Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Tánh Không, Quang minh và Năng lực

Phật là bậc đã giác ngộ và thể nhập hoàn toàn pháp tánh, hay bản tánh của tất cả hiện hữu. Thế nên con đường Phật giáo là chứng ngộ và thể nhập pháp tánh.
Mục lục


Phật là bậc đã giác ngộ và thể nhập hoàn toàn pháp tánh, hay bản tánh của tất cả hiện hữu. Thế nên con đường Phật giáo là chứng ngộ và thể nhập pháp tánh.

Sau đây chúng ta tìm hiểu những phương diện của pháp tánh để đi trên con đường giải thoát và giác ngộ, theo kinh Pháp hội Xuất hiện Quang minh.

Ông phải tu Phật đạo
Quán Phật đồng pháp tánh
Thường thắp đuốc đại pháp
Soi khắp trong thế gian.

Kinh nói Phật đồng với pháp tánh, Phật với pháp tánh là một. Hơn nữa, chúng sanhchúng ta đang ở trong sanh tử, cũng đồng, dầu chúng ta không thể nhận biết, với pháp tánh, vì pháp tánh là bản tánh của tất cả hiện hữu, gồm cả chúng sanh và sanh tử.
 

1.
Pháp tánh là tánh Không

“Lúc Đức Phật vào thành, tất cả để chúng nghe tiếng 
kỳ diệu trên hư không. Tiếng ấy diễn xướng chẳng thể nghĩ bàn, cũng chẳng biết từ đâu xuất phát, nói lên trăm ngàn kệ tụng để tuyên thuyết diệu pháp.

Lúc Đức Thế Tôn mới vào thành
Hư không có tiếng nói như vầy
Rõ tham tận biên thường không tịch
Chứng thật tánh ấy đắc Bồ-đề...”.

Hư không tượng trưng cho tánh Không, và từ đó xuất phát ra tiếng thuyết pháp. Có lẽ hư không thì thường hằng cho nên sự thuyết pháp cũng thường trực.

Thuyết pháp gì? Thuyết “không tịch”, “thật tánh”, “Bồ-đề (giác ngộ)”. Pháp tánh hay thật tánh là tánh Không “không tịch”, và tánh Không ấy cũng là giác ngộ.

Kinh nói thấy Phật là thấy tánh Không:

Những người ngu chấp tướng
Thấy Phật có vào thành
Đức Phật lìa các tướng
Mà người ngu vọng nhận.
Lúc Thế Tôn vào thành

Nếu có người vui mừng
Đó là nhận lấy tướng
Tất sẽ phải lo buồn.

Nếu rời phân biệt tướng
Thì chẳng thấy vào thành
Chẳng thấy tướng hành động

Được huệ vô phân biệt...
Nếu biết tâm tướng Không
Chẳng phân biệt thấy có
Việc Phật đi vào thành
Cũng không tưởng Niết-bàn
Nếu người biết như vậy

Thì thấy được chư Phật
Cũng rõ được tánh Không
Rốt ráo không sanh diệt...

Và ngược lại, thấy tánh Không là thấy Phật, thấy Pháp thân Phật: Không đến không đi, không sanhm không diệt, lìa các tướng và các tưởng... Huệ vô phân biệt thì thấy được “pháp thân của chư Phật”. Huệ vô phân biệt là “biết tâm tướng Không”, tâm tướng Không tức là huệ vô phân biệt, không thấy Phật có vào thành và ra thành, không có đến đi, sanh diệt. Và như vậy không có sanh tử vì sanh tử là sự phân biệt tạo thành đến đi, vào ra, sanh diệt. Không có sanh tử thì “cũng không có tưởng Niết bàn”.

Nếu lìa các tướng
Để trồng cội đức
Thì biết rõ được
Tánh nhãn tận biên.
Vì biết rõ được

Tánh nhãn tận biên
Thì biết rõ được
Công đức chư Phật.
Nơi nhãn tận biên
Không có cất giữ
Nơi nhãn sanh biên
Không có nương trụ
Nơi nhãn tịch tịnh
Không có động niệm
Người này chính là
Thấy được Như Lai
.

Con mắt bình thường này có thể thấy Phật, thấy Pháp thân chư Phật. Nếu lìa các tướng, biết rõ chỗ nhãn sanh và nhãn tận, chỗ đó là tánh Không “tịch tịnh”, không cất giữ, không nương trụ, không động niệm, thì thấy được Phật, thấy được tánh Không. Cái thấy đó các kinh điển khác gọi là “đắc pháp nhãn tịnh”, được con mắt pháp thanh tịnh.

Biết nhãn không có
Nên thông đạt sắc
Biết nhãn diệt hoại
Nên quán sát pháp.
Biết nhãn vô sanh
Nên tu tập đạo
Người này chính là
Thấy được Như La
i

Chính nơi con mắt này mà biết quan sát pháp, tu tập đạo để biết nhãn không có, nhãn vô sanh, bèn là thấy được tánh Không, thấy được Như Lai.

2.
Pháp tánh là quang minh

Pháp tánh là tánh Không, khi thấy được tánh Không là thấy được “quang minh xuất hiện”.

Nếu biết nhãn vô ngã
Thì nên pháp Sa-môn
Người ấy sẽ chứng được
Quang xuất hiện như vậy.
Nếu có thể biết khắp

Biên tế của nhãn tánh
Thì cũng biết khắp được
Biên tế của nhãn sanh
Người ấy sẽ chứng được
Quang xuất hiện như vậy...
Phật cũng tức là quang minh:
Bậc Thầy trời người

Trong đời hiện tại
Hiện thân Tổng trì
Quang minh thanh tịnh.
Nếu người được nghe
Danh hiệu như vậy
Thì thành tựu được
Sắc thân thù thắng.
Bậc Thầy trời người
Trong đời hiện tại
Gọi là Tổng trì
Danh xưng quang minh.
Nếu người được nghe
Danh hiệu như vậy
Thì thành tựu được

Danh xưng rộng lớn...
Bậc Thầy trời người
Trong đời hiện tại
Hiệu là Pháp vương
Thành tựu tánh Không
Nếu người thọ trì
Danh hiệu như vậy

Thì diễn thuyết được
Nghĩa “các pháp Không”

Tóm lại, pháp tánh là tánh Không, quang minh và cũng là Phật, Bậc “Pháp vương thành tựu tánh Không”. Trong ba thân Phật, quang minh là Phật Báo thân.

3.
Năng lực

Tánh Không không phải là trống không, không có gì cả. Quang minh cũng không phải là một ánh sáng mờ nhạt, không hiệu lực. Tánh Không, quang minh chính là năng lực. Điều này biểu lộ trong đoạn kinh diễn tả Đức Phật khi vào thành theo lời thỉnh mời của Đồng tử Nguyệt Quang:

Đương lúc Thế Tôn
Đi vào trong thành
Ngón chân ấn đất
Khắp nơi chấn động
Các núi đều nghiêng
Hướng về phía Phật
Trời người vì pháp
Đều đến kính lễ...

Năng lực của bậc Giác Ngộ được kinh gọi là “thần biến của chư Phật”, “lực chẳng nghĩ bàn”:

Lúc đức Thế Tôn
Đi vào trong thành
Ngón chân ấn đất
Hiện sự hy hữu
Nay tôi nói lược
Chút phần công đức
Khiến khắp chúng sanh
Người nghe vui mừng
Đạo sư trời người
Từ một lỗ lông
Xuất hiện vô lượng
Trăm ngàn quang minh
Mỗi mỗi quang minh
Khắp vô lượng cõi
Vì các chúng sanh
Mà làm Phật sự...
Nếu người biết rõ
Chư Phật thần biến
Chẳng phải sở hành
Của hàng Thanh Văn
Người ấy được nghe
Thần biến như vậy
Sẽ sanh tín giải
Phát tâm hy hữu
Bậc Thầy trời người
Lực chẳng nghĩ bàn
Hiện ra như vậy
Các thứ thần biến...

Thần biến của Phật gắn liền với quang minh. Và thần biến ấy là thần biến, năng lực của Đại từ, Đại bi:

Đại từ hiện thần biến
Rộng vì các chúng sanh
Phân biệt nhãn dứt lỗi
Khai thị tướng tịch diệt.
Đại bi hiện thần biến
Rộng vì các chúng sanh
Người trẻ tuổi khỏe mạnh
Chỉ dạy vô biên lỗi.

Đại bi hiện thần biến
Rộng vì các chúng sanh
Người sanh khởi kiêu, dật
Chỉ dạy vô biên lỗi...

Thần biến của Phật không phải là năng lực biểu diễn thần thông của một vị thần hơn hẳn loài người mà là năng lực của đại từ đại bi vì tất cả chúng sanh mà chỉ dạy, giáo hóa, cứu thoát. Năng lực ấy gắn liền với tánh Không (Pháp thân) và quang minh (Báo thân). Năng lực của Đại bi thần biến, hóa hiện này chính là Hóa thân.

Như thế kinh cho chúng ta biết tánh Không, quang minh, và năng lực là ba phương diện của một vị Phật. Ba phương diện ấy không lìa nhau, và là Pháp thân, Báo thân và Hóa thân của Phật.
 

Theo Văn hoá Phật giáo số 336 ngày 01-01-2020

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm