Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

Nghiên cứu >> Phật giáo bộ phái

Thiền Đại thừa và Tối thượng thừa

Trong Nguồn thiền, Tổ Khuê Phong Tông Mật nói: “Người ngộ ngã pháp đều không, hiện bày chân lý mà tu là thiền Đại thừa”.


Thiền Đại thừa và thiền Tiểu thừa

Ngã, được triết thuyết là một thể tánh trường tồn, không bị ảnh hưởng của tụ tán và sinh tử[1].

Không thấy thân này là giả hợp của năm thứ sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà cho có một cái ta điều khiển sai sử mọi suy nghĩ hành vi của mình, gọi là chấp ngã. Nói theo thời nay, ngã là tôi. Thấy có tồn tại một cái tôi, thấy thân này là của tôi, tâm này là tâm tôi, gọi là chấp ngã. Ngã vốn không, do chấp giữ mà thành thật, do thấy thật nên chấp giữ.

Pháp chỉ cho tất cả mọi vật mọi sự trên đời. Duy thức học nói: “Nhậm trì tự tánh, quỹ sinh vật giải”. Hòa thượng Thiện Hoa giải thích: “Phàm cái gì tự nó có thể giữ được hình dáng hay khuôn khổ của nó, làm cho người khi trông đến biết đó là vật gì, gọi là pháp. Như vậy, từ cọng cỏ, cây kim, cho đến một tư tưởng, những cảm xúc vui buồn, hay một hiện tượng, một quy luật v.v. đều gọi là pháp. Ngã cũng là một pháp. Nhưng trong câu nói trên, không chỉ ghi pháp mà ghi cả hai, vì khi phân giải năm loại thiền, trong đó có thiền Tiểu thừa[2], Tổ Tông Mật nói: “Người ngộ lý thiên chân thấy ngã không mà tu là thiền Tiểu thừa”. Do muốn phân định rõ các giai đoạn phá trừ chấp ngã và chấp pháp mà phần thiền Đại thừa vẫn ghi thành hai, dù ngã cũng là một pháp.

Như vậy, có tên gọi Đại thừa hay Tiểu thừa là y vào đích đến, tức chỗ chứng quả sâu hay cạn, mà gọi là Tiểu hay Đại.

Chỉ mới phá chấp ngã, gọi là Tiểu. Phá thêm phần chấp pháp, gọi là Đại. Chấp ngã là cái thấy có một chủ tể làm chủ thân tâm này, cho thân tâm này là thật. Phá được chấp ngã thì thấy thân tâm này chỉ là giả hợp của năm thứ sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Đủ duyên thì hợp, hết duyên liền tan, không có một cái ngã trường tồn trong đó.

Thân này không dài lâu, ai cũng chết, sắc thân tan rã. Chính cái tan rã đó cho thấy tính không thường hằng của thân này, việc đó chứng tỏ nó không thật, không phù hợp với triết thuyết đã lý giải về ngã, vậy thì tại sao vẫn xảy ra tình trạng chấp ngã ở chúng sinh? Là do tồn tại phần nghiệp thức, còn gọi là thần thức, ngoài đạo gọi là linh hồn. Sau khi thân xác tan rã, người ta vẫn thấy có một linh hồn trải dài sinh tử, từ kiếp này sang kiếp khác, vô tận. Khi chúng sinh còn tạo nghiệp, “Nghiệp hữu lậu làm nhân, phiền não chướng làm duyên, sinh ra Phần đoạn sinh tử của chúng sinh[3], thì phần nghiệp thức này vẫn lưu chuyển bất tận. Chính vì sự lưu chuyển đó mà chúng sinh vẫn cho có một cái ngã tồn tại trong thân này. Chỉ khi chứng được quả vị A-la-hán, phần nghiệp thức mới thôi lưu chuyển, Phần đoạn sinh tử thật sự chấm dứt, mới thấy được ngã này không. Vì thế chỉ quả vị A-la-hán mới chứng nghiệm được cái ngã không này, ngoại đạo không có phần.

Tổ nói: “Ngộ lý thiên chân, thấy ngã không mà tu …” thì cái thấy ngã không này chỉ mới dừng ở việc tin nhận. Vì chỉ mới tin nhận nên nói đến tu. Nếu thật sự thấy rồi thì không cần tu nữa. Nên ngộ đây là giải ngộ, thấy đây là tin nhận. Nghe Phật nói ngũ ấm duyên hợp, tin và tu. Tu rồi, chứng quả, mới thấy duyên hợp và ngã không là thế nào. Trong trạng thái Diệt thọ tưởng định mới thật thấy thân tâm này không.

Thấy được ngã không là đúng với lý chân. Tuy vậy vẫn còn thấy có Niết-bàn để nhập, sinh tử để lìa, chưa nhận ra được cái gọi là tánh Phật sẵn đủ trong mình, Niết-bàn hay sinh tử chỉ như mộng huyễn hay hoa đốm trong hư không. Tâm chấp pháp vẫn còn nên nói thiên chân, là chân mà chưa ngay đó, còn lệch chút, thiên là lệch.

Đại thừa thì phải ngộ được ngã pháp đều không. Thấy ngã không rồi còn phải thấy pháp không mới là người tu Đại thừa. Ngộ đây là giải ngộ, mới nói tu. Tu rồi triệt ngộ. Triệt ngộ là ngộ được chỗ tận cùng, nhà thiền gọi là kiến tánh, tức thấy được tánh Phật của mình, nên nói “hiển bày chân lý”. Song triệt ngộ chưa phải là giác ngộ toàn phần như Phật, bởi ngộ thì đồng mà giác có cạn sâu. Cổ đức nói: “Đốn ngộ tuy đồng Phật/ Bao đời tập khí sâu/ Gió dừng sóng còn dậy/ Lý hiện niệm còn xâm”. Kinh Đại bát Niết-bàn cũng nói, “Phật tánh là nhân. Niết-bàn là quả”. Triệt ngộ rồi vẫn còn phải tiệm tu, tiêu trừ tập khí. Nên nói, “Người ngộ ngã pháp đều không, hiển bày chân lý mà tu là thiền Đại thừa”. Ngộ rồi còn phải tu.

Thiền Đại thừa và thiền Tối thượng thừa

Lễ bộ Thị lang Tô Phổ hỏi ngài Thần Hội:

- Vì sao gọi là Đại thừa? Thế nào là Tối thượng thừa?

Thần Hội đáp:

- Bồ-tát tức là Đại thừa. Phật tức là Tối thượng thừa.[4]

* Bồ-tát tức là Đại thừa

Nói đến Đại thừa là nói đến Bồ-tát. Nói đến Bồ-tát là nói đến Đại thừa. Tức là ngay đó mà có thể là chưa hẳn đó. Nó diễn tả một mối tương quan không tách lìa nhau hơn là diễn tả hai thứ y chang nhau, dù vẫn ẩn chứa nghĩa y chang trong đó.

Bồ-tát thì không phải Phật dù là Phật sẽ thành. Phải là Phật sẽ thành thì mới được gọi là Bồ-tát. Nếu không là Phật sẽ thành, chỉ lấy quả vị A-la-hán làm đích đến thì gọi là Thanh văn, không gọi là Bồ-tát. Phải phát tâm tu thành Phật mới gọi là Bồ-tát. Bồ-tát, là từng phần giác. Phật là toàn phần giác. Ngộ thì đồng mà giác có cạn sâu. Cũng có hạng Bồ-tát không đồng cả giác lẫn ngộ, vì chỉ mới là giải ngộ, chưa được cái gọi là triệt ngộ.

Tóm lại, nói đến Đại thừa là nói đến Bồ-tát, đến Phật, là Phật sẽ thành. Ba khái niệm này liên quan mật thiết với nhau. Nói Phật sẽ thành, vì nếu ngay đó là Phật thì gọi là Tối thượng thừa, chẳng gọi là Đại thừa, như ngài Thần Hội đã nói “Phật tức là Tối thượng thừa”. Dù vậy vẫn gọi là Bồ-tát, vì Bồ-tát đăng địa có đến mười địa. Pháp duyên khởi nên dây mơ rễ má lằng nhằng như thế.

Hỏi tiếp:

- Đại thừa và Tối thượng thừa có gì sai khác?

Đáp:

- Gọi là Đại thừa, như Bồ-tát thực hành bố thí ba-la-mật, quán ba việc thể không. Cho đến các ba-la-mật còn lại cũng như thế. Cho nên gọi là Đại thừa. Tối thượng thừa thì chỉ thấy tự tánh vốn không tịch, liền biết ba việc xưa nay tự tánh là không, trọn không cần khởi quán. Cho đến Lục độ cũng như thế. Đó gọi là Tối thượng thừa[5].

Ở đây giải thích khá rõ ràng. Gọi là Bồ-tát vì việc của chư vị là thực hành những pháp mà kinh luận đã dạy cho Bồ-tát. Nhìn những việc chư vị làm thì biết chư vị là Bồ-tát. Việc đó là thực hành Lục độ ba-la-mật. Độ đầu của Lục độ là bố thí. Không phải bố thí như thường dân, thương xót hay ưa thích mà bố thí. Vì nó đi kèm với từ ba-la-mật. Ba-la-mật là đến bờ kia. Bố thí sao cho ta và người đều đến bờ kia, không phải chỉ vì thương hay kính mà cho.

Khá nhiều người thấy việc phóng sinh của đạo tràng là vô ích. Tự dưng mua cá về thả để người ta câu lại. Tiền thả cá cũng khá nhiều. Để dành cho người bệnh hay người nghèo coi thực tế hơn.

Người bệnh và người nghèo có phần của người bệnh và người nghèo. Chính vì thế mà có các chuyến thiện nguyện ở Tây Nguyên, trại cùi, người mù, trẻ em cơ nhỡ v.v. Còn phóng sinh là phóng sinh. Phóng sinh, có quả báo là trường thọ, không nạn tai, không bệnh tật, không chết yểu. Bồ-tát đạo không phải là con đường đơn giản. Không phải cứ chứng thánh rồi là an toàn trăm phần trăm. Ngài Ương Quật Ma vẫn bị ném đá và đánh đập, vì nghiệp sát đã tạo trong hiện đời. Cạo đầu vô chùa rồi, thiên hạ vẫn vào đó giết cho được, vì từng gây nghiệp bất thiện trong quá khứ. Phóng sinh là để chuyển bớt nghiệp cũ xấu ác, có được nghiệp mới tốt đẹp. Có sức khỏe thì đâu cũng xông pha giúp đỡ được. Không chết yểu thì gặp dữ cảnh vẫn bảo toàn được tính mạng v.v. Có vậy mới không thấy sợ khi làm Bồ-tát, không thối tâm Bồ-đề. Những hình thức đó cũng kiến tạo nên cái nhìn tốt đẹp cho chúng sinh, tạo cho chúng sinh có niềm tin với Phật pháp, không ngán con đường Bồ-tát đạo. Tu Bồ-tát hạnh, nếu mọi thứ không hơn gì thiên hạ khi công sức phải bỏ ra quá nhiều, phải hạn chế mọi thú vui ở đời v.v... thì không ai còn tâm đâu dám tu hành. Chính vì thế cần phải phóng sinh.

Tuy vậy, việc chính của phóng sinh không chỉ nằm ở mặt quả báo cho riêng mình mà là gieo duyên với các nhân vật được phóng sinh. Thoát chết trên thớt hay bay nhảy được trong nước, dù quý hóa, vẫn chỉ là sự sung sướng trong chốc lát. Giải thoát kiếp cá, làm người học đạo, sống lại được với Phật tánh của mình mới là việc thiết yếu của kiếp chúng sinh. Vì thế trong việc phóng sinh, không chỉ là thả suông và tìm một nơi thả tương đối an toàn cho lũ chúng, mà còn phải tụng kinh, niệm Phật, quy y, hồi hướng công đức và phát nguyện. Các việc đó mới là chính. Bởi những việc đó giúp mình và người đến bờ kia.

Với các thiện nguyện khác cũng vậy. Bố thí hay cúng dường đều phải có ba-la-mật trong đó. Việc chính vẫn là giúp chư vị gieo duyên với Tam bảo, hồi hướng công đức có được cho chư vị và phát nguyện gieo duyên cùng chư vị khi chư vị chưa có điều kiện gặp Tam bảo, cũng như phát nguyện cùng chư vị thành tựu quả Phật. Những việc như thế giúp mình và người đến bờ kia.

Một việc giúp tới bờ kia quan trọng nữa là khi bố thí “quán ba việc thể không”. Cái quán này không chỉ trợ duyên cho việc phát định mà còn trợ duyên giúp phát triển trí tuệ khi làm việc bố thí. Đây thuộc phần thiền định và trí tuệ trong Lục độ ba-la-mật. Bố thí muốn thành tựu ba-la-mật thì phải có thiền định và trí tuệ trong đó.

Thể không là muốn nói muôn pháp vốn không, tuy có hình tướng nhưng tánh thể vẫn không. Đây là bước đầu trong việc thực hành, phù hợp với đường hướng của người tu Đại thừa, thấy ngã và pháp đều không. Vì thế không thể chỉ bố thí như thường dân mà còn phải quán ba thứ thể không. Cái quán này một khi thuần thục, pháp pháp sẽ hiện rõ bản chất thực của nó.

Ba thứ là người thí, vật thí và người được thí. Người thí, kinh luận gọi là năng thí. Vật thí và người được thí gọi chung là sở thí. Khi bố thí phải quán ba thứ này không.

- Quán không để khỏi dính mắc, khỏi khởi tâm bất mãn với sở thí, khỏi thấy ta làm nhiều rồi tăng trưởng ngã mạn v.v.

- Quán không thì lâu dần cái ta mới hiện rõ bản chất của nó.

- Quán không vì kinh Kim cang dạy: “Bồ-tát đối với pháp nên không chỗ trụ mà hành bố thí. Đó là không trụ sắc mà bố thí, không trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí. Này Tu-bồ-đề! Nên như thế mà bố thí, không trụ nơi tướng”. Phải tập hành cho được cái vô sở trụ này thì tâm mới khế hợp với cái vô trụ của bản giác, việc kiến tánh mới xảy ra. Không thì bố thí nhiều bao nhiêu cũng chỉ ở mức độ quả báo trời người. Không trụ tướng thì tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh mới không. Sau mới có thể chứng nhập được pháp không.

Đó là nói riêng về tướng bố thí. Các tướng còn lại cũng như thế mà quán.

Trong quá trình tu Đại thừa, khi hành giả chứng nghiệm được nhất niệm vô sinh (kiến tánh), là thấy được tánh Phật của mình, thì gọi là Tối thượng thừa. Thấy được tánh ấy rồi thì biết tánh tất cả pháp là không. Không này không phải là không đối với có. Nếu tánh là cái không đối với có thì tất cả pháp không thể sinh khởi theo duyên như hiện nay. Vì nghĩa của tánh là không đổi. Không này vượt có và không, không phải là đối tượng của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, v.v... như kinh Bát-nhã đã nói. Bặt hết tám thức mới nhận được tánh này. Thực thấy rồi thì không cần phải quán, chỉ tùy duyên làm Phật sự. Không phải chỉ với việc bố thí mà với tất cả pháp ở thế gian đều như thế. Tánh vốn không tịch, tùy duyên mà hiện hình tướng.

* Phật tức là Tối thượng thừa

Tổ Tông Mật nói: “Người đốn ngộ tự tâm xưa nay thanh tịnh, vốn không có phiền não, trí tánh vô lậu sẵn tự đầy đủ, tâm này tức là Phật, cứu cánh không khác, y đây mà tu là thiền Tối thượng thừa, cũng gọi là thiền Như Lai thanh tịnh, cũng gọi là Nhất hạnh tam muội. Nếu người hay niệm niệm tu tập, tự nhiên dần dần được trăm ngàn tam muội”.

Đốn ngộ là khi hành giả trực nhận được tánh Phật của mình, là thật sự nhận ra tánh không của vạn pháp, không còn nằm ở phương diện quán hay tin. Tánh đó thanh tịnh, không có phiền não, trí tánh vô lậu sẵn tự đầy đủ. Tuy vậy, đa phần Bồ-tát khi trực nhận tánh thể này thì chỉ là nhất niệm. Niệm niệm còn lại vẫn là giác hữu tình, chưa phải Phật, nên nói “y đây mà tu” là nương nhất niệm đốn ngộ ấy mà tu.

Về nhất hạnh tam muội, kinh Pháp bảo đàn nói: “Nhất hạnh tam muội là đối với tất cả chỗ, đi đứng ngồi nằm thường hành một trực tâm ấy vậy… Hành trực tâm là đối với tất cả pháp chớ có chấp trước. Người mê chấp pháp tướng, chấp nhất hạnh tam muội, chỉ nói ngồi không động, tâm vọng không khởi, là nhất hạnh tam muội. Người khởi hiểu như thế là đồng với vô tình, trở lại thành nhân duyên chướng đạo”.

Tu nhất hạnh tam muội thì mọi hành tác, ở tất cả chỗ, đều chỉ hành một trực tâm. Trực tâm là đối với tất cả pháp không có tâm chấp trước, không phải ngồi yên một chỗ, tất cả mọi vọng niệm đều đè bẹp mà gọi là trực tâm. Đó chỉ là phương tiện ban đầu giúp hành giả điều phục dòng niệm tưởng của mình. Bởi không ngồi yên, không đủ lực để thấy niệm tưởng mà điều phục. Do tâm quen hướng ra ngoài, lực hướng ngoại sẽ khiến hành giả khó thấy được tâm khi tiếp duyên, vì thế cần một chỗ yên tịnh, thân cần yên, sự phản quan mới có thể thực hiện, giúp điều phục tâm mình. Còn thực hành nhất hạnh tam muội, không lệ thuộc vào tướng ngồi hay nằm, v.v. chỉ là đối với pháp không có tâm chấp trước. Đó là tâm hiện lượng nói trong kinh Lăng-già, là “Nhân cảnh đều chẳng đoạt” trong Tứ liệu giản của tông Lâm Tế. Kệ rằng, “Tâm trụ vị trí tâm/ Tâm chẳng giữ nơi cảnh/ Cảnh trụ vị trí cảnh/ Cảnh chẳng giữ nơi tâm/ Vọng niệm chẳng thể sinh/ Thì với đạo chẳng ngại”.

Có thể phân định rõ thiền Đại thừa và Tối thượng thừa theo ba tông mà tổ Tông Mật nói trong Nguồn thiền: Một, tông dứt vọng tu tâm. Hai, tông dứt bặt không chỗ nương. Ba, tông chỉ thẳng tâm tánh. Ba tông này tuy có khác mà cùng một lý đến là ngộ nhập tri kiến Phật của mình. Vì sao biết? Vì ngay tông đầu tiên, luận đã nói: “Chúng sinh tuy sẵn có tánh Phật, vì bị vô minh từ vô thủy che lấp mà không thấy, nên luân hồi sinh tử. Chư Phật đã đoạn vọng tưởng nên thấy tánh rõ ràng, ra khỏi sinh tử, được thần thông tự tại. Nên biết phàm thánh công dụng không đồng…”. Dứt vọng tu tâm là vì thế. Như vậy, lý ba tông cùng đến là Phật tánh, nhưng trên sự có chỗ lập tông khác nhau là do căn cơ của chúng sinh. Cơ khác nên chỗ lập tông có khác. Đây là chỗ phân biệt với thiền ngoại đạo, dù thiền ngoại đạo cũng nói đến việc dứt bỏ mọi vọng niệm.

a) Tông dứt vọng tu tâm

Đây là chỗ mà đa phần hành giả mới tu đều phải nương vào đó, điều phục vọng tưởng của mình. Cần đến tướng ngồi yên ổn. Phương tiện tiến vào cảnh thiền là xa lìa chỗ ồn náo, yên ở chỗ vắng vẻ điều thân, điều hơi thở, ngồi kiết-già yên lặng, lưỡi hướng lên ổ gà, tâm chú một cảnh[6]. Tâm chuyên chú một cảnh giúp trừ bỏ vọng tưởng, đạt được định tâm là chủ trương của tâm này. Chỉ cần chuyên chú một cảnh là được nên hành giả tu tông này có thể trụ tâm ở một điểm ngoài cơ thể hay ngay cơ thể. Trong kinh Lăng nghiêm, ngài Nan Đà quán tướng trắng chóp mũi, trải qua hai mươi mốt ngày thấy hơi thở ra vào như khói… Ngài Hàm Thị giải thích: “Quán tướng trắng chóp mũi là ý bảo buộc tâm tại một chỗ trải qua hai mươi mốt ngày, tâm ngưng động lặng lẽ, bên trong phát ra sáng suốt viên mãn…” Đây là một trong các cách tu thuộc tông này.

b) Tông dứt bặt không chỗ nương

Vì chân thể vô trụ, nếu còn trụ, dù là trụ không, thì khó có thể nhập được chỗ vô trụ. Vì thế phải dứt bặt không chỗ nương. Dứt bặt… là đoạn vọng tưởng mà không cần nương vào chỗ nào như tông dứt bặt tu tâm. Hòa thượng Trúc Lâm giải thích: “Tông này chủ trương dùng trí Bát-nhã để phá các chấp tướng. Như ngài Thạch Đầu chủ trương loại ra: Quán tất cả pháp đều là hư vọng để tâm không còn kẹt trên danh tướng”. Pháp Biết vọng không theo là biết tất cả niệm khởi đều là vọng, không để chúng dẫn chạy cũng thuộc tông này.

c) Tông chỉ thẳng tâm tánh

Chỉ thẳng tâm tánh là ý nói mọi hành tác nói năng dù là thiện hay ác, đều là dụng của Phật tánh, tất cả đều là từ chân tâm hiện, không phải do nghiệp chúng sinh mà có. Muốn vậy thì thiền này phải đặt nền tảng trên việc kiến tánh. Phải kiến tánh rồi mới có thể ứng dụng tông này. Kiến tánh rồi, nếu chưa thể “nhất hạnh tam muội” trong tất cả thời, còn phải cẩn thận với thân, khẩu, ý của mình, nói là chưa kiến tánh. Không thì chúng sinh vẫn hoàn chúng sinh, vì không tu, không hàng phục, mọi hành tác nói năng đều là kết quả của tập nghiệp, không phải là dụng trực tiếp từ chân tâm như chư Tổ Thiền tông. Hòa thượng Trúc Lâm dạy: “Tất cả đều từ chân tâm hiện thì khi gặp cảnh không còn phân biệt mình, người, khen chê, tốt, xấu, hay dở, không khởi niệm thủ xả v.v., tức khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, tâm không còn dính mắc. Vì vậy không cần đoạn, không cần tu, mặc tình tự tại”. Đây là tiêu chuẩn để biết ai tu được tông này. Chính yếu là tâm không còn dính mắc với ngoại cảnh. Tâm còn dính mắc với ngoại cảnh thì không thể ứng dụng tông này. Hòa thượng Trúc Lâm nói: “Thời bây giờ, có một số người nghe tông này, liền vin vào đó mà ăn ngủ, đi đây đi kia chơi... Đó là lầm lớn. Mặc tình tự tại là khi nào đối cảnh tâm không khởi niệm chạy theo cảnh. Chúng ta, tâm còn chạy theo cảnh thì phải ngồi lại tu”. Chỉ cần tâm còn chạy theo cảnh là không thể mặc tình tự tại. Vọng tưởng còn dày thì biết chưa thể ứng dụng tông này mà không tu, không đoạn.

Từ tông này, chúng ta hiểu được vì sao chư thiền sư có khi có cách hành xử thấy có vẻ hồ đồ, thậm chí là phạm giới. Như Thiền sư Nam Tuyền chém mèo v.v. Vì tâm chư vị không còn dính mắc với ngoại cảnh, tập chúng sinh đã hết, mọi hành tác đều là dụng của chân tâm, sinh khởi hành vi nào cũng đều do ứng tâm vì lợi ích của chúng sinh, không phải do bất thiện nghiệp sinh ra, nên không thể y cứ trên hình thức thiện ác của chúng sinh mà đánh giá.

Tông này thuộc về thiền Tối thượng thừa.

Ở trên là nương vào mặt duyên khởi của thiền Tiểu thừa, Đại thừa và Tối thượng thừa để hiển rõ ba loại thiền. Nắm được thì ứng dụng không lầm.

__________________________________

(1) Wikipedia.

(2) Để nguyên tên Tổ đã gọi, để thấy rõ mặt duyên khởi của pháp.

(3) Thành duy thức học - HT.Thích Thiện Siêu dịch và chú.

(4) Thần Hội ngữ lục - HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng.

(5) Thần Hội ngữ lục - Phần Thị lang Tô Phổ - HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng.

(6) Nguồn thiền - HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng.


Theo GIÁC NGỘ online

 

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm