Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

Tin tức >> Phật sự Viện Nghiên Cứu

Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổng kết 6 tháng cuối năm 2018 và triển khai hoạt động năm 2019

Ngày 23/01/2019 (nhằm ngày 18/12 năm Mậu Tuất), Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (750 Nguyễn Kiệm, Phường 4, Q. Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) đã tổ chức lễ Tổng kết công tác Phật sự năm 2018, định hướng hoạt động năm 2019 và ra mắt các trung tâm nghiên cứu trực thuộc.

Chứng minh và tham dự có: HT. Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN, Chứng minh Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; HT. Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức; HT. Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch HĐTS,  Chứng minh Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; HT. Danh Lung, Phó Viện trưởng kiêm Trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật giáo Nam tông Khmer; cùng quý Hòa thượng, Thượng tọa là Viện phó Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, chư Tôn thiền đức Tăng Ni và chư vị là Trưởng Phân viện, Giám đốc, Phó Giám đốc, thành viên Trung tâm nghiên cứu, các Ban chuyên môn, các Phật tử trong Ban Bảo trợ, quý giáo sư, nhà nghiên cứu thành viên các Trung tâm.

Tại buổi lễ, ngay sau lời phát biểu khai mạc của HT. Thích Giác Toàn, TT. Thích Nguyên Hạnh; Phó tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, đã công bố quyết định chuẩn y nhân sự cho Trung tâm Pāli học, với 16 nhân sự; và Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang với 34 nhân sự.
Như vậy, sau 6 tháng hoạt động Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam hiện đang có: 2 phân viện: Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Phân viện Nghiên cứu Phật giáo Nam tông Khmer; 10 trung tâm (Trung tâm Nghiên cứu Phật học Hán truyền; Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam; Trung tâm Nghiên cứu Văn học Phật giáo; Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thiền học Nam truyền; Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thiền học Bắc truyền; Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo; Trung tâm Phiên dịch Phật học Anh – Việt, Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo; Trung tâm Pāli học và Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang) và 2 ban (Ban In Ấn và Phát hành; Ban Kinh tế Tài chánh), với trên 450 thành viên do Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN làm Viện trưởng.
Tiếp đến, Đại đức Thích Giác Hoàng, Tổng Thư ký Viện, báo cáo tổng kết công tác Phật sự của Viện năm 2018 và phương hướng hoạt động trong năm 2019. 
Hiện nay, ngoài việc kiện toàn hoạt động của các Trung tâm trực thuộc, Viện Nghiên cứu cũng đang gấp rút chuẩn bị tổ chức ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam. Viện đã tổ chức nhiều buổi viếng thăm, thỉnh thị và xin các dịch phẩm do chư Tôn đức Trưởng lão, Hòa thượng đã dịch, mà các môn nhân đệ tử kế thừa đang giữ quyền ấn hành.
Để thực hiện việc Ấn hành, Viện đã nỗ lực hoàn thiện Kế hoạch Ấn hành Đại tạng kinh từ đầu năm 2019 đến tháng 10 năm 2022. Danh mục Đại tạng kinh trong nhiệm kỳ 2017 – 2022 đang được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với quỹ thời gian của nhiệm kỳ cho phép. 
Viện cũng đã nối kết một số dịch giả, nhà nghiên cứu ở các tỉnh/thành vốn là đệ tử của chư vị cố Trưởng lão, Hòa thượng dịch giả thời danh hoặc là những vị đã từng tham gia dịch Đại tạng trong nhiều năm qua, mà không nằm trong 2 Trung tâm chuyên môn của Viện, nhằm hỗ trợ cho việc phiên dịch và hiệu chú các bản dịch thuộc Hán truyền. Với sơ khởi ban đầu, nhân sự của bộ phận này hiện có khoảng 20 vị đã phát nguyện phân bổ hơn 75% quỹ thời gian sinh hoạt cá nhân, dành cho Phật sự trọng đại này.
Hiện tại, bộ phận này đã và đang xúc tiến dịch lại bốn bộ A-hàm; bố trí nhân sự dò lại bộ Đại Bát-nhã, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Đại Bát Niết-bàn, các cuốn Luật lẻ tẻ từ số 1460 – 1504 trong Đại chánh tạng; đáp ứng tiến độ yêu cầu của Viện. Viện cũng đã tuyển mộ hơn 30 Tăng Ni, Phật tử phát tâm dò chính tả.
Các thành viên của Viện đang lấy xuống toàn bộ các bản dịch tiếng Việt có nguồn gốc từ Hán văn được đăng tải trên các trang mạng, tìm các bản dịch tốt nhất, liên hệ dịch giả, phục vụ cho việc ấn hành.
Chuẩn bị cho năm 2019, Viện đã tổ chức morrasse các bộ kinh do HT. Thích Minh Châu dịch, đáp ứng tiến độ ấn hành 6 tháng đầu năm 2019; Đọc morrasse 4 bộ A-hàm do chư vị Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Thích Thiện Siêu, Thích Thanh Từ dịch và hiệu đính, để đăng tải trên trang mạng của Viện.
Đồng thời, để chuẩn bị cho việc ấn hành năm 2020, các thành viên đang chấm morrase các bộ Luật: Ma-ha Tăng-kỳ do HT. Thích Phước Sơn dịch, Luật Thiện Kiến và Luật Căn bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ-nại-da xuất gia sự do TT. Thích Tâm Hạnh dịch; Tiếp tục morrasse Luật Tứ Phần do đệ tử của Hòa thượng Đỗng Minh đã giao. 
Hiện Viện đã nối kết Nhà xuất bản, Nhà in để chuẩn bị ấn hành vào Quý 1 năm 2019. Được biết việc chuẩn bị cho công tác in ấn và phát hành Đại Tạng Kinh Việt Nam là hoạt động trọng tâm nhất của Viện Nghiên cứu trong nhiệm kỳ này.
Nhân dịp lễ Tổng kết hoạt động, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã trao tặng Bằng công đức cho chư Tôn đức, cá nhân đóng góp kinh phí cho việc in ấn và phát hành Đại tạng kinh Việt Nam sắp đến. Đây là hoạt động có ý nghĩa cho hôm nay và hậu thế, các thế kỷ về sau.
Nhìn nhận các hoạt động, HT. Thích Giác Toàn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam cho rằng: Về phía công tác phiên dịch các bản kinh từ Hán văn được các Trung tâm phiên dịch như Trung tâm Phiên dịch Hán Nôm Huệ Quang đã làm tốt, nay Trung tâm Pāli học ra mắt để hỗ trợ tích cực cho phần luật và luận của Nam tông Pali. Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu đã dịch xong phần kinh tạng Pali, bây giờ chúng ta nối tiếp phần luật và luận của Pali để hoàn thành Đại tạng kinh Pali một cách viên mãn nhất. 
Trước đây chư Tôn đức tiền bối đã thực hiện, nay chúng ta tiếp nối, nỗ lực làm. Cho nên tôi mong rằng chư Tôn đức cố gắng hết lòng hỗ trợ để chúng ta thực hiện công tác Phật sự quan trọng này. Bộ Đại Tạng Kinh rất có giá trị nên mọi người phải cố gắng hết lòng thực hiện. Tôi tin rằng với sự nỗ lực của tất cả mọi người, chúng ta sẽ có được Bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam để dâng cúng Tam Bảo, cũng như dâng lên quê hương Việt Nam, một bộ Pháp bảo cao quý của chư Phật. 
Trước sự nhiệt huyết của các thành viên Viện Nghiên cứu, HT. Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ GHPGVN, Chứng minh Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã tán thán và chứng minh công đức của chư Tôn đức, các nhà nghiên cứu và Phật tử trong hoạt động Phật sự trọng đại này: Ngài nói rằng Viện đã đồng lòng và có nhiệt tâm rất nhiều, do đó, hy vọng sẽ hoàn thành bộ Đại tạng kinh Phật giáo Việt Nam. Ngài cầu nguyện Tam bảo chứng minh, cầu nguyện thiên long hộ pháp gia hộ để Phật sự có ý nghĩa trọng đại này sớm được thành tựu viên  mãn. 

Trân trọng chia sẻ hình ảnh buổi lễ:

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm