Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Chánh kiến đi hàng đầu

Giáo pháp giải thoát hay con đường đi ra khỏi khổ đau sinh tử luân hồi do Đức Phật thuyết giảng khởi sự bằng việc nhận thức đúng đắn hay phát huy Chánh kiến (Sammà-ditthi) về sự thật khổ đau nhân sinh, về nguyên nhân tạo ra khổ đau, về nguyên lý chấm dứt khổ đau và về con đường đưa đến chấm dứt khổ đau.
Mục lục

Giáo pháp giải thoát hay con đường đi ra khỏi khổ đau sinh tử luân hồi do Đức Phật thuyết giảng khởi sự bằng việc nhận thức đúng đắn hay phát huy Chánh kiến (Sammà-ditthi) về sự thật khổ đau nhân sinh, về nguyên nhân tạo ra khổ đau, về nguyên lý chấm dứt khổ đau và về con đường đưa đến chấm dứt khổ đau.Theo lời Phật thì có nhận thức đúng đắn (Chánh kiến) mới có suy tư đúng đắn (Chánh tư duy), mới có nói năng đúng đắn (Chánh ngữ), mới có hành động đúng đắn (Chánh nghiệp), mới có sinh sống đúng đắn (Chánh mạng), mới có nỗ lực đúng đắn (Chánh tinh tấn), mới có nhớ nghĩ đúng đắn (Chánh niệm), mới có định tâm đúng đắn (Chánh định), mới có trí tuệ đúng đắn (Chánh trí) đưa đến giải thoát khổ đau (Chánh giải thoát)[1]. Nói cách khác, Chánh kiến là dấu hiệu khởi đầu của Bát Thánh đạo, khởi đầu một nếp sống chân chánh sáng suốt, quyết chắc hướng đến giải thoát khổ đau, chấm dứt sinh tử luân hồi.
Bậc Giác ngộ tuyên bố:
“Này các Tỷ-kheo, như cái đi trước và điềm tướng báo trước mặt trời mọc, tức là rạng đông; cũng vậy, này các Tỷ- kheo, cái đi trước và điềm tướng báo trước Thánh đạo Tám ngành sanh khởi, chính là đầy đủ chánh kiến.
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ chánh kiến, thời chờ đợi rằng Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, Thánh đạo Tám ngành sẽ được sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ chánh kiến, tu tập Thánh đạo Tám ngành, và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; tu tập chánh tư duy, liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; tu tập chánh ngữ liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; tu tập chánh nghiệp liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; tu tập chánh mạng liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; tu tập chánh tinh tấn liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; tu tập chánh niệm liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ chánh kiến, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành”[2].

Về tầm quan trọng của Chánh kiến đối với sự giác ngộ bốn Thánh đế, đưa đến chấm dứt khổ đau luân hồi, Thế Tôn xác nhận:
“Này các Tỷ-kheo, đây là điềm đi trước, đây là tướng báo trước mặt trời sắp mọc, tức là rạng đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đây là điềm đi trước, đây là tướng báo trước sự giác ngộ như thật bốn Thánh đế, tức là chánh tri kiến.
Với Tỷ-kheo có chánh tri kiến này, này các Tỷ-kheo, chờ đợi là vị ấy sẽ rõ biết: “Đây là Khổ”; vị ấy sẽ rõ biết: “Đây là Khổ tập khởi”; vị ấy sẽ rõ biết: “Đây là Khổ đoạn diệt”; vị ấy sẽ rõ biết: “Đây là Con đường đưa đến khổ đoạn diệt”. Do vậy, này các Tỷ-kheo, một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Đây là Khổ”, một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Đây là Khổ tập khởi”, một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Đây là Khổ đoạn diệt”, một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Đây là Con đường đưa đến khổ đoạn diệt”[3].

Do Chánh kiến đóng vai trò chủ đạo trong lộ trình thực thi Bát Thánh đạo đưa đến liễu ngộ bốn Thánh đế, chấm dứt khổ đau sinh tử luân hồi, thế nên đạo Phật đặc biệt nhấn mạnh đến Chánh kiến, đề cao năng lực trí tuệ trong sự nghiệp tu tập hướng đến giải thoát của người Phật tử. Rõ ràng, phải có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về sự thật khổ đau (sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não) của sự kiện hiện hữu thì mới có quyết tâm tìm kiếm và thực hành con đường ra khỏi khổ đau trầm luân. Không thấy được bản chất khổ đau của sự hiện hữu thì không bao giờ biết cách nỗ lực thoát ly khổ đau. Với kinh nghiệm của mình, Đức Phật lưu nhắc cho chúng ta thế nào là tầm quan trọng của Chánh kiến qua sự phân biệt về hai lối sống khác nhau: thứ nhất là lối sống không có Chánh kiến, không hiểu được bản chất khổ đau của sự kiện sanh, già, bệnh, chết, rơi vào thích thú tìm cầu cái bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, tiếp tục mời gọi khổ đau tái sanh, gọi là phi Thánh cầu (anariyapariyesanà); thứ hai là lối sống có Chánh kiến, thấy rõ sự nguy hại khổ đau của sự kiện sanh, già, bệnh, chết, quyết tâm tìm cầu cái không sanh, không già, không bệnh, không chết, nỗ lực đi ra khỏi khổ đau luân hồi, gọi là Thánh cầu (Ariyapariyesanà). Bậc Giác ngộ nêu rõ:
“Này các Tỷ-kheo, có hai sự tầm cầu này: Thánh cầu và phi Thánh cầu.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là phi Thánh cầu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh, tự mình bị chết lại tìm cầu cái bị chết, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu, tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm.
Này các Tỷ-kheo, cái gì theo các người gọi là bị sanh? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị sanh; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị sanh; dê và cừu là bị sanh; gà và heo là bị sanh; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị sanh; vàng và bạc là bị sanh. Này các Tỷ- kheo, những chấp thủ ấy bị sanh, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị sanh lại tầm cầu cái bị sanh. Và này các Tỷ-kheo, cái gì theo các người gọi là bị già? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị già; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị già; dê và cừu là bị già; gà và heo là bị già; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị già; vàng và bạc là bị già. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy là bị già, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già. Và này các Tỷ-kheo, cái gì theo các người gọi là bị bệnh? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị bệnh; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bi bệnh; dê và cừu là bị bệnh; gà và heo là bị bệnh; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị bệnh. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy là bị bệnh, và người ấy lại nắm giữ tham đắm, mê say chúng, tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh. Và này các Tỷ-kheo, cái gì các người nói là bị chết? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị chết; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị chết; dê và cừu là bị chết; gà và heo là bị chết; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị chết. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy là bị chết, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị chết lại tìm cầu cái bị chết. Và này các Tỷ-kheo, cái gì theo các người gọi là bị sầu? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị sầu; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị sầu; dê và cừu là bị sầu, gà và heo là bị sầu; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị sầu. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy là bị sầu, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu. Và này các Tỷ-kheo, cái gì theo các người gọi là bị ô nhiễm? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị ô nhiễm; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị ô nhiễm; dê và cừu là bị ô nhiễm; gà và heo là bị ô nhiễm; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị ô nhiễm; vàng và bạc là bị ô nhiễm. Và này các Tỷ- kheo, những chấp thủ ấy là bị ô nhiễm, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là phi Thánh cầu.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh cầu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị bệnh, tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị chết, tìm cầu cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn: tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sầu, tìm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, như vậy, gọi là Thánh cầu.
Này các Tỷ-kheo, Ta cũng vậy, trước khi Giác ngộ, khi chưa chứng Chánh đẳng giác, khi còn là Bồ-tát, tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già, lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh... tự mình bị chết... tự mình bị sầu... tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Tại sao Ta, tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già... tự mình bi ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm? Vậy Ta, tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, hãy tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết- bàn; tự mình bị già... tự mình bi ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị nhiễm, hãy tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn...
Rồi này các Tỷ-kheo, Ta tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sanh, tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; và đã chứng được cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị bệnh, tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị chết, tìm cầu cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sầu, tìm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái vô sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị ô nhiễm, tìm cầu cái không bị ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Và trí và kiến khơi lên nơi Ta. Sự giải thoát của Ta không bị dao động. Nay là đời sống cuối cùng của Ta, không còn sự tái sanh nữa”[4].

Như vậy, Chánh kiến đi hàng đầu vì nó đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nhận chân sự thật khổ đau và quyết tâm buông bỏ khổ đau. Đó là cái thấy biết của kẻ thức tỉnh, bắt đầu hoài nghi về những bước đi háo hức nhưng vô vọng của đời mình, như những bước chân của con bò tuần tự tiến gần lò mổ[5], đi kèm với những ưu tư thắc mắc về vận mệnh luẩn quẩn trớ trêu của hiện hữu để đi đến một quyết định thay đổi đáng kể. Kinh Tương ưng bộ ghi nhận, lúc còn là vị hoàng tử sống trong cung điện, Chánh kiến từng khởi lên nhiều lần trong đời sống Đức Phật, thể hiện qua các ưu tư trăn trở của Ngài: “Thật sự thế giới này bị hãm trong khổ não, bị sanh, bị già, bị chết, bị đoạn diệt và bị tái sanh; và từ nơi đau khổ này, không biết sự xuất ly, thoát khỏi già chết; từ nơi đau khổ này, không biết khi nào được biết đến sự xuất ly già chết”[6]. “Cười gì, hân hoan gì khi đời mãi bị thiêu, bị tối tăm bao trùm; sao không tìm ngọn đèn soi lối thoát”[7]. Chính lối nhận thức này là động lực lớn mạnh nhất khiến Đức Phật đi đến quyết định rời bỏ hoàng cung, xuất gia học đạo với nỗi khao khát “tìm cầu vô thượng tịch tịnh tối thắng đạo lộ”[8]. Hẳn nhiên, với ý chí sáng suốt và mạnh mẽ như vậy. Đức Phật đã tìm thấy con đường giải thoát khổ đau, không chỉ cho bản thân Ngài mà cho hết thảy chúng sinh.
Đáng chú ý rằng Chánh kiến được nói đến trong đạo Phật bao gồm nhiều dẫn giải về các cấp độ nhận thức khác nhau[9], từ nhận thức hữu lậu đến nhận thức vô lậu[10], tùy thuộc vào căn duyên thực nghiệm chuyển hóa tâm thức của mỗi người. Nhìn chung, Chánh kiến được quan tâm nhấn mạnh trong đạo Phật chính là sự nhận diện sâu sắc và xuyên suốt về bản chất khổ đau của sự kiện tái sinh hay hiện hữu, có công năng thôi thúc con người nỗ lực tìm kiếm và thực hành con đường đi ra khỏi khổ đau trầm luân. Đó chính là động lực đã thôi thúc vị hoàng tử Siddhattha của kinh thành Kapilavatthu xuất gia tìm đạo và chứng đạo, là lý do khiến cho nhiều người khác quyết tâm đi theo con đường của hoàng tử Siddhattha, trở thành Tỷ-kheo (Bhikkhu) do kinh hãi tái sinh, thấy sự khủng khiếp (bhayam ikkhati) trong vòng sinh tử luân hồi[11]. Nói cách khác, đó là nhận ra sự có mặt của thân ngũ uẩn (pancakkhandhà) trên cuộc đời này không gì khác là đeo mang một gánh nặng khổ đau (dukkhabhàra), là chỗ tích tập và hiện hành của mọi phiền toái khổ đau của đời người, cần phải nhanh chóng đặt xuống, buông bỏ, không tiếp tục đeo mang nữa[12]. Đây hẳn là lý do vì sao Chánh kiến được xem là đi hàng đầu trong các thiện pháp hay dẫn đầu trong lộ trình tu tập thoát ly sinh tử luân hồi.

Nhìn chung, Chánh kiến được xem là đi hàng đầu trong giáo pháp giải thoát của Phật vì Chánh kiến đóng vai trò quan trọng trong việc nhận chân sự thật khổ đau và có công năng thôi thúc con người thực hành con đường đi ra khỏi khổ đau. Đó là sự sanh khởi và vận hành của Bát Thánh đạo, có công năng diệt trừ các tà đạo, đưa đến Chánh trí và Chánh giải thoát, tức đưa đến đoạn trừ các lậu hoặc, chứng đắc quả vị A-la-hán, chấm dứt khổ đau sinh tử luân hồi. Bậc Giác ngộ xác nhận:
“Ở đây, này các Tỷ-kheo chánh kiến đi hàng đầu. Và thế nào, này Tỷ-kheo, chánh kiến đi hàng đầu? Chánh tư duy, này các Tỷ-kheo, do chánh kiến, được khởi lên. Chánh ngữ do chánh tư duy được khởi lên. Chánh nghiệp do chánh ngữ được khởi lên. Chánh mạng do chánh nghiệp được khởi lên. Chánh tinh tấn do chánh mạng được khởi lên. Chánh niệm do chánh tinh tấn được khởi lên. Chánh định do chánh niệm được khởi lên. Chánh trí do chánh định được khởi lên. Chánh giải thoát do chánh trí được khởi lên. Như vậy, này các Tỷ- kheo, đạo lộ của vị hữu học gồm có tám chi phần và đạo lộ của vị A-la-hán, gồm có mười chi phần.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, chánh kiến đi hàng đầu. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, chánh kiến đi hàng đầu? Tà kiến này các Tỷ-kheo, do chánh kiến làm cho tiêu diệt. Và những ác bất thiện pháp được tà kiến duyên khởi, các pháp ấy bị tiêu diệt trong vị có chánh kiến. Và những thiện pháp được chánh kiến duyên khởi, các pháp ấy được tu tập và trở thành viên mãn. Tà tư duy, này các Tỷ-kheo, do chánh tư duy làm cho tiêu diệt và những ác bất thiện pháp, được tà tư duy duyên khởi, các pháp ấy bị tiêu diệt trong người có chánh tư duy. Và những thiện pháp được chánh tư duy duyên khởi, các pháp ấy được phát triển trở thành viên mãn. Tà ngữ, này các Tỷ-kheo, do chánh ngữ làm cho tiêu diệt và những ác bất thiện pháp được tà ngữ duyên khởi, các pháp ấy bị tiêu diệt trong người có chánh ngữ. Và những thiện pháp được chánh ngữ duyên khởi, các pháp ấy được tu tập và trở thành viên mãn. Tà nghiệp, này các Tỷ-kheo, do chánh nghiệp làm cho tiêu diệt, và những ác bất thiện pháp được tà nghiệp duyên khởi, các pháp ấy bị tiêu diệt trong người có chánh nghiệp. Và những thiện pháp được chánh nghiệp duyên khởi, các pháp ấy được tu tập và trở thành viên mãn. Tà mạng, này các Tỷ-kheo, do chánh mạng làm cho tiêu diệt. Và những ác bất thiện pháp được tà mạng duyên khởi, các pháp ấy được tiêu diệt trong người có chánh mạng. Và những thiện pháp được chánh mạng duyên khởi, các pháp ấy được tu tập và trở thành viên mãn. Tà tinh tấn, này các Tỷ-kheo, do chánh tinh tấn làm cho tiêu diệt. Và những ác bất thiện pháp được tà tinh tấn duyên khởi, các pháp ấy được tiêu diệt trong người có chánh tinh tấn. Và những thiện pháp sai biệt được khởi lên do duyên chánh tinh tấn, các pháp ấy được tu tập và trở thành viên mãn. Tà niệm, này các Tỷ-kheo, do chánh niệm làm cho tiêu diệt. Và những ác bất thiện pháp được tà niệm duyên khởi, các pháp ấy được tiêu diệt trong người có chánh niệm. Và những thiện pháp được chánh niệm duyên khởi, các pháp ấy được tu tập và trở thành viên mãn. Tà định, này các Tỷ-kheo do chánh định làm cho tiêu diệt. Và những ác bất thiện pháp được tà định duyên khởi, các pháp ấy được tiêu diệt trong người có chánh định. Và những thiện pháp  được chánh định duyên khởi, các pháp ấy được tu tập và trở thành viên mãn. Tà trí, này các Tỷ-kheo, do chánh trí làm cho tiêu diệt. Và những ác bất thiện pháp được tà trí duyên khởi, các pháp ấy được tiêu diệt trong người có chánh trí. Và những thiện pháp được chánh trí duyên khởi, các pháp ấy được phát triển và trở thành viên mãn. Tà giải thoát, này các Tỷ-kheo, do chánh giải thoát làm cho tiêu diệt. Và những ác bất thiện pháp được tà giải thoát duyên khởi, các pháp ấy được tiêu diệt trong người có chánh giải thoát. Và các thiện pháp sai biệt được chánh giải thoát duyên khởi, các pháp ấy được phát triển và trở thành viên mãn”[13].

Sau cùng, Chánh kiến đóng vai trò quan trọng trong lộ trình thực thi Bát Thánh đạo hướng đến chấm dứt khổ đau luân hồi, nhưng do đâu hay làm thế mà có Chánh kiến? Tôn giả Sàriputta nói cho chúng ta biết có hai điều kiện khiến Chánh kiến sanh khởi: Tiếng của người khác và như lý tác ý (parato ca ghoso yoniso ca manasikàro)[14]. Điều này ngụ ý rằng để có được Chánh kiến hay nhận thức đúng đắn về khổ đau và để quyết tâm đi ra khỏi khổ đau luân hồi thì con người cần tiếp xúc học hỏi và thực hành giáo pháp giải thoát của Đức Phật. Tiếng của người khác (parato ghoso) ngụ ý việc chú tâm học hỏi và lắng nghe người khác nói về sự thật khổ đau, về nguyên nhân khổ đau, về sự diệt khổ và về con đường đưa đến sự diệt khổ. Như lý tác ý (yoniso manasikàro) nghĩa là sau khi nghe giáo pháp nói về khổ và diệt khổ cần phải tự thân chuyên tâm suy tư và thực hành con đường giải thoát khổ đau, làm cho sự khổ được thấy rõ, nguyên nhân của khổ được nhiếp phục, sự diệt khổ được chứng nghiệm và con đường đưa đến sự diệt khổ được tu tập. Có như vậy thì Chánh kiến mới được sanh khởi và tăng trưởng, mới mở lối cho các chi phần khác thuộc Bát Thánh đạo sanh khởi và tăng trưởng, đưa đến cả hệ thống Bát Thánh đạo cùng sanh khởi và vận hành, tương tác và hỗ trợ lẫn nhau cùng đi đến tăng thượng, gọi là Giới tăng thượng (Adhisìla), Tâm tăng thượng (Adhicitta), Tuệ tăng thượng (Adhipannà). Đây chính là hướng đi của Chánh kiến trong Bát Thánh đạo, một hướng đi của sự phát triển trọn vẹn các chi phần Bát Thánh đạo đưa đến Chánh trí (Sammà-nàna) và Chánh giải thoát (Sammà- vimokkha), tức Chánh kiến được tu tập và phát triển đầy đủ trong hệ thống Bát Thánh đạo trở thành Chánh trí, có năng lực đoạn tận các lậu hoặc, chấm dứt khổ đau sinh tử luân hồi, gọi là thành tựu Chánh giải thoát.
Nói cách khác, Chánh kiến (Sammà-ditthi) được tu tập và phát triển nhờ vào các chi phần khác của Bát Thánh đạo hỗ trợ, trở thành trí tuệ (pannà) với đầy đủ ba nghĩa[15]: thắng tri (abhijànàti: nhận diện đúng đắn về khổ đau), liễu tri (parijànàti: hiểu biết rốt ráo về khổ đau), đoạn tận (pahàna: dứt bỏ hoàn toàn khổ đau).

Chú thích:

1. Đại kinh Bốn mươi, Trung bộ.
2. Kinh Kiến, Tương ưng bộ.
3. Kinh Ví dụ mặt trời, Tương ưng bộ.
4. Kinh Thánh cầu, Trung bộ.
5. Kinh Araka, Tăng chi bộ.
6. Kinh Mahà Sakyamuni Gotama, Tương ưng bộ.
7. Kinh Pháp cú, kệ số 146.
8. Kinh Thánh cầu, Trung bộ.
9. Kinh Chánh tri kiến, Trung bộ.
10. Đại kinh bốn mươi, Trung bộ.
11. Thanh tịnh đạo, Thích Nữ Trí Hải dịch, tr.18, Nxb
Hồng Đức, 2014.
12. Kinh Gánh nặng, Tương ưng bộ.
13. Đại kinh Bốn mươi, Trung bộ.
14. Đại kinh Phương quảng, Trung bộ.
15. Đại kinh Phương quảng, Trung bộ.


Theo Văn hoá Phật giáo số 299 ngày 15-06-2018

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm