Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Thánh tẩy trần

Tẩy trần (dhovana) có nghĩa là gột rửa cấu bẩn, rửa sạch bụi bặm, tẩy trừ ô uế, khiến cho vật gì đó trở nên sạch sẽ, trong sáng, thanh tịnh, không còn cấu bẩn, không còn cấu uế đeo bám.
Mục lục

Tẩy trần (dhovana) có nghĩa là gột rửa cấu bẩn, rửa sạch bụi bặm, tẩy trừ ô uế, khiến cho vật gì đó trở nên sạch sẽ, trong sáng, thanh tịnh, không còn cấu bẩn, không còn cấu uế đeo bám. Khái niệm này đôi khi được sử dụng để chỉ cho một tập tục tín ngưỡng hay một nghi thức tôn giáo, dùng nước hay vật gì đó tượng trưng đi kèm với một vài hình thức lễ nghi để xua đuổi tà khí, làm trong sạch một đối tượng nào đó mà người ta nghi là bị ô uế hay bị tai họa rình rập. Tuy nhiên, thuật ngữ Thánh tẩy trần (Ariya-dhovana) được nói đến trong kinh tạng Pàli không mang ý nghĩa một tập tục tín ngưỡng hay một nghi thức tôn giáo như vậy.

Đức Phật không tạo ra một giáo lý mặc khải hay cổ vũ một đức tin dựa vào thần thánh. Đạo của Ngài không có phép rửa tội, không dùng khổ hạnh nhằm đốt cháy ác nghiệp[1] hay tập tục xuống sông tắm để rửa sạch lỗi lầm[2]. Ngài không chấp nhận các hình thái tín ngưỡng hay phương pháp tu tập hoàn toàn dựa vào đức tin truyền tụng[3]. Đức Phật dùng khái niệm Thánh tẩy trần (Ariya-dhovana) để nhấn mạnh về Bát Thánh đạo (Ariya- atthangikamagga) do Ngài chứng ngộ và tuyên thuyết, tức một lối sống cao cả nhắm đến sự đào luyện và phát triển đạo đức, tâm thức và trí tuệ của con người, có khả năng tẩy sạch các cấu uế tham-sân-si, dứt sạch các ác nghiệp, khiến cho con người đạt đến hoàn thiện, đạt đến thanh tịnh, đạt đến giải thoát, không dính dáng gì đến các tập tục tín ngưỡng hay lễ nghi tôn giáo.

Bậc Giác ngộ quả quyết:

Tự mình, điều ác làm.
Tự mình làm nhiễm ô;
Tự mình, ác không làm,
Tự mình làm thanh tịnh.
Tịnh, không tịnh, tự mình,
Không ai thanh tịnh ai
[4]

Thế nào là Thánh tẩy trần, Bậc Chánh đẳng giác đưa ra lời giải thích:

“Này các Tỷ-kheo, tại các quốc độ miền Nam, có lễ tẩy trần. Tại đấy có các món ăn, có các thức uống, các đồ ăn loại cứng, các đồ ăn loại mềm, đồ nếm, đồ uống, múa, hát, nhạc. Này các Tỷ-kheo, đây là lễ tẩy trần, Ta tuyên bố rằng không phải là không có. Và này các Tỷ-kheo, lễ tẩy trần ấy là hạ liệt, thô tục, phàm phu, không đưa đến nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Và có Thánh tẩy trần này; do duyên Thánh tẩy trần này, các chúng sanh bị sanh được giải thoát khỏi sanh; các chúng sanh bị già được giải thoát khỏi già; cách chúng sanh bị chết được giải thoát khỏi chết; các chúng sanh bị sầu, bi, khổ, ưu, não được giải thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: Và này, các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh tẩy trần, do

Thánh tẩy trần này đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Do duyên Thánh tẩy trần này, các chúng sanh bị sanh được giải thoát khỏi sanh; các chúng sanh bị già được giải thoát khỏi già; các chúng sanh bị chết được giải thoát khỏi chết; các chúng sanh bị sầu, bi, khổ, ưu, não được giải thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não.

Với người có chánh kiến, này các Tỷ-kheo, tà kiến bị tẩy sạch, và những pháp ác bất thiện nào do duyên tà kiến khởi lên, các pháp ấy của người ấy được tẩy sạch. Và các pháp thiện do duyên chánh kiến khởi lên, các pháp ấy đi đến viên mãn trong tu tập.

Với người chánh tư duy, này các Tỷ-kheo, tà tư duy bị tẩy sạch, và những pháp ác bất thiện nào do duyên tà tư duy khởi lên, các pháp ấy của người ấy được tẩy sạch. Và các pháp thiện do duyên chánh tư duy khởi lên, các pháp ấy đi đến viên mãn trong tu tập.

Với người chánh ngữ, này các Tỷ-kheo, tà ngữ bị tẩy sạch, và những pháp ác bất thiện nào do duyên tà ngữ khởi lên, các pháp ấy của người ấy được tẩy sạch. Và các pháp thiện do duyên chánh ngữ khởi lên, các pháp ấy đi đến viên mãn trong tu tập.

Với người chánh nghiệp, này các Tỷ-kheo, tà nghiệp được tẩy sạch, và những pháp ác bất thiện nào do duyên tà nghiệp khởi lên, các pháp ấy của người ấy được tẩy sạch. Và các pháp thiện do duyên chánh tư duy khởi lên, các pháp ấy đi đến viên mãn trong tu tập.

Với người chánh mạng, này các Tỷ-kheo, tà mạng được tẩy sạch, và những pháp ác bất thiện nào do duyên tà mạng khởi lên, các pháp ấy của người ấy được tẩy sạch. Và các pháp thiện do duyên chánh mạng khởi lên, các pháp ấy đi đến viên mãn trong tu tập.

Với người chánh tinh tấn, này các Tỷ-kheo, tà tinh tấn được tẩy sạch, và những pháp ác bất thiện nào do duyên tà tinh tấn khởi lên, các pháp ấy của người ấy được tẩy sạch. Và các pháp thiện do duyên chánh tinh tấn khởi lên, các pháp ấy đi đến viên mãn trong tu tập.

Với người chánh niệm, này các Tỷ-kheo, tà niệm được tẩy sạch, và những pháp ác bất thiện nào do duyên tà niệm khởi lên, các pháp ấy của người ấy được tẩy sạch. Và các pháp thiện do duyên chánh niệm khởi lên, các pháp ấy đi đến viên mãn trong tu tập.

Với người chánh định, này các Tỷ-kheo, tà định được tẩy sạch, và những pháp ác bất thiện nào do duyên tà định khởi lên, các pháp ấy của người ấy được tẩy sạch. Và các pháp thiện do duyên chánh định khởi lên, các pháp ấy đi đến viên mãn trong tu tập.

Với người chánh trí, này các Tỷ-kheo, tà trí được tẩy sạch, và những pháp ác bất thiện nào do duyên tà trí khởi lên, các pháp ấy của người ấy được tẩy sạch. Và các pháp thiện do duyên chánh trí khởi lên, các pháp ấy đi đến viên mãn trong tu tập.

Với người chánh giải thoát, này các Tỷ-kheo, tà giải thoát được tẩy sạch, và những pháp ác bất thiện do duyên tà giải thoát khởi lên, các pháp ấy của người ấy được tẩy sạch. Và các pháp thiện do duyên chánh giải thoát khởi lên, các pháp ấy đi đến viên mãn trong tu tập.

Này các Tỷ-kheo, đây là Thánh tẩy trần, đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do duyên tẩy trần này nên các chúng sanh bị sanh được giải thoát khỏi sanh; những chúng sanh bị già được giải thoát khỏi già; những chúng sanh bị chết được giải thoát khỏi chết; những chúng sanh bị sầu, bi, khổ, ưu, não được giải thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não”[5].

Như vậy, Thánh tẩy trần được nói đến trong Kinh tạng Pàli chính là nếp sống thực hành Bát Thánh đạo đưa đến Chánh trí và Chánh giải thoát, một nếp sống quay về tự nội, nỗ lực phát huy các phẩm chất thánh thiện ở bên trong con người, có công năng tẩy sạch mọi mê lầm xấu ác, khiến cho con người thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, dứt sạch mọi khổ đau sinh tử luân hồi, gọi là “đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”.

Đó là sự sinh khởi và hoạt động của Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định, đưa đến Chánh trí và Chánh giải thoát, có công năng tẩy trừ tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, tà trí, tà giải thoát.

Chánh kiến (Sammà-ditthi) tức là hiểu biết chân chánh hay nhận thức sáng suốt, có công năng tẩy sạch tà kiến (micchà-ditthi) hay nhận thức mê lầm khiến con người rơi vào lối sống sai trái xấu ác dẫn đến phiền não khổ đau. Chánh kiến khởi lên trong con người, giống như ánh sáng rọi vào bóng tối, có công năng xua tan mọi mê lầm của con người, giúp cho con người phân biệt rõ đâu là chánh tà, thiện ác, thấy rõ việc gì nên làm và việc gì không nên làm[6].

Chánh tư duy (Sammà-sankkapa) nghĩa là suy nghĩ chân chánh hay tư duy sáng suốt, tức những suy nghĩ trong sáng hiền thiện, không bị tham-sân-si chi phối, vận hành theo hướng thoát ly tham-sân-si, có công năng tẩy trừ tà tư duy (micchà-sankkapa) hay các tư duy mê lầm xấu ác, như dục tư duy, sân tư duy, hại tư duy, tức những suy nghĩ hay tư tưởng bị tham-sân-si chi phối, vận hành theo hướng làm tăng trưởng tham- sân-si, đưa đến hại mình, hại người, hại cả hai.

Chánh ngữ (Sammà-vàcà) tức là lời nói chân chánh, chỉ cho những lời nói mang tính chân thật, những lời nói đưa đến hòa hợp, những lời nói nhẹ nhàng từ ái, những lời nói có ý nghĩa lợi lạc, có công năng dứt sạch tà ngữ (micchà-vàcà), tức những lời nói giả dối, không thực, những lời nói đưa đến mâu thuẫn, chia rẽ, những lời nói thô tục, khó nghe, những lời nói phù phiếm, vô ích.

Chánh nghiệp (Sammà-kammanta) tức là hành động chân chánh, ngụ ý những hành động xuất phát từ thái độ hiểu biết và từ tâm, tôn trọng sự sống và hạnh phúc của mọi chúng sinh khác, như không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, có công năng dứt trừ tà nghiệp (micchà- kammanta), tức các hành động thiếu hiểu biết, thiếu từ tâm, như sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, khiến đem lại bất hạnh khổ đau cho mình và cho người khác.

Chánh mạng (Sammà-àjìva) có nghĩa là nuôi sống chân chánh, ngụ ý nếp sống thiểu dục tri túc, thực hiện một phương tiện mưu sinh đúng pháp, phù hợp pháp luật, không làm giàu bất chính, có công năng loại trừ tà mạng (micchà-àjìva), tức lối làm ăn phi pháp, theo đuổi các nghề nghiệp không chính đáng, không lành mạnh, như buôn người, buôn vũ khí, buôn chất độc, buôn rượu, buôn thịt.

Chánh tinh tấn (Sammà viriya) tức là nỗ lực chân chánh, ngụ ý sự quyết tâm ngăn chặn mọi điều ác chưa sanh và dứt trừ mọi điều ác đã sanh; nỗ lực làm cho sanh khởi các điều thiện chưa sanh và làm cho tăng trưởng các điều thiện đã sanh, có công năng dứt trừ tà tinh tấn (micchà viriya), tức các nỗ lực sai lầm, có động cơ không chính đáng khiến tạo ra phiền não khổ đau.

Chánh niệm (Sammà-sati) nghĩa là nhớ nghĩ chân chánh, chỉ cho phương pháp chú tâm quán niệm về thực tại sanh diệt của các sự vật và hiện tượng (ngũ uẩn hay thân, thọ, tâm, pháp) làm phát sinh trí tuệ chặt đứt các mối dây (vô minh, tham ái, chấp thủ) ràng buộc vào luân hồi khổ đau do Đức Phật chứng nghiệm, có công năng dứt trừ tà niệm (micchà-sati), tức là các suy niệm không chính đáng khiến tăng trưởng tham-sân-si, tăng trưởng các mối dây ràng buộc vào luân hồi khổ đau.

Chánh định (Sammà-samàdhi) có nghĩa là định tâm chân chánh, ngụ ý phương pháp phát triển định tâm dựa trên sự thanh lọc tâm khỏi các cấu uế, thay thế năm triền cái - tham dục, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo hối nghi - bằng năm Thiền chi: tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm, khiến tâm đi đến trong sáng, tăng thượng, chứng đắc các tầng Thiền, đạt đến an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh[7], nhắm đến đoạn tận các lậu hoặc, có công năng loại trừ tà định (micchà-samadhi), tức các hình thái Thiền định mê lầm như Thiền nín thở[8], Thiền xuất hồn[9]...

Chánh trí (Sammà-nàna) nghĩa là trí tuệ chân chánh, chỉ cho sự phát triển lớn mạnh của Chánh kiến được hỗ trợ bởi các chi phần khác của Bát Thánh đạo, tức sự chứng ngộ rốt ráo về khổ, khổ tập, khổ diệt và con đường đưa đến khổ diệt, hay sự thành tựu thắng tri, liễu tri, đoạn tận khổ đau[10], có công năng diệt trừ tà trí (micchà- nàna), tức trí phát sinh không chân chánh, không phù hợp với chân lý, bị dẫn dắt bởi nhận thức và lối sống sai lầm, chỉ là các vọng tưởng đưa đến phiền não khổ đau.

Chánh giải thoát (Sammà-vimutti) có nghĩa là giải thoát chân chánh, hoàn toàn giác ngộ, ngụ ý sự đoạn tận tham-sân-si, đoạn tận các lậu hoặc (dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu), đoạn tận các tùy miên (tham tùy miên, sân tùy miên, kiến tùy miên, mạn tùy miên, nghi tùy miên, hữu tham tùy miên, vô minh tùy miên) các kiết sử (thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham dục, sân hận, sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh), thoát khỏi tái sinh, chấm dứt khổ đau sinh tử luân hồi, có công năng dứt trừ tà giải thoát (micchà-vimutti), tức các ý tưởng sai lầm cho rằng kết liễu sự sống là giải thoát, hay giải thoát là sự kiện ngẫu nhiên[11], hoặc giải thoát tức là đi cho đến chỗ tận cùng của thế giới[12]...

Nhìn chung, Đức Phật không tán thành các hình thức tẩy trần dựa vào sức mạnh bùa chú hay nghi thức tôn giáo. Ngài không tin có một năng lực nào khác, ngoài nỗ lực và trí tuệ của con người, có khả năng làm thay đổi vận mệnh của kẻ khác. Với kinh nghiệm của bậc Chánh đẳng giác, Đức Phật đưa ra một phương pháp tu tập gồm mười yếu tố chân chánh, gọi là Thánh tẩy trần, có công năng tẩy sạch mọi mê lầm xấu ác của con người, khiến cho con người đi đến hoàn thiện, đi đến giác ngộ, đi đến giải thoát, dứt sạch mọi phiền não khổ đau của sự kiện sinh tử luân hồi.

Đáng chú ý rằng mười yếu tố chân chánh hay mười Thánh đạo không gì khác là các tiềm năng giác ngộ có sẵn trong mỗi con người, có công năng nuôi lớn các phẩm chất đạo đức, tâm đức và tuệ đức của con người, khiến cho con người đi đến hoàn thiện, đi đến giác ngộ, đi đến giải thoát. Chúng được mệnh danh là Thánh tẩy trần (Ariya-dhovana) vì mười Thánh đạo là lẽ sống chân chánh sáng suốt - chân chánh trong nhận thức (Chánh kiến), trong suy tư (Chánh tư duy), trong lời nói (Chánh ngữ), trong việc làm (Chánh nghiệp), trong sinh kế (Chánh mạng), trong nỗ lực (Chánh tinh tấn), trong nghĩ nhớ (Chánh niệm), trong tâm định (Chánh định), trong trí tuệ (Chánh trí), trong giải thoát (Chánh giải thoát), có công năng xua tan mọi mê lầm bất chánh, khiến cho con người không còn rơi vào lối sống sai trái xấu ác, không còn chịu cảnh bất hạnh khổ đau sinh tử luân hồi. Các bậc giác ngộ đã tu tập hoàn tất Bát Thánh đạo, đã đạt đến Chánh trí và Chánh giải thoát, đôi khi cũng được gọi là vị đã tắm sạch sẽ (nahàtako), tức một người đã tắm gội sạch sẽ các cấu uế tham-sân- si, đã dứt sạch các ác bất thiện pháp, những pháp ô nhiễm, đưa đến sanh, già, chết trong tương lai; vị Sa- môn (Samana), nghĩa là một người đã làm cho dừng lại các ác bất thiện pháp, những pháp ô nhiễm, đưa đến tái sanh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sanh, già, chết trong tương lai; vị Bà-la-môn (Bràhmana), tức một người đã tẫn xuất ra ngoài các ác bất thiện pháp, những pháp ô nhiễm, đưa đến tái sanh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sanh già, chết trong tương lai; hay bậc Thánh (Ariya), nghĩa là một người đã làm cho xa lìa các ác bất thiện pháp, những pháp ô nhiễm, đưa đến tái sanh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sanh già, chết trong tương lai[13].

Đó là pháp tẩy trần được nói đến trong Kinh tạng Pàli, trong đạo Phật nguyên thủy, tức dùng thiện pháp để tẩy trừ ác pháp - dùng Chánh kiến để tẩy trừ tà kiến, dùng Chánh tư duy để tẩy trừ tà tư duy, dùng Chánh ngữ để tẩy trừ tà ngữ, dùng Chánh nghiệp để tẩy trừ tà nghiệp, dùng Chánh mạng để tẩy trừ tà mạng, dùng Chánh tinh tấn để tẩy trừ tà tinh tấn, dùng Chánh niệm để tẩy trừ tà niệm, dùng Chánh định để tẩy trừ tà định, dùng Chánh trí để tẩy trừ tà trí, dùng Chánh giải thoát để tẩy trừ tà giải thoát - khiến cho những chúng sanh bị sanh được giải thoát khỏi sanh; những chúng sanh bị già được giải thoát khỏi già; những chúng sanh bị chết được giải thoát khỏi chết; những chúng sanh bị sầu, bi, khổ, ưu, não được giải thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não. Nói cách khác, không ai có thể tẩy rửa tội lỗi cho ai, nhưng mọi người đều có khả năng làm cho mình trong sạch bằng chính lối sống chân chánh sáng suốt của mình.

Kinh Pháp cú dạy như vầy:

Ai dùng các hạnh lành,
Làm xóa mờ nghiệp ác,
Chói sáng rực đời này,
Như trăng thoát mây che
[14].


Chú thích:

1. Tiểu kinh Khổ uẩn, Trung bộ.
2. Kinh Ví dụ tấm vải, Trung bộ.
3. Kinh Cankì, Trung bộ.
4. Pháp cú, kệ số 165.
5. Kinh Tẩy trần, Tăng chi bộ.
6. Đại kinh bốn mươi, Trung bộ.
7. Kinh An trú tầm, Trung bộ.
8. Đại kinh Saccaka, Trung bộ.
9. Kinh Tư duy, Tương ưng bộ.
10. Đại kinh phương quảng, Trung bộ.
11. Kinh Sa-môn quả, Trường bộ.
12. Kinh Rohitassa, Tăng chi bộ.
13. Đại kinh Xóm ngựa, Trung bộ.
14. Kinh Pháp cú, kệ số 173.


Theo Văn hoá Phật giáo số 301 ngày 15-07-2018

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm