Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

Nghiên cứu >> Phật giáo phát triển

Giá trị bình yên

Có bao giờ bạn tự hỏi đâu là giá trị thực sự của cuộc đời? Có lẽ với nhiều người, tiền bạc, địa vị, danh phận và quyền lực mới là thước đo giá trị ở đời. Vì thế mà nhiều người phấn đấu đạt cho được những thứ đó để chứng tỏ giá trị của bản thân. Người không đạt được thì buồn tủi thân phận, mặc cảm tự ti với đời. Người đạt được thì cũng lắm nỗi đau khổ khác như bị soi mói, bị nói xấu, bị xúc phạm, bị ganh ghét, bị thị phi…
Giá trị thật sự của cuộc đời là sự bình yên trong tâm hồn. Chỉ có một tâm hồn bình yên mới mang lại đời sống hạnh phúc viên mãn.
Vững chãi, bình yên - Ảnh minh họa của Bảo Thiên
Kinh Phật kể lại câu chuyện một người đến thăm người bạn thân giàu có lâu ngày không gặp, sau khi vui vẻ ăn uống no say người này lăn ra ngủ. Người bạn chủ nhà vì có việc quan khẩn nên đi gấp, ông bèn tặng người bạn một viên ngọc quý giấu trong chéo áo rồi ra đi. Người này tỉnh dậy không thấy bạn mình đâu nên ra về. Ông qua xứ khác làm ăn nhưng thất bại, cực khổ nghèo khó, phải làm thuê, xin ăn qua ngày. Sau này hai người gặp lại, ông mới biết mình có một viên ngọc vô cùng quý giá mà không hề hay biết, không hề sử dụng đến. Câu chuyện ngắn nhưng được xem là giá trị cốt lõi của một bộ kinh lớn của đạo Phật.

Câu chuyện ngụ ý trong mỗi chúng ta có một viên ngọc vô cùng quý giá mà không hề hay biết, không hề dùng đến. Đức Phật ra đời mục đích là chỉ cho ta thấy viên ngọc đó nơi tâm của mình. Viên ngọc ấy chính là nguồn tâm vô nhiễm, thuần khiết, thanh tịnh, tĩnh lặng; là cõi bình yên sâu thẳm nhiệm mầu; là sự an nhiên thanh thản diệu kỳ tận đáy lòng. Viên ngọc đó là gia tài vô giá của chúng ta. Dù ta là ai trên cuộc đời này đều sở hữu gia tài vốn có ấy của riêng mình. Không ai bắt bạn nghèo thì cõi lòng không được bình yên, không ai bắt bạn nghèo thì tâm hồn không được thanh thản. Lòng bình yên, thanh thản là tài sản vô giá của mọi người.
Cho nên khi chúng ta khai mở được nguồn gia tài đó, chạm được vào cõi bình yên sâu thẳm đó thì dù ta là gì đi nữa ta cũng được hạnh phúc vô cùng, giàu cũng hạnh phúc mà nghèo cũng hạnh phúc, làm một ông vua cũng hạnh phúc mà làm một người ăn xin cũng hạnh phúc. Giá trị của sự bình yên như vậy vượt lên trên mọi giá trị khác nên nó được ví như viên ngọc vô giá. Không có gì ở đời có thể so sánh với giá trị bình yên, vì dù bạn có giàu có đến mức nào, danh vọng cao đến đâu, quyền lực mạnh cỡ mấy cũng vẫn bị khổ đau như thường nếu bạn không nhận ra viên ngọc bình yên thanh thản ấy nơi chính mình.
Quán chiếu nội tâm là cách để ta tiếp xúc được với cõi bình yên trong lòng mình. Điều này ban đầu ta rất cần một nơi thanh tịnh hay một khung cảnh yên bình, không bị người khác quấy rầy để thực tập. Không gian yên tịnh có tác dụng đánh thức sự bình yên trong tâm trỗi dậy. Thường vào những lúc ở một mình, ta rất sợ phải đối diện với khoảng lặng, khoảng trống trong lòng nên tìm cách khỏa lấp bằng những hoạt động bên ngoài như xem phim, nghe ca nhạc, nói chuyện với bạn bè… Nhưng nếu là người sống có chiều hướng tâm linh một chút, ta rất quý trọng những giây phút vắng lặng đó, vì những lúc như vậy ta có cơ hội rất tốt để tiếp xúc với cõi bình yên trong lòng mình.

Nếu ta luôn tự nhắc mình rằng trong nội tâm thường hiện hữu sự bình yên tịnh lạc vốn có, không điều gì có thể phá vỡ được sự bình yên đó, không ai có thể hủy diệt được sự bình yên đó, ngoại trừ chính những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực của mình, thì ta tạo ra được hệ thống an ninh cảnh giác tất cả những suy nghĩ và cảm xúc gây phá vỡ sự bình an của mình. Hệ thống cảnh giác này luôn phát hiện và loại bỏ ngay những suy nghĩ và cảm xúc phá vỡ tính chất bình yên của tâm. Vì thế hãy luôn nghĩ đến sự bình yên vốn có trong tâm để mình lúc nào cũng an trú trong niềm hạnh phúc diệu kỳ của tâm hồn.
Chúng ta có quá nhiều ham muốn vì đâu? Là vì chúng ta không khám phá ra được nguồn tâm an lạc đủ đầy vốn có của mình. Chúng ta lúc nào cũng cảm thấy thiếu vắng hạnh phúc, an lạc nên tham muốn đủ thứ để mong có được chút hạnh phúc khi được thỏa mãn chúng. Nhưng hạnh phúc tìm cầu bên ngoài bằng cách thỏa mãn những ham muốn chỉ là những hạnh phúc vụn vặt, nhỏ nhoi, tầm thường so với hạnh phúc vô lượng vô biên của nguồn tâm yên bình tịnh lạc vốn có của mình.

Chính vì vậy mà khi đạt được nguồn tâm ấy, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã tuyên bố, ta xem ngai vàng như chiếc giày rách. Quả thật đối với ngài, ngai vàng cũng chỉ là thứ hạnh phúc vụn vặt, nhỏ nhoi, tầm thường so với nội tâm bình yên mà ngài đạt được. Cho nên khi ta khám phá được cõi bình yên vô tận trong tâm hồn thì một cảm giác hạnh phúc, sung sướng, mãn nguyện tràn ngập mà cả cuộc đời dù ta có đạt được bao nhiêu thành công, có được bao nhiêu vật chất đi chăng nữa cũng không thể sánh bằng.
Chúng ta luôn ý thức và tự nhắc rằng mình có một gia tài bình yên vô cùng quý giá. Gia tài ấy chứa vô lượng tình thương, vô lượng trí tuệ, vô lượng hạnh phúc, vô lượng hỷ lạc. Ta không biết mình có một gia tài vô lượng vô biên như thế nên cứ mãi làm kẻ ăn mày hạnh phúc của người khác. Ai cho ta chút tình thương, ta mới được hạnh phúc, ai cho ta chút lợi lộc, ta mới được hạnh phúc… Đấy là ta đang ăn mày hạnh phúc của kẻ khác. Vậy thì hãy trở về cõi bình yên tĩnh lặng trong ta để tận hưởng hạnh phúc diệu kỳ, đừng là người nghèo khó thiếu thốn hạnh phúc như anh chàng trong kinh Phật mô tả nữa.

Giá trị thật sự của cuộc đời là sự bình yên trong tâm hồn. Chỉ có một tâm hồn bình yên mới mang lại đời sống hạnh phúc viên mãn. Nếu cứ đeo đuổi các giá trị vật chất bên ngoài, ta toàn thấy người khác hạnh phúc hơn mình, vì họ có những giá trị vật chất mà mình khát khao nhưng không thể có được. Ta càng khát khao sự giàu sang của người khác bao nhiêu thì càng cảm thấy mình kém cỏi, bất tài, thiếu phước, tự ti mặc cảm với đời bấy nhiêu. Nhưng khi giác ngộ được giá trị cốt lõi của đời sống là sự bình yên, thanh thản trong tâm hồn thì ta thấy mình phước báu vô cùng, hạnh phúc vô cùng, vì dù người khác có sở hữu bao nhiêu vật chất đi chăng nữa, ta vẫn thấy ở họ sự bất an, căng thẳng nếu họ không nhận ra được giá trị cốt lõi nơi tâm mình.
Từ giá trị cốt lõi bình yên sẽ đưa đến đời sống đầy mãn nguyện và hài lòng. Điều này không có nghĩa là bạn không cần phải làm gì cả, không còn ước mơ và khát vọng nữa.

Khi bạn chạm vào được thế giới an nhiên nơi tâm mình, mọi ước mơ vẫn còn đó, nhưng không còn làm bạn đau đầu nữa, mọi khát vọng vẫn còn đó nhưng không còn tạo áp lực lên bạn nữa. Bạn vẫn hành động để thực hiện ước mơ, vẫn làm việc để đạt được khát vọng nhưng tất cả đều nằm trong sự bình yên của tâm hồn. Vì thế, dù bạn có thực hiện được ước mơ hay đạt được khát vọng hay không thì trong bạn luôn hiện hữu sự mãn nguyện đủ đầy và hài lòng với mọi thứ ở đời.

Giá trị cốt lõi bình yên còn đưa đến nhiều giá trị khác nữa, như tình yêu thương chân thành, sự vị tha, lòng bao dung, sự sẻ chia đích thực. Một tâm hồn chứa chất với bao suy nghĩ cân đo đong đếm, tính toán thiệt hơn, làm sao bạn có thể yêu thương chân thành một ai đó. Một tâm hồn xao động với bao thù hận, ghét ghen, ích kỷ, làm sao bạn có thể tha thứ bao dung, sẻ chia, cảm thông với người khác. Vậy thì, không thể có một tâm hồn bất an, đầy dao động, xáo trộn mà có những đức tính tốt đẹp đó được. Chỉ có một nội tâm yên bình mới có thể phát sinh những giá trị nhân văn cao cả nhất mà thôi.
Nếu tâm không bình yên, bạn khó có thể chứa nổi một cử chỉ khiêu khích, một lời nói xúc phạm. Chẳng hạn đang có sự buồn bực mà nghe một lời nói không hay về mình thì bạn dễ dàng cáu tiết lên. Nhưng khi lòng thật sự bình an, bạn có khả năng dung chứa hết mọi thứ ở đời như khen chê, phải trái, đúng sai, đẹp xấu, ưa ghét, hài lòng hay không hài lòng…Lòng bình yên thì mọi cử chỉ đi đứng nằm ngồi, nói năng, làm việc đều trở nên nhẹ nhàng thanh thoát, tinh thần lạc quan tràn ngập, có thể mỉm cười với mọi thử thách chông gai ở đời. Từ giá trị bình yên trong lòng sẽ cho bạn một thái độ sống an nhiên tự tại trong cuộc đời.
Tôi rất tâm đắc lời kết trong một bộ phim cực ngắn nói rằng tất cả những gì chúng ta cần trong đời chỉ nằm trọn trong hai chữ bình yên. Quả thật, điều quý giá nhất trên cuộc đời này không phải tiền tài, sự nghiệp, bổng lộc, mà chính là sự bình yên trong tâm hồn. Vì thế, bạn đừng bao giờ sợ mình nghèo, sợ sự nghiệp không thành, sợ công danh không toại, mà sợ lòng không được bình yên. Lòng bình yên thì mọi thứ sẽ đến.
Mỗi khi mùa Phật đản về, lòng cảm thấy bình yên lạ thường!


Hoàng Nguyên
(Bài đăng Tuần báo Giác Ngộ mùa Phật đản 2017)
Theo: GIÁC NGỘ online

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm