Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Tiểu Kinh sư tử hống

Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sāvatthī (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà lâm), trong vườn ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc). Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo!” – “Bạch Thế Tôn,” những Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn thuyết như sau:
– Này các Tỷ-kheo, chỉ ở đây [1] là có Sa-môn, [2] chỉ ở đây là có Sa-môn thứ hai; ở đây là có Sa-môn thứ ba, chỉ ở đây là có Sa-môn thứ tư, các ngoại đạo khác [3] không có Sa-môn. Này các Tỷ-kheo, các ông hãy chơn chánh rống tiếng rống sư tử như vậy. Này các Tỷ-kheo, sự tình này xảy ra khi ở đây những du sĩ ngoại đạo có thể nói: “Chư Tôn giả có tin tưởng gì, có sức lực gì mà chư Tôn giả tuyên bố: chỉ ở đây có Sa-môn, chỉ ở đây là có Sa-môn thứ hai, chỉ ở đây là có Sa-môn thứ ba, chỉ ở đây là có Sa-môn thứ tư, các ngoại đạo khác không có Sa-môn.” Này các Tỷ-kheo, nếu được các du sĩ ngoại đạo nói như vậy, cần phải trả lời họ như sau: “Chư Hiền, vì chúng tôi tự chánh kiến bốn pháp, được Thế Tôn tuyên bố cho chúng tôi biết, bậc đã thấy, đã biết, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác nên chúng tôi nói: ‘Chỉ ở đây có Sa-môn, chỉ ở đây là có Sa-môn thứ hai, chỉ ở đây có Sa-môn thứ ba, chỉ ở đây có Sa-môn thứ tư.’” Thế nào là bốn? Chư Hiền, chúng tôi có lòng tin bậc Đạo sư, có lòng tin Pháp, có sự thành tựu viên mãn các Giới luật, và những pháp hữu [4] của chúng tôi, những người cư sĩ và những người xuất gia, được chúng tôi thương, chúng tôi mến. Chư Hiền, vì chúng tôi tự chánh kiến bốn pháp, được Thế Tôn tuyên bố cho chúng tôi biết, bậc đã thấy, đã biết, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác nên chúng tôi nói: “Chỉ ở đây có Sa-môn... Sa-môn thứ tư.” Này các Tỷ-kheo, sự
 

 
[1] idh'eva, MA. ii. 4, “Trong chính lời dạy này.”
[2] Xem D. ii. 151:đệ nhất là Dự lưu, đệ nhị là Nhất lai, đệ tam là Bất lai và đệ tứ là A-la-hán.
[3] Xem 62 tà kiến trong kinh Brahmajāla (Phạm võng).
[4] Sahadhamīkā, MA. ii. 8 chỉ cho các vị Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, các vị tập sự, Sa-di, Sa-di-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ. Đồng nghĩa với chữ Ariyasāvakā (Thánh đệ tử).

tình này xảy ra, khi ở đây, những du sĩ ngoại đạo có thể nói: “Chư Hiền, chúng tôi cũng có lòng tin bậc Đạo sư, [1] vị ấy là Đạo sư của chúng tôi. Chúng tôi có lòng tin Pháp, Pháp ấy là Pháp của chúng tôi, chúng tôi thành tựu viên mãn các Giới luật, [2] những Giới luật ấy là Giới luật của chúng tôi. Và những pháp hữu của chúng tôi, những người cư sĩ và cả những người xuất gia, được chúng tôi thương, được chúng tôi mến. Chư Hiền, như vậy có sự sai biệt gì, có sự đặc thù gì, có sự khác biệt gì giữa quý vị và chúng tôi?” Chư Tỷ-kheo, nếu được các du sĩ ngoại đạo nói như vậy, cần phải trả lời họ như sau: “Chư Hiền, cứu cánh [3] là một hay cứu cánh là đa diện?” Nếu trả lời đúng đắn, các du sĩ ngoại đạo phải trả lời: “Chư Hiền, cứu cánh là một, cứu cánh không phải đa diện.” – “Chư Hiền, cứu cánh ấy cho người có tham, hay cho người không tham?” Nếu trả lời đúng đắn, các du sĩ ngoại đạo phải trả lời: “Chư Hiền, cứu cánh ấy cho người không tham, không phải cho người có tham.” – “Chư Hiền, cứu cánh ấy cho người có sân, hay cho người không sân?” Nếu trả lời đúng đắn, các du sĩ ngoại đạo phải trả lời: “Chư Hiền, cứu cánh ấy cho người không sân, không phải cho người có sân.” – “Chư Hiền, cứu cánh ấy cho người có si hay cho người không si?” Nếu trả lời đúng đắn... phải trả lời: “Chư Hiền, cứu cánh ấy cho người không si, không phải cho người có si.” – “Chư Hiền, cứu cánh ấy cho người có ái, hay cho người không ái?” Nếu trả lời đúng đắn... phải trả lời: “Chư Hiền, cứu cánh ấy cho người không ái, không phải cho người có ái.” – “Chư Hiền, cứu cánh ấy cho người có chấp thủ, hay cho người không chấp thủ?” Nếu trả lời đúng đắn... phải trả lời: “Chư Hiền, cứu cánh ấy cho người không chấp thủ, không phải cho người chấp thủ.” – “Chư Hiền, cứu cánh ấy cho người có trí, hay cho người không có trí?” Nếu trả lời đúng đắn... phải trả lời: “Cứu cánh ấy cho người có trí, không phải cho người không có trí.” – “Chư Hiền, cứu cánh ấy cho người thuận ứng, [4] nghịch ứng [5] hay cho người không thuận ứng, không nghịch ứng?” Nếu trả lời đúng đắn... phải trả lời: “Chư Hiền, cứu cánh ấy cho người không thuận ứng, không nghịch ứng, không phải cho người thuận ứng,
 

[1] MA. ii. 9 chỉ cho Pūraṇa Kassapa và 6 vị Luận sư ngoại đạo.
[2] MA. ii. 9 chỉ cho các giới luật như theo hạnh dê, hạnh bò, hạnh chó.
[3] niṭṭhā: cứu cánh, MA. ii. 9 giải thích là pariyosānabhūta: cái trở thành cứu cánh, mục tiêu tối hậu. MA. giải thích cứu cánh đa diện của ngoại đạo như Phạm thiên giới là cứu cánh của Bà la môn, Ābhassārā (Quang âm thiên) cho các vị tu khổ hạnh, Subhakinhā (Biến tịnh thiên) cho các du sĩ, nhưng trong giáo pháp này, cứu cánh là A-la-hán.
[4] anuruddha, MA. ii. 10, chịu áp lực bởi tham ái.
[5] paṭiviruddha, MA. ii. 10, chịu chi phối bởi sân hận.

nghịch ứng.” – “Chư Hiền, cứu cánh ấy cho người ưa hý luận, thích hý luận [1] hay cho người không ưa hý luận, không thích hý luận?” Nếu trả lời đúng đắn, các du sĩ ngoại đạo cần phải trả lời: “Chư Hiền, cứu cánh ấy cho người không ưa hý luận, không thích hý luận, không phải cho người ưa hý luận, thích hý luận.”
Chư Tỷ-kheo, có hai loại tri kiến này: hữu kiến và phi hữu kiến. [2] Chư Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào chấp trước hữu kiến, thân thiết hữu kiến, cố chấp hữu kiến; những vị ấy bị chướng ngại đối với phi hữu kiến. Chư Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào chấp trước phi hữu kiến, thân thiết phi hữu kiến, cố chấp phi hữu kiến; những vị ấy bị chướng ngại bởi hữu kiến. Chư Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không như thật tuệ tri sự tập khởi và sự đoạn diệt của hai loại kiến này, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly [3] của chúng; những vị này là những vị có tham, có sân, có si, có ái, có chấp thủ, không có trí, có thuận ứng, có nghịch ứng, có ưa hý luận, có thích hý luận; những vị ấy không giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói những vị ấy không giải thoát khỏi đau khổ. Chư Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào như thật tuệ tri sự tập khởi và sự đoạn diệt của hai loại kiến này, vị ngọt, sự nguy hiểm, và sự xuất ly của chúng; những vị này là những vị không tham, không sân, không si, không ái, không chấp thủ, có trí, không có thuận ứng, không có nghịch ứng, không ưa hý luận, không thích hý luận; những vị ấy giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói những vị ấy giải thoát khỏi đau khổ.
Chư Tỷ-kheo, có bốn chấp thủ. Thế nào là bốn? Dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ. Chư Tỷ-kheo, có những Sa-môn, Bà-la-môn tuy tự xưng liễu tri tất cả thủ, nhưng không chân chánh hiển thị sự liễu tri tất cả thủ; họ hiển thị sự liễu tri về dục thủ, nhưng không hiển thị sự liễu tri về kiến thủ, về giới cấm thủ, về ngã luận thủ. Vì sao vậy? Những Hiền giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy không như thật tuệ tri ba sự. Do vậy, những Hiền giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy tuy tự xưng liễu tri tất cả thủ, nhưng không chơn chánh hiển thị sự liễu tri tất cả thủ. Họ hiển thị sự liễu tri về dục thủ, nhưng không hiển thị sự liễu tri về kiến thủ, về giới cấm thủ, về ngã luận thủ. Chư Tỷ-kheo, có những
 

[1] Papañcārāmassa papañcaratino: ưa hý luận, thích hý luận. MA. ii. 10 giải thích là đồng nghĩa với tham dục, tà kiến và kiêu mạn.
[2] Bhavadiṭṭhi ca vibhavadiṭṭhi ca: hữu kiến và phi hữu kiến. MA. ii. 10 gọi là thường kiến và đoạn kiến.
[3] nissarana: xuất ly. MA. ii. 11 gọi là Niết-bàn.

Sa-môn hay Bà-la-môn tuy tự xưng liễu tri tất cả thủ, nhưng không chơn chánh hiển thị sự liễu tri tất cả thủ. Họ hiển thị sự liễu tri về dục thủ, sự liễu tri về kiến thủ nhưng không hiển thị sự liễu tri về giới cấm thủ, sự liễu tri về ngã luận thủ. Vì sao vậy? Những Hiền giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy không như thật tuệ tri hai sự. Do vậy, những Hiền giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy tuy tự xưng liễu tri tất cả thủ, nhưng không chơn chánh hiển thị sự liễu tri tất cả thủ. Họ hiển thị sự liễu tri về dục thủ, sự liễu tri về kiến thủ; nhưng không hiển thị sự liễu tri về giới cấm thủ, sự liễu tri về ngã luận thủ. Chư Tỷ-kheo, có những Sa-môn, Bà-la-môn tuy tự xưng liễu tri tất cả thủ, nhưng không chơn chánh hiển thị sự liễu tri tất cả thủ. Họ hiển thị sự liễu tri về dục thủ, sự liễu tri về kiến thủ, sự liễu tri về giới cấm thủ, nhưng không hiển thị sự liễu tri về ngã luận thủ. Vì sao vậy? Những Hiền giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy không như thật tuệ tri một sự. Do vậy, những Hiền giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy tuy tự xưng liễu tri tất cả thủ, nhưng không chơn chánh hiển thị sự liễu tri tất cả thủ. Họ hiển thị sự liễu tri về dục thủ, sự liễu tri về kiến thủ, sự liễu tri về giới cấm thủ, nhưng không hiển thị sự liễu tri về ngã luận thủ. Chư Tỷ-kheo, trong Pháp, Luật như vậy, nếu có tịnh tín đối với Đạo sư, tịnh tín ấy được xem là không hoàn toàn; nếu có tịnh tín đối với Pháp, tịnh tín ấy được xem là không hoàn toàn; nếu có thành tựu viên mãn các Giới luật, sự thành tựu ấy được xem là không hoàn toàn; nếu có sự thương mến đối với những pháp hữu, sự thương mến ấy được xem là không hoàn toàn. Vì sao vậy? Chư Tỷ-kheo, sự tình là như vậy, trong một Pháp, Luật không khéo thuyết giảng, không khéo hiển thị, không có hướng thượng, [1] không dẫn đến tịch tịnh, [2] không được bậc Chánh Đẳng Giác hiển thị.
Và Như Tỷ-kheo, bậc Như Lai, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác tự xưng liễu tri tất cả thủ, chơn chánh hiển thị sự liễu tri tất cả thủ. Như Lai hiển thị sự liễu tri về dục thủ, sự liễu tri về kiến thủ, sự liễu tri về giới cấm thủ, sự liễu tri về ngã luận thủ. Chư Tỷ-kheo, trong một Pháp, Luật như vậy, nếu có tịnh tín đối với bậc Đạo sư, tịnh tín ấy được xem là hoàn toàn; nếu có tịnh tín đối với Pháp, tịnh tín ấy được xem là hoàn toàn; nếu có thành tựu viên mãn các Giới luật, sự thành tựu ấy được xem là hoàn toàn; nếu có sự thương mến đối với các pháp hữu, sự thương mến ấy được xem là hoàn
 

[1] Chỉ đưa đến vòng quanh trong giới súc sanh.
[2] Không được an tịnh vì tham ái v.v., MA. ii. 15.

toàn. Vì sao vậy? Chư Tỷ-kheo, sự tình là như vậy, trong một Pháp, Luật khéo thuyết giảng, khéo hiển thị, có hướng thượng, dẫn đến tịch tịnh, được bậc Chánh Đẳng Giác hiển thị.
Chư Tỷ-kheo, bốn loại chấp thủ này, lấy gì làm duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm chủng, lấy gì làm nhân? Bốn loại chấp thủ này lấy ái làm duyên, lấy ái làm tập khởi, lấy ái làm chủng, lấy ái làm nhân. Chư Tỷ-kheo, ái này lấy gì làm duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm chủng, lấy gì làm nhân? Chư Tỷ-kheo, ái này lấy thọ làm duyên, lấy thọ làm tập khởi, lấy thọ làm chủng, lấy thọ làm nhân. Chư Tỷ-kheo, thọ này lấy gì làm duyên, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm chủng, lấy gì làm nhân? Chư Tỷ-kheo, thọ này lấy xúc làm duyên, lấy xúc làm tập khởi, lấy xúc làm chủng, lấy xúc làm nhân. Chư Tỷ-kheo, xúc này lấy gì làm duyên... lấy gì làm nhân? Chư Tỷ-kheo, xúc này lấy sáu nhập làm duyên... lấy sáu nhập làm nhân. Chư Tỷ-kheo, sáu nhập này lấy gì làm duyên... lấy gì làm nhân? Chư Tỷ-kheo, sáu nhập này lấy danh sắc làm duyên... lấy danh sắc làm nhân. Chư Tỷ-kheo, danh sắc này lấy gì làm duyên... lấy gì làm nhân? Chư Tỷ-kheo, danh sắc này lấy thức làm duyên... lấy thức làm nhân. Chư Tỷ-kheo, thức này lấy gì làm duyên... lấy gì làm nhân? Chư Tỷ-kheo, thức này lấy hành làm duyên... lấy hành làm nhân. Chư Tỷ-kheo, hành này lấy gì làm duyên... lấy gì làm nhân? Chư Tỷ-kheo, hành này lấy vô minh làm duyên... lấy vô minh làm nhân. Và Chư Tỷ-kheo, khi một Tỷ-kheo đã đoạn trừ vô minh, đã làm minh [1] sanh khởi, vị ấy do vô minh được đoạn trừ, do minh sanh khởi, nên không chấp thủ dục thủ, không chấp thủ kiến thủ, không chấp thủ giới cấm thủ, không chấp thủ ngã luận thủ. Nhờ không chấp thủ nên không tháo động, nhờ không tháo động, nên tự thân chứng được Niết-bàn; [2] vị ấy tuệ tri: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.”
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời dạy của Thế Tôn.

 

[1] vijjā: minh, chỉ cho sự hiểu biết con đường đưa đến A-la-hán quả. MA. ii.18
[2] paccattam yeva parinibbāyati, MA. ii. 18, 229, giải thích sayam eva kilesaparinibbānena parinibbāyati: tự mình chứng Niết-bàn nhờ giải thoát các phiền não.

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm