Ðã từng có thế sao?"
Phật nói: "Ðúng như thế. Trong thời quá khứ, lúc thế giới này đến thời kiếp tận, các chúng sanh sinh lên cõi trời Quang Âm. Khi thế giới hoàn thành, chư Thiên cõi Quang Âm xuống lại thế gian. Lúc ấy, chư Thiên đi lại trên hư không lấy niềm vui thiền định làm thức ăn, du hành đây đó, sống đời khoái lạc, thuần thiện, ánh sáng của thân thể chói rọi lẫn nhau, không cần đến ánh sáng của mặt trời, mặt trăng. Khi ấy chúng sanh không có ngày đêm, mặt trời, mặt trăng và năm tháng thời tiết. Khi nước vừa rút thì vị đất liền sinh như vị cam lồ của cõi trời. Bấy giờ có một chúng sinh thô tháo tham trước mùi vị, nếm vị đất đó thấy có mùi thơm ngon lành, tâm liền sanh đắm trước. Các chúng sinh khác bắt chước nếm thử cũng cảm thấy ngon lành, nên cùng lấy ăn. Ăn rồi thân thể nặng nề, mất hết thần thông, ánh sáng tắt ngúm. Do đó, thế gian mới có mặt trời, mặt trăng, tối sáng, năm tháng, thời tiết.

* Trang 83 *
device

Bấy giờ, chúng sinh chẳng phải nam, chẳng phải nữ, nhưng ăn vị đất lâu ngày hình sắc thành ra sai khác. Những ai ăn nhiều thì sắc thân thô xấu. Những ai ăn ít thì sắc thân đoan chính. Khi ấy, những kẻ đoan chính tự cho mình hơn người (239c), thấy kẻ thô xấu khinh họ không bằng mình, ỷ mình đoan chính nên sinh ra kêu mạn. Vì sinh tội kêu mạn, nên vị đất biến mất. Thế rồi, đất sinh ra váng mùi vị như mật nguyên chất. Bấy giờ, các chúng sanh đều kinh hãi than rằng: Vì sao vị đất bỗng nhiên biến mất, bèn cùng nhau ăn váng đất những ai ăn nhiều thì hình sắc thô xấu, còn những kẻ ăn ít thì thân sắc đoan chính. Rồi những kẻ đoan chính tăng thêm kêu mạn. Vì thế, váng đất lại biến mất. Khi váng đất đã biến mất, đất lại sinh ra loại nấm, vị như đường phèn. Những ai ăn nhiều thì xấu xí, những kẻ ăn ít thì đẹp đẽ, lại cũng như trước, người đoan chính sinh kêu mạn càng nhiều. Do thế, nấm đất lại bỗng nhiên biến mất, và đất tự nhiên hóa sinh lúa nếp. Loại lúa nếp này lấy rồi lại có, lấy buổi chiều, buổi mai có lại. 
Các Tỳ-kheo nên biết! Khi chúng sinh thấy váng đất biến mất liền sinh sầu não, giống như kẻ trượng phu bị sầu não bức bách. Mặc dù bị sầu não bức bách, nhưng họ không biết là tội lỗi do mình. Thế rồi chúng sanh lại ăn loại lúa nếp tự nhiên ấy. Ăn lúa nếp lâu ngày dần dần sinh ra thân hình nam nữ, rồi nhiễm trước nhau, khởi lên dâm dục, thành ra vợ chồng. Các chúng sanh khác thấy thế giận dữ đánh đập, ném đá, nguyền rủa: "Vì sao thế gian bỗng sinh ra điều phi pháp? Việc ấy không

* Trang 84 *
device

phải là pháp được sinh lên trời. Từ nay trở đi phải tu thiện pháp để được sinh lên trời". 
Phật bảo các Tỳ-kheo: "Khi ấy, những chúng sanh làm điều phi pháp cảm thấy hổ thẹn, ô uế, ẩn thân, không xuất đầu lộ diện, hoặc một ngày, hai ngày cho đến một tháng. Vì thế, họ xây cất phòng ốc để che khuất kín đáo mà làm điều phi pháp. Lúc ấy, chúng sanh bèn suy nghĩ: "Vì sao chúng ta phải lao khổ suốt ngày, chi bằng buổi sớm ta lấy lúa về dùng cho cả ngày mai". Thế rồi, ngày mai có chúng sanh khác đến rủ người ấy cùng đi lấy lúa, thì người ấy đáp: "Hôm qua tôi đã lấy luôn phần hôm nay rồi". Kẻ kia nói: "Ðó quả là điều tốt". Rồi bắt chước lấy một lần cho cả mười ngày, hai mươi ngày, một tháng, hai tháng. Vì lòng tham tích trữ, nên lúa nếp sinh ra trấu cám, chỗ nào buổi mai gặt thì buổi chiều không sinh lại. 
Bấy giờ chúng sinh bèn hội họp lại bảo nhau: "Chúng ta ngày xưa đều tự nhiên bay đi, lấy niềm vui thiền định làm thức ăn, khoái lạc, an ổn, rồi chúng ta ăn vị đất, nhưng lúc ấy trong chúng sanh chưa có ác pháp. Ðến khi ác pháp sinh khởi thì vị đất biến mất, và sinh ra váng đất. Váng đất sinh ra có hương vị thơm ngon. Tiếp đến đất sinh ra nấm, rồi lại sinh ra lúa nếp vẫn còn thơm ngon. Ngày nay chúng ta phải lập ra định chế, chia những đám ruộng lúa ra thành bờ ngăn (240a) rồi giao cho nhau: Phần này thuộc về tôi, phần kia thuộc về bạn. Nhưng bấy giờ có một chúng sinh suy nghĩ thế này: "Nếu ta tự lấy phần mình thì không bao lâu sẽ hết, vậy ta hãy lấy một ít phần của người để phần của ta còn được

* Trang 85 *
device

lâu dài". Những chúng sinh khác thấy chúng sinh này lấy của không cho, liền nói với y: "Vì sao vật người ta không cho mà ngươi lại lấy? Chớ có làm thế nữa". Nhưng chúng sinh ấy vẫn lấy, không thôi, chúng sinh kia bắt gặp y lấy trộm đến lần thứ ba liền bảo: Vì sao chúng sinh lại có kẻ trộm cắp cho đến lần thứ ba? Từ nay trở đi, nếu ngươi còn trộm cắp thì phải bị trừng phạt". Thế nhưng y vẫn không chừa. Người kia bắt được liền dùng roi gậy đánh y thật đau, y bị ăn đòn, bèn kêu lớn: "Vì sao thế gian lại có ác pháp này, khiến chúng sinh này dùng gậy đánh chúng sinh kia?". Khi ấy người đánh liền ném gậy xuống đất và cũng kêu lớn lên: "Vì sao thế gian lại có thứ ác pháp ấy? Do đâu có người lấy vật mà người ta không cho, và càng nói càng không biết xấu hổ !". Từ đó thế gian có ba ác pháp xuất hiện, đó là:
1) Không cho mà lấy. 
2) Nói dối . 
3) Dùng gậy đánh người .
Ðó là ba ác pháp xuất hiện sớm nhất.
Phật bèn nói với các Tỳ-kheo: "Khi ấy, chúng sinh lấy của không cho đầu tiên nào phải ai khác mà chính là Tỳ-kheo Đạt-nị-già con người thợ gốm này đây. Ông Ðạt Nị Già này từ quá khứ lấy của không cho đầu tiên, ngày nay ở trong chánh pháp của ta, lại cũng là người đầu tiên lấy của không cho".
Bấy giờ các Tỳ-kheo liền bạch với Phật rằng: "Vì sao Tỳ-kheo Ðạt-nị-già này mang ân Thế Tôn được khoác áo Cà-sa khiến vua Bình-sa thấy thầy liền thả đi?". 

* Trang 86 *
device

Phật dạy: "Ðúng thế. Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo Ðạt-nị-già đây không những ngày nay nhờ khoác áo Cà-sa của ta nên thoát khỏi tội mà trong thời quá khứ cũng đã từng mang ơn Ta mới được độ thoát. Ðó là: Lúc bấy giờ, bên bờ đại hải có một cây Viên-bà-lợi, trên cây có con chim cánh vàng (Kim-sí-điểu) to lớn, hai cánh cách nhau tới 150 do tuần. Cách sống của chim cánh vàng là dùng rồng làm thức ăn. Khi muốn ăn thịt rồng trước hết nó dùng đôi cánh quạt mạnh trên biển, khiến nước hai bên vẹt ra, thân rồng xuất hiện, liền bắt lấy ăn thịt. Theo truyền thống của loài rồng là sợ chim cánh vàng, nên thường tìm áo Cà-sa treo ở trước cửa cung. Chim thấy áo Cà-sa sinh lòng cung kính, nên không tiến vào bắt ăn các loài rồng ấy. Bấy giờ con chim đó dùng cánh quạt nước biển, thấy được rồng muốn ăn thịt. Con rồng rất kinh hãi liền dùng chiếc Ca-sa khoác lên đỉnh đầu, lên bờ chạy trốn. Lúc đó nó (240b) hóa ra hình người, con chim cánh vàng hóa ra hình Bà-la-môn đuổi theo con rồng đó và mắng rằng: "Sao ngươi không chịu vứt cà sa đi?" Con rồng đó sợ chết, giữ chặt chiếc áo Cà-sa, dù chết cũng không chịu bỏ. 
Bấy giờ trên hải đảo có vị Tiên nhân cư trú, nơi đây có hoa trái sum xuê, lúc đó con rồng quá sợ hãi mà không có chỗ nào nương tựa, liền chạy đến chỗ cư trú của tiên nhân. Vị Tiên nhân này có uy đức lớn nên chim cánh vàng không dám bay vào mà từ xa hướng đến Tiên nhân đọc kệ:
"Con rồng ác nghiệt kia 
Giờ biến thành thân người

* Trang 87 *
device

Sợ chết, cầu thoát thân 
Mà chạy vào trong đó. 
Vì đức hạnh Tiên nhân, 
Ta phải nhịn đói khát, 
Thà chịu mất thân mạng, 
Không dám ăn rồng này.

Lúc bấy giờ tiên nhân suy nghĩ: "Ai đọc kệ đó nhỉ?" Liền đứng dậy bước ra xem, thấy con rồng kia bị chim cánh vàng rượt đuổi, bèn đọc kệ đáp chim cánh vàng:

"Mong ngươi được trường thọ, 
Thường hưởng thiên cam lồ. 
Nhịn đói không ăn rồng 
Vì lòng kính trọng ta"

Khi ấy chim cánh vàng nhờ uy đức của Tiên nhân liền hết đói khát. Thế rồi, Tiên nhân nói với chim cánh vàng: "Vì ngươi phạm giới nên mới mang thân chim này, nay lại muốn sát sinh, ắt phải đọa địa ngục (nói rõ mười điều ác cho đến tà kiến). Như vậy, mỗi mỗi đều phải đọa địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ và A-tu-la. Nay ngươi nên cùng với con rồng này sám hối để sau này không thù oán nhau nữa". Chúng liền sám hối. Sám hối xong mỗi con đều trở về chỗ cũ.
Phật liền bảo các Tỳ-kheo: "Thuở ấy vị Tiên nhân kia nào phải ai khác mà chính là Ta đây. Con chim cánh vàng là vua Bình-sa, con rồng là Tỳ-kheo Ðạt-nị-già , Tỳ-kheo Ðạt-nị-già  này ngày xưa nhờ áo Cà sa của Ta mà thoát nạn chim cánh vàng, ngày nay cũng lại nhờ áo cà sa của Ta mà thoát khỏi vương nạn". 

* Trang 88 *
device

Khi ấy các Tỳ-kheo bạch với Phật rằng: "Vì sao vua Bình-sa kia thấy Tỳ-kheo Ðạt-nị-già này liền thả cho đi?".
Phật nói với các Tỳ-kheo: "Không những ngày nay mà xưa kia đã từng có vậy". 
Các Tỳ-kheo bạch với Phật: "Ðã từng có như vậy sao?".
Phật dạy: "Ðúng thế. Trong thời quá khứ có một vị vua khéo giáo hóa người và vật khiến chúng lìa xa thù oán, ngũ cốc phồn vinh, dân chúng an lạc, sống có tiết nghĩa ân tình, nhân đức hiếu thuận, bố thí, giữ giới. Bấy giờ trong nước ấy có tên thợ săn voi, nhà y nghèo cùng, lại sinh nhiều (240c) con, các con y xúm nhau đòi ăn, đòi uống. Khi ấy vợ người thợ săn bảo chồng: "Nhà ta nghèo khổ cơ hàn thế này, sao ông không siêng năng làm ăn?".
Thợ săn trả lời: "Bà muốn tôi làm việc gì?"
Người vợ đáp: "Vì sao không siêng năng làm nghề của ông cha?"
Khi ấy người thợ săn bèn chuẩn bị lương thực mang theo dụng cụ săn bắn, đến bên núi Tuyết Sơn. Lúc bấy giờ ở chân núi có con voi trắng sáu ngà, vốn là một con voi có trí tuệ, liền suy nghĩ: "Vì lý do gì mà người ta muốn giết hại ta? Tại vì muốn lấy ngà nên họ mới giết ta?". Lúc ấy, con voi này khi tổ tiên chết, nó nhặt lấy ngà đem cất tại một chỗ, đến khi cha chết nó lại lấy ngà đem cất cùng chỗ, rồi tách khỏi đàn voi, thong thả đi kiếm ăn. Bấy giờ người thợ săn lần lượt đi săn bắn, qua các núi rừng, rồi đến chỗ voi. Voi thấy thợ săn liền khởi suy nghĩ: "Kẻ trượng phu kia là ai mà lại đến đây, há chẳng

* Trang 89 *
device

phải là thợ săn muốn đến giết ta sao?". Liền đưa vòi lên tỏ ý vời gọi thợ săn. 
Thợ săn vốn là người hiểu rõ tướng voi, nên nghĩ: "Nếu ta không đến nó ắt hại ta", liền đến chỗ voi, voi liền hỏi: "Ngươi đến đây cầu việc gì?". Thợ săn bèn nói ý mình với nó. Voi liền nói: "Nếu ngươi không đến đây nữa, ta sẽ cung cấp cho ngươi những gì ngươi cần". Thợ săn liền đáp: "Nếu ta được những gì cần thiết, ta còn không muốn ra khỏi cửa, huống gì đến đây". Bấy giờ voi liền đem ngà của tổ tiên ra cho thợ săn. Thợ săn nhận được rồi, hoan hỷ trở về cố quốc. Thế rồi y liền suy nghĩ: "Ta đem số ngà voi này về lo việc ăn mặc cho vợ con ắt chẳng được bao lâu, ta nên tìm chỗ vắng vẻ mà ở để hưởng thụ một mình. Nếu ta khỏe mạnh sẽ có vợ con. Thế rồi một buổi sáng y cần có năm tiền, bèn mang số ngà voi kia đến một quán rượu. 
Khi chủ quán thấy y đi đến, liền suy nghĩ: "Người này từ đâu đến vậy? Hôm nay ta ắt được một ít lợi lộc", bèn sửa giường nệm để đợi người vác ngà voi kia đến, rồi mời y ngồi. Thừa lúc y đang đói khát, chủ quán liền chuốc rượu cho say, say rồi bèn bắt ghi sổ nợ, số rượu thì rất ít mà số nợ thì rất nhiều. 
Ngày hôm sau tỉnh cơn say, y lại đòi rượu, chủ quán rượu liền nói: "Vì sao ông còn đòi nữa? hình như ông chưa hiểu, vậy chúng ta hãy cùng nhau tính sổ, nếu còn thừa tiền tôi sẽ đưa rượu". Nhưng khi kế toán xong, không còn dư một đồng ten. Anh ta bèn suy nghĩ: "Ta biết tìm đâu để có được tiền? hay là ta lại vào núi giết con voi ấy".

* Trang 90 *
device

Rồi y trở vào núi đến chỗ voi ở, con voi thấy tên thợ săn, liền hỏi: "Vì sao ông còn đến đây?". 
Người thợ săn bèn nói rõ ý mình với voi. Voi liền hỏi: "Những thứ tôi đưa ông lúc trước, giờ đây đâu rồi?". 
Y đáp: "Vì tôi vô trí sinh ra phóng dật, nên đã dùng hết". 
Voi (241a) nói: "Nếu ông không còn phóng dật nữa, tôi sẽ cho ông". Thợ săn đáp: "Ta đã hối hận việc làm trước đây, lẽ nào còn tái phạm nữa. Nếu voi cho tôi lần nữa, tôi sẽ không ra khỏi cửa". 
Voi lại đem số ngà của cha ra cho y. Thợ săn liền mang ngà voi về nước và cũng đem dùng bừa bãi hết sạch như trước, rồi suy nghĩ: "Ta phải giết con voi ấy, lần này tới đó đừng để nó thấy ta". 
Vào tháng cuối xuân khí trời nóng bức con voi ấy xuống ao tắm, tắm xong lên bờ, đang nằm nghỉ mát dưới gốc cây, trước đàn voi. Bấy giờ thợ săn bèn dùng tên có tẩm thuốc độc bắn con voi ấy, trúng vào vai nó, máu chảy thấm vào mắt. Con voi ngẩng đầu lên xem thử tên từ đâu đến, liền thấy tên thợ săn, bèn từ xa trách y: "Ngươi là quân tệ ác, lòng dạ phản phúc, sức ta giờ đây có thể giết ngươi, nhưng vì kính trọng Cà-sa nên ta không giết, bèn gọi thợ săn: "Người hãy đến nhanh cắt lấy ngà ta". Rồi dùng thân che chở tên thợ săn ấy không để những con voi khác làm hại. 
Lúc ấy trong rừng có một thiên thần, đọc bài kệ rằng:
"Trong không lìa si ám. 
Ngoài giả mặc Cà-sa.

* Trang 91 *
device

Lòng ôm ấp độc hại, 
Không đáng mặc Cà-sa. 
Thiền định trong vô tướng 
Vĩnh viễn diệt phiền não. 
Nội tâm thường vắng lặng 
Mới đáng mặc Cà-sa".

Phật bảo các Tỳ-kheo: "Con voi chúa thuở ấy nào phải ai khác đâu mà chính là vua Bình-sa ngày nay vậy. Còn người thợ săn ngày nay là Tỳ-kheo Ðạt-nị-già này đây. Vua Bình-sa vì tôn kính Cà-sa nên đã tha thứ người thợ săn ấy. Ngày nay lại vì Ðạt-nị-già khoác y Cà sa nên không bắt tội".
Các Tỳ-kheo lại bạch Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Vì sao vua Bình-sa này thấy Ðạt-nị-già uy nghi tề chỉnh, không khởi ác tâm?
Phật bảo các Tỳ-kheo: "Vua Bình-sa này không chỉ có ngày nay mới quý trọng uy nghi, không khởi ác tâm mà ngày xưa đã từng có".
Các Tỳ-kheo bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn đã từng có vậy sao?"
Phật dạy: 
- Ðúng như vậy. Trong thời quá khứ có một vì vua khéo giáo hóa dân chúng và mọi vật xa lìa sự thù oán, trong nước ngũ cốc phồn thịnh, dân chúng an lạc, sống có tiết nghĩa ân tình, nhân đức, hiếu từ, bố thí, giữ giới. thương yêu khắp người vật. Nhà vua có một thớt voi tên là Ðại Thân, hung ác khó điều phục, uy danh vang khắp xa gần. Khi ấy các nước địch không nước nào đương cự nổi, nếu 

* Trang 92 *
device

có chỗ nào phải chinh phạt thì quân giặc bị đánh tan tành. Nếu có kẻ nào vi phạm vương pháp đều khiến con voi này dùng chân chà chết. Vì vua có voi ấy nên ỷ lại không sợ. (Nhưng một hôm) chuồng voi bị hư (241b) voi liền phóng chạy đến bên cạnh một tinh xá trông thấy các Tỳ-kheo uy nghi tề chỉnh, lại nghe lời tụng kinh rằng: "Sát sinh chịu khổ, không giết được phước". Voi nghe lời Kinh ấy, tâm trở nên nhu thuận. Bấy giờ có kẻ phạm pháp đáng tội chết, vua ra lệnh quan hữu ty khiến voi chà chết. Nhưng voi dùng mũi ngửi tội nhân ba lần mà không có tâm giết hại. Viên quan giám sát liền đem việc ấy tâu lên vua rằng: "Voi thấy tội nhân chỉ dùng mũi ngửi mà hoàn toàn không có ý giết hại". 
Vua nghe lời ấy rất lấy làm ưu sầu, bèn hỏi lại viên quan kia rằng: "Voi làm như thế thật sao?". 
Vị ấy đáp: "Thật như thế!". 
Vua liền mời các đại thần đến họp bàn việc ấy. Ðại thần tập họp xong, vua nói với họ: "Nay ta làm vua, không ai thắng nổi, chính là nhờ con voi này, nay bỗng nhiên nó lại như thế, phải làm sao đây?". 
Bấy giờ các đại thần bèn gọi người quản tượng đến hỏi: "Gần đây, chuồng voi bị hư, voi đi đến nơi nào?". Người quản tượng đáp: "Ðến tại tinh xá". Các đại thần vốn thông minh, đoán rằng: "Con voi này thấy các Tỳ-kheo, ắt được nghe Kinh pháp, tâm ý nhu nhuyến, không muốn sát sinh", bèn bảo tên quản tượng làm các nhà đánh bạc, lò sát sinh, nhà tù bên cạnh chuồng voi, để voi ở gần các nhà ấy. Thế rồi, voi thấy người đánh bạc thì mở to mắt, múa tay, cất tiếng kêu lớn, thấy kẻ đồ tể thì tàn sát

* Trang 93 *
device

súc vật, thấy chủ ngục tù thì tra khảo kềm kẹp. Voi thấy thế rồi, ác tâm sinh trở lại, nên khi vua bỏ tội nhân vào chuồng, voi liền chà chết. Lúc ấy chư Thiên liền nói kệ:
"Voi thấy thiện giới Luật, 
Và nghe điều tội phước 
Thiện tâm ngày đêm tăng 
Ác hạnh dần tiêu diệt 
Gần gũi các nghiệp ác, 
Tâm trước khởi trở lại, 
Chỉ có bậc minh trí 
Thẳng tiến không lùi bước".
Phật bảo với các Tỳ-kheo:
- Con voi lớn thuở ấy nào phải ai khác đâu mà chính là vua Bình-sa. Vua Bình-sa trong đời trước từng thấy Tỳ-kheo uy nghi tề chỉnh, lòng sinh yêu mến hoan hỷ, nay thấy Ðạt-nị-già uy nghi tề chỉnh, lòng rất hoan hỷ nên không hỏi tội. Khi ấy Ðạt-nị-già liền suy nghĩ: "Ta làm căn phòng thứ nhất thượng tọa lại đến chiếm lấy, đuổi ta ra đi, đến căn phòng thứ hai, thứ ba ta cũng bị đuổi đi, sau đó ta xây căn phòng bằng gạch nung thì Thế Tôn sai người đập phá. Ta lại lấy cây gỗ của vua đem về làm nhà, lại bị đức Thế Tôn khiển trách đủ điều. Thật là uổng công gian khổ, chẳng được việc gì! Từ nay trở đi ta chấm dứt việc lao khổ này, nương vào (241c) chúng Tăng, vui khổ qua ngày".
Thế rồi Ðạt-nị-già tập hạnh vô sự, ngày đêm tinh thành chuyên tu đạo nghiệp, được các thiền định, thành tưu đạo quả, đắc sáu thần thông, biết mình đã chứng, lòng đầy phấn khích. Ðạt-nị-già nói kệ an ủi mình: 

* Trang 94 *
device

"Muốn hưởng niềm vui thiền, 
Phải tu pháp Sa-môn. 
Giữ thân mạng tịnh chỉ  
Như rắn vào hang chuột. 
Muốn hưởng niềm vui thiền, 
Phải tu pháp Sa-môn. 
Y thực cần cho mình, 
Xấu tốt tùy theo chúng. 
Muốn hưởng niềm vui thiền 
Phải tu pháp Sa-môn. 
Nhất thiết phải tri túc 
Chuyên tu đạo Niết-bàn".

Bấy giờ Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy bảo các Tỳ-kheo xung quanh thành Vương Xá tập họp hết về đây, dù cho những ai đã nghe rồi, cũng phải nghe lại:
-"Nếu Tỳ-kheo lấy của mà người ta không cho thì phạm tội Ba-la-di, không được sống chung (với Tăng chúng)".
Lại nữa, khi Phật ở tại thành Vương Xá (nói rộng như trên) có một Tỳ-kheo, đến giờ liền khoác y, cầm bát vào thành tìm y phấn tảo, nhưng tìm khắp thành Vương Xá mà không được rồi đến ven sông tìm cũng không được, cuối cùng đến chỗ giặt y để tìm. Khi ấy, người thợ giặt, giặt áo xong, liền đến một chỗ khuất nói chuyện với người khác. 
Bấy giờ Tỳ-kheo đến chỗ phơi áo, có một người đàn ông khác trông thấy bèn nói với người thợ giặt: "Người

* Trang 95 *
device

xuất gia kia muốn lấy áo của ông đấy". Thợ giặt hỏi: "Người xuất gia ấy theo đạo nào?". 
Ðáp: "Xuất gia theo dòng họ Thích". 
Người thợ giặt nói: "Khỏi lo, Sa-môn con dòng họ Thích hễ của người ta không cho thì không lấy". Trong chốc lát, Tỳ-kheo bèn lấy áo ấy. Và người đàn ông kia lại nói với người thợ giặt: "Sa-môn đã lấy áo của ông rồi". 
Người thợ giặt cũng vẫn đáp như trước: "Khỏi lo Sa-môn con dòng họ Thích hễ của người ta không cho thì không lấy".
Khi ấy thầy Tỳ-kheo bèn kẹp những chiếc áo đó mang đi. Người đàn ông kia lại nói với người thợ giặt: "Sa-môn con dòng họ Thích đã đem áo đi rồi". 
Người thợ giặt liền đi tới xem, thì than ôi! Quả thật thầy đã lấy mang đi, bèn chạy theo gọi: "Tôn giả, tôn giả, áo ấy là của vua, của đại thần kia, của trưởng giả nọ, cái nào cũng có chủ cả, xin Tôn giả chớ mang đi". 
Tỳ-kheo cố ý mang đi, không chịu bỏ lại. 
Người thợ giặt liền mắng: "Kẻ Sa-môn có hành vi bại hoại, nếu không trả áo cho ta, ta sẽ trị ngươi như vậy, như vậy đó". 
Tỳ-kheo cầm áo về đến trú xứ, mở cửa, để áo lên giường, (242a) đóng cửa, ngồi thiền. 
Bấy giờ người thợ giặt mang theo năm thứ tro đi vào Kỳ hoàn, các Tỳ-kheo khác đang đi kinh hành trước cửa tinh xá Kỳ hoàn, hoặc đang tịnh tọa tư duy liền hỏi người thợ giặt: "Vì sao ông kêu la om sòm như thế?". Người thợ giặt đáp: "Hôm nay tôi bị mất áo, vì sao lại hỏi tôi vô cớ kêu la lớn tiếng?". 

* Trang 96 *
device

Các Tỳ-kheo hỏi: "Ai lấy áo của ông đem đi". 
Y đáp: "Người xuất gia". 
Họ bèn hỏi: "Xuất gia theo đạo nào?"
Y đáp: "Dòng họ Thích". 
Các Tỳ-kheo hỏi: "Mang đến nơi nào?". 
Người thợ giặt đáp: "Vào trong phòng này". 
Các Tỳ-kheo liền đến phòng đó, dùng tay gõ cửa, gọi: "Trưởng lão hãy mở cửa". 
Nhưng vị Tỳ-kheo ấy im lặng không đáp. Có một Tỳ-kheo trẻ tuổi, khỏe mạnh, liền bẻ cửa bước vào. Thầy Tỳ-kheo trộm áo cảm thấy hổ thẹn, cúi đầu không nói. Thế rồi thầy Tỳ-kheo trẻ bèn vào giường lấy các chiếc áo đem ra, đếm số áo đó, rồi hỏi người thợ giặt có đúng với số áo của anh mất hay không, thì anh đáp là đúng và trả cho anh. Bấy giờ các Tỳ-kheo nói với người thợ giặt: "Trong hàng xuất gia có nhiều loại người,ví như bàn tay có năm ngón không đều, nhiều họ xuất gia làm sao đồng nhất được. Ông là người hiền lành tốt bụng, chớ nên loan truyền với người khác. Chúng tôi sẽ bạch việc này lên Thế Tôn". 
Khi ấy người thợ giặt bèn nói: "Sa-môn dòng họ Thích có thế lực của vua chúa, thế lực của Bà-la-môn, trưởng giả, trước đây tôi chỉ sợ mất hết các áo này, bây giờ đã lấy lại được, còn nói với ai làm gì". 
Bấy giờ, các Tỳ-kheo đem nhân duyên ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật bảo gọi Tỳ-kheo kia đến, và họ đã gọi đến. Rồi Phật hỏi thầy: "Ông có thật như vậy chăng?". 
Thầy đáp: "Thật như vậy, bạch Thế Tôn!". 

* Trang 97 *
device

Phật bảo thầy: "Ông không nghe Ta chế giới không được trộm cắp hay sao?". 
Thầy đáp: "Bạch Thế Tôn! Con biết Phật có chế giới, nhưng con tưởng rằng chỉ cấm nơi thành ấp thôn xóm, chứ không biết là cấm cả những nơi hoang vắng". 
Phật nói: "Kẻ ngu kia, lấy vật không cho ở trong làng xóm và lấy vật không cho ở nơi hoang vắng, khác nhau chỗ nào? Ðây là việc làm phi pháp, phi luật, trái lời Phật dạy, không thể dùng việc ấy để làm tăng thêm thiện pháp". 
Các Tỳ-kheo liền bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn? Vì sao người thợ giặt ấy không tin người khác để bị thầy Tỳ-kheo kia lừa gạt". 
Phật bảo các Tỳ-kheo: "Người thợ giặt ấy không những đời này không tin (người khác) mà trong đời quá khứ cũng đã không tin". 
Các Tỳ-kheo bạch Phật: "Bạch Thế Tôn! Ðã từng có như thế sao?". Phật dạy: "Ðúng như thế. Trong đời quá khứ có hai Bà-la-môn đến Nam Thiên Trúc học Kinh luận của ngoại đạo, học xong trở về nước. Trên đường trở về, họ đi qua vùng hoang dã nơi đồng cỏ dê ăn, thấy hai con dê đực đang húc nhau giữa đường, phép giao đấu của loài dê là tiến tới rồi lùi lại (242b). Khi ấy, người đi đầu vì ngu si, cả tin, bèn nói với người bạn đi sau: "Hãy xem hai con dê đực kia vốn là loài thú bốn chân mà cũng biết lễ nhượng, thấy ta là Bà-la-môn trì giới, đa văn, nên từ từ nhường bước, mở đường".
Người bạn đi sau nói: "Này Bà-la-môn, ông đừng coi thường, tin bậy mà bảo loài dê có tình hữu nghị. Ðó 

* Trang 98 *
device

không phải là nó kính trọng mở đường tránh ta, mà vì pháp giao đấu của dê là tiến tới rồi lại lùi". 
Người đi trước không tin lời ấy, nên bị dê húc phải, làm thương tích hai đầu gối, nằm lăn quay trên đất, bất tỉnh, áo mũ bị rách nát tả tơi. Lúc ấy có vị Thiên đọc lên bài kệ như sau:
"Y phục rách tả tơi,  
Bị thương nằm bất động. 
Người ngu chuốc họa này, 
Là do tin mù quáng".
Phật nói với các Tỳ-kheo: "Thuở ấy, người Bà-la-môn đi đầu nào phải ai khác đâu mà chính là người mất áo hôm nay. Còn người Bà-la-môn đi sau thuở ấy chính là người đàn ông báo tin kia vậy. Con dê đực thuở ấy nay chính là Tỳ-kheo trộm áo. Người mất áo vì trước kia không tin nên bị dê húc, nay cũng không tin nên lại mất áo, ngày xưa đã không tin lời nói của người đi sau, nay tuy chân thành thông báo lại cũng không tin". Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỳ-kheo sống xung quanh thành Xá-vệ đều phải tập họp lại, những ai nghe rồi, cũng phải nghe lại nữa:
"Nếu Tỳ-kheo ở nơi xóm làng, chỗ vắng vẻ, của người ta không cho mà lấy trộm đủ số (quy định) thì phạm tội Ba-la-di không được sống chung (với Tăng chúng)".
LUẬT MA HA TĂNG KỲ
Hết quyển thứ hai

* Trang 99 *
device

 

* Trang 100 *
device

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm