Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Không bệnh giữa ốm đau

Chẳng có gì sung sướng hơn sống ở trên đời mà không ốm đau bệnh tật, vì “Vô bệnh, lợi tối thắng! (Àrogyaparamà làbhà)” Nhưng có ai sinh ra ở đời mà không ốm đau bệnh tật? Có sinh thì phải có già, bệnh, chết, chứ làm sao mà thoát được quy luật tự nhiên ấy?
Mục lục


Kinh Pháp Cú, kệ số 198, xác tín về một lẽ sống khỏe khoắn lành mạnh, không ốm đau bệnh tật, giữa thế giới có nhiều ốm đau bệnh tật:

Vui thay chúng ta sống,
Không bệnh, giữa ốm đau;
Giữa những người bệnh hoạn,
Ta sống, không ốm đau.

Chẳng có gì sung sướng hơn sống ở trên đời mà không ốm đau bệnh tật, vì “Vô bệnh, lợi tối thắng! (Àrogyaparamà làbhà)”[1] Nhưng có ai sinh ra ở đời mà không ốm đau bệnh tật? Có sinh thì phải có già, bệnh, chết, chứ làm sao mà thoát được quy luật tự nhiên ấy? Đạo Phật cho rằng do nghiệp lực mà khi đến với thế giới này, có người nhiều bệnh, có kẻ ít bệnh[2]. Nhưng không ai hoàn toàn vô bệnh một khi hiện hữu trên thế gian này[3]. Quy luật sinh-diệt không cho phép con người ta ấp ủ ảo tưởng về một kiếp sống “trường sinh bất lão”.

Đã không tránh được quy luật già, bệnh, chết thì sao gọi là vui thay sống không bệnh? Có cái gì thật sự không bệnh trong con người, trong tấm thân ngũ uẩn của mỗi chúng sinh? Nói cách khác, có con đường hay lối sống nào giúp cho con người thoát khỏi quy luật già, bệnh, chết?

Kinh Phật kể cho chúng ta câu chuyện:

“Một thời Thế Tôn sống giữa dân chúng Bhayga, tại núi Cá Sấu, rừng Bhesaka, vườn Nai.

Rồi gia chủ Nakulpit đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, gia chủ Nakulpit bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, con đã già, tuổi lớn, trưởng lão, cao niên, đã đạt đến tuổi thọ, thân bệnh hoạn, luôn luôn ốm đau. Bạch Thế Tôn, con không được thường thấy Thế Tôn và các vị Tỳ-kheo đáng kính. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn hãy giáo giới cho con! Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn hãy giảng dạy cho con! Nhờ vậy, con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.

- Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thân của Gia chủ, này Gia chủ, là bệnh hoạn, ốm đau, bị nhiễm ô che đậy. Ai mang cái thân này, này Gia chủ, lại tự cho là không bệnh, dầu chỉ trong một giây phút; người ấy phải là người ngu! Do vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập như sau:

‘Dầu cho thân tôi có bệnh, tâm sẽ không bị bệnh’. Như vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập.

Rồi gia chủ Nakulpit sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, đi đến Tôn giả Sariputta; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Sariputta rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả Sariputta nói với gia chủ Nakulpit đang ngồi một bên:

- Này Gia chủ, tịch tịnh là các căn của Gia chủ; thanh tịnh và trong sáng là sắc diện của Gia chủ. Có phải hôm nay Gia chủ đối diện với Thế Tôn, được nghe pháp thoại?

- Làm sao không thể như vậy được, thưa Tôn giả? Hôm nay, thưa Tôn giả, con được rưới với nước bất tử, nhờ Thế Tôn giảng cho pháp thoại...

- Nhưng này Gia chủ, Gia chủ có hỏi thêm Thế Tôn như sau: ‘Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là thân bị bệnh và tâm cũng bị bệnh? Cho đến như thế nào là thân bị bệnh, nhưng tâm không bị bệnh không?’.

- Thưa Tôn giả, con có thể đi đến thật xa để nghe tận mặt Tôn giả Sariputta ý nghĩa của lời nói này. Lành thay, nếu được Tôn giả Sariputta giải thích ý nghĩa của lời nói này!

- Vậy này Gia chủ, hãy lắng nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ nói.

- Thưa vâng, Tôn giả.

Gia chủ Nakulpit vâng đáp Tôn giả Sariputta. Tôn giả Sariputta nói như sau:

- Thế nào, này Gia chủ, là thân bệnh và tâm bệnh?

Ở đây, này Gia chủ, có kẻ vô văn phàm phu không thân cận các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Vị ấy bị ám ảnh: ‘Sắc là ta, sắc là của ta’. Do bị ám ảnh: ‘Sắc là ta, sắc là của ta!’ nên khi sắc biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!

Vị ấy quán thọ như là tự ngã... Vị ấy quán tưởng như làtựngã...Vị ấy quán các hành như là tự ngã...Vị ấy quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị ấy bị ám ảnh: ‘Thức là ta, thức là của ta’ nên khi thức biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!

Như vậy, này Gia chủ, là thân có bệnh và tâm có bệnh.

Thế nào, này Gia chủ, là thân có bệnh nhưng tâm không có bệnh?

Ở đây, này Gia chủ, vị đa văn Thánh đệ tử thân cận các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, hiểu rõ các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Vị ấy không bị ám ảnh: ‘Sắc là ta, sắc là của ta’. Do vị ấy không bị ám ảnh: ‘Sắc là ta, sắc là của ta’ nên khi sắc biến hoại, đổi khác, không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!

Vị ấy không quán thọ như là tự ngã... Vị ấy không quán tưởng như là tự ngã... Vị ấy không quán các hành như là tự ngã... Vị ấy không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị ấy không bị ám ảnh: ‘Thức là ta, thức là củata’. Do vị ấy không bị ám ảnh: ‘Thức là ta, thức là của ta’ nên khi thức biến hoại, đổi khác, không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.

Như vậy, này Gia chủ, là thân có bệnh, nhưng tâm không có bệnh”[4].

Bài kinh xác tín cho chúng ta về lẽ sống “không bệnh giữa ốm đau”, rằng già, bệnh, chết gắn liền với đời sống của mỗi chúng sinh nhưng con người có thể thoát khỏi quy luật già, bệnh, chết. Đó chính là nhận ra thân ngũ uẩn đang rơi vào bệnh hoạn trong mỗi phút giây, nhưng thân ngũ uẩn ấy không phải của mình, bệnh hoạn ấy cũng không dính dáng gì đến mình. Vì thế mà bậc Giác ngộ mới khuyên nhắc mọi người, dầu cho thân ngũ uẩn có thường xuyên đau ốm, tâm ta sẽ không ốm đau bệnh tật, không sầu, bi, khổ, ưu, não. Không nhận ra sự thật có thân thì có bệnh và không khéo tu tâm, khiến cho nó thoát khỏi tham-sân-si, thoát khỏi thói quen ái luyến và chấp thủ năm uẩn tức là rơi vào thân bệnh và tâm bệnh. Trái lại, nhận thức rõ bệnh tật có sẵn trong thân ngũ uẩn để nỗ lực tu tập, khiến cho tâm thoát khỏi tham-sân-si, thoát khỏi ái luyến và chấp thủ năm uẩn thì gọi là thân có bệnh nhưng tâm không bệnh.
 

 

Nói khác đi, đó chính là biết phát huy tri kiến giác ngộ đi đôi với công phu tu tập tâm giải thoát, không tham-sân-si, không ái luyến, không chấp thủ đối với năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), mười hai xứ (sáu căn và sáu trần), mười tám giới (sáu căn, sáu trần và sáu thức), không nương tựa vào chúng, không xem chúng là của mình.

Tri kiến giác ngộ nghĩa là sự chứng nghiệm rõ ràng rằng có thân thì phải có bệnh, đó là quy luật muôn thuở, không ai tránh khỏi, phải bình thản đối diện, không cần lẩn tránh, không nên lo âu sầu muộn. Sự chứng nghiệm như vậy khiến cho con người trở nên tỉnh táo, kiên nghị, bình thản, an nhiên tự tại trước sự thật già, bệnh, chết đang diễn tiến:

“Này các Tỳ-kheo, với vị Thánh đệ tử có học, phải bị bệnh và bệnh đến, vị ấy suy tư như sau: ‘Không phải chỉ một mình ta phải bị bệnh và bệnh đến. Nhưng đối với các loài hữu tình, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả các loài hữu tình đều phải bị bệnh và bệnh đến. Và nếu phải bị bệnh và bệnh đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích, thân ta trở thành xấu xí, các công việc không có xúc tiến, kẻ thù sẽ hoan hỷ, bạn bè sẽ lo buồn’. Vị ấy phải bị bệnh và bệnh đến, không sầu, không bi, không than khóc, không đập ngực, không đi đến bất tỉnh. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là vị Thánh đệ tử có học, được nhổ lên là mũi tên sầu muộn có tẩm thuốc độc, mà kẻ phàm phu không học bị bắn trúng, tự làm cho mình ưu não. Không sầu muộn, không bị tên bắn, vị Thánh đệ tử làm cho chính mình được hoàn toàn tịch tịnh”[5].

Tâm giải thoát nghĩa là một tâm thức được huấn luyện đúng pháp, thấy rõ tự thân (năm uẩn) và thế giới (mười hai xứ, mười tám giới) là vô thường, biến diệt, khổ đau, không phải của mình, mình không làm chủ được, kiên quyết buông bỏ mọi ý niệm luyến ái và chấp thủ, khiến phiền muộn khổ đau không có cơ hội xâm nhập, chi phối và ngự trị; tâm được an ổn giải thoát trước mọi thực trạng chuyển biến bất an của tự thân và của cuộc đời:

“Này các Tỳ-kheo, vị đa văn Thánh đệ tử quán sắc: ‘Đây không phải của tôi, đây không phải là tôi, đây không phải là tự ngã của tôi’. Sắc ấy của vị này biến hoại, đổi khác. Vị này, khi sắc ấy biến hoại, đổi khác, không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.

Vị này quán thọ: ‘Đây không phải của tôi..’, quán tưởng: ‘Đây không phải của tôi..’, quán các hành: ‘Đây không phải của tôi..’, quán thức: ‘Đây không phải của tôi, đây không phải là tôi, đây không phải tự ngã của tôi’. Thức ấy của vị này biến hoại, đổi khác. Vị này, khi thức ấy biến hoại, đổi khác, không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não”[6].

Như vậy, hệ luận của lẽ sống “không bệnh giữa ốm đau” hay “thân có bệnh nhưng tâm không bệnh” được nói đến trong kinh Phật là hết sức rõ ràng. Đó là nhận rõ quy luật sanh-diệt tất yếu của sự kiện hiện hữu để sống thanh thản an lạc, nỗ lực tích tập các công đức, tinh tấn làm mọi việc tốt lành, không để cho mình rơi vào lo âu sầu muộn bởi sự kiện già, bệnh, chết[7]. Mặt khác, nhận rõ bản chất vô thường, khổ đau, vô ngã của hiện hữu để tinh tấn tu tập, diệt trừ tham-sân-si, từ bỏ tham ái và chấp thủ đối với năm uẩn, đưa đến đoạn tận các phiền não lậu hoặc, chấm dứt khổ đau sinh tử luân hồi[8]. Đây chính là lẽ sống tỉnh táo và sáng suốt, có khả năng ngăn chặn bệnh tật phát sinh ngay trong hiện tại và dứt trừ bệnh tật tái diễn trong tương lai mà kinh điển đạo Phật gọi là “vui thay sống không bệnh” hay “thân có bệnh nhưng tâm không bệnh”.

Đáng chú ý rằng bệnh tật là một hiện tượng phiền toái gắn liền với con người và đời người, được xem là một trong các nỗi khổ nhân thế mà không một ai tránh khỏi, kể cả những bậc giác ngộ[9]. Nó là hệ quả tất yếu của tiến trình hiện hữu, có gốc rễ là tham-sân-si hay tập quán tham ái và chấp thủ năm uẩn, tức các ô nhiễm của tâm có công năng tạo nên quy trình hiện hữu hay chuỗi luân hồi tái sanh. Chính vì thế mà đạo Phật xem tham-sân-si hay tập quán tham ái và chấp thủ là đồng nghĩa với bệnh tật, đồng nghĩa với ung bướu, đồng nghĩa với mũi tên, đồng nghĩa với khổ đau, đồng nghĩa với sợ hãi[10], vì chúng tạo nên tiến trình hiện hữu, tạo nên chuỗi tái sanh, tạo nên già, bệnh, chết trong hiện tại và tạo ra già, bệnh, chết trong tương lai. Nói cách khác, tham-sân-si hay tập quán tham ái và chấp thủ, tức tâm thức ô nhiễm, là gốc của bênh tật khổ đau, một loại tâm bệnh (cetoroga) cần phải được quan tâm và kiên trì chữa trị thì khổ đau bệnh tật mới đi đến chấm dứt. Chữa trị như thế nào?

Phải tỉnh táo và sáng suốt kiên tâm chuyển hóa tham- sân-si, từ bỏ tập quán tham ái và chấp thủ trong đời sống hàng ngày. Phải nhận ra sự nguy hại của các độc tố tham-sân-si, thấy rõ tham là tâm bệnh (cetoroga), là mầm bệnh (roganìla), tạo nên bệnh tật khổ đau trong hiện tại và đưa đến bệnh tật khổ đau trong tương lai, cần phải dứt trừ; sân là tâm bệnh (cetoroga), là mầm bệnh (roganìla), tạo nên bệnh tật khổ đau trong hiện tại và đưa đến bênh tật khổ đau trong tương lai, cần phải dứt trừ; si là tâm bệnh (cetoroga), là mầm bệnh (roganìla), tạo nên bệnh tật khổ đau trong hiện tại và đưa đến bênh tật khổ đau trong tương lai, cần phải dứt trừ. Cứ thường xuyên quán sát và nhắc nhở mình như thế thì tập khí tham-sân-si sẽ dần dần được nhiếp phục, đi đến giảm thiểu và tiêu trừ.

Tương tự, phải nhận ra thân ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), hệ quả của tâm tham ái và chấp thủ sai lầm, không gì khác là một gánh nặng khổ đau[11], một ổ tật bệnh mỏng manh[12], chỗ chất chứa vết thương[13], một nhóm bất tịnh đổ vỡ[14], chịu sự sanh diệt, biến hoại, bệnh tật, khổ đau, không phải của mình, mình không làm chủ được, cần phải sinh tâm nhàm chán, không nên ái luyến, cần phải buông bỏ, không nên nắm giữ.
Năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là bệnh tật khổ đau mà nhận làm của mình, sinh tâm thích thú, hoan hỷ, ái luyến chúng, mong muốn chúng tồn tại mãi mãi tức là mê lầm, tiếp tục mời gọi bệnh tật và khổ đau. Ngược lại, nhận rõ sự thật bệnh hoạn và khổ đau của sắc, thọ, tưởng, hành, thức để sinh tâm nhàm chán, buông bỏ, không chấp thủ chúng, không xem chúng là của mình tức là sáng suốt, tự dứt trừ bệnh tật và khổ đau.

Bậc Giác ngộ xác chứng:

“Này các Tỳ-kheo, ai hoan hỷ sắc, người ấy hoan hỷ khổ. Ai hoan hỷ khổ, Ta nói, người ấy không giải thoát khỏi khổ.

Này các Tỳ-kheo, ai hoan hỷ thọ... Này các Tỳ-kheo, ai hoan hỷ tưởng... Này các Tỳ-kheo, ai hoan hỷ các hành... Này các Tỳ-kheo, ai hoan hỷ thức, người ấy hoan hỷ khổ. Ai hoan hỷ khổ, Ta nói, người ấy không giải thoát

khỏi khổ.
Và này các Tỳ-kheo, ai không hoan hỷ sắc, người ấy

không hoan hỷ khổ. Ai không hoan hỷ khổ, Ta nói, người ấy giải thoát khỏi khổ.

Và này các Tỳ-kheo, ai không hoan hỷ thọ... Và này các Tỳ-kheo, ai không hoan hỷ tưởng... Và này các Tỳ- kheo, ai không hoan hỷ các hành...

Và này các Tỳ-kheo, ai không hoan hỷ thức, người ấy không hoan hỷ khổ. Ai không hoan hỷ khổ, Ta nói, người ấy giải thoát khỏi khổ”[15].

“Ai chấp trước sắc, này Tỳ-kheo, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không chấp trước sắc, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Ai chấp trước thọ... Ai chấp trước tưởng... Ai chấp trước các hành... Ai chấp trước thức, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không chấp trước thức, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma”[16].

Cứ theo lời Phật mà tập nhận diện và nhắc nhở mình về sự mê lầm nguy hại của tâm tham chấp đối với ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) thì dần dần tập quán tham ái và chấp thủ sẽ được hóa giải, đi đến giảm thiểu và tiêu trừ.

Nhìn chung, bệnh tật là một sự kiện gắn liền với sự xuất hiện của con người trên cuộc đời, một hạt nhân có sẵn trong thân năm uẩn của mỗi người, do tham-sân- si hay tập quán tham ái và chấp thủ tạo nên. Cái gì có hiện hữu thì phải có già, bệnh, chết, phải chịu sự hủy hoại và đi đến kết thúc. Đó là quy luật hết sức tự nhiên của quy trình hiện hữu.

Đức Phật đã thấu triệt nguyên lý sanh-diệt giữa cuộc đời và cũng đã chứng ngộ nguyên lý không sanh- diệt trong cuộc đời. Đó chính là sự thật Duyên khởi (Paticcasamuppàda), theo đó hết thảy mọi hiện hữu được biết là do duyên sanh và do duyên diệt. Sự ốm đau bệnh tật là một hiện tượng gắn liền với sự hiện hữu của con người và do nhân duyên sanh. Nhân ấy là tham-sân-si hay tập quán tham ái và chấp thủ đối với năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Chính tham-sân-si hay tập quán tham ái và chấp thủ là tác nhân tạo ra thân ngũ uẩn với bệnh tật tiềm ẩn sẵn ở trong đó. Vì vậy, để ngăn tránh và dứt trừ bệnh tật thì cần phải tập trung dứt trừ nguyên nhân sâu xa của bệnh tật, tức là tham-sân-si hay tập quán tham ái và chấp thủ đối với năm uẩn; vì bệnh tật chỉ thật sự hoàn toàn tiêu trừ bao lâu thân ngũ uẩn không hiện hữu.

Nói khác đi, còn mê lầm để cho mình rơi vào tham ái và chấp trước sắc, thọ, tưởng, hành, thức, xem chúng là của mình, thì còn tiếp tục mang vác thân ngũ uẩn đầy ốm đau bệnh tật. Có hiểu biết sáng suốt, không để cho mình rơi vào tham ái và chấp trước sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không xem chúng là của mình, thì thân ngũ uẩn không hiện hữu theo đó bệnh tật ốm đau không xảy ra. Đó là lý do bậc Giác ngộ tuyên bố “không bệnh giữa ốm đau” và khuyên dạy các học trò mình tập “giữ tâm không bệnh, dầu cho thân có bệnh”, với những lời khuyên thật nhẹ nhàng:

Vui thay chúng ta sống,
Không rộn (tham) giữa rộn ràng (tham dục);
Giữa những người bận rộn,
Ta sống không rộn ràng
[17].
Vui thay chúng ta sống,
Không hận giữa hận thù;
Giữa những người thù hận,
Ta sống không hận thù
[18].
Vui thay chúng ta sống,
Không gì gọi của ta;
Ta sẽ hưởng hỷ lạc,
Như chư Thiên Quang Âm
[19].

Không tham, không sân, không si (không gì gọi của ta, không chấp trước sắc, thọ, tưởng, hành, thức là tôi, là của tôi) thì không rơi vào ốm đau bệnh tật, không sầu, bi, khổ, ưu, não ngay trong hiện tại và không còn ốm đau bệnh tật, không còn sầu, bi, khổ, ưu não xảy ra trong tương lai. Đây là nghĩa lý của lối sống “không bệnh giữa ốm đau” hay “thân bệnh nhưng tâm không bệnh” mà bậc Giác ngộ đã thể hiện trong cuộc đời, và Ngài khuyên chúng ta hãy tín thọ và cất lên thành khúc hát giữa cuộc đời:

Vui thay chúng ta sống,
Không bệnh, giữa ốm đau;
Giữa những người bệnh hoạn,
Ta sống, không ốm đau.

 

 


Chú thích:

1. Kinh Màgandiya, Trung Bộ.
2. Kinh Tiểu nghiệp phân biệt, Trung Bộ.
3. Kinh An toàn, Kinh Sự kiện không thể có được, Tăng Chi Bộ.
4. Kinh Nakulapita, Tương Ưng Bộ.
5. Kinh Sự kiện không thể có được, Tăng Chi Bộ.
6. Kinh Chấp thủ và ưu não, Tương Ưng Bộ.
7. Kinh Ví dụ hòn núi, Tương Ưng Bộ.
8. Kinh Sợ hãi trong tương lai (1)-(2), Tăng Chi Bộ.
9. Kinh Vua, Tương Ưng Bộ.
10. Kinh Sợ hãi, Tăng Chi Bộ.
11. Kinh Gánh nặng, Tương Ưng Bộ.
12. Kinh Pháp Cú, kệ số 148.
13. Kinh Pháp Cú,, kệ số 147.
14. Kinh Pháp Cú, kệ số 148.
15. Kinh Hoan hỷ, Tương Ưng Bộ.
16. Kinh Chấp trước, Tương Ưng Bộ.
17. Kinh Pháp Cú, kệ số 199.
18. Kinh Pháp Cú, kệ số 197.
19. Kinh Pháp Cú, kệ số 200.


Theo Văn hoá Phật giáo số 207 ngày 01-04-2017

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm