Các sự vật lôi cuốn chúng ta bằng nhiều cách vô cùng tinh tế và rất khó nhận biết. Chúng ngăn chận không cho chúng ta quán thấy được mọi sự vật đúng là như thế, bởi vì sự thu hút ấy nhất thiết chỉ là một sự lường gạt. Khi đăm mình vào cảm tính thích thú thì cũng không phải là điều khó nhận biết, nhưng khi lắng vào sự bình thản thì tâm sẽ không ý thức được là nó đang ở trong tình trạng này. Và sự bình thản vô thức ấy sẽ ngăn chận không cho chúng ta trông thấy gì một cách minh bạch được. Chính vì thế, chúng ta hãy chú tâm quán xét các cảm tính đơn thuần như là các cảm tính và gạt ra ngoài tâm thức mọi sự bám víu. Mỗi khi cảm nhận được một sự im lặng thì phải lợi dụng ngay lúc ấy, là lúc tâm thức đang khép lại, lắng xuống và không còn bị phân tán nữa, hầu biến sự bình thản đó trở thành một cơ sở giúp mình nhận biết được rõ ràng hơn thế nào là vô thường, sự bất toại nguyện và tính cách vô thực thể của mọi sự vật. Nếu tâm thức chỉ biết lắng vào sự bình thản vô thức thì nó vẫn còn chất chứa nhiên liệu bên trong nó, và như thế mỗi khi xảy ra một sự tiếp xúc giác cảm thì tức khắc ngọn lửa của sự bám víu sẽ bùng lên ngay. Do đó, các bạn phải giữ đúng nguyên tăc mà Đức Phật đã đưa ra: tập trung tâm thức trong thể dạng lắng sâu của thiền định và sau đó là hướng sự chú tâm ấy vào mục đích mang lại sự hiểu biết minh bạch về ba đặc tính vô thường, khổ và vô ngã.
Chỉ khi nào đọc được đúng đắn các dòng chữ trong tâm thức mình thì khi đó các bạn mới nhận biết được các thứ độc tố tâm thần để mà loại bỏ chúng: đấy là phép thiền định sâu xa. Tâm thức trong trường hợp này sẽ là con dao thật sắc, chỉ cần một nhát là cắt bỏ được tất cả các độc tố. Dù chúng có hiện lên trở lại thì các bạn cũng sẽ cắt phăng được chúng thật dễ dàng. Khi đã hiểu được các mánh khóe của “cái tôi” hay “cái ngã” thì việc loại bỏ nó cũng chẳng khác gì một trò đùa cợt, tương tự như lấy ngón tay ấn bẹp nó. Mỗi khi trông thấy nó thò mũi ra để đòi hỏi một thứ gì đó, thì chỉ cần quan sát xem nó muốn gì, tại sao nó lại muốn có thứ ấy, và xem nó “có quyền” đòi hỏi các thứ ấy hay không. Đấy là cách mà các bạn khắc phục và đặt nó vào khuôn phép.
Một khi đã nắm vững được sự hiểu biết như trên thì việc duy nhất còn phải làm là buông bỏ các độc tố ấy hầu mang lại sự giải thoát cho mình. Hãy tưởng tượng khi đã buông bỏ được chúng thì mình sẽ cảm thấy thoải mái đến mức độ nào! Phép luyện tập thiền định sẽ giúp mình biết dừng lại và ngăn chận không cho bất cứ một chướng ngại nào có thể bất ngờ hiện lên trong nội tâm mình. Mỗi khi các độc tố tâm thần hiện lên và đòi hỏi một thứ gì đó, chực bám víu vào một thứ gì đó, thì mình cũng không nên tham gia vào sự đùa cợt đó của chúng. Cứ để cho chúng tự tan biến đi. Chỉ cần luyện tập bằng cách không thèm biết đến những đòi hỏi của các độc tố tâm thần vừa xuất hiện cũng đủ giúp hành giả loại bỏ được rất nhiều căng thẳng và khổ đau, và khiến cho các thứ độc tố phải bị “bỏng tay”.
Nếu chúng ta biết thường xuyên khắc phục các độc tố tâm thần như cách nói trên thì sẽ khiến chúng bị lên cơn sốt, không phải là mình! Các bạn nên nhớ Đức Phật có nói một câu: Hãy ném các độc tố tâm thần vào lửa, nếu không thì chúng sẽ đốt cháy mình.
Do đó, chúng ta phải cố gắng đốt cháy ngay tất cả các độc tố tâm thần, dù chúng có oán trách mình đã ngược đãi chúng. Chúng ta cứ đóng chặt cửa nhốt chúng vào bên trong. Khi chúng không còn biết là phải làm gì nữa thì nhất định chúng sẽ quay ra oán trách mình: “Ta không còn chịu đựng mi được nữa! Ta không còn tự do làm gì thì làm!”.
Trong trường hợp đó thì các bạn cứ bình tĩnh quan sát xem chúng muốn gì? Nắm bắt những gì? Các thứ ấy ở đâu? Quan sát chúng với tất cả sự chăm chú của mình thì chúng sẽ dừng lại ngay, không còn chạy tới chạy lui hay bung ra khắp hướng nữa. Không phải là quá khó khi sai khiến các thứ bên ngoài và buộc chúng phải dừng lại, thế nhưng tự bảo mình dừng lại, hoặc ra lệnh cho các thứ độc tố tâm thần của mình không được
phép tác động mà phải dừng lại, thì sẽ không phải là một chuyện dễ. Tuy nhiên, với khả năng nhận định của mình thì chuyện đó không phải là không làm được. Nếu các bạn phát huy được sự tỉnh giác và khả năng nhận định sáng suốt thì mình cũng có thể ra lệnh cho các thứ độc tố phải dừng lại.
Không bao giờ nên nghĩ rằng mình không đủ sức làm cho các độc tố phải dừng lại. Các bạn thừa sức làm việc đó. Vấn đề tỏ ra khó khăn, chẳng qua là vì từ trước đến nay các bạn quá dại dột, cứ thả lỏng cho các độc tố tung hoành thỏa thích, và cách hành xử dại dột đó đã trở thành bản chất thứ hai của chính mình.
Vì thế, chúng ta phải biết dừng lại. Khi đã dừng lại được, thì các độc tố cũng phải dừng lại theo. Dù các độc tố - vốn là nghiệp - có hiện ra trở lại thì mình cũng bắt chúng dừng lại dễ dàng. Vậy nếu đã hiểu được như thế thì tại sao chúng ta lại không chịu luyện tập thiền định? Dù các độc tố tâm thần có ngoan cố đến đâu thì cũng chỉ cần quan sát chúng. Cứ giữ sự thân thiện và làm quen với chúng thì sớm muộn chúng cũng sẽ biến mất. Khi nào chúng biến mất thì khi đó chúng ta sẽ nhận thấy được ngay bản chất lừa phỉnh của chúng. Trước đó, chúng ta nào có ý thức được sự lường gạt ấy đâu, hễ chúng thúc dục mình làm việc gì thì mình làm ngay. Thế nhưng một khi đã thấu hiểu được bản chất của chúng thì chúng sẽ dừng lại. Chúng sẽ tan biến hết. Dù các bạn không tìm cách loại bỏ chúng thì chúng cũng sẽ tự tan biến. Khi trông thấy chúng biến mất thì tức khắc một con đường cũng sẽ mở rộng ra bên trong con tim mình. Các bạn thấy đó, chúng ta luôn luôn có cách hóa giải sự thống trị của các độc tố, dù chúng có lì lợm đến đâu đi chăng nữa. Thế nhưng các bạn cũng không nên lơ là mà phải tiếp tục cảnh giác, nếu chúng có hiện lên trở lại thì mình mới kịp thời buông bỏ chúng được.
Vì thế, tôi khuyên các bạn hãy bảo trì các khí cụ của mình thật sắc bén hầu có thể mang ra sử dụng bất cứ lúc nào. Khi nào sự nhận định của các bạn trở nên thật sắc bén trên tất cả mọi mặt thì nó cũng sẽ có thể giúp mình buông bỏ và loại trừ tận gốc rễ bất cứ một quan điểm nào. Nếu duy trì được thể dạng tâm thức đó và ý thức được là phải làm thế nào để bảo toàn được sự cảnh giác thì đấy có nghĩa là các bạn biết bảo trì các khí cụ của mình luôn sắc bén. Đến đây thiết nghĩ các bạn đã nắm vững được các nguyên tắc căn bản, và tôi cũng mong rằng các bạn hãy mang ra thực hành với tất cả khả năng và sự tỉnh giác của mình. Cầu mong các bạn luôn can đảm và kiên trì trong việc luyện tập, hầu giải thoát mình ra khỏi mọi sự bấn loạn và khổ đau, mang lại cho mình thật nhiều điều tốt lành trên mọi mặt.
Chú thích:
- Trích trong “Reading the Mind”, do Thanissaro Bikkhu dịch từ tiếng Thái, một tác phẩm ngắn của nữ cư sĩ Kee Nanayon. Tác phẩm cũng được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Pháp với tựa “Savoir Lire Notre Esprit” bởi nữ cư sĩ Jeanne Schut thực hiện.
- Kee Nanyon (1901-1978) là một nữ cư sĩ người Thái gốc Hoa, đã có lúc tu tập theo truyền thống tu trong rừng dưới sự hướng dẫn của Buddhadasa Bikkhu. Về sau, bà tự tu bổ một ngôi chùa hoang phế ở Thái Lan để tu tập và giảng pháp vì có nhiều người nghe tiếng đến xin hướng dẫn.