Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Hiểu và Ngộ

Chính vì HIỂU và NGỘ không giống nhau, hay nói thông thoáng một chút, ngộ có nhiều lớp: Có cái ngộ chỉ mới là sự thẩm thấu từ sách vở, hoặc do suy luận mà ra. Có cái ngộ do chính mình bật ra, nhưng vẫn chỉ là một dòng kiến giải, chưa thoát khỏi ngôn từ.
Mục lục

Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích đến Mân Nam tham vấn. Giữa đường gặp tuyết rơi, phải tạm tá túc trong viện Đại Tạng đàm luận với thiền sư Quế Sâm mất mấy ngày. Tuyết dứt, Văn Ích từ giã tiếp tục hành cước. Quế Sâm tiễn Pháp Nhãn đến sơn môn, liền chỉ tảng đá bên đường hỏi :

- Đại đức thường nói tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức, chẳng hay tảng đá này trong tâm đại đức hay ngoài tâm đại đức ?

Pháp Nhãn không cần suy nghĩ, đáp liền :

- Theo Duy thức, ngoài tâm không có pháp, đương nhiên là ở trong tâm.

Quế Sâm cười :

- Đại đức là tăng hành cước, cớ sao để tảng đá trong tâm ?

Pháp Nhãn đớ lưỡi không biết trả lời, phải ở lại giải quyết cho xong mối nghi.

Tảng đá thì ai cũng thấy ngoài tâm. Song luận Duy Thức lại nói ngoài tâm không có pháp. Tổ đã nói thì không phải chuyện đùa. Vậy nó ở đâu? Với tâm thức hiện nay của mình thì câu trả lời vẫn là trong tâm. Đó là cách suy nghĩ thường tình của người đời : Không bên này thì bên kia, không trong thì ngoài, không ngoài thì trong, không xấu thì đẹp, không đẹp thì xấu v.v… không bao giờ thoát được sự chia chẻ hai bên của trí phân biệt. Song nếu trong tâm, vì sao Quế Sâm lại hỏi “Cớ sao để tảng đá trong tâm ?”.


Tảng đá ngoài tâm thì trái với lời Tổ. Tảng đá trong tâm thì bị Thiện tri thức cười. Vậy nó ở đâu? Không trong cũng không ngoài. Hội chăng? Một chút ngần ngừ … đã qua mất rồi!

Ở lại viện Địa Tạng, hằng ngày Pháp Nhãn đều đến trình kiến giải với Quế Sâm, nhưng Quế Sâm đều lắc đầu, cho cái thấy của Pháp Nhãn chưa thấu triệt. Lần nào Quế Sâm cũng trả lời: Phật pháp không phải những thứ ấy. Cuối cùng Pháp Nhãn than :

- Con đã cùng lời hết ý rồi.

Quế Sâm nói :

- Nếu luận bàn về Phật pháp thì mọi người sẵn đủ.

Ngay lời nói ấy, Pháp Nhãn đại ngộ.

Không phải chỉ Pháp Nhãn mới biết cái mà mọi người đều sẵn đủ đó. Mình thừa biết đó là Phật tánh. Song đó là hiểu không phải ngộ. Vì sao? Vì trong đầu mình chỉ mới xuất hiện hai từ Phật tánh chứ chưa thấy được cái Phật tánh ấy hình dạng ra sao, mặt mũi thế nào. Ngộ chính là nhận biết nó ra sao, hình tướng thế nào. Mình sẽ mau mắn “Nó vô tướng”. Ừ! Nó vô tướng, nhưng nó vô tướng ra sao? Nếu nó vô tướng thì dựa vào đâu để biết nó có? Nếu đã có tướng để thấy, dù là tướng không, thì làm sao nói nó vô tướng? Đã có tướng để thấy thì nó là cái BỊ BIẾT, chỉ là tướng hư vọng, không phải là Phật tánh. Phật tánh không rơi vào cái thấy năng sở. Nếu nó không tướng, sao kinh Bát Nhã nói “Tướng không của các pháp không sanh v.v…”. Rất nhiều thứ để mình lầm lẫn và nghi hoặc khi chỉ dùng tri thức học hỏi để hiểu những thứ vượt ngoài tri thức. Thành NGỘ và HIỂU tuy đồng chỉ cho sự thông thấu, nhưng thật là cách xa một trời một vực.

Chính vì HIỂU và NGỘ không giống nhau, hay nói thông thoáng một chút, ngộ có nhiều lớp: Có cái ngộ chỉ mới là sự thẩm thấu từ sách vở, hoặc do suy luận mà ra. Có cái ngộ do chính mình bật ra, nhưng vẫn chỉ là một dòng kiến giải, chưa thoát khỏi ngôn từ. Có cái ngộ là thể nhập một cảnh giới. Có cái ngộ là chứng mà không có cảnh giới để chứng… Do ngộ có nhiều lớp nhiều lang như thế, mà trong nhà thiền xuất hiện nhiều chuyện lý thú.


Một lần Tô Đông Pha đến thăm Phật Ấn, viết thư báo trước rằng “Hãy như thiền sư Triệu Châu đón Triệu Vương, không cần ra ngoài”. Ông cho mình có trình độ hiểu thiền thâm cao, nên muốn Phật Ấn dùng lễ thượng thừa đón mình như Triệu Châu từng đón Triệu Vương. Song vừa đến nơi đã thấy Phật Ấn lù lù ở cổng. Ông trách “Đạo hạnh của thầy xem ra không bằng Triệu Châu. Vẫn không thoát được thói thường tình”. Không ngờ Phật Ấn dùng kệ đáp rằng :

Triệu Châu ngày ấy thiếu khiêm nhường

Không ra tận cổng đón Triệu Vương

Đâu giống Kim Sơn vô lượng tướng

Đại thiên thế giới một giường thiền

Chỉ hiểu Phật pháp qua chữ nghĩa sách vở, chưa có sự thực nghiệm, nên xem kinh thì vướng kinh, thấy tướng liền dính tướng, mà không thấu được thực chất của những thứ ấy. Triệu Châu không ra nghinh tiếp Triệu vương vì cho Triệu Vương là bậc thượng cơ. Nhưng không phải cứ bậc thượng cơ là cứ theo cách đó mà nghinh tiếp. Có khi vì tâm tâm tương đắc mới ra tận cổng đón nhau. Nghĩa là, tướng bên ngoài chưa hẳn là thứ quyết định được bản chất sự việc, dù có khi nó như thế. Khóc, thường biểu hiện cho chất buồn. Nhưng có khi vui quá, nước mắt cũng rơi. Thành cái tướng nước mắt đó, không dứt khoát biểu hiện cho chất buồn hay vui. Cũng như không phải cứ ra tận cổng như thế, thì cốt cách đã không bằng người xưa. Mọi thứ đều lệ thuộc vào duyên. Hãy nghe Phật Ấn nói :

Đâu giống Kim Sơn vô lượng tướng

Đại thiên thế giới một giường thiền

Ối trời! Trùm khắp Tam thiên đại thiên thế giới như thế thì tướng gì ra tướng gì vào? Anh chỉ thấy được tướng ra tướng vào mà không thấy được tướng “không ra không vào”, bởi anh chưa thoát khỏi trí phân biệt. Chính vì trí phân biệt đó mà mọi thứ thành phân chia khúc đoạn như hiện nay.

Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật ví chúng sanh như những người bị nhặm mắt thấy có vân tròn quanh bóng đèn. Vân tròn do mắt bệnh mà có. Bệnh lành thì vân tròn cũng không. Tức ngoài mắt bệnh không có vân tròn. Ngoài tâm không có pháp cũng vậy. Thấy mọi thứ hiện diện, có đến, đi, trong, ngoài như hiện nay, chẳng qua do tâm bất giác từ thời vô thủy mà thấy. Không phải pháp vốn như thế. Vì cái nhìn của Tô Đông Pha còn bị hạn cuộc trong trí phân biệt, nên Đông Pha thấy Phật Ấn có đến có đi, nào phải Phật Ấn có đến đi.

Vậy thì … tảng đá là ngoài tâm hay trong tâm? Luận thì cũng ra, nhưng muốn thấu đáo thật sự, cần lìa ngôn luận, phá thẳng vào trí phân biệt mới xong. Muốn phá vào trí phân biệt thì làm thế nào? Chạm duyên xúc cảnh, tâm khởi liền biết, biết rồi liên ngưng, không cho nối tiếp. Một lúc nào đó, phân biệt cũng dừng. Còn, niệm khởi không biết, biết rồi liền theo, thì … Giường thiền xơ xẩy, hụt chân gãy cổ chớ sao!

Theo phatgiao.org.vn

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm