khỏi bị các dục chi phối. Này Mahānāma, khi nào vị Thánh đệ tử khéo thấy như vậy với như thật chánh trí tuệ: “Các dục, vui ít, khổ nhiều, não nhiều. Sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn,” và vị này chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác, bất thiện pháp sanh, hay một pháp nào cao thượng hơn, như vậy, vị ấy không bị các dục chi phối. Này Mahānāma, thuở xưa, khi Ta còn là Bồ-tát, chưa chứng được Bồ-đề, chưa thành Chánh Đẳng Chánh Giác, Ta khéo thấy với như thật chánh trí tuệ: “Các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn,” dầu Ta có thấy với như thật chánh trí tuệ như vậy, nhưng Ta chưa chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác, bất thiện pháp sanh, hay một pháp nào khác cao thượng hơn. Và như vậy Ta biết rằng, Ta chưa khỏi bị các dục chi phối. Và này Mahānāma, khi nào Ta khéo thấy với như thật chánh trí tuệ: “Các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn,” và Ta chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác, bất thiện pháp sanh, hay một pháp nào khác cao thượng hơn, như vậy Ta khỏi bị các dục chi phối.
Và này Mahānāma, thế nào là vị ngọt các dục? Này Mahānāma, có năm pháp tăng trưởng các dục này: các sắc pháp do mắt nhận thức, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tương ưng với dục, hấp dẫn; các tiếng do tai nhận thức...; các hương do mũi nhận thức...; các vị do lưỡi nhận thức...; các xúc do thân nhận thức, khả ái, khả lạc, khả hỷ, tương ưng với dục, hấp dẫn. Này Mahānāma, có năm pháp tăng trưởng các dục như vậy. Này Mahānāma, y cứ vào năm pháp tăng trưởng các dục này, có lạc và hỷ khởi lên, như vậy là vị ngọt các dục.
Và này Mahānāma, thế nào là sự nguy hiểm các dục?... (như Kinh 13 trang 121 cho đến trang 123, với “này Mahānāma” thế cho “này các Tỷ-kheo”). Này Mahānāma, như vậy là sự nguy hiểm các dục đưa đến đau khổ tương lai, là khổ uẩn, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nhân duyên, do chính dục làm nhân.
Này Mahānāma, một thời Ta ở tại Rājagaha (Vương Xá), trên núi Gijjhakūṭa (Linh Thứu). Lúc bấy giờ, rất nhiều Nigaṇṭha (Ni-kiền-tử) tại sườn núi Isigili, trên Kalasila (Hắc Nham), đứng thẳng người, không chịu ngồi và cảm giác những cảm thọ thống thiết, khổ đau, khốc liệt, bén nhạy. Này Mahānāma, rồi Ta vào buổi chiều, từ thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến sườn núi Isigili, tại Kalasila chỗ các Nigaṇṭha ấy ở, khi đến nơi Ta nói với các Nigaṇṭha ấy:
– “Chư Hiền Nigaṇṭha, các người có biết chăng, sự đoạn trừ ngay trong hiện tại các bất thiện pháp và sự thành tựu các thiện pháp?”
– “Thưa Hiền giả, chúng tôi không biết.”
– “Chư Hiền, theo các người nói, Nigaṇṭha các người không biết trong quá khứ các người có mặt hay các người không có mặt; các người không biết, trong quá khứ các người không làm các ác nghiệp hay có làm các ác nghiệp; các người không biết các người không làm ác nghiệp như thế này hay như thế kia; các người không biết mức độ đau khổ như thế này đã được trừ diệt, mức độ đau khổ như thế này cần phải trừ diệt, mức độ đau khổ như thế này đã được trừ diệt thời tất cả đau khổ sẽ được trừ diệt; các người không biết sự đoạn trừ ngay trong hiện tại các bất thiện pháp và sự thành tựu các thiện pháp. Chư Hiền Nigaṇṭha, sự kiện là như vậy thì những kẻ săn bắn ở đời, với bàn tay đẫm máu, làm các nghiệp hung dữ, được tái sanh trong loài người, những hạng ấy có xuất gia trong hàng ngũ Nigaṇṭha các người không?”
– “Hiền giả Gotama, hạnh phúc không có thể thành tựu nhờ hạnh phúc. Hạnh phúc phải thành tựu nhờ đau khổ. Hiền giả Gotama, nếu hạnh phúc có thể thành tựu nhờ hạnh phúc thì vua Magadha Seniya Bimbisāra (Tần-bà-ta-la) có thể đạt được hạnh phúc, và vua Magadha Seniya Bimbisāra sống hạnh phúc hơn Tôn giả Gotama. Lời nói này thật sự đã được các Tôn giả Nigaṇṭha nói lên một cách hấp tấp, không có suy tư: ‘Hiền giả Gotama, hạnh phúc không có thể thành tựu nhờ hạnh phúc. Hạnh phúc phải thành tựu nhờ đau khổ. Hiền giả Gotama, nếu hạnh phúc có thể thành tựu nhờ hạnh phúc, thời vua Magadha Seniya Bimbisāra có thể đạt được hạnh phúc; và vua Magadha Seniya Bimbisāra sống hạnh phúc hơn Tôn giả Gotama.’ Và chính ta ở đây cần phải được hỏi như sau: ‘Giữa các bậc Tôn Giả, ai sống hạnh phúc hơn, vua Magadha Seniya Bimbisāra hay Tôn giả Gotama?’ Hiền giả Gotama, lời nói này thật sự đã được chúng tôi nói lên một cách hấp tấp, không có suy tư: ‘Hiền giả Gotama, hạnh phúc không có thể thành tựu nhờ hạnh phúc... (như trên)... sống hạnh phúc hơn Tôn giả Gotama.’ Hãy để yên sự việc như vậy. Nay chúng tôi hỏi Tôn giả Gotama: ‘Giữa quý vị Tôn giả, ai sống hạnh phúc hơn, vua Magadha Seniya Bimbisāra hay Tôn giả Gotama?’”
– “Chư Hiền Nigaṇṭha, nay Ta sẽ hỏi các người một câu, cũng vấn đề này. Nếu các người vui lòng, hãy trả lời câu hỏi ấy. Chư Hiền Nigaṇṭha, các người nghĩ thế nào? Vua Magadha Seniya Bimbisāra có thể không di động thân thể, không nói lên một tiếng, sống cảm giác thuần túy lạc thọ luôn bảy ngày bảy đêm có được không?”
– “Này Hiền giả, không thể được.”
– “Chư Hiền Nigaṇṭha, các người nghĩ thế nào? Vua Magadha Seniya Bimbisāra có thể không di động thân thể, không nói lên một tiếng, sống cảm giác thuần túy lạc thọ luôn sáu ngày sáu đêm, luôn năm ngày năm đêm, luôn bốn ngày bốn đêm, luôn ba ngày ba đêm, luôn hai ngày hai đêm, luôn một ngày một đêm không?”
– “Này Hiền giả, không thể được.”
– “Chư Hiền Nigaṇṭha, Ta có thể không di động thân thể, không nói lên một lời, sống cảm giác thuần túy lạc thọ luôn trong một ngày một đêm. Chư Hiền Nigaṇṭha, Ta có thể không di động thân th, không nói lên một lời, sống cảm giác thuần túy lạc thọ luôn trong hai ngày hai đêm, luôn trong ba ngày ba đêm, luôn trong bốn ngày bốn đêm, luôn trong năm ngày năm đêm, luôn trong sáu ngày sáu đêm, luôn trong bảy ngày bảy đêm. Chư Hiền Nigaṇṭha, các người nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, ai sống hạnh phúc hơn, vua Magadha Seniya Bimbisāra hay Ta?”
– “Sự kiện là như vậy, Tôn giả Gotama sống hạnh phúc hơn vua Magadha Seniya Bimbisāra.”
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Mahānāma thuộc giòng họ Sakka hoan hỷ tín thọ lời dạy của Thế Tôn.