Ăn chay, kiêng dùng các loại thực phẩm động vật, là một hành vi nuôi sống có cân nhắc của phần lớn những người con Phật. Xuất phát từ những lời dạy đầy từ tâm của đấng Giác ngộ, người Phật tử quyết định chọn lối sống ăn chay như một cách thái vâng theo lời dạy của bậc Đạo sư, đồng thời thể hiện tâm thái hiểu biết, tôn trọng sự sống và hạnh phúc của muôn loài chúng sinh. Tùy vào nhân duyên mà người Phật tử có thể sắp xếp việc ăn chay theo các lịch biểu khác nhau, càng nhiều càng tốt; nhìn chung, ăn chay có hiểu biết là một thói quen tốt cho lối sống tu học thiện pháp, tích tập công đức của người con Phật.
Kinh Pháp cú dạy như vầy:
Chớ chê khinh điều thiện,
Cho rằng chưa đến mình,
Như nước nhỏ từng giọt,
Rồi bình cũng đầy tràn;
Người trí chứa đầy thiện,
Do chất chứa dần dần [1].
“Như nước nhỏ từng giọt”, người con Phật luôn luôn biết trân trọng chắt chiu từng hành vi thiện, từng việc làm tốt trong đời sống của mình.
Bậc Giác ngộ khuyên mọi người tôn trọng sự sống và hạnh phúc của muôn loài vì một lẽ duy nhất: Tất cả chúng sinh đều yêu quý sự sống, lo sợ sự chết, mong muốn hạnh phúc và chán ghét khổ đau [2].
Ngài chứng ngộ sự thật này qua kinh nghiệm tự thân:
“Tâm ta đi cùng khắp,
Tất cả mọi phương trời,
Cũng không tìm thấy được,
Ai thân hơn tự ngã.
Tự ngã đối mọi người,
Quá thân ái như vậy;
Vậy ai yêu tự ngã,
Chớ hại tự ngã người”[3].
Trong bản kinh dạy cho những người gia chủ ở Veludvàra, Đức Thế Tôn khuyên nhắc như vầy:
“Này các Gia chủ, hãy suy nghĩ và thực hành như sau: ‘Ta muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ. Nếu có ai đến đoạt mạng sống của ta, một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý đối với ta. Nhưng nếu ta đoạt mạng sống một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý đối với người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho một người khác?’. Do suy tư như vậy, vị ấy từ bỏ sát sanh, khuyến khích người khác từ bỏ sát sanh, nói lời tán thán từ bỏ sát sanh”[4].
Trong một vài văn cảnh khác, đấng Giác ngộ nói rõ cho các đệ tử mình về kết quả lợi lạc của nếp sống không sát sanh, tôn trọng sự sống của muôn loài:
“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại”[5].
“Này Thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông, từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy được trường thọ. Con đường ấy đưa đến trường thọ, này Thanh niên, tức là từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình”[6].
Như vậy, ngay trong chế độ sinh hoạt ăn uống hàng ngày, người Phật tử đã có thể thực tập lời Phật dạy, nghĩa là quyết tâm thực hành chế độ ăn chay nhằm tu tâm dưỡng tánh và nuôi lớn đức từ bi bằng cách suy nghĩ và cân nhắc chín chắn về tâm lý chung của chúng sinh là tham sống, sợ chết, thích an lạc, ghét khổ đau. Hơn thế, theo lời dạy của đấng Giác ngộ thì không một chúng sinh nào chưa từng làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị, làm con trai hay làm con gái của các chúng sinh khác ở trong vòng sinh tử luân hồi[7]. Điều này càng củng cố niềm tin của người Phật tử về mối liên hệ thâm tình giữa các chúng sinh, đồng thời khuyến khích vị ấy mở rộng tâm từ bi thương tưởng đến muôn loài hữu tình. Rõ ràng, người có cân nhắc và tôn trọng tâm lý ái lạc ái ngã của hết thảy chúng sinh thì luôn luôn có thái độ thận trọng và tinh tế trong mọi sinh hoạt. Ăn chay, một hành vi hiền thiện có cân nhắc chín chắn, đổ đầy tâm từ bi đối với sự sống và hạnh phúc của muôn loài như thế hẳn nhiên là một nếp sống cao đẹp, hiền thiện, đưa đến công đức an lạc, mang lại quả lành cho người thực hành. Thế giới ăn chay, không sát sanh, hẳn là một thế giới tỉnh táo và nhân bản.
Đáng chú ý rằng căn bản của việc ăn chay là nhằm nuôi dưỡng và thể hiện tâm từ bi thương tưởng đến các loài hữu tình. Ngày xưa, Đức Phật và các Tỷ-kheo nuôi sống thân mạng theo hạnh khất thực; hàng ngày quần chúng có lòng thương quý cúng dường, đặt vào bình bát loại thức ăn gì thì chư vị hoan hỷ thọ dụng loại thức ăn ấy, không hề có sự phân biệt chọn lựa. Việc sinh sống bằng hạnh khất thực không cho phép các ngài chọn lựa món ăn và các tinh xá chưa có bếp núc nấu nướng thức ăn riêng cho người xuất gia. Nhưng dù không tự chủ về chế độ nuôi sống, Đức Phật và các Tỷ-kheo tuyệt nhiên không thọ dụng các loại thực phẩm động vật bị giết hại chỉ vì mục đích cúng dường cho mình[8]. Chư vị thực hành nếp sống tiết độ trong ăn uống, chú tâm giác sát việc thọ thực với ý thức “thọ dụng thức ăn không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị tổn hại, để hỗ trợ cho đời sống tu tập”[9]. Với tâm tư chánh niệm tỉnh giác như vậy, chư vị thọ dụng món ăn một cách chân chánh đúng pháp, không rơi vào lỗi lầm. Trong một cuộc đàm đạo với quan ngự y Jìvaka, Đức Phật xác định rõ nguyên tắc và phương pháp nuôi sống hàng ngày của Ngài và chư vị xuất gia:
“Bạch Thế Tôn, con nghe nói như sau: ‘Vì Sa-môn Gotama, họ giết hại các sinh vật. Và Sa-môn Gotama (tuy) biết thế (vẫn) dùng các loại thịt được giết vì mình và được làm cho mình”. Bạch Thế Tôn, những ai nói như sau: “Vì Sa-môn Gotama, họ giết hại các sinh vật. Và Sa-môn Gotama (tuy) biết thế (vẫn) dùng các loại thịt được giết (vì mình) và được làm cho mình’, bạch Thế Tôn, những người ấy có nói chính lời Thế Tôn, họ không xuyên tạc Thế Tôn không đúng sự thật, họ trả lời đúng pháp, thuận pháp, và những ai như pháp, thuyết đúng (pháp), thuận (pháp) không có thể quở trách?
“Này Jìvaka, những ai nói như sau: ‘Vì Sa-môn Gotama, họ giết hại các sinh vật. Và Sa-môn Gotama (tuy) biết thế (vẫn) dùng các loại thịt được giết (vì mình) được làm cho mình’, những người ấy không nói chính lời của Ta, họ xuyên tạc Ta, không như chân, không như thật. Này Jìvaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt không được thọ dụng: thấy, nghe và nghi (vì mình mà giết). Này Jìvaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt không được thọ dụng. Này Jìvaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt được thọ dụng: không thấy, không nghe và không nghi (vì mình mà giết). Này Jìvaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt được thọ dụng.
Ở đây, này Jìvaka, Tỷ-kheo sống dựa vào một làng hay một thị trấn nào, vị ấy biến mãn một phương với tâm có lòng từ, và an trú; cũng vậy phương thứ hai, phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân và an trú. Một người cư sĩ hay con một người cư sĩ đến Tỷ-kheo ấy và mời ngày mai thọ trai và Tỷ-kheo ấy nhận lời. Sau khi đêm ấy đã qua, Tỷ-kheo ấy vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến chỗ người cư sĩ kia hay con người cư sĩ kia. Sau khi đến, vị ấy ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Và vị cư sĩ, hay con vị cư sĩ ấy thỉnh vị ấy dùng các món ăn khất thực thượng vị. Vị Tỷ-kheo ấy không nghĩ: ‘Thật tốt lành thay, người cư sĩ này, hay con người cư sĩ này thỉnh ta dùng các món ăn khất thực thượng vị. Mong rằng người cư sĩ này, hay con người cư sĩ này trong tương lai sẽ thỉnh ta dùng các món khất thực thượng vị như vậy’. Tỷ-kheo ấy không nghĩ như vậy. Vị ấy thọ dụng các món ăn khất thực ấy, với tâm không tham trước, không tham đắm, không đam mê, thấy rõ các tai họa, ý thức rõ rệt sự xuất ly. Này Jìvaka, Ông nghĩ thế nào? Tỷ-kheo kia, trong thời gian ấy có nghĩ đến tự hại, hay nghĩ đến hại người, hay nghĩ đến hại cả hai?”.
“Thưa không, bạch Thế Tôn”.
“Này Jìvaka, Tỷ-kheo kia, trong thời gian ấy có phải dùng các món ăn không có lỗi lầm?”.
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Bạch Thế Tôn, con nghe như sau: ‘Cao thượng thay, an trú lòng từ! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn diện kiến thân chứng cho con điểm này, Bạch Thế Tôn, Thế Tôn an trú lòng từ”.
“Này Jìvaka, cái gọi là tham, là sân, là si, do đó sân hận khởi lên, tham ấy, sân ấy, si ấy được Như Lai đoạn trừ, chặt cho đến tận gốc, làm cho như thân cây tala, khiến không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Này Jìvaka, nếu như vậy là ý nghĩa Ông muốn nói, thời Ta đồng ý với Ông”.
“Bạch Thế Tôn, như vậy thật là ý nghĩa con muốn nói”.
...
“Này Jìvaka, người nào vì Như Lai, hay vì đệ tử Như Lai mà giết hại sinh vật, người ấy chất chứa nhiều phi công đức do năm nguyên nhân. Khi người ấy nói như sau: ‘Hãy đi và dắt con thú này đến’, đó là nguyên nhân thứ nhứt, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Con thú ấy, khi bị dắt đi, vì bị kéo lôi nơi cổ, nên cảm thọ khổ ưu, đó là nguyên nhân thứ hai, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Khi người ấy nói: ‘Hãy đi và giết con thú này’, đó là nguyên nhân thứ ba, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Khi con thú ấy bị giết, cảm thọ khổ ưu, đây là nguyên nhân thứ tư, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Khi người ấy cúng dường Như Lai hay đệ tử Như Lai một cách phi pháp, đó là nguyên nhân thứ năm, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Này Jìvaka, người nào vì Như Lai, hay vì đệ tử Như Lai mà giết hại sinh vật, người ấy sẽ chất chứa nhiều phi công đức do năm nguyên nhân này”[10].
Như vậy, Đức Phật và Thánh chúng của Ngài không có được sự chọn lựa ăn chay giống như chúng ta ngày nay nhưng đức từ bi của chư vị rất lớn, thể hiện rõ ở các nguyên tắc chấp nhận hay không chấp nhận thọ dụng các thực phẩm động vật, ở phương pháp chánh niệm tỉnh giác trong lúc thọ thực và qua những lời dạy ngăn cấm việc sát hại sinh vật làm món ăn cúng dường. Chư vị giác ngộ tuyệt nhiên không sát sanh, cũng không gián tiếp gây nên việc sát hại chúng sinh trong đời sống hàng ngày. Nói cách khác, vào thời Phật chưa có quan niệm ăn chay giống như chúng ta ngày nay, nhưng việc ăn uống hàng ngày của Phật và các Tỷ-kheo được cân nhắc kỹ theo nguyên tắc không làm tổn hại đến các loài sinh vật hữu tình. Kinh Kùtadanta thuộc tuyển tập Trường bộ và vài nơi khác trong Tăng chi bộ [11] xác nhận các vị A-la-hán không tham dự các buổi lễ cúng tế trong đó có trâu bò bị giết, có dê cừu bị giết, có gà heo bị giết, có các loại sinh vật khác bị sát hại. Họ chỉ tham dự các tế đàn không có sát hại các sinh vật, những tế đàn được tiến hành chỉ với dầu, sanh tô, thục tô, mật và đường miếng.
Là một người chứng ngộ rốt ráo (liễu tri) về mọi nỗi khổ của chúng sinh, Đức Phật tỏ rõ tâm từ bi rộng lớn đối với muôn loài hữu tình, kể cả các sinh vật nhỏ bé và các loài cây cỏ. Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, bậc Giác ngộ tuân thủ một nguyên tắc không đổ thức ăn dư thừa (không xả rác) tại chỗ có cỏ xanh hay bỏ xuống chỗ nước có côn trùng sinh sống[12], vì như Ngài đã xác nhận: “Này Sàriputta, Ta an trú lòng từ cho đến trong một giọt nước với tâm tư: ‘Mong rằng Ta không làm hại một chúng sanh nhỏ nào trong những ác đạo của chúng’”[13].
Trong bản kinh Từ bi, Ngài khuyên các môn đệ mình thực hành nếp sống từ bi với lời lẽ như vầy:
“Mong mọi loài chúng sanh,
Được an lạc, an ổn,
Mong chúng chứng đạt được,
Hạnh phúc và an lạc.
Mong tất cả những ai,
Hữu tình có mạng sống,
Kẻ yếu hay kẻ mạnh,
Không bỏ sót một ai,
Kẻ dài hay kẻ lớn,
Trung, thấp, loài lớn, nhỏ,
Loài được thấy, không thấy,
Loài sống xa, không xa,
Các loài hiện đang sống,
Các loài sẽ được sanh,
Mong mọi loài chúng sanh,
Sống hạnh phúc an lạc.
Mong rằng không có ai,
Lường gạt, lừa dối ai,
Không có ai khinh mạn,
Tại bất cứ chỗ nào,
Không vì giận hờn nhau,
Không vì tưởng chống đối,
Lại có người mong muốn,
Làm đau khổ cho nhau.
Như tấm lòng người mẹ,
Đối với con của mình,
Trọn đời lo che chở,
Con độc nhất mình sanh.
Cũng vậy đối tất cả,
Các hữu tình chúng sanh,
Hãy tu tập tâm ý,
Không hạn lượng, rộng lớn.
Hãy tu tập từ tâm,
Trong tất cả thế giới,
Hãy tu tập tâm ý,
Không hạn lượng, rộng lớn,
Phía trên và phía dưới,
Cũng vậy cả bề ngang,
Không hạn chế, trói buộc,
Không hận, không thù địch.
Khi đứng, hay khi đi,
Khi ngồi, hay khi nằm,
Lâu cho đến khi nào,
Khi đang còn tỉnh thức,
Hãy an trú niệm này,
Nếp sống này như vậy,
Được đời đề cập đến,
Là nếp sống tối thượng”[14].
Nhìn chung, ăn chay là một tập tục hay, một thiện nghiệp, thể hiện tâm thái hiểu biết và tôn trọng sự sống của người con Phật, có công năng nuôi lớn đức từ bi mang lại nhiều công đức phước báo cho người thực hành. Bản kinh Tướng Trường bộ ghi nhận Thế Tôn ra đời có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, trong đó nhiều hảo tướng được thành tựu nhờ công đức nuôi dưỡng tâm từ bi cứu giúp các loài hữu tình. Kinh Ngủ gục Tăng chi bộ cũng đề cập sự kiện trước khi trở thành bậc Chánh đẳng giác, Đức Phật từng hưởng phước báo nhiều lần làm vua chư Thiên và Chuyển luân Pháp vương nhờ công đức thực hành đức từ bi:
“Ta thắng tri rằng, này các Tỷ-kheo, các công đức được làm lâu ngày có quả dị thục, có sự hình thành khả ái, khả hỷ, khả ý lâu ngày. Trong bảy năm Ta tu tập từ tâm, sau khi tu tập từ tâm bảy năm, trong bảy thành kiếp hoại kiếp, Ta không trở lui lại thế giới này. Khi thế giới ở trong thành kiếp, này các Tỷ-kheo, Ta đi đến thế giới Quang Âm thiên. Khi thế giới ở trong kiếp ấy, này các Tỷ-kheo, Ta là Phạm thiên, là Đại phạm thiên, vị Chiến thắng, vị Vô năng thắng, vị Biến tri, vị Tự tại. Ba mươi sáu lần, này các Tỷ-kheo, Ta là Thiên chủ Sakka. Nhiều lần bảy lần, Ta là vị Chuyển luân vương theo Chánh pháp, là vị Pháp vương, bậc Chiến thắng bốn phương, đạt được sự thanh bình cho quốc độ, đầy đủ bảy món báu”[15].
Người Phật tử học theo hạnh Phật chọn chế độ ăn chay tức là đã thực thi nguyên tắc thứ nhất và cũng là căn bản nhất trong các nguyên tắc đạo đức được nhấn mạnh trong đạo Phật: Giới hạnh không sát sanh. Chẳng những tự mình không sát sanh, việc ăn chay của người con Phật còn gián tiếp khuyến khích người khác từ bỏ sát sanh. Đó là một thiện nghiệp, một hạnh tu hết sức giản dị mà sáng suốt, đổ đầy tâm từ bi, đưa đến tự lợi và lợi tha, tích tập nhiều công đức mang lại phước báu lợi lạc cho người con Phật, như bậc Giác ngộ đã xác chứng:
“Vị Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh, khuyến khích người khác từ bỏ sát sanh, nói lời tán thán từ bỏ sát sanh, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại”[16].
Chú thích:
1.Kinh Pháp cú, kệ số 122.
2. Kinh Pháp cú, kệ số 129-13.
3. Kinh Mallikà, Tương ưng bộ.
4. Kinh Những người ở Veludvàra, Tương ưng bộ.
5. Kinh Nguồn nước công đức, Tăng chi bộ.
6. Kinh Tiểu nghiệp phân biệt, Trung bộ.
7. Kinh Me, Cha, Anh, Chi, Con trai, Con gái, Tương ưng bộ.
8. Kinh Jìvaka, Trung bộ.
9. Kinh Tất cả lậu hoặc, Trung bộ.
10. Kinh Jìvaka, Trung bộ.
11. Kinh Ujjaya, Kinh Udàyi, Tăng chi bộ.
12. Kinh Thừa tự pháp, Trung bộ.
13. Đại kinh Sư tử hống, Trung bộ.
14. Kinh Từ bi, Kinh Tập, Tiểu bộ.
15. Kinh Ngủ gục, Tăng chi bộ.
16. Kinh Nguồn nước công đức, Tăng chi bộ.