Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

DẪN LUẬN KINH TĂNG CHI BỘ

Mục lục

Tăng chi bộ (Aṅguttara Nikāya) là bộ kinh thứ tư trong năm bộ thuộc hệ thống Kinh tạng Nikāya của Phật giáo Thượng Tọa bộ (Theravāda). Theo tác phẩm Diệu pháp yếu lược (Saddhammasaṅgaha) của Ngài Dhammakitti Mahāsāmi, việc giữ gìn và truyền tụng Tăng chi bộ là do Tôn giả Anuruddha và Tăng chúng thuộc nhóm của Ngài thực hiện.
Trong Tổng quan về 5 bộ kinh Pāli, Ngài Ấn Thuận chủ trương rằng cả 5 bộ kinh này, trong đó có Tăng chi bộ, được bảo tồn và lưu truyền bởi Đồng Diệp bộ.[1] Chi tiết hơn, Ngài Ấn Thuận trích dẫn theo Ngài Buddhaghosa về việc có 4 hệ thống phụ trách 4 bộ kinh chính như sau:

(1)Hệ thống Ānanda phụ trách Trường bộ;
(2) Hệ thống Sāriputta phụ trách Trung bộ;
(3) Hệ thống Mahākassapa phụ trách Tương ưng bộ;

(4) Hệ thống Anuruddha phụ trách Tăng chi bộ.

Tăng chi bộ có một cấu trúc rất đặc thù vì bộ kinh vừa giống như một bản khái quát cô đọng, tóm tắt những giáo lý cơ bản, những đề tài quan trọng đã được trình bày rộng rãi ở trong Trường bộ (Dīgha Nikāya) và cả Trung bộ (Majjhima Nikāya). Không những vậy, Tăng chi bộ còn chuyển tải những nội dung vừa phong phú vừa rất mực chi tiết về những điều khoản giống với Luật tạng như vấn đề Tám pháp trọng yếu (Aṭṭhagarudhamma) của Tỳ-kheo-ni.  
Tương tự truyền thống pháp số đi từ thấp lên cao như hai bản kinh cuối cùng trong Trường bộ,2 Tăng chi bộ có cấu trúc từ Một pháp (Ekakanipāta) cho đến Mười một pháp (Ekādasakanipāta). Cấu trúc này cũng được thiết lập trong bộ kinh Hán tạng tương đương là Tăng nhất A-hàm (Ekottarikāgama), tuy nhiên trật tự pháp số cũng như sự sắp xếp về nội dung giữa hai bộ kinh này có nhiều điểm khác biệt nhau. Tăng nhất A-hàm được Ngài Saṃgharaksa (Tăng Hộ) khẩu truyền cho Ngài Saṃghadeva (Tăng-già-đề-bà) và được dịch sang tiếng Hán vào năm 397-98. Cả hai Ngài đều là người Kasmir (Kế-tân). Khi phiên dịch, dường như Ngài Saṃghadeva cũng sử dụng một phiên bản xưa hơn do Ngài Dharmanandi (Đàm-ma-nan-đề) người Tokharian (Khương-cư) truyền khẩu lại. Rất tiếc, những bản gốc tiếng Sanskrit đều không còn, ngoài những bài kinh rời tìm được ở miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ (Turkestan).[2] Truyền thống thiết lập nội dung dựa trên trật tự pháp số trong Tăng chi bộ cũng như Tăng nhất A-hàm là một trong những phương cách phổ biến để ghi nhớ và truyền bá kinh điển. Vì lẽ, trong thư tịch cổ văn của Ấn Độ, vấn đề này còn được phát hiện trong tác phẩm kinh điển SthānāṅgasūtraSamavāyānga[3] của Kỳ-na giáo (Jain) và cả trong chương Udyoga Parva của trường ca Mahābhārata.[4] Điều khác biệt là những nhà biên tập Tăng chi bộ cũng như Tăng nhất A-hàm đã đưa truyền thống pháp số vốn có trong nền văn học cổ đại Ấn Độ làm cấu trúc chủ đạo, xuyên suốt và chi phối toàn bộ.6
Vấn đề số lượng các kinh trong Tăng chi bộ cũng là một vấn đề nan giải, vì mãi đến hôm nay vẫn chưa có được một con số thống nhất. Quan điểm truyền thống dựa trên tuyên bố của Ngài Dhammakitti Mahāsāmi viết trong tác phẩm Diệu pháp yếu lược cho rằng có 9.557 kinh. Ấn bản hiện có của Tam tạng Tích Lan (Sri Lanka Tipiṭaka) chỉ ghi nhận có 8.777 kinh.[5] Trong tác phẩm Phân tích Kinh tạng Pāli (An Analysis of the Pāli Canon), tác giả Russell Webb đã thống kê có 3.208 kinh.[6] Trong bản dịch Tăng chi bộ từ Pāli sang Anh ngữ với tên gọi The Numerical Discourses of the Buddha, Bhikkhu Bodhi đã đếm được tổng số là 8.122 kinh. Trong số đó, có 4.250 kinh bị trùng lặp, thế nên thực tế chỉ có 3.872 kinh.9 Con số tối thiểu mà học giả Maurice Winternitz đưa ra là 2.308 kinh.[7] Cách tính của Edmund Hardy lại cho ra con số 2.344,[8] con số này được Bách khoa Từ điển Phật giáo (Encyclopaedia of Buddhism) xuất bản tại Tích
Lan tiếp nhận.12 Trong bản dịch tiếng Việt Tăng chi bộ của Hòa thượng Thích Minh Châu, chúng tôi đếm được 7.231 kinh. Trên thực tế chỉ có 2.202 kinh, còn lại là những kinh giống như kinh trước nhưng chỉ khác một thuật ngữ hoặc một khái niệm nhỏ.
Truyền bản Tăng chi bộ được ghi lại đầu tiên bằng ngôn ngữ Sinhala do một nhóm các vị Tỳ-kheo tại Alu Vihāra gần Mātale thực hiện vào năm 454 sau khi đức Phật nhập Niết-bàn (35-32 BC.).[9] Đến cuối thế kỷ XIX, vào năm 1885, Hội Thánh điển Pali (PTS) đã tổ chức ấn hành bản Tăng chi bộ từ ngôn ngữ Pāli chuyển thể sang mẫu tự La-tinh do Richard Morris (1833-1894) biên tập.
Sau đó, Hội PTS đã lần lượt ấn hành bản dịch Anh ngữ Tăng chi bộ với tựa đề The Book of the Gradual Sayings do tác giả F. L. Woodward (1871-1952) dịch tập I, tập II, tập V và tác giả E. M. Hare (1893-1955) dịch tập III và tập IV. Đến năm 2012, Bhikkhu Bodhi đã dịch lại Tăng chi bộ từ Pāli sang Anh ngữ với tựa đề The Numerical Discourses of the Buddha. Vào năm 2018, Bhikkhu Sujato dịch bản kinh này từ Pāli sang Anh ngữ với tựa đề Numerical Discourses. Bách khoa Từ điển Phật giáo tại Tích Lan cho rằng những tựa đề trên đều xuất phát từ tựa đề rất dài mà Max Müller trước kia đã sử dụng Collection of Discourses in Divisions the Length of Which Increases by One.[10] Tính đến ngày nay, Tăng chi bộ đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ trên thế giới như Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nga, Hoa, Thái Lan, Indonesia… và gồm cả tiếng Việt.
Tăng chi bộ gồm những bài kinh ngắn và rất ngắn, tuy nhiên, cũng có nhiều bài kinh dài, thường được hỗ trợ bởi các đoạn kệ tụng.[11] Tất cả những bài kinh dù ngắn hay dài đều được sắp xếp theo hệ thống một cách cẩn thận.[12] Bimala Churn Law cho rằng, bộ kinh này từ Trường bộTrung bộ chia nhỏ mà có. Nhờ ngắn gọn nên có tác dụng giúp ích cho việc ghi nhớ, thuận tiện cho việc đọc tụng cũng như truyền dạy từ thầy xuống trò. Mặt khác, nhờ ngắn gọn nên từng đề tài nhỏ trong kho tàng giáo pháp được nhấn mạnh đầy đủ,[13] cụ thể như trường hợp mỗi một triền cái trở thành đề tài của một bài kinh. 
Nội dung của Tăng chi bộ vô cùng đa dạng, phong phú, ngoài giáo pháp còn có những mảng liên quan đến triết học, đạo đức học,[14] văn hóa, luật pháp[15] và công ích xã hội.[16] Tăng chi bộ không chỉ hàm chứa nội dung có giá trị rất riêng, soi sáng về lịch sử phát triển của Phật giáo,[17] mà còn có nhiều nội dung tương thông với Luật tạng, nhất là với Suttavibhaṅga[18] và Luận tạng, đặc biệt với bộ Puggalapaññatti (Nhân chế định),[19] nhưng nhiều nhất vẫn là sự tương thông với các bộ kinh khác. Về mặt ngôn ngữ và văn phong, Tăng chi bộ gần như không có gì khác biệt với 3 bộ kinh trước vì cả 4 bộ kinh này đều có chung một nguồn tư liệu là nền văn học Phật giáo Nguyên thủy[20] trong dạng truyền khẩu. Ngài Ấn Thuận đã liệt kê 215 trường hợp của Tăng chi bộ có cùng nội dung với Trung A-hàm kinh.[21] Nhiều trường hợp khác, Tăng chi bộ có cùng nội dung với Tăng nhất A-hàm kinh, Như thị ngữ kinhBổn sự kinh.[22]

Cả Bimala Churn Law và Kanai Lal Hazra[23] đều chia sẻ một bản liệt kê giống nhau về việc phân bố của các phần (nipāta), phẩm (vagga), quyển (nikāya) và trang của ấn bản PTS như sau:
 

Stt

 Phần

Phẩm

Quyển

Trang

1

 Một pháp

 21

 I

 01 – 46

2

 Hai pháp

 16

 I

 47 – 100

3

 Ba pháp

 16

 I

 101 – 304

4

 Bốn pháp

 26

 II

 01 – 257

5

 Năm pháp

 26

 III

 01 – 278

6

 Sáu pháp

 12

 III

 279 – 452

7

 Bảy pháp

 09

 IV

 01 – 149

8

 Tám pháp

 09

 IV

 150 – 350

9

 Chín pháp

 09

 IV

 351 – 466

10

 Mười pháp

 22

 V

 01 – 310

11

 Mười một pháp

 03

 V

 311 – 361


Bản dịch tiếng Việt Tăng chi bộ do Hòa thượng Thích Minh Châu thực hiện vào năm 1976 và đã ấn hành lần đầu tiên vào năm 1980 trong hình thức lưu hành nội bộ. Trải qua nhiều lần hiệu đính được thực hiện bởi chính dịch giả và các vị được giao phó, Tăng chi bộ trong bản in năm 2020 có bổ sung một số phụ chú tham chiếu Pāli, Hán cổ và bản tiếng Anh mà Ngài đã sử dụng tham khảo trong quá trình dịch thuật.
Ấn bản lần này gom thành 1 tập và có số phẩm, số trang như sau:

 

Stt

 Phần

Phẩm

Trang

1

 Một pháp

 20

 01 – 47

2

 Hai pháp

 19

 49 – 92

3

 Ba pháp

 18

 93 – 267

4

 Bốn pháp

 28

 269 – 497

5

 Năm pháp

 29

 499 – 710

6

 Sáu pháp

 13

 711 – 827

7

 Bảy pháp

 11

 829 – 929

8

 Tám pháp

 11

 931 – 1053

9

 Chín pháp

 10

 1055 – 1131

10

 Mười pháp

 23

 1133 – 1319

11

 Mười một pháp

 04

 1321 – 1350

Nội dung của Tăng chi bộ được tóm tắt như sau:

1. Chương Một pháp (Ekakanipāta) gồm những chủ đề: Sức mạnh và tai hại của ngũ dục; Các trạng thái thiền định; Bản chất và sức mạnh của tâm khi được tu tập cũng như xác định đúng hướng và ngược lại; Những thành tựu đúng nghĩa và những mất mát vô nghĩa; Những lợi ích và bất lợi; Những bậc Thánh tiêu biểu trong giáo pháp, từ đức Phật đến Thánh chúng và các vị cư sĩ tại gia; Những sự kiện không xảy ra và có xảy ra; Sự đặc thù của chánh kiến và tà kiến; Sức mạnh của không phóng dật, tinh tấn và thiền định.

Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói, nhưng tâm này bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào” (A. I. 10).

2. Chương Hai pháp (Dukanipāta) gồm những chủ đề: Nhân quả và tội báo; Nền tảng đạo đức; Hai loại sức mạnh; Hai cách thuyết pháp; Vai trò của văn cú và nội dung ý nghĩa; Tri ân và báo ân; Định danh Trưởng lão; Các loại hội chúng; Các loại hỷ lạc; Các loại hy vọng; Các loại bố thí; Bậc Thánh và sự giác ngộ; Thanh tịnh thì không sợ hãi; Hiền trí và kẻ ngu; Thiền định và các tâm hộ trì; Phẫn nộ và hiềm hận; Nguyên nhân chế giới.

Hai pháp trắng này, này các Tỷ-kheo, che chở cho thế giới. Thế nào là hai? Tàm và quý” (A. I. 51).

3. Chương Ba pháp (Tikanipāta) gồm những chủ đề: Kẻ ngu và người trí; Ba thời điểm cần ghi nhớ; Bài học từ người đóng bánh xe; Bài học từ người buôn bán; Những loại người xuất hiện trên đời, những loại người nên và không nên gần gũi; Nghệ thuật giao tiếp; Con cái tôn kính cha mẹ như Phạm thiên; Thế nào gọi là an lạc; Gia đình hiền thiện; Điều kiện sống của đức Phật trước khi xuất gia; Ba minh của Bà-la-môn và Ba minh của bậc Thánh; Ba loại thần thông; Biện minh về tạo hóa; Sư tử và dã can; Tự biết rõ rồi hãy tin; Sơ khởi về Nhân minh luận; Các loại trai giới; Các loại hương; Tăng thượng tam học; Vải thô và lụa là; Nắm muối và chén nước; Lọc tâm như lọc vàng; Ba hạng Đạo sư; Tự ngã thối nát; Ba loại chữ viết; Chiến sĩ và Tỳ-kheo; Tam pháp ấn; Thuần hóa ngựa rừng; Các loại đạo lộ.

Như vậy, này Ānanda, nghiệp là thửa ruộng, thức là hạt giống, ái là sự nhuận ướt” (A. I. 223).

4. Chương Bốn pháp (Catukkanipāta) gồm những chủ đề: Giới, Định, Tuệ và Giải thoát; Bậc trí tuệ và đa văn như vàng ròng ở cõi Diêm-phù; Bốn vô sở úy; Bốn chánh cần; Tôn trọng và nương tựa pháp; Bốn pháp tác thành bậc Trưởng lão; Mục đích của Phạm hạnh; Bốn Thánh chủng; Bốn nhiếp pháp; Đức Phật là ai; Bốn cách trả lời; Nguồn cội của phước đức; Bốn cách sống chung; Bốn pháp bố thí; Bổn phận của cư sĩ; Pháp rải tâm từ; Sự vi diệu của Như Lai; Cách thức thuyết pháp; Đạo lộ tu hành; Cơ sở xác định giáo pháp; Lắng nghe, tụng đọc, suy gẫm cách thức để thể nhập pháp; Hiểu rồi hãy nên tin; Nguyên nhân đẹp và xấu; Bốn loại nghiệp; Bốn quả Sa-môn.

Cũng vậy, này Bà-la-môn, sanh ra trong đời, lớn lên trong đời, Ta sống chinh phục đời, không bị đời thấm ướt. Này Bà-la-môn, Ta là Phật, hãy như vậy thọ trì” (A. II. 37).

5. Chương Năm pháp (Pañcakanipāta) gồm những chủ đề: Năm sức mạnh; Dạy bảo cứng rắn; Biết sống hòa hợp; Uế nhiễm của tâm; Năm xứ giải thoát; Lợi ích của kinh hành; Công đức bố thí; Pháp của nàng dâu; Ý nghĩa sinh con trai; Phương cách gầy dựng tài sản; Bố thí vật khả ý; Năm loại Thánh tài; Mũi tên sầu muộn; Năm chướng ngại bao phủ tâm; Xuất gia khi tuổi xế chiều; Sống theo pháp; Năm hạng chiến sĩ; Sống ở trong rừng; Trưởng lão kỳ cựu;

Mất thần thông vì danh lợi; Phương thức của kẻ trộm; Sống theo Giới bổn; Chăm sóc bệnh; Phương pháp gia tăng tuổi thọ; Tội ngũ nghịch; Tổn thất và thành tựu; Bậc Chuyển Luân Vương; Con voi của nhà vua; Bố thí của bậc Chân nhân; Diệu pháp hỗn loạn; Cách thức thuyết pháp; Trừ khử hiềm hận; Kẻ bị vất bỏ; Năm việc không kinh doanh; Hạng người sống ở rừng; Cựu pháp của Bàla-môn; Các hạng Bà-la-môn; Bà-la-môn và chú thuật; Giấc mộng của Bồ-tát; Năm tính chất của lời nói; Lợi ích của cháo; Lợi ích của tăm xỉa răng; Thuyết pháp với giọng ca; Tham luyến trú xứ.
Nói đúng thời, nói đúng sự thật, nói lời nhu hòa, nói lời liên hệ đến lợi ích, nói với lời từ tâm” (A. III. 243).

6. Chương Sáu pháp (Chakkanipāta) gồm những chủ đề: Cung kính bậc đáng cung kính; Các căn và các lực; Con ngựa của nhà vua; Sáu nguyên tắc sống chung; Giáo giới khi lâm chung cho hàng cư sĩ, Tỷ-kheo; Nghề nghiệp và ác nghiệp; Tu tập niệm chết; Thời gian thích hợp để tu hành; Sáu chỗ tùy niệm; Sáu pháp minh phần; Vô nhân luận của Bà-la-môn; Nguyên nhân để Diệu pháp tồn tại; Trú xứ mà Phật hoan hỷ; Xác tín về quả Dự lưu; Đau khổ của kẻ nghèo khổ; Bình đẳng tư duy; Phòng hộ các căn; Không phóng dật; Đồng Phạm hạnh phải kính trọng nhau; Tiếng đàn của Soṇa; Đoạn trừ lậu hoặc; Hoàn tục và xuất gia; Con đường đi đến bờ kia; Pháp môn quyết trạch; Sáu lực của Như Lai; Điều kiện để chứng quả Bất lai và A-la-hán; Điều kiện để an trú Sơ thiền; Thành tựu sự thanh lương; Quyết định tánh của sự nghe pháp; Hành động của người có chánh kiến; Chứng quả Dự lưu.

Khi tinh cần tinh tấn quá căng thẳng, thời đưa đến dao động; khi tinh cần tinh tấn quá thụ động, thời đưa đến biếng nhác” (A. III. 375).

7. Chương Bảy pháp (Sattakanipāta) gồm những chủ đề: Bảy tài sản của bậc Thánh; Phiền não tiềm phục; Điều kiện trở thành gia đình thuần lương; Ví dụ người và nước; Bảy pháp bất thối của một quốc gia và của vị Tỳ-kheo; Bảy giác chi; Lời nói vắn tắt nhưng ý nghĩa rộng lớn; Những điều kiện để trở thành bạn tốt; Điều kiện đạt được bốn vô ngại giải; Thiện xảo trong thiền định; Bảy chỗ thức trú; Bảy loại lửa và lợi ích của chúng; Bảy loại tưởng; Thế nào là sống Phạm hạnh; Pháp môn hệ lụy và ly hệ lụy; Bố thí với ý nghĩa lớn; Nguồn gốc của sự hồi hướng công đức; Những sự kiện Như Lai không trả lời; Bảy sanh thú của loài người; Kết quả hiện tại của sự bố thí; Như Lai không che đậy và không phạm lỗi; Những phương pháp ngăn ngừa buồn ngủ; Bảy hạng vợ; Ước muốn của kẻ thù địch; Tàm quý và cơ sở để chế ngự các căn; Bảy mặt trời; Phòng hộ vững chãi như thành trì ngoài biên ải; Bảy pháp cần thắng tri; Cây Trú Độ của chư thiên ở cõi trời Ba Mươi Ba; Tỳ-kheo phải kính trọng ai; Tùy thuận tu tập; Sự nguy hiểm của cung kính và lợi dưỡng; Ngoại đạo ly tham Araka dạy đệ tử; Để xứng đáng là bậc trì Luật; Bảy pháp diệt trừ sự tranh cãi; Người xứng đáng được cung kính.

Như giọt sương là đời sống loài người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não” (A. IV. 136).

8. Chương Tám pháp (Aṭṭhakanipāta) gồm những chủ đề: Lợi ích của lòng từ; Tám nhân duyên thành tựu Phạm hạnh; Tám pháp xoay chuyển thế gian; Khi tâm bị chinh phục; Những phẩm hạnh của Tôn giả Nanda; Tỳ-kheo giả dạng; Các triết phái công kích đức Thế Tôn; Tướng quân Sīha quy y với Thế Tôn; Con ngựa thuần phục, con ngựa chưa được điều phục và các hạng Tỳ-kheo; Vô minh và cấu uế; Điều kiện để trở thành sứ giả; Sự trói buộc giữa nam và nữ; Tám tính chất của biển và giáo pháp; Điều kiện để Bố-tát; Ugga và Hatthaka, những cư sĩ lý tưởng; Định nghĩa về cư sĩ; Tám sự kiện phi thời cho đời sống Phạm hạnh; Tư niệm về pháp của Tôn giả Anuruddha; Những lý do phải bố thí và làm phước; Thửa ruộng và vị Tỳ-kheo; Tám nguồn nước công đức; Quả dị thục của hành động ác; Tám chi trai giới và công đức thực hành; Tám pháp để nữ nhân sanh thiên; Các pháp giúp người phụ nữ sống tự chủ; Sự thành lập Ni đoàn và tám pháp trọng yếu; Những điều kiện để người cư sĩ sống hạnh phúc, an lạc ngay trong hiện tại và tương lai; Đạo và Quả của bậc Thánh; Điều kiện cần của vị giảng sư; Giao thiệp với chư thiên; Tám thắng xứ; Tám giải thoát; Tám Thánh ngôn; Hội chúng của đức Phật; Lời hứa của đức Phật; Lòng tin; Tu tập niệm chết; Chỗ dựa của biếng nhác và tinh tấn; Cội rễ của sự vật; Pháp của kẻ trộm; Các tên gọi khác của Như Lai; Trú xứ được đức Phật khen ngợi; Pháp trách phạt cư sĩ; Pháp yết-ma cử tội; Các nữ cư sĩ tiêu biểu.

Trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình” (A. IV. 197).

9. Chương Chín pháp (Navakanipāta) gồm những chủ đề: Chín pháp y cứ để thành tựu Chánh giác phần; Các pháp đưa đến tâm giải thoát; Nghe pháp đúng thời và đàm luận pháp đúng thời; Thành tựu bốn sức mạnh; Pháp cần phải thân cận và không cần phải thân cận; Bậc A-la-hán không còn lỗi lầm; Chín hạng người; Phẩm hạnh của Tôn giả Sāriputta; Những lý do để sống Phạm hạnh; Hỏi đáp với Tôn giả Samiddhi; Thân thể như ung nhọt; Chín loại tưởng; Những gia đình vị Tỷ-kheo nên đến và không nên đến; Tám pháp trai giới và bốn tâm vô lượng; Sự hối hận của chư thiên; Phân biệt bố thí; Chín chỗ cư trú của loài hữu tình; Tâm vững chãi như trụ đá; Chín cách nghĩ gây xung đột và cách điều phục; Đoạn diệt và an trú tuần tự; Niết-bàn là an lạc; Trí tuệ thể nhập và khởi xuất thiền chứng; Đúng sai và hý luận; Trận chiến giữa chư thiên và a-tu-la; Hạnh sống độc cư thiền tịnh của vị Tỷ-kheo; Thế nào là an tịnh?; Trói buộc và giải thoát; Thế nào gọi là thân chứng, tuệ giải thoát và giải thoát cả hai phần; Năm hạ phần kiết sử và năm thượng phần kiết sử; Năm tâm hoang vu và bốn niệm xứ.

Pháp là chính thực mình thấy, pháp là thiết thực hiện tại” (A. IV. 453).

10. Chương Mười pháp (Dasakanipāta) gồm những chủ đề: Sự phát triển tuần tự của thiện pháp; Hữu diệt là Niết-bàn; Trú xứ lý tưởng; Năm tâm hoang vu và năm tâm triền phược; Không phóng dật là chỗ quy tụ của thiện pháp; Mười bậc xứng đáng được cúng dường; Mười chỗ cư trú của bậc Thánh; Mười lực và mười trí như thật của Như Lai; Mười đề mục (biến xứ) để tu thiền; Tối thượng và hạ liệt; Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) tán thán đức Thế Tôn; Mười lý do chế giới; Người hòa giải; Tư cách làm Thầy; Phá hòa hợp Tăng; Cội gốc của tranh luận; Quán sát kỹ rồi hãy buộc tội; Nguy hiểm khi thân cận vương quyền; Tự soi sáng tâm mình; Các pháp lấy Niết-bàn làm cứu cánh; Mười tưởng và việc trị bệnh; Thức ăn của vô minh và minh; Giải thích thêm về bốn bậc Thánh; Ước nguyện đúng pháp; Tiếng ồn là cây gai của thiền định; Hạnh nghiệp và nơi tái sinh; Con quạ và vị Tỳ-kheo; Mười hạng người hưởng dục; Chấp thủ của ngoại đạo; Rừng núi làm loạn tâm vị Tỳ-kheo chưa chứng thiền định; Định nghĩa về tẩy trần; Thuốc xổ của bậc Thánh; Ngày xuất ly của Bà-la-môn và của bậc Thánh; Tịnh hạnh và bất tịnh hạnh; Cúng cho người chết; Pháp môn quanh co và pháp môn Chánh pháp.

Với người sống Phạm hạnh, thân cận với phụ nữ là cây gai. Với người chứng Thiền thứ nhất, tiếng ồn là cây gai. Với người chứng Thiền thứ hai, tầm tứ là cây gai. Với người chứng Thiền thứ ba, hỷ là cây gai. Với người chứng Thiền thứ tư, hơi thở là cây gai. Với người đã đạt được Diệt thọ tưởng định, tưởng và thọ là cây gai. Tham là cây gai. Sân là cây gai. Si là cây gai” (A. V. 133).

11. Chương Mười một pháp (Ekādasakanipāta) gồm những chủ đề: Sự sinh khởi tuần tự các thiện pháp; Những tai họa khi xúc phạm bậc Thánh; Tác ý và không tác ý; Thiền tư thuần thục; Bậc Minh Hạnh Tròn Đầy; Các pháp tùy niệm; An trú với lòng tin và những pháp liên hệ; Những lợi ích khi tu tập lòng từ; Cánh cửa bất tử; Pháp của người chăn bò; Các trạng thái thiền định; Thắng tri tham ái.

Sát-lỵ, chúng tối thắng,
Với người tin chủng tánh,
Bậc Minh Hạnh Đầy Đủ,
Tối thắng giữa nhân, thiên” (A. V. 326).

Kết luận

Với điều kiện không có nhiều tùy chọn trong việc ghi nhớ và giữ gìn lời dạy của đức Phật, thì việc sắp xếp nội dung theo pháp số tăng dần của Tăng chi bộ là một kết cấu đặc thù, đã góp phần gìn giữ được sự toàn vẹn của giáo pháp. Mặc dù cách trình bày mang tính vắn tắt, cô đọng nhưng Tăng chi bộ đã chuyển tải được rất nhiều nội dung quan trọng trong giáo lý Phật giáo. Ngoài những quy định chi tiết, cụ thể như các điều luật dành cho giới xuất gia và cư sĩ tại gia, cho đến những phân tích sâu xa về sự vận hành của tâm thức, bản kinh này đặc biệt chứa đựng nhiều nội dung rất thiết thực, liên quan đến người cư sĩ lý tưởng trong việc sống có đạo đức, cách tạo dựng tài sản, xây dựng gia đình, xã hội lành mạnh, phụng sự Tam bảo và tha nhân. Những vấn đề này có ý nghĩa vô cùng thực tiễn, có giá trị ứng dụng vượt thời gian và không gian, nhất là trong thời đại hiện nay, cuộc sống muôn màu, muôn vẻ.
Về phương diện pháp hành, Tăng chi bộ chứa đựng rất nhiều phương pháp hành trì mà đức Phật đã giảng dạy. Từ những cách thức tu tập đơn giản nhất như tụng kinh, niệm Phật, hồi hướng công đức cho đến những pháp hành mang tính phổ quát như thiền Tứ niệm xứ, thiền Chánh niệm… người học Phật nếu có đủ trí tuệ và đủ duyên vẫn có thể tự mình trải nghiệm và thành tựu được những pháp tu này, sau khi đã đọc kỹ và chiêm nghiệm Tăng chi bộ.
Xét về phương diện lịch sử, văn hóa, bản dịch tiếng Việt Tăng chi bộ của Hòa thượng Thích Minh Châu là một đóng góp to lớn và có ý nghĩa về nhiều mặt. Ở đây, việc giữ gìn và lưu bố bản kinh này, không những là một việc làm nhằm thể hiện lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân mà còn là bổn phận và trách nhiệm đối với tương lai của Phật giáo Việt Nam.
 Mặc dù cách thời đức Phật đã xa nhưng khi khảo cứu về phương diện lịch sử truyền thừa, có thể thấy rằng, lời dạy của đức Phật trong Tăng chi bộ vẫn còn giữ được nguyên vẹn tính chân thực. Bởi lẽ, những lời dạy đó hoàn toàn phù hợp và trùng khớp khi so sánh với Pháp và Luật được trình bày trong các kinh.

TP. Hồ Chí Minh, tháng 3 năm 2020
Cẩn soạn

TT. TS. THÍCH MINH THÀNH

(Đồng Tổng Biên tập Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam)

 


[1] “Năm bộ bằng tiếng Pāli được bảo tồn một cách hoàn chỉnh do Đồng Diệp bộ (Tāmraṣāṭīyā) lưu truyền. Đây là việc làm hy hữu, không thể bỏ qua không tìm hiểu. Đồng Diệp bộ là một bộ phái của hệ Phân Biệt Thuyết (Vibhajyavāda), thuộc hệ Thượng Tọa bộ (Sthavira).” Hòa thượng Thích Ấn Thuận, Lịch sử biên tập Thánh điển Phật giáo Nguyên thủy (Thích Phước Sơn và các dịch giả khác), NXB. Phương Đông, 2015, tr. 681. 2 D. 33, Saṅgīti Sutta (Kinh Phúng tụng) và D. 34, Dasuttara Sutta (Kinh Thập thượng).

[2] G. P. Malalasekera (ed.), Encyclopaedia of Buddhism, vol. I (The Government of Ceylon, 1961-65), p. 630.

[3] Maurice Winternitz, A History of Indian Literature, vol. 2 (Delhi: Motilal Banarsidass, 1993), p. 63.

[4] Oskar von Hinüber, Handbook of Pāli Literature (Berlin: Walter de Gruyter, 1996), p. 40. 6 Op. cit.

[5] Cf. https://www.accesstoinsight.org/.

[6] Russell Webb, An Analysis of the Pāli Canon (Kandy: Buddhist Publication Society, 1975), p. 26. 9 Bhikkhu Bodhi, The Numerical Discourses of the Buddha (Somerville, Massachusetts: Wisdom Publications, 2012), p. 18.

[7] Op. cit., tr. 58.

[8] Kanai Lal Hazra, Pali Language and Literature, vol. 1 (New Delhi: D. K. Printword Pvt. Ltd., 1994), p. 250. 12 G. P. Malalasekera (ed.), op. cit., tr. 629.

[9] Étienne Lamotte, History of Indian Buddhism (Paris: Institut Orientaliste Louvain La-Neuve, 1988), p. 558.

[10] Op. cit.

[11] Maurice Winternitz, A History of Indian Literature, vol. 2 (Delhi: Motilal Banarsidass, 1993), p. 59.

[12] Kanai Lal Hazra, Pali Language and Literature, vol. 1 (New Delhi: D. K. Printword Pvt. Ltd., 1994), p. 250.

[13] Bimala Churn Law, A History of Pali Literature (Varanasi: Indica Books, 2000), p. 203.

[14] Op. cit., p. 252.

[15] Bimala Churn Law, op. cit., p. 203.

[16] Op. cit.

[17] Op. cit

[18] Op. cit., pp. 202-03. Kanai Lal Hazra, op. cit., p. 251.

[19] Bimala Churn Law, op. cit., p. 203.

[20] G. P. Malalasekera (ed.) op. cit., p. 630. Kanai Lal Hazra, op. cit., p. 251.

[21] Ấn Thuận, Lịch sử Biên tập Thánh điển Phật giáo Nguyên thủy (TP. HCM: NXB. Phương Đông, 2015), tr. 984-87.

[22] Ấn Thuận, op. cit., tr. 1044-46.

[23] Bimala Churn Law, op. cit., p. 192. Kanai Lal Hazra, op. cit., p. 253.

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm