Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Như Lai là người chỉ đường

Như Lai là bậc giảng dạy con đường đi đến Niết-bàn; các đệ tử của Như Lai đi theo con đường do Như Lai chỉ dạy, đạt đến giác ngộ, trở thành Như Lai sứ giả, tiếp nối sứ mạng cao quý của Như Lai làm người chỉ đường giác ngộ cho chúng sinh. Chư Như Lai đã đến và đi như thế. Chỉ có con đường còn lại tiếp tục làm lợi lạc cho muôn loài.
Mục lục


Kinh Pháp Cú, kệ số 276, ghi lời đấng Giác ngộ nhắn nhủ các học trò mình:

“Ngươi hãy nhiệt tình làm,
Như Lai chỉ thuyết giảng;
Người hành trì Thiền định,
Thoát trói buộc ác ma”
[1].

Đó là lời khuyên của Đức Phật dành cho những ai quyết tâm đi theo con đường của Ngài với mục đích đoạn tận các phiền não lậu hoặc, chấm dứt khổ đau sinh tử luân hồi. Phải nhiệt tâm tinh cần tu tập đạo lý giác ngộ, phải siêng năng thực hành Thiền định (Giới-Định-Tuệ) thì mới thoát khỏi mọi trói buộc của ác ma (tham- sân-si). Đó cũng là lời khẳng quyết của Đức Như Lai về vai trò của mình là một bậc Đạo sư. Ngài chỉ thuyết giảng con đường giác ngộ đưa đến Niết-bàn, còn người khác phải tự mình bước đi trên con đường ấy.

Sao gọi Như Lai là người chỉ đường?

Có vị Bà-la-môn tên là Ganaka Moggallàna chuyên làm nghề kế toán đến thưa với Đức Phật về quy trình đào tạo các học trò của mình và hỏi bậc Giác ngộ có thể nói cho ông ta về trình tự huấn luyện các đệ tử theo giáo pháp của Ngài. Đức Phật tuần tự trình bày cho Bà-la-môn Ganaka về quy trình huấn luyện các đệ tử và xác nhận mục tiêu giảng dạy của Ngài là giúp cho các đệ tử thành tựu Niết-bàn, đoạn tận các phiền não lậu hoặc, chấm dứt khổ đau sinh tử luân hồi. Nghe xong toàn bộ con đường đưa đến Niết-bàn, Ganaka bạch hỏi Đức Phật phải chăng được khuyến giáo và giảng dạy như vậy, tất cả đệ tử của Phật đều chứng Niết-bàn? Đức Phật xác nhận một số chứng được Niết-bàn, một số khác không chứng được.

Ganaka Moggallàna lấy làm thắc mắc: “Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, trong khi có mặt Niết- bàn, trong khi có mặt con đường đưa đến Niết-bàn, trong khi có mặt Tôn giả Gotama là bậc chỉ đường, tuy vậy các đệ tử Tôn giả Gotama, được Tôn giả Gotama khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một số chứng được cứu cánh đích Niết-bàn, một số không chứng được?”[2].

Bậc Giác ngộ xác nhận Như Lai chỉ là người chỉ đường; những ai theo đúng con đường do Như Lai giảng dạy thì đến được Niết-bàn, những ai không bước đi trên con đường ấy, lại đi theo một con đường khác thì không đến được Niết-bàn: “Này Bà-la-môn, trong khi có mặt Niết- bàn, trong khi có mặt con đường đi đến Niết-bàn, và trong khi có mặt Ta là bậc chỉ đường. Nhưng các đệ tử của Ta, được Ta khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một số chứng được cứu cánh đích Niết-bàn, một số không chứng được. Ở đây, này Bà-la-môn, Ta làm gì được? Như Lai chỉ là người chỉ đường”[3].

Nguyên văn cuộc đàm đạo giữa Đức Thế Tôn và Bà-la- môn Ganaka Moggallàna:

“Thưa Tôn giả Gotama, đối với chúng con là những người toán số, sống nhờ nghề toán số, được thấy một học tập tuần tự, một công trình tuần tự, một đạo lộ tuần tự, tức là toán số. Thưa Tôn giả Gotama, vì rằng khi có được người đệ tử, trước hết chúng con bắt người ấy đếm như sau: ‘Một, một lần; hai, hai lần; ba, ba lần; bốn, bốn lần; năm, năm lần; sáu, sáu lần; bảy, bảy lần; tám, tám lần; chín, chín lần; mười, mười lần’. Và thưa Tôn giả Gotama, chúng con bắt đếm tới một trăm.

Có thể trình bày chăng, thưa Tôn giả Gotama, trong pháp và luật này, cũng có một tuần tự học tập, một tuần tự công trình, một tuần tự đạo lộ như vậy?”.

“Có thể trình bày, này Bà-la-môn, trong pháp và luật này, có một tuần tự học tập, có một tuần tự công trình, có một tuần tự đạo lộ.

Ví như, này Bà-la-môn, một người huấn luyện ngựa thiện xảo, sau khi được một con ngựa hiền thiện, trước tiên luyện tập cho nó quen mang dây cương, rồi tập luyện cho nó quen các hạnh khác; cũng vậy, này Bà-la-môn, Như Lai khi được một người đáng được điều phục, trước tiên huấn luyện người ấy như sau: ‘Hãy đến Tỳ-kheo, hãy giữ giới hạnh, hãy sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ trì và học tập các học giới’.

Này Bà-la-môn, khi vị Tỳ-kheo giữ giới hạnh, chế ngự với sự chế ngự của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ trì và học tập các học giới, Như Lai mới huấn luyện vị ấy thêm như sau: ‘Hãy đến Tỳ-kheo, hãy hộ trì các căn, khi mắt thấy sắc chớ có nắm giữ tướng chung, chớ có nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì nhãn căn không được chế ngự khiến tham ái ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỳ-kheo tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các pháp ác bất thiện khởi lên, Tỳ-kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn’.

Này Bà-la-môn, sau khi Tỳ-kheo hộ trì các căn rồi, Như Lai mới huấn luyện vị ấy thêm như sau: ‘Hãy đến Tỳ-kheo, hãy tiết độ trong ăn uống, chơn chánh giác sát thọ dụng món ăn, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, chỉ để thân này được duy trì, được bảo dưỡng, khỏi bị gia hại, để chấp trì Phạm hạnh, nghĩ rằng: ‘Như vậy ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới; và ta sẽ không phạm lỗi lầm, sống được an ổn’.

Này Bà-la-môn, sau khi Tỳ-kheo tiết độ trong ăn uống rồi, Như Lai mới huấn luyện vị ấy thêm như sau: ‘Hãy đến Tỳ-kheo, hãy chú tâm cảnh giác! Ban ngày trong khi đi kinh hành và trong khi đang ngồi, gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp; ban đêm trong canh đầu, trong khi đi kinh hành và trong khi đang ngồi, gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp; ban đêm trong canh giữa, hãy nằm xuống phía hông bên phải, như dáng nằm con sư tử, chân gác trên chân với nhau, chánh niệm tỉnh giác, hướng niệm đến lúc ngồi dậy lại. Ban đêm trong canh cuối, khi đã thức dậy, trong khi đi kinh hành và trong khi đang ngồi, gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp’.

Này, Bà-la-môn, sau khi vị Tỳ-kheo chú tâm tỉnh giác, Như Lai mới huấn luyện vị ấy thêm như sau: ‘Hãy đến Tỳ- kheo, hãy thành tựu chánh niệm tỉnh giác; khi đi tới khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác; khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác; khi ăn, uống, nhai, nuốt, đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác’.

Này Bà-la-môn, sau khi chánh niệm tỉnh giác rồi, Như Lai mới huấn luyện vị ấy thêm như sau: ‘Hãy đến Tỳ-kheo, hãy lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch như rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, hãy ngồi kiết-già, lưng thẳng tại chỗ nói trên và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên; từ bỏ trạo cử hối tiếc, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng gột rửa tâm hết trạo cử hối tiếc; từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với các thiện pháp’.

Khi đoạn trừ năm triền cái ấy, những pháp làm ô nhiễm tâm, làm trí tuệ yếu ớt, vị ấy ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ. Vị ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm. Vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.

Này Bà-la-môn, đối với những Tỳ-kheo nào là bậc hữu học, tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu sự vô thượng an tịnh các triền ách, đó là sự giảng dạy của Ta đối với những vị ấy. Còn đối với những vị Tỳ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, đã đạt chánh trí giải thoát, những pháp ấy đưa đến sự hiện tại lạc trú và chánh niệm tỉnh giác”.

Khi được nói vậy, Bà-la-môn Ganaka Moggallàna bạch Thế Tôn:

“Các đệ tử của Sa-môn Gotama, khi được Sa-môn Gotama khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, có phải tất cả đều chứng được cứu cánh đích Niết-bàn hay chỉ có một số chứng được?”.

“Này Bà-la-môn, một số đệ tử của Ta, khi được khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, chứng được cứu cánh đích Niết-bàn, một số không chứng được”.

“Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì trong khi có mặt Niết-bàn, trong khi có mặt con đường đưa đến Niết- bàn, trong khi có mặt Tôn giả Gotama là bậc chỉ đường, tuy vậy các đệ tử Tôn giả Gotama, được Tôn giả Gotama khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một số chứng được cứu cánh đích Niết-bàn, một số không chứng được?”.

“Này Bà-la-môn, ở đây Ta sẽ hỏi Ông. Nếu Ông kham nhẫn, hãy trả lời cho Ta. Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Ông có giỏi về con đường đi đến Ràjagaha (Vương Xá)?”.

“Thưa Tôn giả, con có giỏi về con đường đi đến Ràjagaha”.

“Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào ? Ở đây, có một người, muốn đi đến Ràjagaha, người này đến Ông và nói như sau: ‘Thưa Tôn giả, tôi muốn đi đến Ràjagaha. Hãy chỉ cho tôi con đường đi đến Ràjagaha’. Ông nói với người ấy như sau: ‘Được, này Bạn, đây là con đường đưa đến Ràjagaha. Hãy đi theo con đường ấy trong một thời gian. Sau khi đi trong một thời gian, Bạn sẽ thấy một làng tên như thế này. Hãy đi theo trong một thời gian. Sau khi đi trong một thời gian, Bạn sẽ thấy một thị trấn tên như thế này. Hãy đi theo trong một thời gian. Sau khi đi trong một thời gian, Bạn sẽ thấy Ràjagaha với những khu vườn mỹ diệu, với những khu rừng mỹ diệu, với những vùng đất mỹ diệu, với những hồ ao mỹ diệu’. Dầu cho người ấy được khuyến giáo như vậy, được giảng dạy như vậy, nhưng lại lấy con đường sai lạc, đi về hướng Tây.

Rồi một người thứ hai đến, muốn đi đến Ràjagaha. Người này đến Ông và hỏi như sau: ‘Thưa Tôn giả, tôi muốn đi đến Ràjagaha, mong Tôn giả chỉ con đường ấy cho tôi’. Rồi Ông nói với người ấy như sau: ‘Được, này Bạn, đây là đường đi đến Ràjagaha. Hãy đi theo con đường ấy trong một thời gian. Sau khi đi một thời gian, Bạn sẽ thấy một làng có tên như thế này. Hãy đi theo con đường ấy trong một thời gian. Sau khi đi một thời gian, Bạn sẽ thấy một thị trấn có tên như thế này. Hãy đi theo con đường ấy trong một thời gian. Sau khi đi theo con đường ấy trong một thời gian, Bạn sẽ thấy Ràjagaha với những khu vườn mỹ diệu, với những khu rừng mỹ diệu, với những vùng đất mỹ diệu, với những ao hồ mỹ diệu’. Người ấy được Ông khuyến giáo như vậy, giảng như vậy, đi đến Ràjagaha một cách an toàn.

“Này Bà-la-môn, do nhân gì, do duyên gì, trong khi có mặt Ràjagaha, trong khi có mặt con đường đưa đến Ràjagaha, trong khi có mặt Ông là người chỉ đường, dầu cho Ông có khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một người lấy con đường sai lạc, đi về hướng Tây, còn một người có thể đi đến Ràjagaha một cách an toàn?”.

“Thưa Tôn giả Gotama, ở đây, con làm gì được? Con chỉ là người chỉ đường, thưa Tôn giả Gotama”.

“Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi có mặt Niết-bàn, trong khi có mặt con đường đi đến Niết-bàn, và trong khi có mặt Ta là bậc chỉ đường. Nhưng các đệ tử của Ta, được Ta khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một số chứng được cứu cánh đích Niết-bàn, một số không chứng được. Ở đây, này Bà-la-môn, Ta làm gì được? Như Lai chỉ là người chỉ đường”[4].

Câu chuyện đàm đạo giữa Đức Thế Tôn và Bà-la-môn Ganaka Moggallàna cho chúng ta câu trả lời đích xác về con đường giác ngộ do Như Lai thuyết giảng và về vai trò bậc chỉ đường của Ngài. Đó là con đường Giới-Định- Tuệ đưa đến đoạn tận các lậu hoặc, chứng đắc Thánh quả A-la-hán, chấm dứt khổ đau sinh tử luân hồi. Và Như Lai chỉ là người nói lên con đường ấy.
 

Như Lai là người chỉ đường, nghĩa là Đức Phật là người đã tự mình nỗ lực đạt đến Niết-bàn nhờ bước đi trên con đường Bát Thánh đạo hay Giới-Định-Tuệ và dùng nhiều cách thức khác nhau làm cho tỏ lộ, làm cho khai thông, làm cho khai thị con đường đi đến Niết-bàn[5]. Như Lai không thể làm gì khác, ngoài việc chỉ bày, khuyến khích, làm cho tin tưởng và khích lệ người khác bước đi trên con đường giác ngộ hướng đến Niết-bàn. Ngài chỉ có thể nói cho người khác con đường đi đến Niết-bàn, nhưng không thể cõng người khác vào Niết-bàn. Ngài là hiện thân của con đường giác ngộ, của trí tuệ giải thoát, soi sáng cho mọi người con đường đi đến Niết-bàn; không phải là hiện thân của Thượng đế nhằm cứu rỗi nhân thế hay hóa hiện của thần thánh để cho con người thờ lạy và cầu khẩn. Nói cách khác, muốn dứt trừ phiền não khổ đau, thành tựu hạnh phúc an lạc, mỗi người phải tự mình nỗ lực tu tập, phải từ bỏ điều ác, làm các việc lành, phải giữ tâm thanh tịnh, thoát khỏi tham-sân-si; Như Lai chỉ là người thầy chỉ dạy cho mọi người cách thức làm sao dứt trừ mọi điều ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý thanh tịnh. Kinh Pháp Cú nhấn mạnh:

“Tự mình, điều ác làm,
Tự mình làm nhiễm ô;
Tự mình, ác không làm,
Tự mình làm thanh tịnh.
Tịnh, không tịnh, tự mình,
Không ai thanh tịnh ai”
[6].

Xác định rõ Như Lai là người chỉ đường tức là nhận ra ý nghĩa và vai trò chân chính của Đức Như Lai, cũng có nghĩa là xác định rõ trách nhiệm giải thoát đối với tự thân. Kinh tạng Pàli Nikàya nói rõ công hạnh của Như Lai:

“Như Lai xuất hiện ở đời là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Với thắng trí, Ngài tự thân chứng ngộ thế giới này cùng với Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, các loài Trời và loài Người. Khi đã chứng ngộ, Ngài còn tuyên thuyết điều Ngài đã chứng ngộ. Như Lai thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, đầy đủ văn nghĩa. Như Lai truyền dạy phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, thanh tịnh”[7].

“Thế Tôn là bậc làm khởi dậy con đường trước đây chưa từng được hiện khởi, làm cho biết con đường trước đây chưa từng được biết, nói lên con đường trước đây chưa từng được nói, là bậc hiểu đạo, biết đạo và thiện xảo về đạo. Và nay các đệ tử là những vị sống hành đạo và tùy hành, và sẽ thành tựu (con đường ây) về sau”[8].

Các vị A-la-hán đã tự mình nỗ lực đoạn tận tham-sân- si, dứt sạch các lậu hoặc, biểu lộ lòng tôn kính đối với Đức Như Lai: “Thế Tôn đã giác ngộ, Ngai thuyết pháp để giác ngộ (người khác). Thế Tôn đã điều phục, Ngài thuyết pháp để điều phục. Thế Tôn đã tịch tĩnh, Ngài thuyết pháp để tịch tĩnh. Thế Tôn đã vượt qua, Ngài thuyết pháp để vượt qua. Thế Tôn đã chứng Niết-bàn, Ngài thuyết pháp để (người khác) chứng Niết-bàn”[9].

Như vậy, Như Lai là người chỉ đường, vì:

- Như Lai là bậc đã giác ngộ, đã trở nên thức tỉnh đối với sự thật vô thường, khổ, vô ngã của hết thảy hiện hữu, và nói lên kinh nghiệm giác ngộ của mình cho người khác thực tập để đạt đến giác ngộ giống như Ngài.

- Như Lai là bậc đã điều phục tâm thức thoát khỏi tham-sân-si và nói lên kinh nghiệm điều phục của mình cho người khác thực tập điều phục.

- Như Lai là bậc đã tịch tĩnh, nội tâm đã trở nên vắng lặng sạch trong, không còn phiền não cấu uế, và nói lên kinh nghiệm tịch tĩnh của mình cho người khác thực tập tịch tĩnh.

- Như Lai là bậc đã vượt qua vô minh, tham ái, chấp thủ, đã vượt qua biển khổ sinh tử luân hồi, và nói lên kinh nghiệm vượt qua của mình cho người khác thực tập vượt qua.

- Như Lai là bậc đã chứng Niết-bàn, nội tâm đã hoàn toàn vắng bặt các phiền não tham-sân-si, và nói lên kinh nghiệm thực chứng Niết-bàn của mình cho người khác thực tập chứng đạt Niết-bàn.

Do Như Lai chỉ là người chỉ đường nên đạo giáo của Ngài được mệnh danh là “Ehipassiko”, nghĩa là “mời bạn đến và thấy”. Phải trực tiếp nghe lời Phật dạy, học lời Phật dạy, hành trì lời Phật dạy thì tự thân mới có được sự hiểu biết và chuyển hóa, mới có được những kinh nghiệm cụ thể và rõ ràng về khổ đau và hạnh phúc, về phiền não và an lạc, mới thấy rõ thế nào là trói buộc, thế nào là giải thoát. Những vị chuyên tâm sống theo lời Phật dạy nói lên những kinh nghiệm lợi lạc cảm thán công đức giáo hóa của Đức Như Lai: “Thế Tôn thật sự là vị đã đoạn trừ nhiều khổ pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã mang lại nhiều lạc pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã đoạn trừ nhiều bất thiện pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã mang lại nhiều thiện pháp cho chúng ta”[10].

Rõ ràng, với công hạnh và tâm từ bi của một bậc Giác ngộ, Đức Phật đã làm những gì cần làm, vì hạnh phúc và an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Trong suốt 45 năm, Ngài đã thuyết giảng Chánh pháp cho các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, cho hàng trăm hội chúng Sát-đế-lỵ, hàng trăm hội chúng Bà-la-môn, hàng trăm hội chúng Gia chủ, hàng trăm hội chúng Sa-môn, hàng trăm hội chúng Tứ thiên vương, hàng trăm hội chúng Tam thập tam thiên, hàng trăm hội chúng Màra, hàng trăm hội chúng Phạm thiên[11]. Vào mấy tháng trước ngày nhập Niết-bàn, Thế Tôn tuyên bố với thị giả Ànanda rằng Ngài đã giảng Chánh pháp một cách đầy đủ, không có phân biệt trong ngoài (mật giáo, và không phải mật giáo), vì Như Lai không bao giờ là vị Đạo sư còn nắm gì trong tay (còn giữ lại một ít mật giáo chưa giảng dạy)[12].

Với vai trò bậc Đạo sư chỉ thuyết giảng con đường giác ngộ, Ngài khuyên các đệ tử hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác[13]. Ngài nhắn nhủ các đệ tử: “Các hành là vô thường. Hãy tinh tấn lên để tự giải thoát”[14].

Trước khi vào Niết-bàn, Đức Phật khuyên các đệ tử phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền bá rộng rãi Chánh pháp do Ngài chứng ngộ và giảng dạy, tiếp tục thay Ngài làm người chỉ đường giác ngộ cho chúng sinh: “Này các Tỳ-kheo, nay những pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy cho các thầy, các thầy phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người. Này các Tỳ-kheo, thế nào là các pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy, các thầy phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để cho phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người? Chính là Bốn Niệm xứ, Bốn Chánh cần, Bốn Thần túc, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Bồ-đề phần, Tám Thánh đạo phần. Này các Tỳ-kheo, chính những pháp này do Ta chứng ngộ và giảng dạy, mà các thầy phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng của đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người”[15].
 

Như Lai là bậc giảng dạy con đường đi đến Niết-bàn; các đệ tử của Như Lai đi theo con đường do Như Lai chỉ dạy, đạt đến giác ngộ, trở thành Như Lai sứ giả, tiếp nối sứ mạng cao quý của Như Lai làm người chỉ đường giác ngộ cho chúng sinh. Chư Như Lai đã đến và đi như thế. Chỉ có con đường còn lại tiếp tục làm lợi lạc cho muôn loài.


Chú thích:

1. Kinh Pháp Cú, kệ số 276.
2;3;4. Kinh Ganaka Moggallàna, Trung Bộ.
5. Kinh Thi thiết, Tương Ưng Bộ.
6. Kinh Pháp Cú, kệ số 165.
7. Đại kinh Đoạn tận ái, Trung Bộ.
8. Kinh Gopaka Moggallàna, Trung Bộ.
9. Tiểu kinh Saccaka, Trung Bộ.
10. Kinh Ví dụ Con chim cáy, Trung Bộ.
11. Đại kinh Sư tử hống, Trung Bộ.
12;13;14;15. Kinh Đại bát Niết-bàn, Trường Bộ.


Theo Văn hoá Phật giáo số 272 ngày 01-05-2017

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm