Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

Nghiên cứu >> Phật giáo phát triển

Nhị đế là gì?

Trung Luận cũng nói rằng: “Ngôn ngữ lý luận Tục đế chỉ là một giả pháp trong việc khai quyền hiển thật Đệ nhất nghĩa đế. Khi nghĩa huyễn thì thuyết xa lìa, thuyết tức không thuyết, chỉ (Samatha-tâm định) tức không chỉ. Chỉ vì tâm chúng sinh đầy vô minh, hư vọng mà nói ngôn thuyết Tục đế khiến cho chúng sinh xa lìa hư vọng mà ngộ nhập tri kiến Phật. Vì vậy Đức Thế Tôn đã nói: ‘Suốt thời gian 45 năm thuyết pháp, Ta chẳng nói một lời nào’”.


Nhị đế là hai đế. Đế có nghĩa là chân thật, chân lý. Hai chân lý (nhị đế) này có mấy nghĩa sau đây: Tục đế và Chân đế, Thế đế và Đệ nhất nghĩa đế, Thế tục đế và Thắng nghĩa đế. Các bậc trung thượng căn, thánh trí... đều thấy rõ lý tính chân đế của Nhị đế. Danh tự Nhị đế có mặt trong Tam tạng Kinh, Luật, Luận Phật giáo. Nhị đế có nhiều tên gọi khác nhau như đã thống kê ở trên, nhưng Tục đế và Chân đế là thông dụng nhất.
Tục có nghĩa là thế tục. Vì là thế tục, nên Tục đế có ba nghĩa: Một là hư giả vì vô minh, hai là hiện hữu do nhân duyên, ba là ngôn ngữ luận lý. Trong ba nghĩa, thì nghĩa một và hai là xác thật về lý tính của Tục đế hơn hết, bởi vì hai lý đó có mặt trong mọi hiện tượng thực tại và tâm ý của phàm phu thế gian. Tức là do tâm vô minh đầy khát vọng tham luyến, ái dục... mà thấy sai lạc về ngã (thân kiến), cho rằng thân ta thật có (ngã kiến), do không thấy được danh, sắc ngũ uẩn là giả hợp do y tha khởi duyên sinh. Rồi vì tham ái vọng thức mà thấy các vật chung quanh ta cho là của ta, thuộc về ta: nhà ta, con ta, vợ ta... (ngã sở kiến).

Cái thấy cực đoan
Do cái ngã mà sinh ra những tư tưởng cực đoan gọi là biên kiến. Và cho rằng chết là hết, không có đời sau, không có luân hồi, nhân quả, báo ứng, gọi là đoạn kiến. Cũng như tự thấy con người là tối thượng là chủ tể muôn đời vẫn là con người, còn súc vật muôn đời là súc vật (thường kiến).
Cái thấy không đúng sự thật có tính cách xuyên tạc.

Vì do ngã đầy tham sân chấp ngã, nên tâm thức con người không thấy được các pháp và thân mình luôn biến đổi vô thường mà cho là thường tồn tại. Không thấy được các pháp vô ngã mà cho là hữu ngã, cùng với các tính chất khổ đau mà cho là vui thú. Bất tịnh mà cho là tịnh. Do y tha khởi duyên sinh mà có vạn hữu mà cho là tự có trường tồn, không hoại diệt, đó là tà kiến.

Chấp vào kiến thức được có của mình
Với tâm còn tính hữu ngã là năng lực chấp vào sự hiểu biết là hơn hết, từ đó thường khởi lên ý niệm tuyên truyền, thuyết phục tha nhân chấp nhận những quan điểm nào đó của mình là đúng lý, hợp thời. Trong đối đãi muốn mọi người tôn vinh, khen ngợi. Trong cuộc sống khư khư ôm lấy sở học của mình trong trạng thái tự mãn, lý luận đắc ý, đó là kiến thủ kiến.
Người học Phật phải nhận thức về những đối tượng thấy sai lạc trên để khỏi bị mắc kẹt vào mạng lưới thủ kiến thủ. Tức là sự chứng nghiệm, giác ngộ chưa đến đâu mà tự mãn cho là đã giác ngộ nên không cần học hỏi thêm Phật pháp, không cần tu tập nữa, dù những quan niệm đó có đúng đắn đến đâu vẫn là điều sai lầm, là động cơ làm ngưng đọng bước tiến lên nấc thang giác ngộ.
 


Nói đến nhận thức là phải nói đến ngôn ngữ lý luận dù thầm lặng hay bằng lời, cùng với hành động mô tả khế lý duyên sinh, nhân quả cho mình và tha nhân được tri nhận. Một khi tâm có tri nhận thì những tính cảm thọ, tưởng trí là năng lực đánh thức tâm mê vùng dậy, Phật tánh liền hiển lộ, làm cho thức biến đổi thành trí đúng theo “thức mê, trí ngộ”.
Liễu ngộ giáo pháp và chứng đạo giác ngộ từ từng phần đến toàn giác là của mỗi người tự chứng, tự ngộ, tha nhân không thể thấy biết chân đế toàn giác đó. Đệ nhất nghĩa đế (Chơn đế) này là của chư Phật, tuyệt đối, nên không thể nói lên bằng ngôn ngữ. Ngay cả sự giác ngộ ở cấp độ Thanh văn, Duyên giác, người giác ngộ cũng không thể phát biểu thành lời về thể tánh giác của mình ra sao cho tha nhân được biết. Nếu có chăng, người nghe cũng không thể nhận ra tánh giác của người chứng như thế nào, giống như người không uống trà mà ngồi nghe người đang uống nói về mùi vị ngon thơm của trà!

Tuy nhiên, với tâm đại từ bi và đại trí là năng lực thương chúng sinh bị khổ đau sanh tử, luân hồi, chư Phật thị hiện vào thế gian để thuyết và hướng dẫn về giáo pháp giải thoát mà mình đã chứng ngộ cho chúng sinh theo đó biết cách tu tập giác ngộ như mình.
Giáo pháp cùng với ngôn thuyết hướng dẫn của Phật trên vận hành hóa độ chúng sanh đều là Tục đế đúng với cái nghĩa thứ ba của Tục đế là “ngôn ngữ lý luận”. Đích thực vai trò của Tục đế trên cơ sở ngôn thuyết hiện thực vào bản thân từng pháp môn mà người hướng dẫn cho tha nhân học đạo được thấy đạo để hành, không thể không áp dụng Tục đế. Vì vậy, Tục đế được ví như ngón tay chỉ mặt trăng, như lời giả thiết trong bài toán hình học quỹ tích để người làm toán theo đó mà tìm ra quỹ tích là hình gì. Nói đến cụm từ “tùy duyên bất biến”, thì Tục đế là phương tiện tùy duyên, đúng theo nguyên lý của pháp môn là linh hoạt, sinh động để đối trị lại mọi căn tính của từng giai cấp chúng sinh. Và cũng là thái độ của người thuyết pháp là không y kinh, không ly kinh, tức là nói làm sao để cho người học đạo được hiểu, thấy đạo để hành. Cho nên sự hoằng dương Chánh pháp trong Phật giáo nhắm vào hướng dẫn chúng sinh phương pháp tu tập, chứ không mang sắc thái truyền giáo như các tôn giáo khác.
Thuyết Nhị đế do Bồ-tát Long Thọ khởi xướng, vì muốn phân biệt giữa tương đối hiện tượng và chân lý tuyệt đối có khác, nhưng vẫn tương duyên nhau; như nói Bồ-đề có trong phiền não, Niết-bàn trong sinh tử, sóng có trong nước. Nhưng khi hiện tướng phiền não, sinh tử, và sóng tiêu tan, thì có được bản thể Bồ-đề, Niết-bàn, và nước vẫn là nước. Tức là bản thể không bao giờ thay đổi, chỉ có hiện tượng thay đổi, cho nên mới nói phiền não là khách trần. Nếu chấp vào hiện tướng tức còn chấp chứa khách trần phiền não, thì nhất định không thể thấy được bản thể. Đó là mê, hoặc chỉ chấp vào bản thể, không thấy được hiện tướng (sinh tử, phiền não) thì cũng chưa gọi là tỉnh ngộ (giác ngộ).

Người thuyết pháp và học Phật trong tu tập phải thấy cả hai lý ấy. Thấy ở đây là không chấp, nếu còn chấp là không thấy. Còn chấp là chưa vén được cái lá chắn phúc chướng Tục đế qua một bên, thì làm sao thấy được Chân đế! Bởi vì Tục đế và Chân đế cùng có trong ngôi nhà tâm linh, nên mới nói rằng phiền não có trong Bồ-đề. Nói khác hơn Chân đế có trong Tục đế. Muốn tìm thấy Chân đế phải nương vào Tục đế bằng sự khảo sát luận lý trong tu tập hay thuyết pháp độ sinh. Cho nên Trung luận xác quyết: “Phật thuyết pháp bằng Nhị đế”. Trung luận còn nhấn mạnh quả quyết: “Không hiểu được Tục đế thì sẽ không hiểu được Chân đế. Một khi còn mù mờ về Tục đế, Chân đế thì không hiểu Phật pháp là gì!”.
Trung luận còn khuyến cáo người học và tu tập Phật pháp phải phân biệt Tục đế và Chân đế cho tường tận:
Người nào đối với Nhị đế mà không có khả năng hiểu, và phân biệt giữa Tục đế, Chân đế, người đó không thể tri nhận ý nghĩa chân thật giáo pháp sâu xa vi diệu của chư Phật.
Nếu không dựa vào Tục đế, không thể đạt được Chân đế. Và nếu không đạt được Chân đế, không chứng được Niết-bàn, dù là Niết-bàn Hữu dư cũng phải dung thông Nhị đế.
Tư tưởng dung thông Nhị đế cũng được ngài Khuy Cơ, vị tổ sư sáng lập ra Pháp Tướng tông, tổng hợp bằng cụm từ “ẩn hiển đế” qua hai câu:

Thế vị ẩn phúc, khả hủy hoại nghĩa;
Tục vị hiển phúc, tùy thế lưu nghĩa.

Qua hai câu trên, ta hiểu ý ngài Khuy Cơ muốn chỉ rõ cho mọi người thấy rõ mọi hiện tượng hiện hữu luôn luôn làm chướng ngại chân tánh con người, nên nó không thật có, bị hoại diệt. Nhưng vai trò của nó “ẩn hiển đế”, tức Tục đế vừa ngăn che (phúc chướng) Chân đế và cũng vừa làm hiển liễu Chân đế một khi được sử dụng ngôn ngữ lý luận bằng khái niệm. Cho nên Tục đế là chân lý ước định, chân lý mà khả năng người học Phật cho mục đích giải thoát trên vận hành tu tập có thể đạt được bằng ngôn ngữ lý luận, vì vậy ngôn từ dùng làm khí cụ biểu hiện của sự vật trở thành đối tượng của nhận thức. Từ đây ta thấy rằng trình độ thông hiểu Tục đế càng cao, thì khả năng nhận diện Chân đế siêu tuyệt, mức độ giác ngộ giải thoát càng bao quát. Vì thế không thể so sánh giá trị giữa Tục đế và Chân đế. Bởi vì Tục đế là chân lý thường nghiệm theo tập quán và công ước quy định thuộc thực chất hữu vi phúc chướng của cuộc sống hữu thể biến động hằng ngày. Còn Chân đế thì vô vi, tối thượng bất khả thuyết, không thể nghĩ bàn, cho nên Chân đế luôn siêu tuyệt Tục đế, ngược lại Tục đế không thể chuyển biến thành Chân đế. Hai chân lý Tục đế và Chân đế luôn luôn tương duyên bên nhau. Bên Tục đế như là một lá chắn (ẩn) làm ngăn che Chân đế nên nó không thể thành Chân đế. Muốn thấy Chân đế, phương pháp duy nhất là phải dẹp lá chắn vô minh qua một bên (hiện) thì thấy Chânđế.VìvậymàngônngữlýluậnTụcđếlàkhícụ dẹp đi cái lá chắn vô minh phiền não, thì Bồ-đề hiển lộ.
Quả thật chư Phật đều bằng vào ngôn ngữ lý luận để khai thị cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật. Về phía hành giả học và tu tập Phật pháp để đạt trí tuệ giác ngộ thực tướng vô ngã các pháp, cũng phải bằng vào ngôn ngữ lý luận Tục đế!

Vì thế Trung luận mới nhấn mạnh rằng: “Sự thấu đạt chân lý tối thượng là Niết-bàn Vô dư (Phật thừa) đều hoàn toàn tùy thuộc vào sự thông hiểu Tục đế là yếu tố quyết định” (Rong chơi sanh tử thấy vô thường).
 


Nhưng Trung Luận cũng nói rằng: “Ngôn ngữ lý luận Tục đế chỉ là một giả pháp trong việc khai quyền hiển thật Đệ nhất nghĩa đế. Khi nghĩa huyễn thì thuyết xa lìa, thuyết tức không thuyết, chỉ (Samatha-tâm định) tức không chỉ. Chỉ vì tâm chúng sinh đầy vô minh, hư vọng mà nói ngôn thuyết Tục đế khiến cho chúng sinh xa lìa hư vọng mà ngộ nhập tri kiến Phật. Vì vậy Đức Thế Tôn đã nói: ‘Suốt thời gian 45 năm thuyết pháp, Ta chẳng nói một lời nào’”.
Kết luận, Nhị đế là một phương tiện giao tiếp giữa người diễn đạt Phật pháp phải có khả năng trí thức Phật giáo, trong đó Tục đế phải được phân tích, chẻ nhỏ ra từng mảnh để làm hiển liễu Chân đế, tức là thực tướng của tất cả pháp là vô ngã, không tự tính, nói như Đạo sư Tuệ Sỹ: “Ta thấy do phương tiện mà thật huệ được chứng ngộ và từ thật huệ ấy mà tuôn ra vô số phương tiện”.

Cảm đề:

Vạn hữu đa nguyên

Vạn hữu trùng trùng dưới mắt tôi
Vung tay tuệ kiếm gãy làm đôi
Hình hình tướng tướng vây đây đó
Sắc sắc không không chạy ngược xuôi
Mặt mũi xưa nay lòng vẩn đục

Tâm tình mới cũ cảnh lăn trôi
Lung linh ẩn hiện vô ngôn thuyết
Biến dịch trùm lên cả đất trời.

 

Theo Văn hoá Phật giáo số 267 ngày 15-02-2017

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm