Ách (yoga) có nghĩa là sự gắn kết, dính mắc, sự trói buộc, thường được dùng trong kinh Phật để chỉ những gì trói buộc chúng sinh, kết dính chúng sinh, giam cầm chúng sinh trong vòng luân hồi khổ đau gọi chung là khổ ách. Khổ ách (dukkhayoga) cũng là một thuật ngữ Phật học dùng để nói về sự hiện hữu của con người trong cuộc đời, không gì khác là sự hiện hữu của khổ đau[1], sự hiện hữu gắn liền với khổ đau, đi đôi với khổ đau, bị khổ trói buộc, bị khổ chi phối, không tránh khỏi khổ đau.
Con người được xem là kẻ mang gánh nặng khổ[2] đau , bởi đã sinh ra ở đời thì ai cũng phải chịu cảnh già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, phát sinh do tính chất thay đổi, biến hoại, bất an của sự kiện hiện hữu. Bởi bản thân sự hiện hữu là một gánh nặng khổ đau, gắn kết với khổ đau, không tránh khỏi khổ đau, được xem như là một ách nạn (yoga); do vậy, những người học tu theo giáo pháp giác ngộ của Phật với mục đích giải thoát khổ đau sanh tử luân hồi được gọi là những kẻ “cần cầu vô thượng an ổn (Niết-bàn) khỏi các khổ ách” (appattamànaso anuttaram yogakkhemam patthayamàno)[3].
Thế nào là khổ ách hay những gì trói buộc chúng sinh, kết dính chúng sinh, giam cầm chúng sinh trong khổ đau?
Đức Phật nói cho chúng ta có bốn nguyên nhân khiến chúng sinh rơi vào khổ đau, bị khổ đau trói buộc, bị khổ đau chi phối, không tránh được khổ đau, gọi là bốn ách, gồm dục ách, hữu ách, kiến ách và vô minh ách. Bậc Giác ngộ dạy rõ:
“Này các Tỳ-kheo, có bốn ách này. Thế nào là bốn? Dục ách, hữu ách, kiến ách, vô minh ách.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là dục ách?
Ở đây, này các Tỳ-kheo, có hạng người không như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại, sự xuất ly của các dục. Do không như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại, sự xuất ly của các dục, nên dục tham, dục hỷ, dục luyến, dục đam mê, dục khát, dục não, dục chấp thủ, dục ái trong các dục chiếm đóng và tồn tại. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là dục ách.
Và thế nào là hữu ách?
Ở đây, này các Tỳ-kheo, có người không như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại, và sự xuất ly của các hữu. Do không như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại và sự xuất ly của các hữu, nên hữu tham, hữu hỷ, hữu luyến, hữu đam mê, hữu khát, hữu não, hữu chấp thủ, hữu ái trong các hữu xâm chiếm và tồn tại. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là hữu ách.
Và thế nào là kiến ách?
Ở đây, này các Tỳ-kheo, có người không như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại, sự xuất ly của các kiến. Do không như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại và sự xuất ly của các kiến, nên kiến tham, kiến hỷ, kiến luyến, kiến đam mê, kiến khát, kiến não, kiến chấp thủ, kiến ái trong các kiến xâm chiếm và tồn tại. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là kiến ách.
Và thế nào là vô minh ách?
Ở đây, này các Tỳ-kheo, có người không như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại, sự xuất ly của sáu xúc xứ. Do không như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại, sự xuất ly của sáu xúc xứ, nên vô minh, vô trí trong sáu xúc xứ xâm chiếm và tồn tại. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là vô minh ách.
Đây là dục ách, hữu ách, kiến ách và vô minh ách.
Bị trói buộc bởi các ác bất thiện pháp, các phiền não, các pháp bị tái sanh, phiền nhiễu, các quả khổ dị thục trong tương lai, bởi sanh già, chết, do vậy được gọi là không an ổn khỏi các ách”[4].
Như vậy, có bốn nguyên nhân (bốn ách) trói buộc, khiến chúng sinh rơi vào khổ đau, bị giam cầm trong khổ đau, bị khổ đau chi phối, không thoát khỏi khổ đau, khổ trong hiện tại và khổ trong tương lai, trong các đời sau:
1. Không hiểu biết đúng đắn hay không như thật tuệ tri về các dục (sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, cảm xúc êm dịu hay tài, danh, sắc, thực, thùy) nên chúng sinh rơi vào tham đắm và chấp trước các dục (sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái), xem chúng là của mình. Đó là nguyên nhân thứ nhất trói buộc chúng sinh vào khổ đau, gọi là dục ách (kàma-yoga).
2. Không hiểu biết đúng đắn hay không như thật tuệ tri về các hữu (dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu) nên chúng sinh rơi vào tham ái và chấp trước các hữu (sự hiện hữu hay tái sanh trong các cõi dục giới, sắc giới, vô sắc giới). Đó là nguyên nhân thứ hai khiến chúng sinh không thoát khỏi khổ đau, gọi là hữu ách (bhava-yoga).
3. Không hiểu biết đúng đắn hay không như thật tuệ tri về các tà kiến hay nhận thức sai lầm (dục kiến[5], thường kiến, đoạn kiến) nên chúng sinh rơi vào tham ái và chấp trước các tà kiến (dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ). Đó là nguyên nhân thứ ba trói buộc chúng sinh vào khổ đau, gọi là kiến ách (ditthi-yoga).
4. Không hiểu biết đúng đắn hay không như thật tuệ tri về vô minh (không hiểu biết về sáu xúc xứ - sáu nội xứ (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với sáu ngoại xứ (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) làm phát sinh các cảm thọ, thọ đưa đến ái, ái đưa đến thủ, thủ đưa đến hữu, hữu đưa đến sanh, sanh đưa đến già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, nên chúng sinh bị vô minh che lấp, bị tham ái trói buộc, phải chịu cảnh lưu chuyển tái sinh. Đó là nguyên nhân thứ tư khiến chúng sinh không thoát khỏi khổ đau, gọi là vô minh ách (avijjà-yoga).
Đáng chú ý rằng đạo Phật nói đến khổ (dukkha) hay khổ ách (dukkha-yoga) sở dĩ có mặt và hiện hành là do chúng sinh thiếu hiểu biết về bốn nguyên nhân trói buộc gọi là dục ách, hữu ách, kiến ách và vô minh ách; chính bốn nguyên nhân hay bốn ách này tạo ra khổ đau, làm duyên cho sự tái sinh, tạo nên các mắt xích trói buộc chúng sinh trong vòng luân hồi khổ đau. Hẳn nhiên, không có ai gây khổ đau cho ai cả; chỉ do thiếu hiểu biết về dục, về hữu, về tà kiến, về vô minh, về vị ngọt, sự nguy hại và sự thoát ly khỏi chúng, bị bốn ách này chi phối và trói buộc, mà chúng sinh thành ra mê lầm rơi vào thích thú khổ đau, ôm ấp khổ đau, tự mời gọi khổ đau, tự buộc mình vào khổ ách, phải chịu cảnh khổ đau sanh tử luân hồi.
Tuy nhiên, Đức Phật dạy khổ do duyên sinh và khổ cũng do duyên diệt. Khổ hay khổ ách sở dĩ có mặt và hiện hành là do con người thiếu hiểu biết về dục, về hữu, về tà kiến, về vô minh, rơi vào thích thú, hân hoan, chấp trước đối với dục, đối với hữu, đối với tà kiến, đối với vô minh, tức những điều kiện đưa đến tái sinh, khiến khổ đau: sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não tiếp tục sinh khởi và hiện hành. Vì thế, để dứt trừ khổ đau, thoát khỏi khổ ách, thì con người cần phải có sự hiểu biết đúng đắn về dục, về hữu, về tà kiến và về vô minh, nghĩa là phải thấy rõ lý sanh diệt, vị ngọt (assàda), sự nguy hiểm (àdìnava) và sự xuất ly (nissarana) của dục, của hữu, của tà kiến và của vô minh thì mới không bị các ách này chi phối và trói buộc khiến mình phải sống trong khổ đau và tiếp tục mê lầm mời gọi khổ đau. Đức Phật gọi sự hiểu biết đưa đến rời bỏ các dục, các hữu, các tà kiến và vô minh như vậy là phương pháp thoát ly khổ ách, đưa đến vô thượng an ổn, Niết-bàn. Bậc Giác ngộ dạy rõ:
“Này các Tỳ-kheo, có bốn ly ách này. Thế nào là bốn? Ly dục ách, ly hữu ách, ly kiến ách, ly vô minh ách.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là ly dục ách?
Ở đây, này các Tỳ-kheo, có hạng người như thật quán
tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại và sự xuất ly của các dục. Do như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại, sự xuất ly của các dục, nên dục tham, dục hỷ, dục luyến, dục đam mê, dục khát, dục não, dục chấp thủ, dục ái trong các dục không xâm chiếm và tồn tại. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là ly dục ách.
Và thế nào là ly hữu ách?
Ở đây, này các Tỳ-kheo, có người như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại và sự xuất ly của các hữu. Do như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại và sự xuất ly của các hữu, nên hữu tham, hữu hỷ, hữu luyến, hữu đam mê, hữu khát, hữu não, hữu chấp thủ, hữu ái trong các hữu không xâm chiếm và tồn tại. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là ly hữu ách.
Và thế nào là ly kiến ách?
Ở đây, này các Tỳ-kheo, có người như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại và sự xuất ly của các kiến. Do như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại và sự xuất ly của các kiến, nên kiến tham, kiến hỷ, kiến luyến, kiến đam mê, kiến khát, kiến não, kiến chấp thủ, kiến ái trong các kiến không xâm chiếm và tồn tại. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là ly kiến ách.
Và thế nào là ly vô minh ách?
Ở đây, này các Tỳ-kheo, có người như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại và sự xuất ly của sáu xúc xứ. Do như thật quán tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại và sự xuất ly của sáu xúc xứ, nên vô minh, vô trí trong sáu xúc xứ không xâm chiếm và tồn tại. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là ly vô minh ách.
Đây là ly dục ách, ly hữu ách, ly kiến ách và ly vô minh ách.
Không bị trói buộc bởi các ác bất thiện pháp, các phiền não, các pháp bị tái sanh, phiền nhiễu, các quả khổ dị thục trong tương lai, bởi sanh già, chết, do vậy được gọi là an ổn khỏi các ách”[6].
Như thật quán tri về dục ách, hữu ách, kiến ách và vô minh ách tức là tập trung nhận diện một cách đúng đắn về bốn nguyên nhân trói buộc và giam cầm chúng sinh trong vòng khổ đau trầm luân, thấy rõ tính chất sanh diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của chúng để sinh tâm nhàm chán, buông bỏ, dứt trừ các nguyên nhân gây nên khổ đau.
Trước hết, phải thấy rằng các dục, các hữu, các tà kiến và vô minh có năng lực trói buộc và giam hãm chúng sinh trong vòng luân hồi khổ đau, nhưng chúng là các pháp do duyên sinh và do duyên diệt, giả hợp, không thực có, không thường hằng, không tồn tại mãi và do vậy chúng có thể được nhiếp phục, đi đến đoạn diệt. Chúng có vị ngọt, tức các dục, các hữu, các tà kiến và vô minh có sự ngon ngọt và hấp dẫn đối với chúng sinh, khiến cho chúng sinh trở nên thích thú, ham muốn, đam mê, muốn nắm giữ, muốn ôm ấp chúng. Chúng là nguy hiểm, vì dục, hữu, tà kiến và vô minh là các nhân tố mê lầm đưa đến tái sanh, gây nên khổ đau, đáng sợ hãi, đáng nhàm chán, cần phải xa lánh, cần phải trừ bỏ. Chúng có sự xuất ly, nghĩa là do không hiểu rõ tính chất nguy hại của dục, hữu, tà kiến và vô minh nên chúng sinh rơi vào thích thú chúng, thân thiện với chúng, nương tựa vào chúng, biến chúng thành món ăn trong đời sống hàng ngày, bị chúng mê hoặc và trói buộc; nhưng một khi hiểu ra bản chất nguy hại của chúng và nỗ lực dứt bỏ thì chúng không còn lý do tồn tại, không còn chi phối đời sống của chúng sinh, không còn trói buộc chúng sinh vào vòng luẩn quẩn khổ đau.
Nhận thức đầy đủ hay như thật quán tri về bốn nguyên nhân mê lầm trói buộc chúng sinh trong vòng luẩn quẩn khổ đau như thế thì con người bắt đầu đặt để những bước đi ra khỏi khổ đau, thoát ly khổ ách, do không còn mê lầm muốn ôm ấp những thứ tạo nên khổ đau. Đây chính là sự sanh khởi của Chánh kiến, tức sự nhận thức sáng suốt, có chức năng mở đường cho lối sống tỉnh giác ra khỏi khổ đau nhờ phát huy các phẩm chất giác ngộ tự nội gồm có Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Nói cách khác, đó là lẽ sống tỉnh táo và sáng suốt, có công năng dứt trừ các nguyên nhân gây nên khổ đau là dục ách, hữu ách, kiến ách và vô minh ách.
Chánh kiến nghĩa là hiểu rõ hay nhận thức rõ những nguyên nhân gây nên khổ đau, tức dục ách, hữu ách, kiến ách, vô minh ách; thấy rõ chúng có vị ngọt, có sự nguy hiểm và có sự xuất ly; nghĩa là chúng có công năng lối cuốn chúng sinh vào thế giới mê lầm khổ đau nhưng chúng có thể được trừ diệt, không còn gây khổ đau, một khi con người có sự hiểu biết đúng đắn hay như thật quán tri về chúng và quyết tâm dứt trừ chúng.
Tiếp tục suy tư về khổ hay khổ ách đang đè nặng lên đời sống của chính mình để tìm ra phương cách giải quyết khổ đau, dứt trừ khổ ách, gọi là Chánh tư duy. Điều này bao hàm cả việc suy tư, thẩm sát đầy đủ về tính chất trói buộc nguy hại của dục, hữu, tà kiến và vô minh đi đôi với ý chí quyết tâm dứt bỏ các ý tưởng và lối sống mê lầm liên hệ đến dục, hữu, tà kiến và vô minh, nỗ lực thực thi lối sống chân chánh có khả năng nhiếp phục và dứt trừ khổ ách tức các trói buộc của dục, hữu, tà kiến và vô minh.
Có nhận thức chân chánh và suy tư chân chánh thì thể hiện ra lời nói chân chánh, hành động chân chánh và sinh sống chân chánh, tức sự thực thi Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng. Nghĩa là người có nhận thức và suy nghĩ sâu sắc về khổ và khổ ách thì sẽ có những lời nói chín chắn, những việc làm đúng đắn và việc mưu sinh chân chính, không liên hệ đến dục, hữu, tà kiến và vô minh, không bị dục, hữu, tà kiến và vô minh chi phối và sai sử khiến cho cuộc sống thành ra sai lầm hoặc rơi vào xấu ác.
Người có ý chí dứt trừ khổ ách thể hiện qua nhận thức chân chánh, tư duy chân chánh, nói năng chân chánh, hành động chân chánh, sinh sống chân chánh cùng với các pháp môn tu tập khác gắn liền với quyết tâm thoát ly khổ ách thì gọi là người thực hành Chánh tinh tấn. Vị ấy tinh cần từ bỏ các bất thiện pháp và nỗ lực tu tập các thiện pháp với mục đích dứt trừ dục, hữu, tà kiến và vô minh. Nói cách khác, đó là ý chí của một người có nhận thức và suy nghĩ sâu sắc về tính chất trói buộc nguy hại của dục, hữu, tà kiến và vô minh nên quyết tâm thực hành lời Phật dạy nhằm hạn chế, nhiếp phục và đoạn trừ các nguyên nhân gây nên khổ đau.
Tiến sâu hơn vào con đường dứt trừ dục ách, hữu ách, kiến ách và vô minh ách, vị ấy chú tâm quán niệm hay Thiền quán về khổ đau và nguyên nhân gây nên khổ đau, nhận thức rõ tính chất duyên sinh, giả hợp, biến hoại, hư huyễn, không thực có của khổ đau cũng như của những yếu tố tạo nên khổ đau gọi là thực hành Chánh niệm. Sự tu tập này có công năng thiết lập chánh niệm, duy trì năng lực tỉnh thức, phát huy tiềm lực trong sáng của nội tâm, đưa đến sự chứng tri như thật về bản chất vô thường, khổ, vô ngã của tất cả pháp, thành tựu trí tuệ thể nhập, đạt đến tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
Để hỗ trợ cho phương pháp quán niệm với mục đích phát triển trí tuệ đưa đến đoạn tận các nguyên nhân gây nên khổ đau, vị hành giả cần phải thực tập uốn nắn và làm trong sạch nội tâm thông qua việc nỗ lực loại bỏ các cấu uế làm rối mờ tâm thức (năm triền cái: tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi ngờ) và phát huy các yếu tố đưa đến định tâm (năm Thiền chi: tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm) gọi là thực hành Thiền định. Sự tu tập này cốt yếu là để chuyển hóa và thanh lọc nội tâm, làm cho tâm được trong sáng và an tịnh, khiến cho tâm trở nên chuyên chú, tịch tịnh, không dao động, vắng sạch các tà niệm, tạp niệm và vọng niệm, đạt đến định tĩnh, nhất tâm. Chính trên nền tảng của tâm định tĩnh đạt được thông qua các cấp độ Thiền chứng (Thiền thứ nhất, Thiền thứ hai, Thiền thứ ba, Thiền thứ tư) mà hành giả có thể vận dụng pháp môn quán niệm sâu sắc về các pháp để đạt đến sự thấy biết như thật về bản chất duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã của các pháp nhằm cắt đứt tập quán tham ái và chấp thủ (đối với dục, hữu, tà kiến và vô minh), đạt được tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
Nhìn chung, Bát Thánh đạo là đường lối tu tập có công năng dứt trừ dục ách, hữu ách, kiến ách, vô minh ách, đưa đến chấm dứt khổ đau sanh tử luân hồi. Đó là lối sống cao đẹp, có công năng phát huy đầy đủ các tiềm năng giác ngộ hay các phẩm chất tốt đẹp nhất ở bên trong con người, khiến cho con người dần dần đạt đến hoàn thiện về giới đức, tâm đức và tuệ đức, thể hiện nếp sống giải thoát, không còn bị trói buộc bởi các dục, hữu, tà kiến và vô minh, chấm dứt hoàn toàn mọi hệ lụy khổ đau, không còn tái sanh hay sanh tử luân hồi.
Chú thích:
1. Kinh Gánh nặng, Tương Ưng Bộ.
2. Kinh Gánh nặng, Tương Ưng Bộ.
3. Kinh Pháp môn căn bản, Trung Bộ.
4. Kinh Các ách, Tăng Chi Bộ.
5. Đại kinh Pháp hành, Trung Bộ, đề cập một số Sa-môn, Bà-la-môn ôm ấp tà kiến rằng không có lỗi trong việc thụ hưởng các dục; Kinh Xà dụ, Trung Bộ, nêu trường hợp Tỷ- kheo Arittha rơi vào tà kiến khi cho rằng thụ hưởng các dục không nguy hiểm, không chướng ngại.
6. Kinh Các ách, Tăng Chi Bộ.
Theo Văn hoá Phật giáo số 261 ngày 15-11-2016