Lịch sử Phật giáo Việt Nam có bề dày hai ngàn năm. Qua các thời đại hưng thịnh, vấn đề Đại tạng kinh đã được lãnh đạo đất nước cũng như Phật giáo đặt ra, để có nguồn tham cứu căn bản, tránh tình trạng “tam sao thất bản”, xem việc trùng tuyên là độc quyền của một nhóm người, vận dụng rời xa lời dạy của Đức Phật.
Đó cũng là một trong bốn phương diện mà chư vị tiền bối đã nhấn mạnh trong công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX, và cũng là khao khát của hàng triệu tín đồ Phật giáo. Cũng vì lý do đó, 9 năm sau khi Giáo hội thành lập, thống nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo (1981), chư tôn đức hai hội đồng của Giáo hội đã đồng lòng thành lập Hội đồng Chỉ đạo Phiên dịch và Ấn hành Ðại tạng kinh Việt Nam với sự chứng minh của chư tôn giáo phẩm tiêu biểu ba miền, suy cử Trưởng lão HT.Thích Minh Châu làm Chủ tịch.
Trong một bài viết trên báo Giác Ngộ năm 1992, HT.Thích Chơn Thiện, Trưởng ban Thư ký của Hội đồng Chỉ đạo Phiên dịch và Ấn hành Ðại tạng kinh Việt Nam lúc bấy giờ đã chia sẻ về dự hướng nhằm tạo nên một sắc thái đặc biệt cho Phật sự này. Theo đó, các bản kinh Việt Nam sẽ phải được tân tu để tu chỉnh các sai sót không thể tránh khỏi, và để thống nhất từ ngữ, đồng thời xuất bản các tập chú giải và từ vựng cho từng bộ kinh để giúp các Phật tử Việt Nam không gặp các khó khăn về thuật ngữ Phật giáo trong việc đọc và hiểu Ðại tạng. Với sự nghiêm túc của việc làm này, Hòa thượng kêu gọi mọi người kiên nhẫn chờ đợi.
Vấn đề đào tạo nhân sự và tạo dựng cơ sở vật chất để Phật sự quan trọng này được vận hành hiệu quả cũng đã được bàn đến, tuy nhiên, gần 30 năm qua, mặc dù đã có tới 2 phiên bản ấn hành cùng danh nghĩa Đại tạng kinh Việt Nam được ra mắt, nhưng cả hai lại dở dang, và gần đây, sau Đại hội lần thứ VIII của Giáo hội, thông tin về một phiên bản mới được tuyên bố ấn hành đồng bộ trong sự mong chờ của Tăng Ni, Phật tử.
Nhìn lại các quốc gia khác, việc phiên dịch, biên tập các tác phẩm kinh điển (gồm Kinh, Luật và Luận) là Phật sự được thực hiện xuyên suốt, liên tục với ý chí và niềm tin mãnh liệt về suối nguồn tuệ giác được lưu giữ, làm phong phú văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc mình, và nhiều quốc gia đã có Đại tạng bằng ngôn ngữ bản xứ. Nói như Đức Trưởng lão Hòa thượng Đệ nhất Pháp chủ, đây là Phật sự quan trọng của Giáo hội, thiết nghĩ nên có một cơ chế đặc biệt về Phật sự này, cần có sự liên tục, tránh những gián đoạn lệ thuộc nhân sự theo nhiệm kỳ của Giáo hội như đã thấy.
Trong bối cảnh giao lưu toàn cầu và trên cơ sở những gì có được, chắc chắn nhiều người sẽ đặt kỳ vọng khi hình thành, ấn phẩm Việt ngữ Đại tạng kinh Việt Nam sẽ có sự hoàn thiện về mọi mặt, xứng tầm với vai trò thừa kế lịch sử hai ngàn năm của Giáo hội, tổ chức thống nhất các hệ phái, truyền thống Phật giáo Việt Nam.
Thích Tâm Hải (Báo Giác Ngộ số 1016)
Theo GIÁC NGỘ online