Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Kinh ví dụ tấm vải

Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sāvatthī (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà lâm), vườn ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc). Lúc bấy giờ Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo!” – “Bạch Thế Tôn,” các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
– Này các Tỷ-kheo, như một tấm vải cấu uế, nhiễm bụi, một người thợ nhuộm nhúng tấm vải ấy vào thuốc nhuộm này hay thuốc nhuộm khác – hoặc xanh, hoặc vàng, hoặc đỏ, hoặc tía – vải ấy sẽ được màu nhuộm không tốt đẹp, sẽ được màu nhuộm không sạch sẽ. Vì sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì tấm vải không được trong sạch. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cõi ác [1] chờ đợi một tâm cấu uế. Này các Tỷ-kheo, như một tấm vải thanh tịnh, trong sạch, một người thợ nhuộm nhúng tấm vải ấy vào thuốc nhuộm này hay thuốc nhuộm khác – hoặc xanh, hoặc vàng, hoặc đỏ, hoặc tía – vải ấy sẽ được màu nhuộm tốt đẹp, sẽ được màu nhuộm sạch sẽ. Vì sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì tấm vải được trong sạch. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cõi thiện chờ đợi một tâm không cấu uế.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những cấu uế của tâm? Tham dục, tà tham [2] là cấu uế của tâm, sân là cấu uế của tâm, phẫn là cấu uế của tâm, hận là cấu uế của tâm, hư ngụy, não hại, tật đố, xan tham, man trá, khi cuống, ngoan cố, cấp tháo, quá mạn, kiêu, phóng dật là cấu uế [3] của tâm. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nghĩ rằng: “Tham dục, tà tham là cấu uế của tâm,” và sau khi biết vậy, vị ấy đoạn trừ tham dục, tà tham cấu uế của tâm; nghĩ rằng: “Sân là cấu
 

[1] Cõi ác: đây chỉ cho địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
[2] Tham dục là sự tham đắm đối với sở hữu của mình. Tà tham là tham đắm đối với sở hữu của người khác.
[3] Hán tạng nói đến 21 tâm uế: tà kiến, phi pháp dục, ác tham, tà pháp, tham, sân, thụy miên, điều hối, nghi hoặc, sân triền, bát ngũ kiết, xan, tật, khi cuống, du siểm, vô tàm, vô quý, mạn, đại mạn, mạn ngạo, phóng dật (Đại. 1. 575b).

uế của tâm,” và sau khi biết vậy, vị ấy đoạn trừ sân, cấu uế của tâm;... phẫn... hận... hư ngụy, não hại, tật đố, xan tham, man trá, khi cuống, ngoan cố, cấp tháo, mạn, quá mạn, kiêu...; nghĩ rằng: “Phóng dật là cấu uế của tâm,” và sau khi biết vậy, vị ấy đoạn trừ phóng dật, cấu uế của tâm. Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo biết được: “Tham dục, tà tham là cấu uế của tâm,” tham dục, tà tham cấu uế của tâm được diệt trừ, sân... phẫn... hận... hư ngụy, não hại, tật đố, xan tham, man trá, khi cuống, ngoan cố, cấp tháo, mạn, quá mạn, kiêu...; khi nào Tỷ-kheo biết được: “Phóng dật là cấu uế của tâm,” phóng dật cấu uế của tâm được diệt trừ, Tỷ-kheo ấy thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Phật: Ngài là bậc Thế Tôn, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Điều Ngự Trượng Phu, Vô Thượng Sĩ, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn; vị ấy thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Pháp: Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, thiết thực hiện tại, không có thời gian, [1] đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, [2] được người có trí chứng hiểu; vị ấy thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với chúng Tăng: diệu hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn; trực hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn; như lý hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn; chánh hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám vị. [3] Chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Đến giai đoạn này,[4] đối với vị ấy có sự từ bỏ, có sự diệt trừ, có sự giải thoát, có sự đoạn trừ, có sự xả ly. Vị ấy tự nghĩ: “Ta thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Thế Tôn,” và chứng được nghĩa tín thọ, [5] chứng được pháp tín thọ, [6] chứng được hân hoan liên hệ đến pháp, từ hân hoan, hỷ sanh, từ hỷ thân được khinh an, thân khinh an, cảm giác được lạc thọ, với lạc thọ, tâm được thiền định. Vị ấy tự nghĩ: “Ta thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Pháp,” và chứng được nghĩa tín thọ, chứng được pháp tín thọ, chứng được hân hoan liên hệ đến pháp, từ hân hoan, hỷ sanh, từ hỷ thân được khinh an, thân khinh an, cảm giác được lạc thọ, với lạc thọ, tâm được thiền định. Vị ấy tự nghĩ: “Ta thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Tăng,” và chứng được nghĩa tín thọ, chứng được pháp tín thọ,
 

[1] akālika: không thuộc thời gian, quả xảy ra tức thì, không có khoảng cách thời gian.
[2] Hướng thượng: tức là Niết-bàn.
[3] Bốn đôi tám vị: bốn đôi đạo và quả, 8 vị là 4 đạo và 4 quả.
[4] Yathodhi: đến giai đoạn nầy vị ấy đã đạt phẩm vị Bất lai (MA. i. 172).
[5] atthaveda: nghĩa tín thọ. MA. i. 172 giải thích có ba veda: gantha là bài luận văn; ñāṇa là trí; somanassa là tâm hỷ.
[6] Dhammaveḍa.
chứng được hân hoan liên hệ đến pháp, từ hân hoan hỷ sanh, từ hỷ, thân được khinh an, thân khinh an, cảm giác được lạc thọ, với lạc thọ, tâm được thiền định. Vị ấy tự nghĩ: “Đến giai đoạn này, đối với Ta, có sự từ bỏ, có sự diệt trừ, có sự giải thoát, có sự đoạn trừ, có sự xả ly,” và chứng được nghĩa tín thọ, chứng được pháp tín thọ, chứng được hân hoan liên hệ đến pháp, từ hân hoan, hỷ sanh, từ hỷ, thân khinh an, thân khinh an, cảm giác được lạc thọ, với lạc thọ, tâm được thiền định.
Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo, giới như vậy, [1] pháp như vậy, [2] tuệ như vậy, nếu có ăn đồ khất thực với gạo thơm, hạt đen được vất đi, với các món canh, với các món ăn khác cũng không vì vậy trở thành một chướng ngại cho vị ấy. Này các Tỷ-kheo, như một tấm vải cấu uế, nhiễm bụi, nếu bỏ trong nước sạch, trở thành thanh tịnh sạch sẽ, như bỏ vào lò lửa trở thành thanh tịnh sạch sẽ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo, giới như vậy, pháp như vậy, tuệ như vậy, nếu có ăn đồ khất thực với gạo thơm, hạt đen được vất đi, với các món canh, với các món ăn khác cũng không vì vậy trở thành một chướng ngại cho vị ấy.
Vị ấy an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Biến mãn một phương với tâm câu hữu với bi... (như trên)... với tâm câu hữu với hỷ... (như trên)... biến mãn một phương với tâm câu hữu với xả, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân.
Vị ấy biết: “Có cái này, [3] có cái hạ liệt, [4] có cái cao thượng, [5] có sự giải thoát vượt qua các tưởng.” Do vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, tâm được giải thoát khỏi hữu lậu, tâm được
 

[1] Chỉ cho sự tu tập (kāya) của Giới luật, liên hệ đến quả Bất lai.
[2] Sự tu tập (kāya) của thiền định cũng như sự tu tập của trí tuệ liên hệ đến Bất lai đạo. Chữ dhamma ở đây chỉ cho samādhi (định), có chỗ gọi là citta.
[3] MA. i. 176 chỉ cho chứng quả A-la-hán.
[4] Khổ và Khổ tập.
[5] Chỉ cho những phương tiện đoạn trừ khổ.

giải thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã giải thoát, sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.” Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là Tỷ-kheo đã được tắm rửa với sự tắm rửa nội tâm.
Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Sundarikabhāradvāja đang ngồi không xa Thế Tôn. Rồi Bà-la-môn Sundarikabhāradvāja bạch Thế Tôn:
– Tôn giả Gotama có đi đến sông Bāhukā để tắm rửa không?
– Này Bà-la-môn, sông Bāhukā là gì? Sông Bāhukā có làm được lợi ích gì?
– Tôn giả Gotama, sông Bāhukā được nhiều người xem là có khả năng giải thoát. Tôn giả Gotama, sông Bāhukā được nhiều người xem là có khả năng đem lại công đức. Và nhiều người đã gội sạch các ác nghiệp trong sông Bāhukā.
 Rồi Thế Tôn nói lên những bài kệ sau đây cho Bà-la-môn  Sundarikabhāradvāja:
Trong sông Bāhukā
Tại Adhikakkā,
Tại cả sông Gayā
Và Sundarikā,
Tại Sarassatī
Và tại Payāga,
Tại Bahumatī,
Kẻ ngu dầu thường tắm,
Ác nghiệp không rửa sạch.
Sông Sundarikā,
Có thể làm được gì?
Payāga làm gì?
Cả sông Bāhukā?
Không thể rửa nghiệp đen
Của kẻ ác gây tội.
Đối kẻ sống thanh tịnh,
Ngày nào cũng ngày tốt, [1]
 

[1] phaggu: là một ngôi sao lành, nên phaggu được dịch là tốt lành. Theo truyền thống Bà-la-môn, ai tắm sông trong tháng phaggu được trừ sạch mọi tội lỗi.

Với kẻ sống thanh tịnh,
Ngày nào cũng ngày lành, [1]
Các tịnh nghiệp thanh tịnh,
Luôn thành tựu (thiện) hành.
Này vị Bà-la-môn,
Chỉ nên tắm ở đây,
Khiến mọi loài chúng sanh,
Được sống trong an ổn.
Nếu không nói dối trá,
Nếu không hại chúng sanh,
Không lấy của không cho,
Có lòng tín, không tham,
Đi Gayā làm gì,
Gayā một giếng nước?
Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn Sundarikabhāradvāja bạch Thế Tôn:
– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày. Nay con quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y Tăng. Mong con được xuất gia với Tôn giả Gotama! Mong con được thọ đại giới!
Bà-la-môn Sundarikabhāradvāja được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới. Trong thời gian ngắn sau khi thọ đại giới, Tôn giả Bhāradvāja sống độc cư, không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần và không bao lâu sau khi tự thân chứng ngộ với thượng trí, chứng đắc và an trú ngay trong hiện tại Vô thượng cứu cánh phạm hạnh, mà vì mục đích này các Thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy đã thắng tri: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.” Như vậy, Tôn giả Bhāradvāja trở thành một vị A-la-hán nữa.
 

[1] Uposatha: ngày Bố-tát, được xem là ngày tốt lành.

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm