Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

Nghiên cứu >> Phật giáo Việt Nam

Thiền sư Huyền Quang và những đóng góp cho Phật giáo đời Trần

Thiền sư Huyền Quang (玄光禪師) (1254- 1334) húy Lý Tái Đạo (李載道) [có chỗ ghi là Lý Đạo Tái (李道載)], sinh năm Giáp Dần (1254) ở làng Văn Tái, thuộc lộ Bắc Giang. Thân phụ là cụ Huệ Tổ, thân mẫu là cụ bà Lê Thị, dưới thời vua Trần Thái Tông.
Nguồn: wikipedia.org

Lớn lên, Thiền sư thông minh xuất chúng, thi đỗ Tiến sĩ (Trạng nguyên) năm 21 tuổi, là năm thuộc niên hiệu Bảo Phù thứ hai (1274), thời vua Trần Thánh Tông.

Sau đó, ngài được bổ làm quan Hàn lâm viện. Phụng mệnh nhà vua làm ngoại giao sứ giả đón tiếp các sứ thần Trung Hoa, qua sự đối đáp làm sứ thần Trung Hoa kính phục về tài văn chương trác tuyệt của ngài.

Một hôm, ngài tháp tùng vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm huyện Phụng Nhơn, Bắc Giang nghe Điều Ngự Giác Hoàng giảng kinh Lăng-nghiêm.

Qua thời pháp, ngài tỏ ngộ đạo lý, phát tâm xuất gia, bấy giờ là năm Hưng Long thứ 12 (1304). Ngài xuất gia với Bảo Phác Thiền sư và được thọ giới Sa-di. Đến năm Hưng Long thứ 13 (1305), ngài được Bảo Phác Thiền sư dẫn đến cầu pháp với Thiền sư Pháp Loa và thọ giới Tỳ-kheo, được ban pháp danh Huyền Quang.

Năm Hưng Long thứ 17 (1309), ngài theo hầu Thiền sư Pháp Loa, y theo lời phú chúc của Điều Ngự. Năm Đại Khánh thứ 4 (1317), Thiền sư Huyền Quang được Thiền sư Pháp Loa truyền y pháp của Đức Điều Ngự và cử về trụ trì chùa Vân Yên trên núi Yên Tử.

Trong thời gian trụ trì chùa Vân Yên (Hoa Yên), thiền sư có làm bài kệ có tựa là An Tử sơn am cư (安子山庵 居) [Ở am trên núi An Tử) như sau:

Nguyên văn chữ Hán:

          庵逼青霄冷,
          門開雲上層。
          已竿龍洞日,
          猶尺虎溪冰。
          抱拙無餘策,
          扶衰有瘦藤。
          竹林多宿鳥,
          過半伴閒僧。

Phiên âm Hán Việt:

Am bức thanh tiêu lãnh
Môn khai vân thượng tằng
Dĩ can Long Động nhật
Do xích Hổ Khê băng

Bảo chuyết vô dư sách
Phù suy hữu sấu đằng
Trúc Lâm đa túc điểu
Quá bán bạn nhàn Tăng.

Tạm dịch:

Cao ngất am lạnh lẽo
Cửa mở tận rừng mây
Mặt trời soi Long Động
Tuyết đầy che Hổ Khê.
Vụng về không mưu lược
Nương gậy đổ thân gầy
Trúc Lâm nhiều chim ngủ
Quá nửa bạn với Thầy.

Rằm tháng Giêng năm Quý Mão (1315), vua Trần Anh Tông mời ngài về chùa Báo Ân, huyện Siêu Loại, Bắc Ninh giảng kinh Lăng-nghiêm. Sau đó Thiền sư xin về quê nhà thăm cha mẹ và xây dựng một ngôi chùa tại quê nhà (Văn Tái) lấy tên là Đại Bi.

Năm 1311, Thiền sư Pháp Loa vâng lệnh vua Trần Anh Tông san định, khắc Đại tạng kinh đời Trần 5.000 quyển, đến năm 1319 mới hoàn thành, do Thiền sư Huyền Quang hiệu đính. Do đó, nhà vua đã phê “Văn bản kinh nào qua tay Tôn giả Huyền Quang, thì khỏi cần xem lại, cứ khắc in không có gì nhầm lẫn”. Tiếc rằng bộ Đại tạng này đã bị giặc Minh thiêu hủy năm 1427.

Trong thời gian cùng Thiền sư Pháp Loa trụ tích tại Trung tâm Giáo hội Trúc Lâm, chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang xây dựng năm 1018 thời Lý Thái Tổ và Viện Quỳnh Lâm, Kinh Môn, đạo Hải Dương xây dựng năm 1317; các bộ kinh lớn như Pháp hoa, Hoa nghiêm, Niết- bàn, Bát-nhã, Duy-ma-cật, Lăng-nghiêm... đã được hai vị Thiền sư cùng phân công giảng dạy tại viện Quỳnh Lâm, đồng thời một số cơ sở chùa khác thuộc Thiền phái Trúc Lâm như Vĩnh Nghiêm, Báo Ân, Siêu Loại Bắc Ninh, chùa Vân Yên, chùa Thanh Mai, chùa Côn Sơn...

Đặc biệt, công tác đào tạo tại viện Quỳnh Lâm được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu học Giáo lý, Thiền lý. Giai đoạn hai đưa lên Ngọa Vân am, núi Bảo Đài, Đông Triều, Hải Dương trực tiếp tu học cho đến khi thể nhập lý Thiền, tu Thiền định thật sự chứng đắc. Số còn lại được cử đi thuyết pháp khắp vùng đồng bằng, kể cả kinh thành Thăng Long... Kết quả, viện Quỳnh Lâm đã đào tạo được một số Thiền sư nổi tiếng như sau: Mật Tạng, Pháp Cổ, Pháp Tràng, Hương Tràng, Hương Sơn, Bảo Sát, Bảo Khê, Pháp Không, Huệ Nghiêm, Huệ Nhiên, Huệ Quán...

Về phần tác phẩm phiên dịch, theo đề nghị của Pháp Loa, Thiền sư đã dịch thuật, biên soạn một số tác phẩm để lại đời như sau:

- Ngọc Tiên tập.
- Chư phẩm kinh.
- Công văn tập.

- Phổ Tuệ ngữ lục.
- Thích khoa giáo.
- Vịnh Vân Yên phú.

Sách Bắc Ninh phong thổ tạp ký có ghi: Khi Tôn giả Huyền Quang còn hành đạo, có đi thăm các chùa thuộc Bắc Ninh. Trong đó có chùa Ninh Phúc - Bút Tháp. Ngài đã phát tâm trùng tu chùa Ninh Phúc và cúng dường đài Cửu phẩm Liên hoa theo mẫu Mật tông và chín đài sen theo Tịnh độ. Cứ quay một vòng (bông sen nhỏ) thì niệm một câu Nam-mô A-di-đà Phật.

Trong thời gian trụ trì chùa Tư Phúc, Côn Sơn, Hải Dương, Thiền sư đã tôn tạo đài Cửu phẩm Liên hoa tương tự như chùa Ninh Phúc, Bắc Ninh. Như vậy, Thiền sư Huyền Quang đã thiết kế và lưu lại cho Phật giáo đời Trần cũng như ngày nay hai đài Cửu phẩm Liên hoa. Qua đó, cũng thấy rằng Mật giáo và Tịnh độ cũng đã ảnh hưởng sâu đậm trong hệ tư tưởng Phật giáo đời Trần, làm cơ sở cho sự phát triển Mật giáo và Tịnh độ ở các triều đại sau và cho tận đến ngày nay.

Thiền sư Pháp Loa sau một thời gian lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm, cảm thấy ngày qui tịch đã gần, năm 1325 đời vua Hiển Tông, ngài đã giao quyền lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm cho Tôn giả Huyền Quang và Tôn giả đã lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm suốt tám năm cho đến ngày viên tịch (1334).

Trong thời gian trụ ở Côn Sơn, Hải Dương, Tôn giả có bài thơ sau khi nhậm chức lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm, có tựa là (Nhân sự đề Cứu Lan tự, 因事題究蘭寺) [Nhân có việc, đề ở chùa Cứu Lan] như sau:

Nguyên văn chữ Hán:

德薄常慚繼祖燈,
空教寒拾起冤憎。
爭如逐伴歸山去,
疊嶂重山萬萬層。

Phiên âm Hán Việt:

Đức bạc thường tàm kế tổ tông
Không giao Hàm Thập khởi oan tăng
Tranh sư trục bạn quy sơn khứ
Điệp chướng trùng san vạn vạn tằng.

Tạm dịch:

Đức bạc thẹn mình nối Tổ tông
Học theo Hàn (Sơn) Thập (Đắc) dứt đa đoan
Hãy đi với bạn về non vắng
Rừng núi bao quanh mấy vạn từng.

Sau hơn 80 năm trụ thế, ngày 23 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1334), Thiền sư Huyền Quang viên tịch. Đệ tử là Quốc sư An Tâm cùng vua Trần Hiển Tông lo tang lễ và nhập tháp tại chùa Côn Sơn (chùa Tư Phúc) Hải Dương. Thái thượng hoàng Trần Minh Tông phong thụy là Trúc Lâm Thiền sư đệ tam đại, đặc phong Tư pháp Huyền Quang Tôn giả.

Nguồn: wikipedia.org
Theo Văn hoá Phật giáo số 328 ngày 01-09-2019

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm