Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

Tin tức >> Phật sự Viện Nghiên Cứu

Hướng đến thống nhất tổng mục lục cho Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam

Chiều ngày 28/10/2021, dưới sự chỉ đạo của Hòa thượng Viện trưởng HT. Thích Giác Toàn, chư Tôn đức Phó Viện trưởng, Ban Biên tập và Ấn hành Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam (TTTĐPGVN), lãnh đạo 6 trung tâm dịch thuật đã có cuộc họp nhằm thống nhất cấu trúc tổng quan cho phần tổng mục lục, đánh số của các bản dịch về Phật giáo Bộ phái và Phật giáo Đại thừa. Buổi họp được diễn ra trên nền tảng Zoom suốt hơn 3 giờ đồng hồ.

06 trung tâm dịch thuật tham gia gồm có: Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang, Trung tâm Dịch thuật Trí Tịnh, Trung tâm Nghiên cứu và Dịch thuật Hán truyền, Trung tâm Nghiên cứu và Dịch thuật Phật học, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Thiền học Bắc truyền, Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo.

Phiên họp chiều nay được đặt dưới sự chứng minh của HT. Thích Giác Toàn - Viện trưởng và sự tham dự của TT. Thích Tâm Đức - Phó Viện trưởng Thường trực; TT. Thích Minh Thành, TT. Thích Nhật Từ - đồng Phó Viện trưởng kiêm Tổng Biên tập bộ Thánh điển Phật giáo Việt Nam; TT. Thích Giác Hoàng - Tổng Thư ký; TT. Thích Phước Tiến - Phó Thư ký kiêm Trưởng ban Tài chính; cùng sự tham dự của chư Tôn đức Tăng Ni của 6 trung tâm dịch thuật: HT. Thích Phước Cẩn – Quyền Giám đốc Trung tâm Phiên dịch Hán Nôm Huệ Quang; TT. Thích Chúc Phú - Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Dịch thuật Trí Tịnh; TT. Thích Hạnh Bình - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật học Hán truyền; HT. Thích Thông Thiền - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Thiền học Bắc truyền; NS. Thích Nữ Tuệ Liên – Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo;...


Trước khi chư Tôn đức nêu ra các vấn đề và biểu quyết thông qua những góp ý, HT. Thích Giác Toàn phát biểu chỉ đạo cho phiên họp: “Như chư Tôn đức đã biết, chúng ta quyết tâm thực hiện TTTĐPGVN từ lâu. Nhưng thực tế, việc hệ thống các bộ kinh chưa được thống nhất. Mong rằng quý Tôn đức cùng cố gắng đưa ra định hướng để thống nhất các bộ kinh trực thuộc TTTĐPGVN. Sau khi thống nhất, chúng ta mới hoàn thiện văn bản và trình lên Hòa thượng Chủ tịch và GS. Lê Mạnh Thát. Đồng thời, chư Tôn đức cũng cùng nhau giải quyết một số công việc tồn đọng do tình hình dịch bệnh trong thời gian qua làm chúng ta ít gặp nhau.”

Trước đó, vào ngày 13/9 vừa qua, Viện Nghiên cứu Phật học có cuộc họp báo cáo tình hình dịch thuật cũng như đẩy nhanh tiến độ dịch các bộ kinh đã được phân công, nhằm hướng đến việc ấn hành để chào mừng Đại hội Phật giáo 2022.

Trong chiều nay, chư Tôn đức nêu ra các vấn đề mắc phải trong quá trình hoàn thành bộ kinh như việc phiên dịch với các bộ kinh lẻ, kinh ngoại giáo, tác phẩm biệt dịch,... Theo đó, trường hợp các tác phẩm biệt dịch trong Đại Chính tân tu, đa phần chư Tôn đức góp ý nên chú trọng dịch các bộ kinh chánh. Lý do được đưa ra là các bộ kinh chính yếu đã bao gồm cả tác phẩm biệt dịch. Điều này tuy không hoàn toàn nhưng chiếm tỉ lệ rất cao. Thêm vào đó, công trình phiên dịch TTTĐPGVN đang được rút gọn thời gian cho ra kết quả.

Mặt khác, chư Tôn đức cũng nêu ra hướng phiên dịch cho bộ Kinh Mật giáo, rằng thực hiện hay giản lược bộ kinh này. Cùng với đó là vấn đề dịch các bộ ngoại giáo, nghi tợ,... Nhìn chung, chư Tôn đức cho rằng nên đẩy mạnh dịch những bộ kinh chính, ứng với tên gọi Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam. Giải pháp được đưa ra là sẽ có một phiên họp khác trong tương lai gần để thống nhất kinh nào không cần dịch sau khi cá nhân tự tìm hiểu rõ ràng. Vì thời gian có hạn và mục đích chính của Tam tạng Kinh là lưu truyền những tinh hoa của Phật giáo khi du nhập và phát triển tại Việt Nam. Đến khi nào các bộ kinh chính yếu hoàn tất, nếu còn thời gian, chư Tôn đức có thể quay lại những phần kinh ngoài lề. Thêm vào đó, quý Tôn túc cũng phần lớn bác bỏ dịch các bộ ngoại giáo vì cho rằng không thể đứng dưới góc độ Phật giáo để hiểu về ngoại giáo.

Cũng trong phiên họp, TT. Thích Giác Hoàng báo cáo tình hình ấn hành TTTĐPGVN. Cụ thể, trong năm 2020, Viện đã ấn tống và cho ra mắt 4 bộ Kinh của cố Hòa thượng Thích Minh Châu. Đó là Trường bộ kinh, Trung bộ kinh, Tương ưng bộ kinh và Tăng chi bộ kinh. Do tình hình dịch bệnh nên hiện tại, Viện đang tiếp tục cho in Tiểu bộ kinh (tập 1-5); trong đó, tập 1 - 3 là bản dịch của HT. Thích Minh Châu và cô Nguyên Tâm – Trần Phương Lan, tập 4 và 5 là bản dịch của TT. Chánh Thân. Tiếp đó, 3 cuốn A-hàm, gồm Trường và Trung A-hàm, Tăng nhất A-hàm, Tạp A-hàm do các bậc tiền bối hữu công dịch cũng sẽ được cho in ấn. Đồng thời cũng đang dò bản và sẽ dàn trang 4 bộ A-hàm do Trung tâm Dịch thuật Trí Tịnh thực hiện gần 3 năm qua. Dự kiến, trước thời điểm cuối năm 2022, thêm một bộ kinh thuộc Phật giáo bộ phái - Bộ Bổn duyên và nếu đẩy nhanh tiến độ thì một bộ kinh Phật giáo Đại thừa (bộ Bát-nhã) cũng sẽ được ấn tống.


Sau 3 tiếng đồng hồ lắng nghe ý kiến, Phó Viện trưởng Thường trực Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TT. Thích Tâm Đức phát biểu: “Đây là một vấn đề mà chúng ta được biết là rất khó. Vì Phật giáo Việt Nam đã đóng góp rất nhiều cho đất nước với mấy mươi thế kỷ phát triển, có cả những bậc chân tu xuất chúng, tuy nhiên đến năm 1975 chúng ta chưa có Đại tạng kinh. So với các quốc gia Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, đều đã có Đại tạng kinh. Nhưng dù khó khăn như thế nào chúng ta vẫn cố gắng hoàn thành TTTĐPGVN”. Đồng thời, Thượng tọa cũng gửi lời cảm ơn đến chư Tôn đức vì đã đóng góp tích cực trong buổi họp chiều nay.

Sau cùng, Hòa thượng Viện trưởng phát biểu đúc kết rằng nên tôn trọng thành quả của các bậc tiền bối hữu công ngày trước. Mặc dù, ngôn ngữ thời trước nhiều từ Hán Việt, ảnh hưởng bởi văn hóa Nho, lối sống cổ, nhưng cần lưu lại để thế hệ sau biết được thành quả mình nhận ngày hôm nay có phần kế thừa của bậc Tôn túc ngày trước. Qua đó, Hòa thượng cũng khuyến khích chư Tôn đức hiện tiền hay thế hệ sau nên chú trọng vào những bộ kinh chưa được dịch và ưu tiên phần chính trước, phần phụ sau.

 
 
 





 
 

 

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm