Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Người ngu nghĩ là ngọt

Bậc Giác ngộ nhắc nhở mọi người không nên làm điều ác vì bất cứ lý do gì, vì làm ác là biểu hiện của ngu si, thiếu trí, nô lệ cho dục vọng, đôi khi chỉ thấy cái lợi trước mắt, không lường được hậu họa lâu dài; người làm ác phải chịu ác báo, không thể viện dẫn lý do hay “đạo lý” nào để chạy chữa cho ác nghiệp của mình.
Mục lục


Đức Phật dùng những bài kệ sau đây lưu nhắc mọi người tuyệt đối không nên làm ác, vì làm ác tức là tự hại mình, tự dối gạt mình, khiến cho bản thân mình phải chịu quả đắng cay:

Người ngu nghĩ là ngọt,
Khi ác chưa chín muồi;
Ác nghiệp chín muồi rồi,
Người ngu chịu khổ đau
[1].

Nghiệp ác đã được làm,
Như sữa, không đông ngay,
Cháy ngầm theo kẻ ngu,
Như lửa tro che đậy
[2].

Người ngu si thiếu trí,
Tự ngã thành kẻ thù,
Làm ác nghiệp, không thiện,
Phải chịu quả đắng cay
[3].

Sở dĩ bậc Giác ngộ nhắc nhở mọi người không nên làm điều ác vì bất cứ lý do gì, vì làm ác là biểu hiện của ngu si, thiếu trí, nô lệ cho dục vọng, đôi khi chỉ thấy cái lợi trước mắt, không lường được hậu họa lâu dài; người làm ác phải chịu ác báo, không thể viện dẫn lý do hay “đạo lý” nào để chạy chữa cho ác nghiệp của mình[4]. Có một pháp thoại ở Tương ưng bộ ghi lời Phật nói đến vị ngọt (assàda) của ác nghiệp khiến cho chúng sinh đôi khi rơi vào mê say làm ác, thích thú làm ác, nuôi sống bằng ác nghiệp, trở thành nô lệ của dục vọng, sẵn sàng phục vụ cho cái xấu ác:

“Này Thôn trưởng, có một số Sa-môn, Bà-la-môn nói như sau, thấy như sau: “Ai sát hại sanh mạng; tất cả, ngay trong hiện tại, cảm thọ khổ ưu. Ai lấy của không cho; tất cả, ngay trong hiện tại, cảm thọ khổ ưu. Ai sống tà hạnh trong các dục; tất cả, ngay trong hiện tại, cảm thọ khổ ưu. Ai nói láo; tất cả, ngay trong hiện tại, cảm thọ khổ ưu”.

Nhưng này Thôn trưởng, ở đây, chúng ta thấy có người đeo vòng hoa, đeo bông tai, khéo tắm, khéo thoa dầu sáp, tóc râu chải chuốt, được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua. Về người này, họ hỏi:

“Này bạn, người này đã làm gì mà được đeo vòng hoa, đeo bông tai, được khéo tắm, tóc râu chải chuốt, được nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua?”

Các ông trả lời về người ấy như sau:

“Này bạn, người này đã đập tan kẻ thù nghịch của vua và đoạt mạng sống của kẻ đó. Nhà vua hoan hỷ đối với người ấy, nên đã thưởng cho người ấy. Do vậy, người này được đeo vòng hoa, được đeo bông tai, được khéo tắm, râu tóc chải chuốt, được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua”.

Nhưng này Thôn trưởng, ở đây, chúng ta thấy có người hai tay bị trói chặt ra đằng sau bởi một sợi dây thật chắc, đầu cạo trọc, với tiếng trống chát tai, được dẫn đi từ đường này qua đường khác, từ ngã tư đường này qua ngã tư đường khác, rồi được dắt ra khỏi cửa thành phía Nam, và bị chặt đầu tại cửa thành phía Nam. Về người này, họ hỏi:

“Này bạn, người này đã làm gì mà hai tay bị trói chặt ra đằng sau bởi một sợi dây thật chắc, đầu cạo trọc, với tiếng trống chát tai, được dẫn đi từ đường này qua đường khác, từ ngã tư đường này qua ngã tư đường khác, rồi được dắt ra khỏi cửa thành phía Nam, và bị chặt đầu tại cửa thành phía Nam?”

Các ông trả lời về người ấy như sau:

“Này bạn, người này là kẻ thù của vua. Người này đã đoạt mạng sống một người đàn bà hay một người đàn ông. Do vậy, người của vua bắt người này và đối xử như vậy với người này”.

Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, ông có bao giờ thấy hay nghe một người như vậy chăng?

- Bạch Thế Tôn, con từng thấy và nghe một người như vậy, và sẽ được nghe trong tương lai...

Nhưng này Thôn trưởng, ở đây, chúng ta thấy có người đeo vòng hoa, đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua. Về người này, họ hỏi:

“Người này đã làm gì mà được đeo vòng hoa, đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua?”

Các ông trả lời về người ấy như sau:

“Này bạn, người này đã đập tan kẻ thù nghịch của vua và đem về châu báu. Nhà vua hoan hỷ với người ấy nên đã thưởng người ấy. Do vậy, người này được đeo vòng hoa, được đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua”.

Nhưng này Thôn trưởng, ở đây, chúng ta thấy có người hai tay bị trói chặt ra đằng sau... và bị chặt đầu tại cửa thành phía Nam. Về người này, họ hỏi:

“Này bạn, người này đã làm gì mà hai tay bị trói chặt ra đằng sau... và bị chặt đầu tại cửa thành phía Nam?”

Các ông trả lời về người ấy như sau:

“Này bạn, người này đã từ làng hay từ ngôi rừng lấy những vật không cho, được gọi là ăn trộm. Do vậy, những người của nhà vua bắt người này và đối xử như vậy với người này”.

Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, Ông có bao giờ thấy hay nghe một người như vậy chăng?

- Bạch Thế Tôn, con từng thấy và nghe một người như vậy, và sẽ được nghe trong tương lai...

Nhưng này Thôn trưởng, ở đây, chúng ta thấy có người đeo vòng hoa, đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua. Về người này, họ nói:

“Người này đã làm gì mà được đeo vòng hoa, đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua?”

Các ông trả lời về người ấy như sau:

”Này bạn, người này có tà hạnh với những người vợ của kẻ thù nghịch của vua. Nhà vua hoan hỷ với người ấy nên đã thưởng người ấy. Do vậy, người ấy được đeo vòng hoa, được đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua”.

Nhưng này Thôn trưởng, ở đây, chúng ta thấy có người hai tay bị trói chặt ra đàng sau... và bị chặt đầu tại cửa thành phía Nam. Về người này, họ nói:

“Này bạn, người này đã làm gì mà hai tay bị trói chặt ra đằng sau... tại cửa thành phía Nam?”

Các ông trả lời về người ấy như sau:

“Này bạn, người ấy đã phạm tà hạnh với các phụ nữ và các con gái các gia đình. Do vậy, các người của nhà vua bắt người ấy và đối xử như vậy với người ấy”.

Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, ông có bao giờ thấy hay nghe một người như vậy chăng?

- Bạch Thế Tôn, con từng thấy và nghe một người như vậy, và sẽ được nghe trong tương lai...

Nhưng ở đây, này Thôn trưởng, chúng ta thấy có người đeo vòng hoa, đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua. Về người ấy, họ nỏi:

“Người này đã làm gì mà được đeo vòng hoa, đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua?”

Các ông trả lời về người ấy như sau:

“Này bạn, người này làm cho vua cười với lời nói láo. Nhà vua hoan hỷ với người ấy nên đã thưởng người ấy. Do vậy, người ấy được đeo vòng hoa, được đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua”.

Nhưng này Thôn trưởng, ở đây, chúng ta thấy có người hai tay bị trói chặt ra đàng sau... và bị chặt đầu tại cửa thành phía Nam. Về người này, họ hỏi:

“Này bạn, người này đã làm gì mà hai tay bị trói chặt ra đàng sau... và bị chặt đầu tại cửa thành phía Nam?”

Các ông trả lời về người ấy như sau:

“Này bạn, người ấy do nói láo, đã phá hại tài sản của người gia chủ hay con của người gia chủ. Do vậy, các người của nhà vua bắt người ấy và đối xử như vậy với người ấy”.

Này Thôn trưởng, ông nghĩ thế nào, ông có bao giờ thấy hay nghe một người như vậy chăng?

- Bạch Thế Tôn, con từng thấy và nghe một người như vậy, và sẽ được nghe trong tương lai...”[5].

Câu chuyện Phật nói về hai người làm ác nhận lãnh hai kết quả khác nhau ngay trong đời hiện tại cho thấy cái xấu ác đôi khi dễ làm cho con người ta mờ mắt. Cùng làm việc ác, nghĩa là sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nhưng một người thì bị trừng phạt còn người kia lại được trọng thưởng. Làm ác bị trừng phạt là lẽ thường xưa nay, nhưng làm ác mà được trọng thưởng thì rõ là lối xử sự của hạng bạo chúa, khiến cho cái xấu ác không còn biên giới rõ rệt, được khuyến khích và cổ vũ, trở thành cơ hội cho tham vọng xấu xa của con người. Lịch sử loài người từng chứng kiến lối phán xử theo kiểu hung bạo như vậy.

Đức Phật không đi sâu bình phẩm về lối hành xử có nhiều sai lầm trong các xã hội loài người. Bậc Giác ngộ chỉ nêu ra hai sự việc trái ngược để lưu nhắc mọi người rằng cái xấu ác đôi khi được tô tẩm với hương vị thơm tho ngọt ngào khiến cho chúng sinh rơi vào mê say thích thú, nhưng con người tuyệt đối chớ làm điều ác, chớ có thấy cái lợi được tưởng thưởng trước mắt mà quên đi hậu quả khổ đau không thể tránh của lối sống làm ác. Vì nghiệp ác một khi đã được làm thì sớm muộn sẽ quay lại rơi xuống đầu của kẻ làm ác. Luật nhân quả tự nhiên không chấp nhận bất kỳ sự bào chữa nào cho mọi ác nghiệp của con người.
 

Bậc Giác ngộ gọi lối sống của kẻ làm ác được trọng thưởng là “pháp hành hiện tại lạc, tương lai quả báo khổ” (dhammasamàdànam paccuppannasukham àyatim dukkhavipàkam) với lời giảng giải như vầy:

“Ở đây, này các Tỷ-kheo, đây là pháp hành hiện tại lạc, tương lai quả báo khổ. Do vô trí với pháp này, do si mê nên không biết như chân: “Đây là pháp hành hiện tại lạc, tương lai quả báo khổ”. Do vô trí với pháp này, do si mê, do không tuệ tri như chân, nên phục vụ pháp này, không tránh né pháp này. Vì phục vụ pháp này, vì không tránh né pháp này, nên đối với vị này, các pháp bất khả ái, bất khả lạc, bất khả ý tăng trưởng; các pháp khả ái, khả lạc, khả ý bị tiêu diệt. Vì sao vậy? Như vậy này các Tỷ-kheo, là vì vị ấy không có trí đối với pháp này.

Này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp hành hiện tại lạc, tương lai quả báo khổ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người với lạc, với hỷ, sát sanh và do duyên sát sanh, cảm thọ lạc và hỷ; với lạc, với hỷ, lấy của không cho và do duyên lấy của không cho, cảm thọ lạc và hỷ; với lạc, với hỷ, sống theo tà hạnh trong các dục, và do duyên sống theo tà hạnh trong các dục, cảm thọ lạc và hỷ; với lạc, với hỷ, nói lời vọng ngữ, và do duyên nói lời vọng ngữ, cảm thọ lạc và hỷ; với lạc, với hỷ, nói lời hai lưỡi, và do duyên nói lời hai lưỡi, cảm thọ lạc và hỷ; với lạc, với hỷ, nói lời ác ngữ và do duyên nói lời ác ngữ, cảm thọ lạc và hỷ; với lạc, với hỷ, nói lời phù phiếm, và do duyên nói lời phù phiếm, cảm thọ lạc và hỷ; với lạc, với hỷ, có tâm tham ái và do duyên có tâm tham ái, cảm thọ lạc và hỷ, với lạc, với hỷ, có tâm sân hận và do duyên có tâm sân hận, cảm thọ lạc và hỷ; với lạc, với hỷ, có tà kiến và do duyên có tà kiến, cảm thọ lạc và hỷ. Vị này sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ địa ngục. Như vậy, này các Tỷ-kheo, gọi là pháp hành hiện tại lạc, tương lai quả báo khổ.

Này các Tỷ-kheo, ví như một bình đồng đựng nước uống, có sắc, có hương, có vị, và nước uống ấy có tẩm thuốc độc. Rồi một người đến, muốn sống, muốn không chết, ưa muốn lạc, hiềm ghét khổ. Và có người nói với người ấy như sau: “Này bạn, bình đồng đựng nước uống này, có sắc, có hương, có vị, và nước uống ấy có tẩm thuốc độc. Nếu bạn muốn, hãy uống. Trong khi uống, bạn sẽ được thích thú về sắc, về hương, về vị. Sau khi uống, bạn có thể đi đến chết hay đau khổ gần như chết”. Người kia có thể uống, không suy nghĩ, không từ bỏ. Trong khi uống, người ấy được thích thú về sắc, về hương, về vị. Sau khi uống, người ấy có thể đi đến chết hay đau khổ gần như chết. Này các Tỷ-kheo, Ta nói pháp hành này giống như ví dụ ấy, tức là pháp hành hiện tại lạc, tương lai quả báo khổ”[6].

Như vậy, theo lời Phật thì kẻ làm ác được trọng thưởng là người ngu si, thiếu trí, chỉ thấy cái lợi được tưởng thưởng trước mắt, không thấy được hậu quả nguy hại chín muồi của ác nghiệp được tích tập, dễ dàng chấp nhận và phục vụ cái ác, sẵn sàng làm tay sai cho các thế lực xấu ác. Do cái ác được khuyến khích và tưởng thưởng, kẻ ngu si, thiếu trí ưa thích làm ác, hân hoan với lối sống làm ác, sung sướng thụ hưởng thành quả tai hại của lối sống phục vụ cái ác, bị ác nghiệp đoanh vây và khống chế, trở thành nạn nhân của cái ác. Làm ác lâu ngày với tâm thích thú hân hoan thì bị ác nghiệp trói buộc, bị chính ác nghiệp làm cho khốn đốn. Do si mê thích thú làm ác, kẻ ngu si tự biến mình thành kẻ thù, tự làm hại mình, đưa đẩy mình vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục sau khi thân hoại mạng chung bởi lối sống đổ đầy ác nghiệp.

Cũng theo lời Phật thì sở dĩ con người ta thích thú làm ác đến độ phải rơi vào bất hạnh khổ đau là vì cái ác đôi khi bị lợi dụng, ngụy biến thành vị ngọt hấp dẫn khiến cho người ngu si, thiếu hiểu biết bị lôi cuốn vào việc làm ác, càng làm ác càng được lợi lộc, không còn màng đến hậu quả nguy hại, tự gieo mình vào tai họa khổ đau; giống như dây leo non êm ái đeo bám vào thân cây sa-la, ban đầu mới bám vào thân cây thì tạo cảm giác rất êm ái dễ chịu nhưng theo thời gian các dây leo lần lượt mọc ra bao trùm cả thân cây, rồi chúng lớn lên kết thành một bụi cây rậm rạp bóp nghẹt cây sa-la ấy[7]; hoặc như nước uống có hương vị thơm ngon nhưng được tẩm thuộc độc, mới uống vào thì cảm thấy thích thú khoái khẩu nhưng sau đó thì chính nước uống độc hại ấy khiến cho người sử dụng đi đến chết hoặc đau khổ gần như chết[8].

Để cảnh tỉnh mọi người ngăn tránh cái ác và hậu quả nguy hại của lối sống làm ác, Đức Phật đưa ra nhiều lời khuyên dạy hữu ích.

Trước hết, Ngài khuyên nhắc mọi người cần phải chú tâm suy xét kỹ về cái ác và hậu quả tai hại khổ đau của ác nghiệp, phải tuyệt đối tránh xa cái ác, không nên làm ác vì bất cứ lý do gì, bởi không ai thoát khỏi quả báo của ác nghiệp.

Ngài nhấn mạnh:

Kẻ thù hại kẻ thù,
Oan gia hại oan gia,
Không bằng tâm hướng tà,
Gây ác cho tự thân
[9].

Không trên trời, giữa biển,
Không lánh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời,
Trốn khỏi quả ác nghiệp
[10].

“Ànanda, Ta đã tuyên bố một cách dứt khoát rằng thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác là điều không nên làm. Nếu làm những điều không nên làm ấy, thời có những nguy hại như sau được chờ đợi: Tự mình chê trách mình; sau khi được biết, kẻ trí chê trách; tiếng ác đồn xa; bị mê ám khi mạng chung; sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Vì thế, này Ànanda, Ta đã tuyên bố một cách dứt khoát rằng thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác là điều không nên làm. Nếu làm những điều không nên làm ấy, thời có những nguy hại như vậy được chờ đợi”[11].

Bậc Giác ngộ cũng lưu nhắc mọi người phải thận trọng, dè dặt với cái ác, chớ xem thường cái ác, cho rằng chúng là nhỏ nhặt, vô hại; bởi từ những điều ác nhỏ nhặt tưởng như vô hại ấy được tích tập lâu ngày thì thành ra to lớn tai hại khôn lường.

Ngài nhắc nhở:

Chớ chê khinh điều ác,
Cho rằng chưa đến mình,
Như nước nhỏ từng giọt,
Rồi bình cũng đầy tràn,
Người ngu chứa đầy ác,
Do chất chứa dần dần
[12].

Ác nghiệp đã được làm,
Như sữa, không đông ngay,

Cháy ngầm theo kẻ ngu,
Như lửa tro che đậy
[13].

Người ác thấy là hiền,
Khi ác chưa chín muồi;
Ác nghiệp chín muồi rồi,
Người ác mới thấy ác
[14].

Trong trường hợp đã lỡ làm điều ác vì lý do này hay lý do khác thì cần phải dừng ngay lại, chớ tiếp tục làm thêm, chớ có thấy được lợi lộc trước mắt mà ưa thích việc làm ác, vì làm ác tất phải chịu khổ:

Nếu người làm điều ác,
Chớ tiếp tục làm thêm,
Chớ ước muốn điều ác,
Chứa ác, tất chịu khổ
[15].

Điều ác tự mình làm,
Tự mình sanh, mình tạo,
Nghiển nát kẻ ngu si,
Như kim cương, ngọc báu
[16].

Sau hết, phải biết ăn năn hối tiếc về việc ác mà mình đã làm và nỗ lực làm nhiều việc lành để xóa tan dần các nghiệp ác, phải thực hành sự chuyển hóa bản thân theo cách “dùng các hạnh lành làm xóa mờ nghiệp ác” thì ác nghiệp mới dần dần được tiêu trừ:

Ai trước làm ác nghiệp,
Nay nhờ thiện chặn lại,
Chói sáng cõi đời này,
Như trăng thoát mây che
[17].

Ai dùng các hạnh lành,
Làm xóa mờ nghiệp ác,
Chói sáng rực đời này,
Như trăng thoát mây che
[18]


Chú thích:

1. Kinh Pháp cú, kệ số 69.
2. Kinh Pháp cú, kệ số 71.
3. Kinh Pháp cú, kệ số 66.
4. Kinh Thiên sứ, Trung bộ.
5. Kinh Pàtali, Tương ưng bộ.
6. Đại kinh Pháp hành, Trung bộ.
7. Tiểu kinh Pháp hành, Trung bộ.
8. Đại kinh Pháp hành, Trung bộ.
9. Kinh Pháp cú, kệ số 42.

10. Kinh Pháp cú, kệ số 127.
11. Kinh Các sức mạnh, Tăng chi bộ.
12. Kinh Pháp cú, kệ số 121.
13. Kinh Pháp cú, kệ số 71.
14. Kinh Pháp cú, kệ số 119.
15. Kinh Pháp cú, kệ số 117.
16. Kinh Pháp cú, kệ số 161.
17. Kinh Angulimàla, Trung bộ.
18. Kinh Pháp cú, kệ số 173


Theo Văn hoá Phật giáo số 344 ngày 15-05-2020

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm