"Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo rằng:
- Này chư Hiền, Tỳ-kheo phạm giới tất làm tổn hại việc thủ hộ các căn. Giữ giới thì không hối hận, hân hoan, hỷ, an chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.
- Này chư Hiền, giống như cây nào mà rễ bị tổn hại thì thân, lõi, nhánh, cành, hoa, lá không thể thành được. chư Hiền nên biết, Tỳ-kheo cũng lại như vậy. Nếu ai phạm giới thì làm tổn hại việc thủ hộ các căn, thủ hộ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, an chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.
- Này chư Hiền, Tỳ-kheo thủ hộ giới thì thường không có sự hối hận, hân hoan, hỷ, an chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát thì liền đắc Niết-bàn.
- Này chư Hiền, giống như cây nào mà rễ không hư thì thân, lõi, nhánh, cành, hoa, lá đều thành tựu. Chư Hiền nên biết, Tỳ-kheo cũng như vậy. Nếu ai giữ giới thì thường không hối hận, hân hoan, hỷ, an chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát thì liền đắc Niết-bàn.
Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết, hoan hỷ phụng hành”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Tập tương ưng, kinh Giới [II], số 48)
Trong phẩm Tập tương ưng này, lộ trình căn bản hướng đến thành tựu Thánh quả A-la-hán căn bản vẫn là “Giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát, chứng đắc Niết-bàn”. Ở pháp thoại trước (kinh Niệm, số 44), Thế Tôn đã nói đến vai trò của hộ trì các căn, giúp cho hành giả thành tựu giới. Pháp thoại này, Thế Tôn nhấn mạnh đến vai trò hỗ tương giữa giữ giới và hộ trì các căn, “phạm giới tất làm tổn hại việc thủ hộ các căn”.
Thực ra giữ giới và hộ trì các căn tuy là hai nhưng lại không tách rời, liên hệ mật thiết với nhau. Phòng hộ các căn cũng là một hình thức giữ giới nhưng linh động hơn và không có giới điều. Không phòng hộ các căn là buông lung, phóng dật chạy theo nghiệp tùy duyên dấy khởi. Nếu hàng rào phòng thủ các căn bên ngoài sụp đổ thì lá chắn tiếp theo là giữ giới bị lung lay, nguy cơ phạm giới có thể xảy ra. Ngược lại, một khi đã phạm giới thì dễ duôi với việc hộ trì các căn, khả năng phòng hộ bên ngoài càng thêm yếu ớt. Từ đó phạm hạnh bị tổn hại và hành giả khó tiến xa trên đường đạo.
Vì vậy, khi tu tập giữ giới tinh nghiêm sẽ gia cố thêm cho phòng hộ các căn. Phòng hộ các căn vững chắc sẽ giúp cho giới hạnh thêm viên mãn. Nền tảng cho phòng hộ các căn chính là chánh niệm, tỉnh giác. Trong đó, chánh niệm thuộc chi phần Định, tỉnh giác thuộc chi phần Tuệ. Nên khi giữ giới nghiêm cẩn, phòng hộ các căn trọn vẹn thì ngay đó có mặt các phẩm tính của Giới - Định - Tuệ. Đã có các phẩm tính của Giới - Định - Tuệ thì hành giả có hy vọng sẽ tiến đến thành tựu giải thoát, Niết-bàn.
Theo GIÁC NGỘ online