Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Chữ Hiếu: Vẫn đi tìm một định nghĩa

Chúng ta thường nghe rất nhiều lời than phiền gần đây về tình trạng thờ ơ của con cái với cha mẹ, thậm chí là ngược đãi, đối xử tàn nhẫn, với rất nhiều chuyện kể đau lòng trên báo chí. Nhưng thử hỏi chúng ta đã giáo dục những gì cho trẻ thơ để chúng biết hiếu kính ông bà cha mẹ khi nhà trường còn mải tập trung cho những môn học phức tạp và những chủ đề “vĩ đại” hơn!
Mục lục
Ảnh: Internet

Chúng ta thường nghe rất nhiều lời than phiền gần đây về tình trạng thờ ơ của con cái với cha mẹ, thậm chí là ngược đãi, đối xử tàn nhẫn, với rất nhiều chuyện kể đau lòng trên báo chí. Nhưng thử hỏi chúng ta đã giáo dục những gì cho trẻ thơ để chúng biết hiếu kính ông bà cha mẹ khi nhà trường còn mải tập trung cho những môn học phức tạp và những chủ đề “vĩ đại” hơn!

Hiếu là sự sòng phẳng

Hãy bắt đầu dạy trẻ về sự sòng phẳng. Khi nhận hay vay của ai cái gì thì phải trả lại một cách thích ứng và đúng đắn. Có câu chuyện nước ngoài kể về một đứa trẻ luôn mặc cả tiền bạc với mẹ của mình cho những công việc thường ngày: cắt cỏ, 5 đô-la; dọn dẹp nhà cửa, 1 đô-la; đổ rác, 1 đô-la; học tập tốt, 5 đô-la; trông em, 25 xu... Và một hôm cậu nhận được câu trả lời nhẹ nhàng của mẹ cũng trên tờ phiếu tính tiền ấy: chín tháng mười ngày trong bụng mẹ: miễn phí; chăm sóc cầu nguyện khi con đau ốm, nhiều đêm thức trắng không ngủ: miễn phí; đồ chơi, thức ăn, quần áo, và cả nước mắt của mẹ do con gây ra: tất cả đều miễn phí; và trên tất cả là tình yêu của mẹ dành cho con: cũng hoàn toàn miễn phí. Khi đọc những dòng chữ này, cậu bé đã xúc động ghi lại: mẹ sẽ được nhận lại trọn vẹn (Paid in full). Tất cả những gì mẹ dành cho con đều xuất phát từ tình yêu cao cả, không mảy may vị lợi.

Chúng ta nhớ Kinh Thi đã viết về Hiếu đạo: “Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu sinh ngã cù lao, dục báo thâm ân, hiệu thiên võng cực” (Cha sinh ta ra, mẹ bồng bế ta, thương thay cha mẹ, sinh ta khó nhọc, muốn báo đáp ân sâu, khác nào trời cao không lường).

Cho dù bạn là ai, đều phải khắc ghi “chín chữ cao sâu” hay còn gọi là “Cù lao”: Sinh (đẻ ra), Cúc (nâng đỡ), Phủ (vuốt ve), Súc (nuôi cho bú mớm), Trưởng (nuôi cho khôn lớn), Dục (dạy dỗ), Cố (trông nom), Phục (xem tính tình mà bảo ban), Phúc (bảo vệ).

Thúy Kiều, dù lưu lạc bao năm, hy sinh bán mình vì chữ hiếu, vẫn luôn dằn vặt:

Nhớ ơn chín chữ cao sâu
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà...

Thật ra, xét đến chữ hiếu, phải nhìn cả hai phía. Có người nói rằng con cái đã báo hiếu ngay từ khi còn nhỏ rồi, khi chúng đem lại niềm vui cho cha mẹ. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thì cho rằng có đủ Bi - Hỷ - Xả trong tình yêu của cha mẹ dành cho con cái và ngược lại. Khi cha mẹ lo lắng buồn đau với những ngày con đau yếu thì đó là Bi, còn khi “... con lớn lên, đi học, lớp này lớp khác, đạt thành tích này thành tích khác trong học tập, thể thao, văn nghệ, bố mẹ nào chẳng hân hoan sung sướng nhìn con, chia sẻ cùng con nỗi mừng vui, không hề có chút lòng ganh tị! Vui cái vui của con như của chính mình, còn hơn cả của chính mình. Có phải là ‘Hỷ’ đó chăng?”, hay “... khi con lớn khôn, ra trường, có sự nghiệp, có gia đình riêng, hạnh phúc riêng, người làm cha mẹ nào cũng cảm nhận được sự bình an, hạnh phúc, thấy mình đã làm hết những gì cần làm cho con, cũng ý thức được giới hạn của mình từ đây. Dĩ nhiên, vẫn tiếp tục giúp đỡ với tấm lòng rộng mở. Có phải là ‘Xả’ đó chăng?” (Đỗ Hồng Ngọc - Cha mẹ và con cái - Từ Quang số quý 3 năm 2017).

Vậy đã sòng phẳng chưa? Chưa, vì có nhiều bậc cha mẹ tâm sự cay đắng rằng sau khi cho con sang Âu Mỹ du học, chẳng thấy con cái “điện đóm” gì , ngoại trừ khi cần trợ giúp! Có người nhẹ nhàng xem đó như quy luật muôn đời: nước mắt chảy xuống! Có người chua chát “Xem như mình mất con!”. Khi con cái cần cha mẹ lo hôn lễ thì điện báo ngày giờ cho cha mẹ bay sang hay về nước làm đám cưới rồi lại vội vã ra đi! Thậm chí có cha mẹ ở quê mà con lên thành phố cũng rơi vào trường hợp đó! Điện thoại vài ba câu là hết chuyện. Phải chăng thời buổi này công nghệ đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm hồn con người, ai nấy lạnh lùng nhắn tin, lướt mạng, trong khi chính công nghệ giúp con người tương tác nhiều hơn vì có thể nhìn thấy nhau qua messenger, facetime... Con nghèo thì nói là do sinh kế không báo hiếu được. Con giàu thì cũng bận bịu, tiếc thời gian đến thế sao? Cha mẹ già đâu cần chocolate hay i-phone, mà chỉ cần những lời thăm hỏi ân cần.

Trong bài “Chữ hiếu đơn giản lắm” của tác giả Vu Gia đăng trên Từ Quang số phát hành trong quý 3 năm 2017 có kể lại câu chuyện về Bill Gates; theo đó, ước mơ của cha mẹ Bill Gates là thấy con mình tốt nghiệp đại học. Thế nhưng, vì niềm đam mê trong lãnh vực công nghệ tin học, Bill Gates đã không thực hiện được ước mơ của cha mẹ. Gần 30 năm sau, ông trở lại trường, mài đũng quần trên ghế giảng đường đại học và năm 2007 đã tốt nghiệp đại học. Trong buổi lễ tốt nghiệp, Bill Gates đại diện cho sinh viên tốt nghiệp có bài phát biểu. Lời đầu tiên của Bill Gates, ông đã nói với tất cả những người có mặt trong buổi lễ hôm ấy, rằng ông đã chờ đợi hơn 30 năm để được nói với các đấng sinh thành ra ông, nội dung như sau: “Thưa cha, con luôn nói với cha rằng con sẽ quay trở lại và nhận tấm bằng tốt nghiệp của con”. Điều này cho thấy Bill Gates trở lại trường “dùi mài kinh sử” nhằm lấy bằng tốt nghiệp đại học chỉ là để thực hiện ước mơ đơn giản ngày nào của cha, để làm cho cha vui.

Cũng trong bài viết ấy, ở cương vị người cha, tác giả Vu Gia nghĩ rằng “Tôi không mong con cái nuôi mình, nhưng tôi rất vui khi thấy con trưởng thành. Tôi rất cám ơn con tôi đã cho tôi nhìn thấy tương lai không đen, chẳng xám, chứ không đòi hỏi con cái phải cám ơn mình. Với tôi, con cái làm cho cha mẹ vui, như thế đã tròn chữ hiếu... Chúng ta phải nghĩ như thế, phải buông bỏ thói thường thì mới vui được. Buông bỏ cũng là một cảnh giới. Oán khổ, tâm hồn oán hận, đố kỵ, lòng có oán niệm, kỳ vọng không thể được đền bù,... thường làm thương tổn đến bản thân”.

Như vậy là đã rõ: Nhìn từ hai phía, thấy hài lòng về nhau là được. Thế là sòng phẳng!

Một chữ hiếu quan trọng đang bị đối xử thiếu sòng phẳng là “hiếu với dân”. Tình trạng nhũng nhiễu, hạch sách của“một bộ phận không nhỏ”công chức khi người dân cần xin giấy phép, chứng lý lịch... bộc lộ rằng chữ hiếu này đang bị coi thường! Gần đây dư luận xôn xao việc “lạm thu” của trạm thu phí BOT Cai Lậy, dù đây chỉ là giọt nước tràn ly của những vụ việc mờ ám mà các quan chức có trách nhiệm đang buông lỏng quản lý cho những kẻ đầu nậu lộng hành. Chỉ cần search trên Google, gõ chữ “khuất tất dự án BOT” chúng ta sẽ có hàng nghìn bài viết. Nhìn chung, các bài viết đều nêu lên việc Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện không đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo quy định. Trên thực tế, trong hơn 70 dự án đầu tư theo hình thức BOT và BT tại Bộ GTVT đều không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% đều là chỉ định thầu với lý do chỉ có một nhà đầu tư tham gia hoặc do tính cấp bách của dự án nhưng không có quy trình, thủ tục đánh giá hay xác định thế nào là cấp bách (?).

Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), tại 7 dự án được thanh tra, đã phát hiện các nhà đầu tư phê duyệt sai tăng về đơn giá định mức, chế độ tiền lương, phụ cấp hoặc các yếu tố phát sinh không đúng thực tế với số tiền trên 316 tỉ đồng. Kết luận của TTCP cho biết, hầu hết các dự án BT và BOT đều thực hiện tại các khu vực giao thông trọng yếu, có mật độ tham gia giao thông lớn, đặt các trạm thu phí có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí cao, tăng nhanh, khiến người tham gia giao thông không còn sự lựa chọn nào khác (điển hình là tại Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên và Hòa Bình). Việc xác định phương án, doanh thu tài chính thiếu chính xác đã gây ra gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp tham gia giao thông vì thời gian thu phí quá dài. Phần lớn các dự án theo hình thức BOT là cải tạo tuyến đường cũ nên càng tăng tình trạng dồn tích phương tiện ở những khu vực vốn đã đông đúc không hướng tới việc mở rộng mạng lưới giao thông và phân làn hợp lý. Ngoài ra, việc xác định lưu lượng xe chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn nhưng lấy căn cứ áp dụng để thu phí cho cả thời kỳ khai thác rất dài, giá thu phí cao, điều chỉnh không hợp lý. Có dự án chưa hoàn thành (giá trị đầu tư mới 30%) nhưng giá thu phí đã tương đương dự án đầu tư mới như BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ; đặt trạm thu phí ngoài vùng dự án như BOT đèo Phước Tượng - hầm Phú Gia; dùng trạm thu phí của tuyến đường này để hỗ trợ thu phí đầu tư tuyến đường khác như BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, Xuân Mai - Hòa Bình... Chỉ riêng những dựa án BOT này đã thấy hậu quả “kinh hoàng” của việc buông lỏng hay “tiếp tay” của quan chức cho các nhà thầu lộng hành. Vậy thì chúng ta đã “bất hiếu” với dân khi cư xử thiếu sòng phẳng với những người đang nai lưng đóng thuế nuôi một bộ máy công chức hàng chục triệu người mà hiệu quả nhiều nơi còn là dấu hỏi!

Ảnh: Internet

Hiếu là nhân quả

Câu chuyện kể về một ông lão sống cùng con trai, con dâu và cậu cháu trai. Ngày còn trẻ, ông lão chăm chỉ làm việc; sau bao năm cật lực nuôi con lớn, dạy dỗ cho con trưởng thành, dựng vợ cho con; rồi cũng tới những ngày tháng ông cần nghỉ ngơi hưởng phúc tuổi già. Nhưng ông lão ngày càng yếu. Anh con trai vừa lo toan gia đình vừa chăm sóc cho người cha bệnh tật. Anh ta bỗng dần thấy chán ghét cha mình. Anh ta đan một chiếc giỏ tre thật lớn, giết một con gà rồi luộc cho cha ăn.

Người cha thấy vậy liền nói: “Con gà to thế sao con không đem ra chợ bán lấy tiền, giết cho cha ăn làm gì? Cha chỉ cần ăn cơm canh đạm bạc là được rồi”. “Không sao đâu ạ. Cha cứ ăn thật no, xong con sẽ cõng cha lên núi”. Nghe thấy con trai nói vậy thì người cha mừng ra mặt. Ông cho rằng con mình có hiếu, thấy ông lâu rồi không được lên núi ngắm cảnh nên đưa ông đi chơi. Đứa cháu trai nhỏ tuổi cũng được đưa đi theo.

Lên đến núi, người con trai đặt cha ngồi dưới bóng râm và bảo ông hãy cứ ngắm cảnh vật nơi đây. Ngay sau đó, người con liền lén lút dẫn cậu con trai nhỏ xuống núi. Sau khi về tới nhà, cậu con trai nhỏ hỏi cha: “Trời tối rồi, khi nào thì chúng ta sẽ đi lên núi đón ông nội về vậy cha?”. “Ông nội sẽ ở đó luôn, không về nữa”, người cha thản nhiên trả lời cậu con trai. Nghe bố nói thế, đứa con nhỏ ngây thơ hỏi: “Như vậy làm sao được ạ? Ông bị bệnh nặng, trời thì nóng thế này, nếu không ai chăm sóc, ông sẽ chết mất”. Người cha vẫn lạnh lùng phân trần: “Ông già rồi, có sống cũng vô ích, không cần phải quan tâm”. Đứa nhỏ ngẫm nghĩ một lúc rồi quay qua nói với cha mình: “Cho dù ông nội vô ích thì cái giỏ tre đó cũng có ích mà cha. Chúng ta hãy đi nhặt cái giỏ tre về, đợi khi cha già rồi, con cũng có thể dùng nó để cõng cha lên núi”.

Anh con trai bàng hoàng, nhận ra mình đã sai vội chạy lên núi; nhưng câu chuyện có cái kết rất buồn... Thế đấy, đứa con trai sẽ nhìn việc cha mình bỏ ông nội bơ vơ trên núi và sẽ làm như thế khi nó lớn lên...Câu chuyện mang ý nghĩa nhân quả rất rõ!

Cũng tương tự như câu truyện “Tiếng vọng” trong Chicken soup for the soul:

Có một cậu bé ngỗ nghịch thường bị mẹ khiển trách. Ngày nọ giận mẹ, cậu chạy đến một thung lũng cạnh khu rừng rậm. Lấy hết sức mình, cậu hét lớn: “Tôi ghét người”. Từ khu rừng có tiếng vọng lại: “Tôi ghét người”. Cậu hoảng hốt quay về, sà vào lòng mẹ khóc nức nở. Cậu bé không sao hiểu được từ trong rừng lại có người ghét cậu. Người mẹ nắm tay con, đưa cậu trở lại khu rừng. Bà nói: “Giờ thì con hãy hét thật to: “Tôi yêu người”. Lạ lùng thay, cậu vừa dứt tiếng thì có tiếng vọng lại: “Tôi yêu người”. Lúc đó người mẹ mới giải thích cho con hiểu: “Con ơi, đó là định luật trong cuộc sống của chúng ta. Con cho điều gì, con sẽ nhận điều đó. Ai gieo gió thì gặt bão. Nếu con thù ghét người thì người cũng thù ghét con. Nếu con yêu thương người thì người cũng yêu thương con”.

Theo giáo lý nhà Phật thì chữ hiếu trong đạo Phật trải rộng vô cùng tận vì Phật giáo quan niệm bất cứ ai cũng có thể là cha mẹ mình trong một kiếp trước. Trong kinh Tương Ưng, Phật còn nói: “Vô thỉ luân hồi, tất cả chúng sinh từng làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị, là bà con quyến thuộc trong các nẻo đường sinh tử”. Đạo lý giải thoát khổ đau, chứng ngộ Niết-bàn cũng bắt đầu từ đây... Hình ảnh rõ nhất là Mục-kiền- liên sau khi đắc thần thông, ngài nghĩ ngay đến việc cứu mẹ. Nhưng nhà Phật còn một nguyên lý tối thắng khác là nghiệp lực. Và dù có bao phép thần thông, ngài cũng không thể giúp cha mẹ vượt qua ảnh hưởng của nghiệp lực. Nhìn mẹ ăn chén cơm hóa thành than hồng, ngài hiểu rằng chỉ có người ấy mới tự mình mở cánh cửa giải thoát cho mình mà thôi.

Ở điểm này, Phật giáo khác Nho giáo. Theo Luận ngữ, “Thờ cha mẹ nên nhỏ nhẹ khuyên can, nếu thấy cha mẹ không theo ý mình thì vẫn cung kính mà không xúc phạm, tuy khó nhọc, lo buồn, song không được oán hận” (IV. 18). Trong Lễ ký, Khổng Tử vẫn luôn dạy rằng vâng lời cha mẹ là nguyên tắc tối hậu của chữ hiếu, cho dù khuyên can không được. Vậy cha mẹ sai quấy thì con cái cứ phải phục tòng (!). Trong khi đó nhà Phật chủ trương không tạo nghiệp, nhất là nghiệp ác. Con cái phải cản trở cha mẹ gây tội ác, không vì chữ “hiếu” thiển cận mà nhượng bộ! Và nhà Phật không đề cao tư tưởng báo thù cho cha mẹ, nhất là khi họ làm sai, như trong các truyện hay phim Trung Quốc thường được đề cao dưới cái nhìn Nho giáo...

Ảnh: Internet

Hiếu là từ bi

Ở một lăng kính rộng hơn, giáo lý nhà Phật dạy rằng: Đạo hiếu chính là lòng từ bi. Đạo hiếu của người Việt từ xưa có nét đặc thù riêng được đề cập trong Lục Độ Tập kinh. Hiếu đâu phải chỉ thương cha, thương mẹ là đã làm tròn hiếu đạo của một con người, mà còn phải hướng cha mẹ về đường ngay nẻo chánh, giúp cha mẹ vượt qua sai lầm, giúp nghèo cứu đói, thương nuôi quần sinh, là đứng đầu của trăm hạnh.

“Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo: ‘Này các Tỳ-kheo, con nuôi cha mẹ, bằng những thứ này: cam lộ trăm mùi, để thỏa miệng người, mọi tiếng thiên nhạc, để thích tai người, áo đẹp tuyệt vời, rực rỡ thân người, hai vai cõng người, chu du bốn biển, trả ơn dưỡng dục đến hết đời con, gọi là hiếu chăng?’. Các vị Tỳ-kheo bạch Đức Phật rằng: ‘Lạy Đức Thế Tôn, gọi là đại hiếu, còn gì hơn nữa?’.

Đức Phật lại bảo các vị Tỳ-kheo: ‘Này các Tỳ-kheo, tuy được như thế, chưa phải là hiếu, cần phải thực hành: Cha mẹ ngu tối, không kính Tam bảo; hung ngược, tàn ác, lạm trộm phi lý, dâm dật ngoại sắc, nói dối phi đạo, say sưa hoang loạn, trái lẽ chân chính, hung nghiệt như thế, con hết lòng can, để khai ngộ người. Nếu còn mê muội, chưa biết tỉnh ngộ, liền đem nhân nghĩa, khai hóa dần dần... Này các Tỳ-kheo, đời chưa có gì đáng gọi là hiếu. Làm cho cha mẹ bỏ ác làm lành, vâng giữ năm giới và ba tự quy, được thế dù rằng buổi sớm vâng giữ, buổi chiều mất đi, ơn ấy trọng hơn vô lượng công ơn nuôi nấng, bú mớm của cha mẹ mình. Nếu không biết đem giáo pháp Tam bảo, rất mực khai hóa cho cha mẹ mình, tuy là hiếu dưỡng vẫn như bất hiếu’” (Kinh Hiếu Tử - bản Việt dịch của HT.Thích Tâm Châu).

Như vậy, bản chất của Hiếu là Từ bi, không chỉ phụng dưỡng cha mẹ về mặt vật chất như Hiếu kinh mà còn phải đánh thức Tứ vô lượng tâm trong cha mẹ nếu như ta không may làm con những người thiếu đức. Cho nên thể hiện đạo hiếu của người Việt được cha ông ta dạy rất cụ thể:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Đó là giá trị nhân văn được kết tinh từ tâm hiếu thảo trong gia đình để rồi định danh cho tình đồng bào đồng lòng thiết lập để mọi người ứng xử hiếu thuận trong mọi hoàn cảnh xảy ra, trong mọi điều kiện môi trường sống, cùng nhau chia bùi sẻ ngọt, vượt qua mọi khó khăn, hướng tới hạnh phúc trong từng giai đoạn, từng thời khắc lịch sử của cả dân tộc.

Hiếu là cương thường của muôn đời

Cương thường ở đây là giềng mối ràng buộc các mối quan hệ con người với nhau. Đã không còn cái thời cổ xúy cho tam cương ngũ thường. Cái cương thường hiện nay thẩm thấu vào mối quan hệ giữa người và người, riêng và chung đó làm nội dung sinh mệnh của quốc gia và thế giới. Trong đó, nguyên tắc sinh thực quan hệ đảm bảo sự tồn tục, là then dây chốt yếu của loài người đối với thời gian mà cửa ngõ là nút quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Thiền sư Pháp Thuận từng khắc họa thông điệp thái độ sống hiếu thảo giúp nước hộ dân này bằng bài “Quốc tộ”:

Vận nước như mây quấn
Trời Nam chốn thái bình
Vô vi nơi điện các
Xứ xứ dứt đao binh”.

Nhờ vậy, nhân dân ta đã bao lần đánh thắng quân xâm lược, xây dựng quốc gia hưng thịnh, nhân dân được ấm no, đạo pháp trường tồn cho đến ngày hôm nay.

Gìn giữ đạo hiếu là gìn giữ cương thường rộng hơn giữa các thế hệ và giữa các phần tử trong xã hội. Có những tế bào yêu thương là gia đình và hiểu bản chất của hiếu như đã nói ở trên là từ bi, xã hội nhân ái sẽ vững mạnh vì những đứa con hiếu thảo chắc chắn sẽ là những công dân yêu cộng đồng và tổ quốc. Thế nên Đạo Hiếu chính là cương thường của muôn đời. Hãy nhớ và khắc ghi điều ấy!
 


Theo Văn hoá Phật giáo số 280 ngày 01-09-2017

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm