I. Đôi điều về Thiền định
Thực ra, rất khó định nghĩa về Thiền, về Định một cách khái quát. Thiền (Phạn: dhyana, Pali: jhàna) có nghĩa là tư duy, tập trung tâm ý, tĩnh lặng, thông hội tâm mình với ngoại cảnh; từ đó hành giả tập trung vào một đề tài, một đối tượng đấy là định (Phạn Samadhi). Như thế, nếu không kể đến mức độ sâu cạn, thì thiền định là phương cách tư duy của mọi người, thuộc một tôn giáo hay không tôn giáo nào, chứ không riêng của Phật giáo.
Trước và trong thời Đức Phật, các tu sĩ Ấn Độ cũng đã rất quen thuộc với Thiền định và rất nhiều vị đã đạt trình độ cao, đã đạt được một số thần thông. Tam vô lậu học của Phật giáo bao gồm Giới luật, Thiền định và Trí tuệ. Như vậy, tu học Phật pháp, là tu sĩ hay tín đồ Phật giáo, đều phải thực hành Thiền định. Khoảng một ngàn năm sau thời Đức Phật, truyền thuyết kể rằng Tổ Bồ-đề-đạt-ma, vị Tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ và là Sơ tổ của Thiền tông Trung Hoa, đưa Thiền tông vào Trung Quốc, truyền cho Nhị tổ Huệ khả. Dòng Thiền được nối tiếp qua Tam tổ Tăng Xán, Tứ tổ Đạo Tín, Ngũ tổ Hoằng Nhẫn và Lục tổ Huệ Năng. Từ Lục tổ Huệ Năng, Thiền tông xuất hiện các thoại đầu, công án với những cách dạy dỗ phóng túng, quát, đánh, những hành vi kỳ đặc, khác thường... Văn học Thiền thường nhắc đến sự việc Đức Phật tại núi Linh Thứu đã đưa cành hoa lên, cả hội chúng đều im lặng, chỉ có Tôn giả Đại Ca-diếp rạng mặt mỉm cười và được Đức Phật truyền mật pháp với lời dạy: “Ta có Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng vi diệu pháp môn, bất lập văn tự giáo ngoại biệt truyền, nay trao cho Ma-ha Ca-diếp”. Giai thoại này thực ra không hề thấy chép trong kinh điển nào cả, chỉ là sự phổ biến trong văn học Thiền Trung Hoa!
Kinh điển Đại thừa là một sự triển khai tài tình, thiện xảo, sáng tạo từ kinh điển nguyên thủy, tạo triết học Phật giáo thành một nền triết học đỉnh cao. Thiền tông Trung Hoa cũng là một sự triển khai, tài tình, thiện xảo và sáng tạo từ Thiền tông Nguyên thủy. Thế nhưng sự triển khai này của Thiền tông (cũng như của Phật giáo Đại thừa) lại mang tính cường điệu hóa. Cho nên, văn học Thiền Trung Hoa có khá nhiều các sự kiện, chi tiết khó có thể thuyết phục người đọc: lắm khi lối ghi chép sự kiện pha lẫn với tính chất tiểu thuyết, tưởng tượng, thậm chí hoang đường, hoặc đôi khi có vẻ hung bạo: ví dụ, Nhị tổ tự chặt tay, đứng suốt đêm ngoài tuyết để cầu đạo, Nam Tuyền chém mèo để dạy chúng, Câu Chi chặt đứt ngón tay của chú tiểu... Ngay cả tôn chỉ “bất lập văn tự” trong Pháp bảo Đàn kinh cũng không nhất quán: Tổ Huệ Năng vẫn giảng kinh Kim Cương, Bát-nhã, Niết-bàn, Duy-ma-cật..., vẫn giảng nghĩa các thuật ngữ tiếng Phạn, và nhất là yêu cầu các đệ tử ghi chép “Pháp bảo Đàn kinh” do Tổ nói để phổ biến, cứu đời... Các tông phái Thiền từ Tổ Huệ Năng trở về sau cũng không khác gì nhau về nội dung tu tập: đó là sự triển khai kinh Đại thừa, trong một cung cách đặc biệt: vô ngã, vô niệm, vô đắc, không, bất nhị, phá chấp, tâm ấn, đốn ngộ, sự tự tại, thong dong, vô vi... gần như của triết lý Lão Trang.
Thiền tông Việt Nam cũng mang nội dung và hình thức tương tợ như vậy.
Thiền tông Việt Nam được truyền từ Thiền tông Trung Hoa, tất nhiên là chịu ảnh hưởng rất lớn của Thiền tông Trung Hoa và cũng tất nhiên có một số khác biệt.
II. Các Thiền phái tại Việt Nam
Như trên đã nói, tu học Phật pháp là phải tu học và thực hành Thiền định. Từ thế kỷ thứ I Tây lịch, đạo Phật đã du nhập vào Giao Châu do các nhà sư Ấn Độ theo thuyền buôn. Đây chỉ là tư tưởng Phật giáo của người bình dân. Nhưng đến thế kỷ II hoặc đầu thế kỷ III, khi trung tâm Phật giáo Luy Lâu được thành lập, chùa Phật ở Giao Châu đã có vài trăm và kinh điển đã được phổ biến, dịch thuật ra Hán ngữ, hoặc sáng tác, chú giải, luận giải như Lý hoặc luận, Lục độ Tập kinh, Nê-hoàn Phạm bối... Đáng chú nhất là Khương Tăng Hội, gốc người Sogdiane, đã dịch Lục độ Tập kinh ra chữ Hán vào đầu thế kỷ III và các sách luận giải, chú sớ của ngài như Pháp Cảnh kinh, Đạo Thọ kinh, An-ban thủ ý (đề tựa)... Đây là các kinh sách đề cập đến Thiền định rất sâu sắc.
Trước thời Khương Tăng Hội, đất Giao Châu đã có hàng trăm chùa, nghĩa là Thiền tông đã có mặt tại vùng châu thổ sông Hồng và đến thời Khương Tăng Hội thì Thiền học đã có phần đậm đà bản sắc. Thế nhưng chưa có chứng cứ cụ thể nào để xác định ngài Khương Tăng Hội khai sơn ở đâu, mở Pháp hội nào, truyền pháp cho ai, vị nào kế tục ngài... Ta cũng không thấy tài liệu nào gọi ngài là Tổ thiền của một tông phái.
Lịch sử Phật giáo Việt Nam ghi nhận cụ thể các vị Đại Thiền sư từ Trung Hoa sang Việt Nam, đến một ngôi chùa Việt, thành lập một tông phái Thiền và được xem là Tổ. Các tông phái này được kế thừa bởi nhiều thế hệ nhưng về sau có sự ảnh hưởng qua lại giữa tông phái này và tông phái khác, nhiều vị sư thuộc tông phái này lại đến tu tập, chung cư với các vị thuộc tông phái khác. Càng về sau, ý niệm về tông phái không còn đậm đà. Hiện nay, ý nghĩa tông phái tại các tự viện không còn sâu đậm, không mang nét đặc thù của từng tông phái.
1. Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi
Ngài Vinitaruci (Nam Ấn) sang Trung Hoa năm 562, là đệ tử của Tam tổ Trung Hoa là Tăng Xán. Đại sư sang Việt Nam năm 580 đến chùa Pháp Vân, gặp Sư Pháp Hiền đang dạy chúng và truyền pháp cho Pháp Hiền. Thiền phái Tỳ-ni-đa- lưu-chi kể từ Pháp Hiền nối tiếp được 18 thế hệ.
Đại sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi giảng Thiền của Tổ Tăng Xán, vị Tổ nổi danh với bài “Tín tâm minh”, biểu lộ tính tự tại, vô chấp, vô cầu. Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi cũng được xem là có nội dung tu tập gồm Thiền tông và Mật tông. Có lẽ các học giả về sau căn cứ vào sự việc Tỳ-ni-đa-lưu- chi dịch kinh Tượng đầu (tư tưởng Thiền) và Siêu việt hữu vô và kinh Tổng trì (tư tưởng Mật).
Các vị Đại sư kế tục Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, ngoài tư tưởng Thiền, còn có những vị nghiêng về Mật tông, với sấm ký, pháp thuật như Sùng Phạm, Vạn Hạnh, Từ Đạo Hạnh, Pháp Thuận...
2. Thiền phái Vô Ngôn Thông
Đại sư Vô Ngôn Thông là người Quảng Châu, Trung Quốc, từng ngộ pháp từ câu nói của Đại sư Bách Trượng Hoài Hải (thuộc thế hệ thứ 3 từ sau Lục tổ Huệ Năng). Năm 820, Đại sư từ Quảng Châu sang Việt Nam, đến chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng ở Bắc Ninh truyền pháp cho ngài Cảm Thành. Thiền phái Vô Ngôn Thông bắt nguồn từ đó, truyền được 16 thế hệ sau khi ngài Vô Ngôn Thông tịch, tức gồm tất cả 17 thế hệ.
Thiền phái này chú trọng sự đốn ngộ, Phật chính là tâm, bất nhị, vô đắc. Có lẽ phương pháp thoại đầu thiền là rõ nét nhất trong việc giáo hóa, truyền pháp của Thiền phái Vô Ngôn Thông: Các thiền sư phái này như Thiện Hội (thế hệ 3), Định Hương (thế hệ 7), Ngộ Ấn (thế hệ 9). Ngoài ra, cần kể một nét đẹp, đặc sắc của Thiền phái này là các thiền sư thường là những nhà thơ thiền, dùng thơ để giải đáp cho người vấn đạo, mở đầu cung cách nêu thoại đầu bằng thi ca về sau, tạo thành nét đẹp, đặc sắc trong văn học Thiền Việt Nam: Thiền Lão (thế hệ 7), Viên Chiếu (thế hệ 8), Trí Bảo (thế hệ 11), Tịnh Không (thế hệ 11).
3. Thiền phái Thảo Đường
Đại sư Thảo Đường là người Trung Hoa, đệ tử của Thiền sư Tuyết Đậu (lịch năm 1052). Tuyết Đậu, đệ tử của Đại sư Vân Môn Văn Uyển (864 – 949) là một Thiền sư, một bậc trí giả Phật học, tác giả của nhiều tác phẩm trong đó nổi tiếng nhất là bộ Tuyết Đậu ngữ lục. Ngài Thảo Đường thuộc thế hệ thứ 8 của dòng Thanh Nguyên Hành Tư, tức là thuộc thế hệ thứ 9 của Lục tổ Huệ Năng. Trong lúc hành hóa ở Chăm-pa, Đại sư Thảo Đường bị vua Lý Thánh Tông trong lúc đem quân chinh phạt Chăm-pa bắt làm tù binh (năm 1069) và đem về Đại Việt. Tại đây người ta phát hiện ngài là vị Đại sư, tài trí, đức độ cao vời, được vua phong làm Quốc sư. Từ đó, ngài trụ trì chùa Khai Quốc tại kinh thành Thăng Long, lập ra Thiền phái Thảo Đường của Việt Nam, gồm 6 thế hệ, trong đó các Đại sư Bát Nhã (thế hệ 2), Không Lộ, Định Giác (thế hệ 3) là các đại sư nổi tiếng.
Thiền phái Thảo Đường không có ảnh hưởng lâu dài nhưng so với thời trước đó, đây là Thiền phái trí thức, gồm vua quan và một số cư sĩ trí thức. Điều đáng lưu ý là Thiền phái này có sự dung hợp với Thiền phái Vô Ngôn Thông và một phần có sự ảnh hưởng của Mật tông, ví dụ trường hợp của Bát Nhã và Đại Điên vốn đã có từ Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi và Thiền phái Vô Ngôn Thông.
4. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
Tổ khai sơn của Thiền phái Yên Tử là Đại sư Hiện Quang (mất năm 1220), tu ở chùa Lục Tổ do Đại sư Thiền Chiếu (Thiền phái Vô Ngôn Thông) trụ trì, về sau tham học với các ngài Trí Không, Pháp Giới rồi khai sơn núi Yên Tử, thường được gọi là Trúc Lâm Đại Sa-môn được phong làm Quốc sư. Từ đó, truyền thống Trúc Lâm Yên Tử được hình thành.
Đại sư Hiện Quang tịch, nối tiếp truyền thống Trúc Lâm là Đạo Viên (thầy của vua Trần Thái Tông). Đại Đăng (thầy của vua Trần Thánh Tông), Tiêu Diêu (thầy của Tuệ Trung), Huệ Tuệ, Trúc Lâm (tức Trần Nhân Tông), Huyền Quang, Pháp Loa... cho đến Vô Phiền; tổng cộng là 23 vị. Năm thế hệ đầu của truyền thống Trúc Lâm Yên Tử nổi bật về cung cách tu tập Thiền tông chỉ gồm vua Trần Thái Tông và Tuệ Trung thượng sĩ, nhưng hai vị này là cư sĩ và không cụ thể truyền pháp cho ai. Sự truyền thừa chỉ gần như là nối nghiệp trụ trì. Đến Trúc Lâm Đầu đà Điều ngự Trần Nhân Tông, vị vua anh minh, anh hùng, vị Thái Thượng hoàng cao quý, bỏ ngai vàng để thành Sa-môn, Đại Thiền sư, lập Thiền am trên núi Yên Tử, trở thành vị Tổ của 17 Đại sư thuộc 17 thế hệ sau của truyền thống Trúc Lâm.
Đất nước và Phật giáo Đại thừa phát triển mạnh mẽ, rực rỡ nhất vào thời nhà Trần, tức vào thời Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được thành lập. Nội dung thực hành chủ yếu nhằm vào tư tưởng của Trần Thái Tông, Tuệ Trung, Sơ tổ Trúc Lâm, Nhị tổ Pháp Loa và Tam tổ Huyền Quang: Phật tại tâm, Chân tâm, Bất nhị, Sự thong dong tự tại, Ý nghĩa Truyền tâm, Truyền Y bát. Đặc biệt, Thiền phái này có lối ứng cơ tiếp vật qua các thoại đầu, chen lẫn thơ ứng khẩu nhưng nội dung thực hành thì không khác với Thiền tông Trung Hoa, lại có sự pha trộn ít nhiều với Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi và Vô Ngôn Thông.
Do việc mở mang đất nước, chống ngoại xâm của Trúc Lâm Sơ tổ Trần Nhân Tông mà nhiều nhà nghiên cứu hiện nay cho rằng Thiền học đời Trần, cụ thể là Trúc Lâm Yên Tử, mang màu sắc dân tộc, lòng yêu nước, ý chí độc lập tự cường... Thiết nghĩ, quan niệm như thế quả là không phù hợp với Thiền.
Đáng tiếc là thời kỳ hưng thịnh này của Thiền phái Trúc Lâm không kéo dài được bao lâu, 15 thế hệ sau Tam tổ Huyền Quang không thấy có hoạt động gì ngoài việc chỉ được nêu pháp danh pháp tự của mỗi một người thuộc một thế hệ!
Một số học giả cho rằng Thiền sư Chơn Nguyên (mất 1722) đã phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vì ngài là người được truyền thừa y bát Trúc Lâm, ngoài việc ngài và các đệ tử trú tại Trúc Lâm và các ngôi chùa của phái này và trùng san một số sách đời Lý Trần; điều này không vững vàng và cũng không thấy chủ trương tu tập của ngài giống với Trúc Lâm. Gần đây, Hòa thượng Thích Thanh Từ, bậc cao tăng trí tuệ và đức độ, từ 1971 đến 2011 đã xây dựng khoảng 40 Thiền viện. Các Thiền viện này tạo được không khí an tịnh, trang nghiêm giống như các chùa Thiền ngày xưa; nhiều người cho rằng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được khôi phục. Nhưng, qua sinh hoạt của các Thiền viện (đặc biệt là các Thiền viện Trúc Lâm mới được tạo lập) vẫn không mang sắc thái của truyền thống Trúc Lâm và chư Tăng đang tu tập tại những nơi này cũng không thuộc dòng Thiền Trúc Lâm.
5.Thiền phái Lâm Tế
Một số sách về lịch sử Thiền Việt Nam ghi rằng từ thời chúa Nguyễn Hoàng (1559-1513), khoảng mười vị sư từ Trung Quốc sang Việt Nam, đến các tỉnh Quảng Trị, Thuận Hóa (Huế), Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên... lập chùa, phần lớn là thuộc dòng Thiền Lâm Tế. Thuận Hóa là kinh đô nên nhiều thiền sư đến hoằng hóa. Đáng kể nhất là Đại sư Minh Hoằng Tử Dung (nguyên quán Quảng Đông, đời thứ 34 dòng Lâm Tế) khai sơn cùa Ấn Tôn, truyền Thiền Lâm Tế cho Đại sư Liễu Quán vào năm 1708. Ngài Liễu Quán (mất năm 1793) trở thành Tổ của dòng Lâm Tế Việt Nam và thuộc thế hệ 35 dòng Lâm Tế, người xây dựng, trú trì các chùa Thiền Tông, Viên Thông ở Thuận Hóa, Hội Tông, Cổ Lâm, Bảo Tịnh tại Phú Yên. Thiền phái này vẫn theo truyền thống truyền tâm, truyền công án, thoại đầu.
Đến nay, Thiền phái này vẫn tồn tại nhiều nhất tại Thừa Thiên Huế. Đại sư Nhất Hạnh, xuất thân từ chùa Từ Hiếu, thuộc thế hệ thứ 8 dòng Liễu Quán và thứ 42 dòng Lâm Tế, người đã phát triển Thiền Việt Nam ở hải ngoại, trở thành vị Thiền sư nổi tiếng khắp thế giới.
Trước kia có Đại sư Nguyên Thiều (phái Lâm Tế) và Đại sư Thạch Liêm (phái Tào Động) đến Đại Việt, nhưng hai vị này dựng chùa, giảng Phật pháp chứ chưa thấy tài liệu ghi nhận việc lập Thiền phái Lâm Tế hay Tào Động...
6. Thiền phái Tào Động
Thiền phái Tào Động khởi từ phép tu của Động Sơn Lương Giới và Tào Sơn Bổn Tịch (thế kỷ IX) ở Trung Hoa, quan điểm của phái này được tượng trưng bằng nghiêng và thẳng. Thẳng là tuyệt đối, chân không pháp thân, nghiêng là tương đối hiện tượng diệu hữu. Thẳng và nghiêng vốn là một.
Tổ Thiền phái Tào Động Việt Nam là Đại sư Thủy Nguyệt (1636-1704), quê ở Thái Bình, sang Trung Quốc tu học. Đến năm 1667, sau ba năm ở Trung Quốc, ngài về nước, trú tại chùa Vọng Lão, huyện Đông Triều, Hải Dương. Đại sư thành lập Thiền phái Tào Động tại Đàng Ngoài, phát triển mạnh mẽ hơn 100 năm. Về sau, tuy Thiền phái này không còn mạnh như trước, có dấu hiệu lụi tàn dần nhưng không bị mai một. Đến ngày nay còn khá nhiều chùa và chư Tăng Ni thuộc Thiền phái Tào Động ở nhiều tỉnh thành miền Bắc.
III. Tổng quan về các Thiền phái ở Việt Nam
Các Thiền phái Việt Nam đều xuất phát từ các Thiền phái Trung Hoa, dĩ nhiên mang đậm tính chất Thiền Trung Hoa và dĩ nhiên cũng có đặc điểm riêng của Thiền Việt Nam. Những đặc điểm ấy là gì?
1. Thiền Việt Nam không phân biệt các đặc điểm của từng Thiền phái, không phải vì các Đại sư Trung Hoa theo Thiền phái nào của Trung Hoa mà các Thiền phái Việt Nam phải theo đúng phương cách tu tập của Thiền phái ấy. Hơn nữa, các Đại sư Trung Hoa đến Việt Nam để hành đạo, thuyết giảng giáo lý Đại thừa chứ không nhằm phát triển Thiền phái của các ngài.
2. Từ hai ngàn năm qua, các chùa Việt Nam là chùa Phật giáo Đại thừa; trong thế kỷ XX, các chùa thuộc Phật giáo Nam tông, Khất sĩ Việt Nam, Phật giáo Hòa Hảo xuất hiện. Tất cả các chùa đều có tụng kinh, niệm Phật, hành thiền (tu Phật thì phải có hành thiền), không phân biệt chùa thuộc Thiền phái nào.
3. Thiền tông Việt Nam không chú trọng “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” mà chú trọng vào sự tĩnh lặng, an định tâm thức để tiến đến sự lĩnh hội tâm mình, nhận biết khổ, vô ngã, vô thường mà Đức Phật đã dạy.
4. Thiền Việt Nam “nhẹ nhàng, hiền lành” chứ không có những cách đối cơ tiếp vật “kỳ khu, khốc liệt” như Thiền Trung Hoa. Có lẽ đây cũng là do sự kết hợp giữa tâm tính của người Việt, do sự kết hợp chặt chẽ của Thiền và Tịnh.
5. Thiền phái không phải là yếu tố quan trọng ở Việt Nam mà sự kế tục vị Thầy tổ khai sơn của một chùa, các đệ tử về sau thành lập chùa riêng; và ngôi chùa đầu tiên, được gọi là Tổ đình, không mang ý nghĩa của một Thiền phái. Ý nghĩa Thiền phái hầu như không còn trong Tăng-già mà chỉ tồn tại của các dòng thầy trò kể từ vị sư khai sơn một chùa.
6. Các Đại Thiền sư Việt Nam thường là thi sĩ, những học giả tạo tác nhiều tác phẩm nghiên cứu, luận giảng Phật học. Các công trình của chư vị đã đóng góp lớn lao cho văn học Phật giáo và văn học Việt Nam nói chung.
Thời đại mới, quan niệm về Thiền cũng có phần đổi mới, ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam và có lẽ ở hầu hết tự viện trên thế giới của bớt đi, hoặc chấm dứt sự quan trọng của Thiền phái. Cung cách trao truyền, công án, thoại đầu, tâm ấn... của Tổ sư Thiền (Trung Quốc) cũng hầu như đã mai một. Thiền Việt Nam cũng vậy. Hiện nay có nhiều trung tâm dạy Thiền theo cung cách của các Thiền sư thời đại mới, không chú trọng gì đến Tổ sư Thiền của Trung Quốc và của Việt Nam; và số Tăng, Ni, cư sĩ... tham gia học tập và thực hành Thiền là khá đông đảo.
Nguồn: Les écoles de méditation au Vietnam; bài tham luận tại Hội thảo “La méđitation et les écoles Bouddhiques de méditation” tại Paris, ngày 4-7-2017.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, I,II,III, Nxb Văn Học, 1992.
2. Thích Mật Thể, Lược sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Minh Đức, 1960.
3. Trần Văn Giáp, Le Buddhism an Annam, Tuệ Sỹ dịch, Đại học Vạn Hạnh, 1967.
4. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, 1999.
5. Nguyễn Đăng Thục, Thiền học Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, 1997.
6. Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb TP.HCM, 1999.
7. Thích Thanh Từ, Kinh Pháp Bảo Đàn giảng giài, Nxb Tôn Giáo, 2003.
8. Thích Thanh Kiểm, Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Nxb TP.HCM, 1991.
9. Vô Môn Huệ Khai, Vô môn quan, Trần Tuấn Mẫn dịch, Nxb Lá Bối, 1972.
10. Tứ đại Thiền gia ngữ lục, Trần Tuấn Mẫn dịch và chú, Nxb Phương Đông, 2006.