Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Kinh Mật hoàn

Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn sống giữa các vị dòng họ Sakka (Thích-ca), tại Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), ở vườn Nigrodhārāma.
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát vào thành Kapilavatthu để khất thực. Sau khi khất thực ở Kapilavatthu, khi ăn xong, trên đường khất thực trở về, Thế Tôn đi đến Đại lâm [1] để nghỉ trưa. Sau khi vào rừng Đại Lâm, Ngài ngồi nghỉ trưa dưới gốc cây beluvalaṭṭhika. Có vị Gậy cầm tay [2] Sakka (Thích-ca), kéo bộ khắp nơi, ngao du thiên hạ, đến tại rừng Đại lâm, đi sâu vào ngôi rừng, đến tại Beluvalaṭṭhika chỗ Thế Tôn ở, khi đến xong, nói lên những lời hỏi thăm xã giao thân hữu, rồi đứng một bên, dựa trên cây gậy. Đứng một bên, Gậy cầm tay Sakka nói với Thế Tôn: “Sa-môn có quan điểm thế nào, [3] giảng thuyết những gì?” [4] - “Này Hiền giả, theo lời dạy của Ta, trong thế giới với chư Thiên, Māra và Phạm thiên, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài người, không có tranh luận một ai ở đời; [5] các tưởng sẽ không ám ảnh vị Bà-la-môn [6] sống không bị dục triền phược, không có nghi ngờ do dự, với mọi hối quá đoạn diệt,[7] không có tham ái đối với hữu và phi hữu. Này Hiền giả, như vậy là quan điểm của Ta, như vậy là lời Ta giảng dạy.” Khi nghe nói vậy, Gậy cầm tay Sakka lắc đầu, liếm lưỡi, với trán nổi lên ba đường nhăn, chống gậy rồi đi.
 

 
[1] Mahāvana gần Kapilavatthu là rừng hoang, không trồng trọt chạy dài đến chân Hymālaya, không phải như Mahāvana gần Vesāli, vừa là rừng thiên nhiên vừa là rừng nhân tạo.
[2] Dandapāni: Gậy cầm tay, vì vị ấy cầm gậy trong tay tuy chưa già. Sau vị này theo Devadatta.
[3] kimvādī, MA. ii. 73, kimditthiko: có quan điểm thế nào?
[4] kimkkhāyī, nó trình bày những gì? Nêu ra những gì? MA. ii. 73, nó nói vấn đề gì?
[5] Xem S. iii. 138 (trích MA. ii. 74), “Ta không tranh luận với đời, nhưng đời tranh luận với Ta” và một đoạn tìm xuất xứ chưa ra: “Một vị thuyết pháp (dhamma) không tranh luận với ai, nhưng một vị thuyết phi pháp (adhamma) tranh luận về những vấn đề như vô thường, vô ngã, khổ, v.v..”
[6] Vị đã đoạn trừ các lậu hoặc. MA. ii. 74.
[7] Chinnakukkucca, MA. ii. 74 ghi hai nghĩa vippatisāri: hối quá, và hatthapāda: tay chân.

Rồi Thế Tôn vào buổi chiều từ thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến vườn Nigrodha, khi đến xong, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
– Chư Tỷ-kheo, ở đây, Ta vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát vào thành Kapilavatthu để khất thực. Sau khi khất thực ở Kapilavatthu, ăn xong, trên đường khất thực trở về, Ta đi đến Đại lâm để nghỉ trưa. Sau khi vào rừng Đại lâm, Ta ngồi nghỉ trưa dưới gốc cây beluvalaṭṭhika. Có vị Gậy cầm tay Sakka kéo bộ khắp nơi, ngao du thiên hạ, đến tại rừng Đại lâm, đi sâu vào ngôi rừng, đến tại Beluvalaṭṭhika chỗ Ta ở, khi đến xong, nói lên những lời hỏi thăm xã giao thân hữu, rồi đứng một bên, dựa trên cây gậy. Đứng một bên, Gậy cầm tay Sakka nói với Ta như sau: “Sa-môn có quan điểm thế nào, giảng thuyết những gì?” Chư Tỷ-kheo, được nói vậy, Ta trả lời Gậy cầm tay Sakka: “Này Hiền giả, theo lời Ta dạy trong thế giới với chư Thiên, Māra, và Phạm thiên, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài người, không có tranh luận một ai ở đời; các tưởng sẽ không ám ảnh vị Bà-la-môn sống không bị dục triền phược, không có nghi ngờ do dự, với mọi hối quá đoạn diệt, không có tham ái đối với hữu và phi hữu. Này Hiền giả, như vậy là quan điểm của Ta, như vậy là lời Ta giảng dạy.” Khi nghe nói vậy, Gậy cầm tay Sakka lắc đầu, liếm lưỡi, với trán nổi lên ba đường nhăn, chống gậy rồi đi.
Khi nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
– Nhưng bạch Thế Tôn, lời dạy ấy là gì mà Thế Tôn, trong thế giới với chư Thiên, Māra và Phạm thiên, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài người, không có tranh luận một ai ở đời; các tưởng sẽ không ám ảnh Thế Tôn, vị đã sống không bị dục triền phược, không có nghi ngờ do dự, với mọi hối quá đoạn diệt, không có tham ái đối với hữu và phi hữu?
– Này Tỷ-kheo, do bất cứ nhân duyên gì, một số hý luận vọng tưởng [1] ám ảnh một người. Nếu ở đây không có gì đáng tùy hỷ, đáng đón mừng, đáng chấp thủ, thời như vậy là sự đoạn tận tham tùy miên, sự đoạn tận sân tùy miên, sự đoạn tận kiến tùy miên, sự đoạn tận nghi tùy miên, sự đoạn tận mạn tùy miên, sự đoạn tận hữu tham tùy miên, sự đoạn tận vô minh tùy
 

[1] papañcasaññāsankhā, MA. ii.75 giải thích sankhā là koṭṭhāsa: phần, đoạn và papañcasaññā là những vọng tưởng liên hệ đến papanca (hý luận), tà kiến, tham ái.

miên, sự đoạn tận chấp trượng, chấp kiếm, đấu tranh, tránh tranh, luận tranh, kháng tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ. Chính ở đây, những ác, bất thiện pháp này đều được tiêu diệt, không còn dư tàn.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Sau khi nói vậy, Thiện Thệ từ chỗ ngồi đứng dậy bước vào tinh xá. Sau khi Thế Tôn đi chẳng bao lâu, các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ: “Chư Hiền, Thế Tôn sau khi nói lên lời dạy tóm tắt này cho chúng ta, không giải thích rộng rãi ý nghĩa, từ chỗ ngồi đứng dậy và đã đi vào tinh xá: ‘Này Tỷ-kheo, do bất cứ nhân duyên gì... không còn dư tàn.’ Nay ai có thể giải thích rộng rãi ý nghĩa lời giảng được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, và không giải thích rõ ràng ý nghĩa?” Rồi những Tỷ-kheo ấy suy nghĩ: “Nay có Tôn giả Mahākaccāna (Đại Ca-chiên-diên) là vị được Thế Tôn tán dương và được các vị đồng phạm hạnh có trí kính trọng. Tôn giả Mahākaccāna có thể giải thích rộng rãi ý nghĩa lời giảng dạy này được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, và không giải thích rõ ràng ý nghĩa. Vậy chúng ta hãy đi đến chỗ Tôn giả Mahākaccāna ở; sau khi đến, sẽ hỏi Tôn giả Mahākaccāna ý nghĩa này.”
Rồi những Tỷ-kheo ấy đến chỗ Tôn giả Mahākaccāna ở; sau khi đến, nói lên những lời chúc tụng, hỏi thăm xã giao với Tôn giả Mahākaccāna rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, những Tỷ-kheo ấy thưa với Tôn giả Mahākaccāna:
– Này Hiền giả, Thế Tôn sau khi nói lên lời dạy tóm tắt này và không giải thích rõ ràng ý nghĩa, từ chỗ ngồi đứng dậy và đã đi vào tịnh xá: “Này Tỷ-kheo, do bất cứ nhân duyên gì... không còn dư tàn.” Này Hiền giả Mahākaccāna, khi Thế Tôn đi chưa bao lâu, chúng tôi suy nghĩ: “Chư Hiền, Thế Tôn sau khi nói lên lời dạy vắn tắt này cho chúng ta... đã đi vào tinh xá: ‘Do bất cứ nhân duyên gì... không còn dư tàn.’ Ai có thể giải thích rộng rãi ý nghĩa lời giảng dạy mà Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt và không giải thích rõ ràng ý nghĩa?” Này Hiền giả Mahākaccāna, rồi chúng tôi suy nghĩ: “Nay Tôn giả Mahākaccāna được Thế Tôn tán thán và được các vị đồng phạm hạnh có trí kính trọng, Tôn giả Mahākaccāna có thể giải thích rộng rãi ý nghĩa lời giảng dạy được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt và không giải thích rõ ràng ý nghĩa. Vậy chúng ta hãy đi đến chỗ Tôn giả Mahākaccāna ở; sau khi đến, chúng ta hỏi Tôn giả Mahākaccāna ý nghĩa này. Tôn giả Mahākaccāna sẽ giải thích cho.”
– Chư Hiền, cũng như một người ưa thích lõi cây, tìm tòi lõi cây, đi khắp mọi nơi tìm lõi cây, đến một cây to lớn, đứng thẳng và có lõi cây. Người này bỏ qua rễ, bỏ qua thân cây, nghĩ rằng phải tìm lõi cây ở nơi cành lá. Cũng vậy là hành động của chư Tôn giả, đứng trước mặt Thế Tôn, quý vị bỏ qua Thế Tôn, nghĩ rằng phải hỏi tôi về ý nghĩa này. Chư Hiền, Thế Tôn biết những gì cần phải biết, thấy những gì cần phải thấy, [1] Ngài đã trở thành vị Có mắt, trở thành vị Có trí, trở thành Chánh pháp, trở thành Brahma, vị Thuyết giả, vị Diễn giả, vị Đem lại mục tiêu, vị Trao cho bất tử, vị Pháp chủ, Như Lai. Quý vị phải tùy thời hỏi Thế Tôn ý nghĩa này. Những gì Thế Tôn giải thích cho quý vị, quý vị hãy như vậy thọ trì.
– Hiền giả Mahākaccāna, chắc chắn Thế Tôn biết những gì cần phải biết, thấy những gì cần phải thấy, Ngài đã trở thành vị Có mắt, trở thành vị Có trí, trở thành Chánh pháp, trở thành Brahma, vị Thuyết giả, vị Diễn giả, vị Đem lại mục tiêu, vị Trao cho bất tử, vị Pháp chủ, Như Lai. Chúng tôi phải tùy thời hỏi Thế Tôn ý nghĩa này. Những gì Thế Tôn giải thích cho chúng tôi, chúng tôi sẽ như vậy thọ trì. Nhưng Tôn giả Mahākaccāna được Thế Tôn tán thán, được các vị đồng phạm hạnh có trí kính trọng. Tôn giả Mahākaccāna có thể giải thích rộng rãi ý nghĩa lời giảng dạy được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt và không giải thích rõ ràng ý nghĩa. Mong Tôn giả Mahākaccāna hãy giải thích không có sự gì bất kính (phiền muộn).
– Vậy chư Hiền hãy nghe và khéo tác ý, tôi sẽ giảng.
– Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Mahākaccāna. Tôn giả Mahākaccāna giảng như sau:
– Chư Hiền, Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt lời dạy này... và đã đi vào tinh xá: “Này Tỷ-kheo, bất cứ vì nhân duyên gì... không còn dư tàn.” Chư Hiền, với lời dạy được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, và không giải thích rõ ràng ý nghĩa. Tôi hiểu ý nghĩa một cách đầy đủ như sau:
Chư Hiền, do nhân con mắt và các sắc pháp, nhãn thức khởi lên. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc nên có cảm thọ, những gì có cảm thọ thời có tưởng, những gì có tưởng thời có suy tầm, [2] những gì có suy tầm thì có hý luận. Do hý luận ấy làm nhân, một số hý luận vọng tưởng
 

[1] Ngài biết và thấy những gì cần biết, cần thấy. Ngài biết nhờ biết và thấy nhờ thấy. MA. ii. 76.
[2] vitakketi, về vilakka xem D. ii. 277.

ám ảnh một người, đối với các sắc pháp do con mắt nhận thức, quá khứ, tương lai và hiện tại. Chư Hiền, do nhân lỗ tai và các tiếng, nhĩ thức khởi lên; do nhân lỗ mũi và các hương, tỷ thức khởi lên; do nhân lưỡi và các vị, thiệt thức khởi lê; do nhân thân và xúc, thân thức khởi lên; do nhân ý [1] và các pháp, ý thức [2] khởi lên. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc nên có các cảm thọ. Những gì có cảm thọ thời có tưởng, những gì có tưởng thời có suy tầm, những gì có suy tầm thời có hý luận. Do hý luận ấy làm nhân, một số hý luận vọng tưởng ám ảnh một người, đối với các pháp do ý thức nhận thức, quá khứ, tương lai, hiện tại.
Chư Hiền, sự kiện này xảy ra: khi nào có mắt, khi nào có sắc pháp, khi nào có nhãn thức, thời sự thi thiết của xúc được hiển lộ. Sự kiện này xảy ra: khi nào có sự thi thiết của xúc, thời sự thi thiết của thọ được hiển lộ. Sự kiện này xảy ra: khi nào có thi thiết của thọ, thời sự thi thiết của tưởng được hiển lộ. Sự kiện này xảy ra: khi nào có sự thi thiết của tưởng, thời sự thi thiết của suy tầm được hiển lộ. Sự kiện này xảy ra: khi nào có sự thi thiết của suy tầm, thời sự thi thiết của sự ám ảnh một số hý luận vọng tưởng được hiển lộ. Sự kiện này xảy ra: khi nào có tai, khi nào có các tiếng, khi nào có nhĩ thức... Sự kiện này xảy ra: khi nào có lỗ mũi, khi nào có các hương, khi nào có tỷ thức... Sự kiện này xảy ra: khi nào có lưỡi, khi nào có các vị, khi nào có thiệt thức... Sự kiện này xảy ra: khi nào có thân, khi nào có các xúc, khi nào có thân thức... Sự kiện này xảy ra: khi nào có ý, khi nào có các pháp, khi nào có ý thức, thời sự thi thiết của xúc được hiển lộ...
Chư Hiền, sự kiện này không xảy ra: khi nào không có mắt, khi nào không có các sắc, khi nào không có nhãn thức, sự thi thiết của xúc được hiển lộ. Sự kiện này không xảy ra: khi nào không có sự thi thiết của xúc, sự thi thiết của thọ được hiển lộ. Sự kiện này không xảy ra: khi nào không có sự thi thiết của thọ, sự thi thiết của tưởng được hiển lộ. Sự kiện này không xảy ra: khi nào không có sự thi thiết của tưởng, sự thi thiết của suy tầm được hiển lộ. Sự kiện này không xảy ra: khi nào không có sự thi thiết của suy tầm, thời sự thi thiết của sự ám ảnh một số hý luận vọng tưởng được hiển lộ. Chư Hiền, sự kiện này không xảy ra: khi nào không có tai, khi nào
 

[1] MA. ii. 77 giải thích là Bhavangacitta, hữu phần tâm hay tiềm thức.
[2] Được MA. ii. 77 giải thích là āvajjana: suy tư, làm đổ (chậu hay bát) và javana là tốc hành, hiểu một cách mau chóng.

không có các tiếng... khi nào không có mũi, khi nào không có các hương... khi nào không có lưỡi, khi nào không có các vị... khi nào không có thân, khi nào không có các xúc ... Sự kiện này không xảy ra: khi nào không có ý, khi nào không có các pháp, khi nào không có ý thức, sự thi thiết của xúc được hiển lộ... Chư Hiền, Thế Tôn, sau khi nói lên lời dạy một cách vắn tắt... đã đi vào tinh xá: “Này Tỷ-kheo, do bất cứ nhân duyên gì... không dư tàn.” Chư Hiền, đối với lời dạy Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt này, và nghĩa lý không được giải thích một cách rộng rãi, tôi đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy. Nếu quý vị muốn, hãy đi đến chỗ Thế Tôn ở; sau khi đến, hãy hỏi ý nghĩa này. Thế Tôn giải đáp như thế nào, hãy như vậy thọ trì.
Rồi những Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tùy hỷ lời Tôn giả Mahākaccāna nói, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ Thế Tôn ở; sau khi đến, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn nói lên lời dạy này một cách vắn tắt cho chúng con... đã vào tinh xá: “Này Tỷ-kheo, do bất cứ nhân duyên gì... không còn dư tàn.” Khi Thế Tôn đi chẳng bao lâu, chúng con suy nghĩ như sau: “Chư Hiền, Thế Tôn sau khi nói cho chúng ta lời dạy tóm tắt này, không giải thích ý nghĩa một cách rộng rãi, từ chỗ ngồi đứng dậy và đã đi vào tinh xá: ‘Này Tỷ-kheo, do bất cứ nhân duyên gì, một số hý luận vọng tưởng ám ảnh một người, nếu ở đây không có gì đáng tùy hỷ, đáng đón mừng, đáng chấp thủ, thời như vậy là sự đoạn tận tham tùy miên, sự đoạn tận sân tùy miên, sự đoạn tận kiến tùy miên, sự đoạn tận nghi tùy miên, sự đoạn tận mạn tùy miên, sự đoạn tận hữu tham tùy miên, sự đoạn tận vô minh tùy miên, sự đoạn tận chấp trượng, chấp kiếm, đấu tranh, tránh tranh, luận tranh, kháng tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ. Chính ở đây, những ác, bất thiện pháp này đều được tiêu diệt, không còn dư tàn.’ Nay ai có thể giải thích rộng rãi ý nghĩa lời giảng dạy này được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt và không giải thích rõ ràng ý nghĩa?” Bạch Thế Tôn, và chúng con suy nghĩ: “Nay có Tôn giả Mahākaccāna là vị được Thế Tôn tán dương và được các vị đồng phạm hạnh có trí kính trọng. Tôn giả Mahākaccāna có thể giải thích rộng rãi ý nghĩa lời giảng dạy này được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt và không giải thích rõ ràng ý nghĩa. Vậy chúng ta hãy đi đến chỗ Tôn giả Mahākaccāna ở; sau khi đến, sẽ hỏi Tôn giả Mahākaccāna ý nghĩa này.” Bạch Thế Tôn, rồi chúng con đi đến chỗ
Tôn giả Mahākaccāna ở; sau khi đến, chúng con hỏi Tôn giả Mahākaccāna ý nghĩa này. Bạch Thế Tôn, Tôn giả Mahākaccāna đã giải thích ý nghĩa ấy cho chúng con với những phương pháp này, với những văn cú [1] này, với những văn tự [2] này.
– Chư Tỷ-kheo, Tôn giả Mahākaccāna là bậc Hiền trí. Chư Tỷ-kheo, Tôn giả Mahākaccāna là bậc Đại tuệ. Chư Tỷ-kheo, nếu các người hỏi Ta ý nghĩa này, Ta cũng trả lời như Mahākaccāna đã trả lời. Như vậy là chính nghĩa lời dạy ấy, hãy như vậy thọ trì.
Khi nghe nói vậy, Tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, như một người bị đói lả và mệt mỏi, tìm được một bánh mật, [3] cứ mỗi miếng vị ấy được nếm, cứ mỗi miếng vị ấy được thưởng thức vị ngọt thuần nhất. [4] Bạch Thế Tôn, cũng vậy, Tỷ-kheo có tri thức biệt tài, cứ mỗi phần suy tư đến ý nghĩa pháp môn này với trí tuệ, cứ mỗi phần vị ấy được thưởng thức sự hoan hỷ, được thưởng thức sự thỏa mái tâm trí. Bạch Thế Tôn, pháp môn này tên gọi là gì?
– Do vậy, này Ānanda, pháp môn này được gọi là pháp môn bánh mật (Mật hoàn). Hãy như vậy thọ trì!
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Ānanda hoan hỷ tín thọ lời dạy Thế Tôn.
 

[1] MA. ii. 78, bởi một số văn tự hợp lại (akkhara).
[2] Bởi những văn tự cá nhân, một mình.
[3] MA. ii. 78, một loại bánh ngọt, hay đường làm thành món ăn.
[4] asecanaka, không cần thêm gì vào, nghĩa là hoàn toàn đầy đủ.

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm