Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Bản ý của Tịnh độ tông

Tịnh Độ tông chủ trương niệm Phật, quán tưởng Đức Phật A Di Đà và sự thù thắng, trang nghiêm của cõi Cực Lạc bằng tự lực với Tín, Nguyện, Hạnh và tha lực với bản nguyện của Đức Phật A Di Đà để thành tựu vãng sinh trong trạng thái nhất tâm bất loạn (Chánh định).
Mục lục


Về phần Hạnh, không chỉ có chuyên trì niệm Phật, quán tưởng mà còn thọ trì Tam quy, Ngũ giới, hành Thập thiện, tu tạo các công đức phước lành, và hơn thế nữa là phát Bồ-đề tâm, nguyện thành Phật đạo, hóa độ chúng sinh. Kinh Quán Vô lượng thọ có nói rõ: “Hành giả muốn vãng sinh Tịnh độ phải hội đủ ba điều kiện: Một là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, nuôi dưỡng lòng từ không sát hại, tu tập mười nghiệp lành. Hai là thọ trì tam quy, giữ giới, không phạm oai nghi. Ba là phát Bồ-đề tâm, tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa, khuyên người khác cùng tu”.

Từ đó cho thấy Tịnh Độ tông không phải là một tông phái chỉ có niềm tin, mà chủ trương con đường tu tập Giới, Định, Tuệ, nhất là bước đầu rất chú trọng về Giới và Định. Nhờ công phu tinh tấn niệm Phật mà thành tựu Định (nhất tâm bất loạn). Nhờ thọ trì tam quy, ngũ giới, thập thiện và tu tạo các công đức phước lành mà thành tựu được Giới.

Ngoài ba bộ kinh và một bộ luận trọng yếu của tông Tịnh Độ (kinh A Di Đà, kinh Vô lượng thọ, kinh Quán Vô lượng thọ và luận Vãng sinh Tịnh độ), kinh Niệm Phật Ba-la-mật là bộ kinh nói rõ bản ý, chủ đích của tông Tịnh Độ, lý giải một cách rõ ràng, thấu đáo về mục đích và đường lối tu tập pháp môn niệm Phật cầu vãng sinh. 

Trong phẩm Mười tâm thù thắng (Hòa thượng Thích Thiền Tâm dịch) có nói: “Pháp môn niệm Phật chính là chuyển biến cái tâm thể của chúng sinh, bằng cách không để cho tâm thể ấy duyên với vọng niệm, với lục trần là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, với huyễn cảnh, với kiến chấp, với mong cầu, với thức phân biệt v.v… Mà chỉ đem tâm thể ấy duyên mãi với danh hiệu Nam-mô A Di Đà Phật. Không bao lâu người niệm Phật tự nhiên đi vào chỗ vắng lặng, sáng suốt, an lạc, cảm ứng với nguyện lực của Đức Phật A Di Đà, thấy mình sinh vào cõi nước Cực Lạc, thân mình ngồi trên tòa sen báu, nghe Phật và Bồ-tát nói pháp, hoặc thấy Phật lấy tay xoa đảnh”. 

Điều này cũng tương tự như lời Phật dạy trong kinh Quán Vô lượng thọ: “Chư Phật Như Lai là thân pháp giới, vào trong tâm tưởng chúng sinh, cho nên tâm các ngươi tưởng Phật thì tâm ấy là 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật. Biến Chánh biến tri của Phật từ nơi tâm tưởng mà sinh, vì thế các ngươi phải nhớ nghĩ và quán tưởng kỹ thân của Đức Phật kia”.

Đó chỉ là sự an trú tâm trong tịnh cảnh, nhưng trí tuệ và  định lực chưa đủ sức phá trừ căn bản vô minh, phiền não lậu hoặc vi tế. Vì thế cần phải thường ở trong tịnh cảnh do niệm Phật nhất tâm, thành tựu tam muội, cộng với sự nhiếp hóa hỗ trợ của Phật A Di Đà, Thánh chúng và hoàn cảnh thanh tịnh của cảnh giới Cực Lạc để chuyển hóa hoàn toàn, thành tựu giải thoát. Sau khi có thể tự tại ra vào sinh tử hóa độ chúng sinh, vẫn trải qua quá trình hành Bồ-tát đạo, và cuối cùng là thành Phật, chuyển Pháp luân như con đường chư Phật quá khứ đã trải qua. 

Tiếp tục khảo sát kinh Niệm Phật Ba-la-mật, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó:“Người niệm Phật tuy đã phát khởi tín tâm dũng mãnh và công phu không gián đoạn, nhưng nếu tái sinh cõi Ta-bà thì vẫn bị luân chuyển vì định huệ còn non kém, quả đức chưa hoàn mãn. Cần phải vãng sinh Cực Lạc thế giới, cận kề Phật và Thánh chúng, thành tựu vô lượng Ba-la-mật, thâm nhập Tam muội Tổng trì môn, phát hoằng thệ nguyện đi khắp mười phương giáo hóa vô số chúng sinh. Không lâu sau lấy cỏ rải nơi Bồ-đề đạo tràng, hàng phục ma quân, thành Đẳng Chánh Giác, chuyển Pháp luân vô thượng. Nên biết rằng được vãng sinh Cực Lạc thì không bao giờ trở lại địa vị phàm phu với thân xác ngũ uẩn nữa, do đó mới gọi là Bất thối chuyển. Từ đó về sau, dần dần thành tựu mười thứ trí lực, mười tám pháp bất cộng, ngũ nhãn, lục thông, vô lượng đà-la-ni, vô số tam muội, thần thông du hí, biện tài vô ngại v.v… đầy đủ công đức vô lậu của bậc Đại Bồ-tát, cho đến khi đắc quả Phật. Bởi vậy mà Ta, Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn hôm nay trân trọng xác quyết rằng: Vãng sinh đồng ý nghĩa với thành Phật”.

Chỉ khi tâm an trú hoàn toàn vào trạng thái thanh tịnh, mà theo giáo nghĩa Tịnh độ chỉ có cảnh giới của chư Phật, của chư Thánh bất thối chuyển như Cực Lạc, thì ở đó các phiền não vi tế, các tập khí sinh tử mới không có điều kiện sinh khởi và dần dần được chuyển hóa, hành giả mới không rơi trở lại cõi đời ngũ trược (không còn tái sinh trở lại cõi Ta-bà), từ đó theo sự giáo hóa của Đức Phật A Di Đà mà tu tập cho đến ngày thành Phật.

Những lời dạy trong kinh Niệm Phật Ba-la-mật nói trên cũng là câu trả lời cho thắc mắc: Pháp môn Tịnh độ chỉ có Định hay thiền Chỉ mà không có Tuệ quán (thiền Quán) thì làm sao phá trừ căn bản vô minh, vi tế lậu hoặc. Mặc dù các hành giả Tịnh độ cho rằng quán hảo tướng và công đức của Đức Phật A Di Đà và sự thù thắng trang nghiêm của cảnh giới Cực Lạc, đó là thiền Quán; hoặc cho rằng từ Định (nhất tâm bất loạn) sẽ phát sinh Tuệ nhưng cách lý giải này dường như chưa thỏa đáng. Bởi nếu nói từ Định mà sinh Tuệ thì tại sao ngoại đạo đạt tới cảnh giới Định rất cao như Tứ không định mà vẫn không giác ngộ, không xuất hiện trí tuệ giải thoát. Có thể nói nguyên nhân là vì ngoại đạo còn chấp thủ các cảnh giới thiền định và không thấy được lý Duyên sinh-Vô ngã, không tu tập tuệ quán để thấu triệt về Tứ diệu đế.

Trở lại tư tưởng Tịnh độ, theo bản ý của tông Tịnh Độ thì vãng sinh là “thành Phật” ở ý nghĩa bất thối chuyển (không còn tái sinh trở lại cõi Ta-bà), chứ vãng sinh không phải là thành Phật trong ý nghĩa giác ngộ viên mãn. Vãng sinh chưa phải là cuối con đường tu tập để đạt được cứu cánh đạo quả Bồ-đề. Điều này không chỉ kinh Niệm Phật Ba-la-mật mà các kinh khác của Tịnh Độ tông cũng có nói rõ. Mục đích của tông Tịnh Độ là để có được cơ hội vãng sinh.

Sở dĩ nhiều người tu theo pháp môn Tịnh Độ là vì cho rằng pháp môn này đảm bảo hơn những pháp môn khác ở chỗ “bất thối chuyển”, hành giả được an toàn trong cảnh giới Cực Lạc, đây là hoàn cảnh rất tốt làm tăng thượng duyên cho quá trình tu tập. Nếu không vãng sinh về Cực Lạc, còn tái sinh trở lại cõi đời ngũ trược thì không lấy gì đảm bảo hành giả không thối thất tâm Bồ-đề, lui sụt công năng tu hành, vướng vào ngũ dục lục trần.

Đại sư Tuệ Viễn (333-416) đời Đông Tấn (317-420), người được xem là Sơ tổ sáng lập Tịnh Độ tông Trung Hoa, vốn là một người chuyên nghiên cứu Thiền học, tu tập Giới, Định, Tuệ, nhưng ngài lại lập ra Bạch Liên xã ở Lô Sơn, quy tụ tứ chúng đồng tu niệm Phật cầu sinh Tây phương Cực Lạc. Các bậc long tượng trong Chánh pháp như ngài Mã Minh, Long Thọ, Thế Thân v.v... đều tán thán pháp môn Tịnh độ. 

Trong luận Đại thừa khởi tín, ngài Mã Minh viết: “Nên mạnh mẽ tinh tấn, ngày đêm sáu thời lễ bái chư Phật, thành tâm sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỷ, hồi hướng về quả Bồ-đề. Tu tập như thế không thôi nghỉ thì sẽ được khỏi các chướng, căn lành thêm lớn”. Lại nói: “Như Lai có phương tiện thù thắng để nhiếp hộ người có tín tâm. Ấy là dùng nhân duyên chuyên nhớ niệm Phật, theo nguyện cầu sinh về Tịnh độ, do được thường thấy Phật nên vĩnh viễn xa lìa ác đạo. 

Như trong kinh nói: Nếu người chuyên niệm Phật A Di Đà ở phương Tây, đem những căn lành mình tu hồi hướng về cõi kia, thì được vãng sinh. Do thường thấy Phật nên không còn lo thối chuyển”. Luận Đại trí độ của ngài Long Thọ cũng nói: “Niệm Phật tam muội có thể trừ các thứ phiền não và tội đời trước. Lại nữa, niệm Phật tam muội có phước đức lớn hay độ chúng sinh. Cho nên các Bồ-tát muốn độ sinh, nếu tu các pháp tam muội khác tất không bằng môn niệm Phật tam muội, vì môn này có phước đức lớn, mau diệt các tội. Phật là Pháp vương, Bồ-tát là Pháp tướng. Bồ-tát vào tam muội này liền hiện sinh về cõi Phật A Di Đà”. 

Ngài Thế Thân dạy pháp tu Ngũ niệm môn trong Vô lượng thọ kinh luận như sau: “Nếu tu Ngũ niệm môn thành tựu, kết quả sẽ được sinh về Cực Lạc, thấy Phật A Di Đà. Ngũ niệm môn là gì? Lễ bái môn, tán thán môn, phát nguyện môn, quán tưởng môn và hồi hướng môn. Lễ bái là thế nào? Ấy là dùng thân lễ bái Đức Phật A Di Đà, tỏ ý cung kính, cầu Phật nhiếp thọ. Tán thán là thế nào? Là dùng miệng khen ngợi sắc thân, danh nghĩa, ánh sáng, trí tuệ của Đức Phật A Di Đà, muốn tu hành như thật cho được tương ưng. Phát nguyện là thế nào? Ấy là một lòng chuyên niệm vào nơi chánh định, nguyện sinh về Cực Lạc. Quán tưởng là thế nào? Là dùng chánh niệm quán sát công đức trang nghiêm của cõi Cực Lạc, công đức trang nghiêm của Phật A Di Đà và công đức trang nghiêm của chư Bồ-tát, Thánh chúng. Hồi hướng là thế nào? Ấy là tâm từ bi không bỏ những chúng sinh khổ não, nguyện đem căn lành công đức phước báo của mình hồi hướng, cầu cho tất cả loài hữu tình đều được sinh về Cực Lạc”.

Qua sự tán dương khen ngợi và khuyến khích tu tập theo pháp môn Tịnh độ của các bậc long tượng trong Chánh pháp, chúng ta không thể xem thường pháp môn Tịnh độ, vì chắc chắn pháp môn ấy có sự thù thắng vi diệu. Sự thù thắng vi diệu ấy càng được chứng minh sáng tỏ hơn khi chúng ta nhiệt tâm thực hành và thể nghiệm.  

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm