Ban Thường trực Ban Biên tập Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam họp với Trung tâm Pāli học
- Bảo Tiên
- | Thứ Sáu, 10:49 19-11-2021
- | Lượt xem: 5225
Chiều ngày 18/11/2021, chư Tôn đức đại diện Ban Thường trực Ban Biên tập Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam (TTTĐPGVN) đã có cuộc họp với đại diện Trung tâm Pāli học về việc thống nhất danh mục Luận tạng Pāli.
Về phía Ban Thường trực Ban Biên tập TTTĐPGVN, có TT. Thích Tâm Đức - Phó Viện trưởng Thường trực; TT. Thích Minh Thành, TT. Thích Nhật Từ - đồng Phó Viện trưởng kiêm Tổng Biên tập TTTĐPGVN; TT. Thích Giác Hoàng - Tổng Thư ký.
Về phía Trung tâm Pāli học, có TT. Thích Giác Giới - Giám đốc, Phó Tổng Biên tập TTTĐPGVN Phật giáo Thượng tọa bộ; TT. Thích Giác Trí - Phó Giám đốc Thường trực, Ủy viên Ban Biên tập TTTĐPGVN Phật giáo Thượng tọa bộ;...
Mở đầu phiên họp, TT. Thích Tâm Đức phát biểu lý do: “Chưa tới một năm nữa là chúng ta kết thúc nhiệm kỳ này. Mong rằng cuộc họp lần này sẽ là cơ hội để mọi người hội ý với nhau về những gì đã làm được và những gì chưa làm được. Từ đó, chúng ta sẽ đẩy nhanh tiến độ những phần còn dang dở, thúc đẩy việc in ấn Tam tạng được dịch từ tiếng Pāli.”
Với vai trò Tổng Thư ký, TT. Thích Giác Hoàng báo cáo về tình hình của Tam tạng kinh văn hệ Pāli. Theo đó, 5 bộ Kinh Nikāya đã hoàn thành: Trường bộ kinh, Trung bộ kinh, Tương ưng bộ kinh, Tăng chi bộ kinh được ấn hành và cho ra mắt; 5 tập của Tiểu bộ kinh cũng đã hoàn tất việc soát lỗi mo-rat và sẽ được ấn tống hết vào thời gian dự kiến cuối năm 2022. Mỗi tập thuộc Tiểu bộ kinh có số trang dao động từ 1.300 đến 1.400 trang. Thượng tọa cho biết phần TTTĐPGVN phần Phật giáo Theravāda đã hoàn thành hơn ⅔, gồm Kinh tạng và Luật tạng.
Trong phiên họp, chư Tôn đức tập trung bàn bạc để thống nhất danh mục cho phần Luận tạng văn hệ Pāli. Sau khi trao đổi, đại diện Ban Thường trực Ban Biên tập TTTĐPGVN và Trung tâm Pāli học đã quyết định danh mục của Luận tạng dừng lại ở tập Paṭṭhāna.
Cũng tại phiên họp chiều nay, sau sự đề xuất của TT. Thích Nhật Từ, chư Tôn đức nhất trí thực hiện thêm một ấn bản phụ Pāli tạng, bên cạnh ấn bản chính gồm Kinh - Luật - Luận (Chánh tạng). Ấn bản phụ là văn học ngoài Chánh tạng gồm Chú giải (Aṭṭhakathā), Sớ giải (Ṭīkā) và những tác phẩm được biên tập về sau.