Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

Nghiên cứu >> Phật giáo Việt Nam

HT.Từ Phong trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam

Khi nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam, có lẽ chúng ta không thể nào quên một thời kỳ vàng son, rực rỡ, là thời đại Lý-Trần. Ngược lại, chúng ta cũng không thể không nhớ giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi Phật giáo không còn ở ngôi vị quốc giáo như thời hoàng kim xưa kia nữa.
Chân dung HT.Từ Phong (1864-1939) - Ảnh: Q.Hậu
Có thể nói, kể từ năm 1920, chư vị tiền bối tâm huyết đã phát động phong trào chấn hưng Phật giáo. Trong đó, Hòa thượng Thích Từ Phong (1864-1939)(1) là một trong những nhân vật tiên phong và có công rất lớn vào giai đoạn đầu. Trong bài viết này, người viết sẽ trình bày vài nét về vai trò của Hòa thượng Từ Phong trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, qua ba phương diện.
 
Khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam
 
Hòa thượng Từ Phong là một trong những nhân vật tiên phong phát động phong trào chấn hưng Phật giáo. Chúng ta biết được điều này thông qua bài “Tự trần” của Hòa thượng Khánh Hòa (đăng trong Tạp chí Phật Hóa Tân Thanh Niên, số 1 ra tháng 9 năm 1929)(2), khi được hỏi tại sao ngài không đến các chùa lớn nổi tiếng để vận động phong trào chấn hưng Phật giáo, xây dựng trường học để đào tạo Tăng tài, Hòa thượng Khánh Hòa đáp rằng: “Ôi! Hỏi đến thêm buồn, chín mười năm trước thầy Giác Hải cũng thường nhắc nhở đến việc này, song ai nấy đều làm thinh, mới đây nhân lễ kỵ ở Hội Khánh, thầy Giác Hải cũng đến đó giảng giải về việc chỉnh lý Tăng đồ, rốt cuộc không ai tán thành cả”(3).
 
Liên quan đến vấn đề này, trong Tạp chí Từ Bi Âm kỳ thứ 5 cũng có đề cập: Hòa thượng Từ Phong có tỏ rằng 28 năm nay ngài cũng muốn lập một hội để lo xương minh Phật học, nên thường khi ngài thừa dịp chứng minh trường hương hay là trường kỳ với dự đám trai đàn cúng kiến trong các chùa thì Ngài có diễn thuyết, khuyên bạn đồng đạo hiệp cùng Ngài mà lập hội ấy(4). Qua đó cho thấy, Hòa thượng Từ Phong luôn thao thức lo lắng cho sự tồn vong của Phật giáo, trải qua gần 30 năm, Ngài đã hết lòng kêu gọi chư vị tôn túc hãy cùng nhau đồng tâm hiệp lực chấn hưng Phật giáo nhưng chưa được hưởng ứng.
 
Mãi cho đến ngày 26 tháng 8 năm 1931, nhờ sự hoạt động tích cực của Hòa thượng Khánh Hòa, Sư Thiện Chiếu, cùng các Hòa thượng trong các sơn môn, tổ đình và một số Phật tử hữu tâm, một Hội Phật học đầu tiên của Phật giáo Việt Nam được thành lập, đó chính là Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học(5). Lúc này, Hòa thượng Từ Phong là một ‘bậc niên cao kỷ trưởng’ (69 tuổi), ‘bực chí nhơn và đạo đức’, đang trụ trì chùa Giác Hải, được bầu làm Chánh Hội trưởng(6). Nhưng sau đó hội không tiến hành được Phật sự như mong muốn, vì một số cư sĩ ngăn trở. Năm 1933, các Hòa thượng Khánh Hòa, Từ Phong, Chánh Tâm, Tâm Quang, Khánh Anh, Huệ Quang lui về miền Tây thành lập Phật học đường lưu động gọi là Liên đoàn Phật Học Xã để đào tạo Tăng tài. Mỗi chùa luân phiên mở lớp học 3 tháng, thường thỉnh Hòa thượng Từ Phong đến giảng dạy. Chẳng bao lâu Liên đoàn Phật Học Xã gặp khó khăn về tài chính phải tan rã. Sau đó, Hội Lưỡng Xuyên Phật Học ra đời ngày 13-8-1934, khóa đầu tiên do Hòa thượng An Lạc chùa Vĩnh Tràng làm Hội trưởng, Hòa thượng Từ Phong làm Chứng minh Đạo sư. Qua đó cho thấy, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, Hòa thượng Từ Phong cũng luôn hết lòng hy sinh cho đạo pháp, điều này được thể hiện rất rõ trong Tạp chí Từ Bi Âm kỳ thứ 5: Bổn chí phóng sự thấy ngài nhơn đức từ bi chạnh tưởng mới hỏi ngài sao già cả yếu đuối rồi không ở nhà mà tịnh dưỡng, để cho mấy ông Sa-môn còn sức mạnh lo cho đạo cũng đặng, Hòa thượng Từ Phong bèn trả lời rằng: “Từ nhỏ đến lớn tôi ăn cơm của Phật, mặc áo của đàn na thí chủ, ở chùa của thập phương. Mấy món ấy là của đạo hết, mà nay đạo đã suy đồi, nếu tôi còn một chút hơi thở, còn đi đặng đôi bước, nói được một câu chuyện thì cũng nên đến chùa Linh Sơn này mà chung lo cho đạo cùng các ngài thì tôi mới an lòng sau khi tôi tịch diệt theo Phật. Nếu tôi không tầm mối thì tôi không phải ông thầy tu viễn đức và còn mặt mũi nào mà ngó các ngài và thấy mấy người đệ tử của tôi”(7)
 
Ôi! Thế mới biết tấm lòng của ngài Từ Phong thiết tha vì đạo pháp đến mức nào. Với trình độ am hiểu Phật pháp uyên thâm, tác phong đạo đức cao và nhiệt tâm xiển dương Chánh pháp, Hòa thượng Từ Phong đã đóng góp rất lớn cho phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam nói chung và đặc biệt là Phật giáo miền Nam nói riêng. 
 
Văn hóa 
 
Khi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, chúng ta thấy vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, triều Nguyễn độc tôn Nho học, Phật giáo “bị kỳ thị và suy đồi tột độ”. Vấn đề này được Hòa thượng Thiện Hoa trình bày rất rõ trong tác phẩm 50 năm (1920-1970) chấn hưng Phật giáo Việt Nam như sau: 
 
Mỗi khi đại lễ như rằm lớn, làm chay, làm phước, thuyết pháp, giảng đạo v.v… đều phải xin phép chính quyền. Chư Tăng thường bị chính quyền bắt đi lính, làm xâu, hoặc canh gác. Phật giáo thời bấy giờ bị kỳ thị và suy đồi tột độ, chỉ còn hình thức cúng bái, mê tín dị đoan. Chư Tăng hầu hết chỉ lo đi cúng đám làm kế sinh nhai. Đến đổi ông Tăng không khác gì người tục! Đạo Phật thời bấy giờ bị người chê là yếm thế, tiêu cực hay nhu nhược. Ông Tăng không còn giá trị gì cả!(8)
 
Do đó, tuy các chùa trong nước rất nhiều, nhưng hoạt động riêng rẽ, không có một tổ chức, hệ thống liên lạc chặt chẽ với nhau, sự giao lưu phát triển về Phật học cũng suy giảm. Đặc biệt dưới thời Pháp thuộc, Việt Nam bị chia làm ba miền, trong khi chính quyền bảo hộ tìm mọi cách phát triển Công giáo thì Phật giáo Việt Nam càng bị chèn ép. Một số ngôi chùa lớn cũng bị phá hủy, Viện Viễn Đông Bác Cổ sưu tập các tài liệu, di vật nhưng không nhằm mục đích truyền bá Phật giáo cũng góp phần làm suy giảm các kinh sách tại các chùa. 
 
Trước tình hình xã hội có nhiều biến chuyển như thế, công cuộc đổi mới cần được xúc tiến để củng cố nền văn hóa cũ bằng ngôn ngữ thuần Việt và hòa nhập cùng nền văn hóa mới. Các nhà trí thức cổ động phong trào nâng cao dân trí và công việc đầu tiên là phổ cập chữ quốc ngữ. Trong đó, chữ Nôm là một sáng tạo độc lập của ông cha ta, góp phần nâng cao địa vị tiếng Việt, có tác dụng trong sinh hoạt văn hóa cũng như trong việc phát triển nền văn hóa dân tộc. 
 
Riêng đối với Phật giáo, chữ Nôm đã được chư vị tôn túc, các nhà nghiên cứu Phật học sử dụng để phiên dịch tam tạng kinh điển, biên soạn kinh sách Phật giáo để phổ biến rộng rãi, giúp cho nhiều người đọc hiểu dễ dàng hơn. Trên tinh thần đó, Hòa thượng Từ Phong đã sử dụng chữ Nôm kết hợp với chữ Hán để biên soạn hoặc phiên dịch, diễn nghĩa kinh sách Phật giáo. Theo Tiểu sử danh tăng Việt Nam, trong cuộc đời hoằng dương đạo pháp của mình, Hòa thượng Từ Phong đã biên soạn một số tác phẩm như: 
 
1- Khải cáo phát minh văn (1909) 
2- Quy nguyên trực chỉ (diễn Nôm) (1912) 
3- Tông cảnh yếu ngữ lục diễn nghĩa (1915). 
 
Ngoài ra, người viết phát hiện ngài còn biên soạn một tác phẩm Hán Nôm đó là: Phát Bồ-đề tâm văn diễn nghĩa (1932). 
 
Có thể nói những tác phẩm này không chỉ góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng văn học và văn hóa Phật giáo Việt Nam mà còn có giá trị ảnh hưởng rất lớn đối với phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ. Nội dung tư tưởng của các tác phẩm ấy không ngoài mục đích xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam, củng cố nếp sống tu học, hoàn thiện nhân cách đạo đức cho hàng Tăng Ni, Phật tử nói riêng và cho mọi người trong xã hội nói chung.
Vườn tháp chùa Giác Hải, Q.6 - Ảnh: Q.Hậu
 
Giáo dục
 
Với tấm lòng thiết tha vì đạo, Hòa thượng Từ Phong đã chung sức cùng chư vị tôn túc để chấn hưng Phật giáo. Một trong những công tác Phật sự nổi bật của ngài là giảng dạy giáo lý cho Tăng Ni, Phật tử; mở trường Phật học đào tạo Tăng tài, hoằng dương Phật pháp. Để nhấn mạnh vai trò của công tác giáo dục, Hòa thượng Từ Phong đã trình bày hết sức rõ ràng qua bài “Kệ minh Phật học biên văn bố cáo” như sau:
 
Ngày nay cao tăng chúng đức, đoàn thể liên lạc nên rồi, hiện xuất tinh thần hiệp lực, kiến lập học đường, từ học đường này, thời kết quả đặng. Tiên thánh có nói: “Thử chi nhất học, tối diệu tối huyền”. Một việc học này, làm đầu trước ba giới Thánh hiền. Chư sơn tình đồng chí hợp, tôn sùng giáo pháp, trang nghiêm ngôi Tam bảo lại, đạo Phật truyền bá phổ thông rồi, trai lành gái tín thấy vậy, đều phát tâm chánh tín, vui đẹp trong nền đạo đức, tôn giáo nhà Phật tiến phát, càng thêm tỏ rạng(9).
 
Đại ý đoạn văn này khuyên các bậc cao tăng chúng đức hãy cùng nhau hiệp lực kiến lập học đường, phát triển học nghiệp cho hàng Tăng Ni trẻ. Đối với Phật giáo, học là phương thức hữu hiệu nhất để hình thành đội ngũ Tăng sĩ trí thức có khả năng truyền bá Phật pháp, giúp cho Tam bảo được trường tồn trên thế gian này. Cũng nhờ đó mà hàng thiện nam tín nữ biết phát tâm chánh tín, nền đạo đức nhân loại được củng cố, Phật giáo càng ngày càng phát triển, ngọn đèn Chánh pháp càng thêm tỏ rạng. 
 
Riêng đối với Hòa thượng Từ Phong, sự nghiệp giáo dục được thể hiện qua một số công tác Phật sự hết sức cụ thể và rất có ý nghĩa, như trong Việt Nam Phật giáo sử luận đề cập: 
 
Vào khoảng năm 1920, tuy tình trạng Phật giáo ở đất Việt không có gì sáng sủa, nhưng rải rác trong xứ vẫn còn những vị cao tăng duy trì mạng mạch của Phật pháp. Ở trong Nam có Thiền sư Từ Phong duy trì đạo tràng Giác Hải ở Chợ Lớn, mở lớp giảng giải Phật pháp cho Tăng sĩ trong vùng, tổ chức khắc bản in kinh và khuyến khích việc phiên dịch kinh Phật ra quốc ngữ. Từ năm 1922, Thiền sư đã cho xuất bản bộ “Quy nguyên trực chỉ” do ông tự tay phiên dịch ra quốc ngữ(10).  
 
Bên cạnh đó, Tiểu sử danh tăng Việt Nam còn cho biết: Hòa thượng Từ Phong “vốn là người uyên bác lại tinh tấn nghiên cứu học hỏi nên Ngài sớm trở thành một Pháp sư tinh thông kinh điển, có tài hùng biện luôn thuyết phục người nghe. Vì vậy ai cũng thích đến nghe pháp với ngài”(11). Chính vì thế, thời bấy giờ các tự viện ở Nam Bộ thường liên kết thành một hội gọi là Hội Lục Hòa, dựa vào hình thức mỗi lần một chùa luân phiên qua lại tổ chức hội họp nhằm tạo tình đoàn kết để phát động phong trào chấn hưng Phật giáo, ngài thường được thỉnh thuyết giảng trong các lần hội họp đó. Ngoài ra, ngài còn được các chùa thỉnh làm Pháp sư trong các dịp khai trường Hương như: chùa Long Quang (Vĩnh Long), năm Kỷ Dậu (1909); Tổ đình Giác Lâm (Sài Gòn), năm Nhâm Tý (1912); chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho), năm Kỷ Mùi (1919); chùa Bửu Long (Vĩnh Long), năm Canh Thân (1920). 
 
Có thể nói những dịp này là cơ hội để Hòa thượng Từ Phong có thể hoằng dương Chánh pháp và chấn hưng Phật học một cách hiệu quả nhất. Với tấm lòng hy sinh vì đạo pháp, Ngài không quản ngại gian lao vất vả, không chỉ mở lớp tại bổn tự của mình là chùa Giác Hải mà còn đi đến các đạo tràng chùa khác để giảng dạy Phật pháp. Tất cả việc làm của Ngài không ngoài mục đích giúp cho Tăng Ni và Phật tử am hiểu Phật pháp để tu tập đạt được lợi ích an lạc cho tự thân, đồng thời góp phần giáo dục nhân cách đạo đức cho mọi người trong xã hội.  
 
Nói tóm lại, Hòa thượng Thích Từ Phong là một trong những nhân vật tiên phong phát động phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung giai đoạn đầu thế kỷ XX. Kể từ lúc xuất gia cho đến trọn cuối đời, Ngài luôn hăng hái hoạt động Phật sự, hết lòng hy sinh cho đạo pháp chỉ vì mục đích duy nhất là hoằng dương Phật pháp và bảo vệ ngôi nhà Phật giáo Việt Nam được trường tồn vững mạnh. Sự cống hiến của Ngài về các phương diện văn hóa, giáo dục không chỉ đóng góp tích cực cho phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam xưa kia mà còn có giá trị ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo Việt Nam hiện nay.
 
_________________
CHÚ THÍCH TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trong Tiểu sử danh tăng Việt Nam (Thích Đồng Bổn chủ biên, 1996) ghi rằng Hòa thượng Thích Từ Phong (1864-1938); tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của người viết thông qua một số nguồn tư liệu và khảo sát thực địa qua các bài vị, bia tháp của Hòa thượng Từ Phong tại chùa Giác Hải (quận 6, TP.HCM) và chùa Thiền Lâm (Gò Kén, Tây Ninh), thì Hòa thượng Từ Phong viên tịch ngày 24-1-1939.
2 và 3. Nguyễn Đại Đồng, TS. Nguyễn Thị Minh (2010), Phong trào Chấn hưng Phật giáo, NXB.Tôn Giáo, tr.21-38 và tr.32.
4. Tạp chí Từ Bi Âm, kỳ thứ 5, ngày 01-03-1932, Sài Gòn, tr.26.
5. Thích Thiện Hoa (1970), 50 năm (1920-1970) chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Sài Gòn, tr.36.
6. Tạp chí Từ Bi Âm, kỳ thứ 5, ngày 01-03-1932, Sài Gòn, tr.26-28.
7. Tạp chí Từ Bi Âm, kỳ thứ 5, ngày 01-03-1932, Sài Gòn, tr.28.
8. Thích Thiện Hoa (1970), 50 năm (1920-1970) chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Sài Gòn, tr.28.
9. Thích Từ Phong (1939), “發菩提心文演義” (Phát Bồ-đề tâm văn diễn nghĩa) (Hán - Nôm), tr.54a (người viết dịch).
10. Nguyễn Lang (1996), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, NXB.Văn Học, Hà Nội, tr.17.
11. Thích Đồng Bổn chủ biên (1996), Tiểu sử danh tăng Việt Nam, tập 1, Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành, tr.116-117.


Nguồn: giacngo.vn

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm