Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Thực hành pháp và tuỳ pháp

Đọc Kinh tạng Pàli, thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp các thuật ngữ “pháp và tùy pháp” (Dhammànudhamma) thường đi chung với nhau trong một số văn cảnh của những bản kinh.
Mục lục


Chẳng hạn, trong bài kinh Màgandiya thuộc tuyển tập Trung bộ, sau khi du sĩ Màgandiya tỏ ý quy thuận Phật pháp, Đức Phật có lời khuyên như sau:

“Vậy này Màgandiya, hãy thân cận các vị chân nhân. Này Magandiya, do Ông thân cận các vị chân nhân, thời này Magandiya, Ông sẽ được nghe diệu pháp. Này Magandiya, do Ông được nghe diệu pháp, thời này Magandiya, Ông sẽ sống đúng với Chánh pháp và tùy pháp. Này Magandiya, do Ông sống đúng với Chánh pháp và tùy pháp, thời này Magandiya, Ông sẽ tự mình biết, tự mình thấy: “Đây là những bệnh chướng, những cục bướu, những mũi tên. Ở đây, những bệnh chướng, những cục bướu, những mũi tên được trừ diệt, không có dư tàn. Do chấp thủ được diệt ở ta, nên hữu diệt; do hữu diệt, sanh diệt; do sanh diệt, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được diệt trừ. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này”[1].

Trong văn cảnh trên, chúng ta có ba từ nói về Pháp (Dhamma). Thứ nhất là Diệu pháp (Saddhamma), thứ hai là Chánh pháp (Dhamma) và thứ ba là Tùy pháp (Anudhamma). Tất cả đều chỉ cho giáo pháp của Như Lai. Hai từ đầu là thuật ngữ chỉ chung cho toàn bộ giáo pháp của Phật, thường được gọi là Diệu pháp hay Chánh pháp, cốt yếu nhấn mạnh con đường chân chánh đưa đến giác ngộ do chính Đức Phật khám khá, để phân biệt với các tà thuyết không có khả năng đưa đến giác ngộ của ngoại đạo. Thuật ngữ thứ ba, Tùy pháp (Anudhamma), dùng để nhấn mạnh về việc chuyên tâm thực hành đúng lời Phật dạy, cụ thể là sự tu tập về ba mươi bảy phẩm trợ đạo hay sự thực hành các pháp Tăng thượng giới, Tăng thượng tâm, Tăng thượng trí tuệ, đưa đến đoạn tận các lậu hoặc, chứng quả Niết-bàn. Ý nghĩa cụ thể của thuật ngữ “pháp và tùy pháp” có thể được thấy rõ qua văn đoạn đối thoại sau:

“- Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là vị thuyết pháp? Cho đến như thế nào, được gọi là vị thực hành pháp tùy pháp? Cho đến như thế nào, được gọi là vị đã đạt đến Niết-bàn ngay trong hiện tại?

- Nếu Tỷ-kheo thuyết pháp về sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thuyết pháp. Nếu Tỷ-kheo đi vào thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thực hành pháp tùy pháp. Nếu Tỷ-kheo do nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức được giải thoát, không có chấp thủ; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo đã đạt được Niết-bàn ngay trong hiện tại”.

Tương tự, một bản kinh khác thuộc Tương ưng bộ [2] xác nhận nếu vị Tỷ-kheo thực hành về yếm ly, ly tham, đoạn diệt già chết, sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập, danh sắc, thức, hành, vô minh, như vậy là đủ để được gọi là Tỷ-kheo thực hành các pháp và tùy pháp.

Như vậy, thuật ngữ “pháp và tùy pháp” (Dhammànudhamma) hàm ý sự chuyên tâm thực hành pháp của Thế Tôn một cách đúng đắn, cụ thể, có kết quả, không sai lạc; sự thực hành pháp y theo pháp, đúng như pháp, thuận theo pháp, hợp với pháp, đưa đến kết quả thiết thực, không đi ngược lời Thế Tôn dạy. Thế Tôn dạy sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, khổ, vô ngã, cần phải buông bỏ lòng tham đắm; vị Tỷ-kheo với chánh kiến chuyên chú quán sát, thấy rõ bản chất vô thường, khổ, vô ngã của sắc, thọ, tưởng, hành, thức, buông bỏ được lòng tham thì được gọi là thực hành pháp và tùy pháp. Do hàm ý sự chuyên chú thực hành, được xem là bước sau cùng và quan trọng trong lộ trình tu tập pháp giải thoát của Phật, thuật ngữ kép này thường đi sau một loạt các thuật ngữ khác nhấn mạnh về tiến trình học tập tuần tự dẫn đến giai đoạn thực hành, như: nghe pháp, học thuộc lòng pháp, thọ trì pháp, quan sát ý nghĩa các pháp được thọ trì, thực hành pháp và tùy pháp sau khi hiểu ý nghĩa và hiểu pháp[3]. Rõ ràng, việc dùng thuật ngữ kép này nhằm nhấn mạnh sự thực hành pháp của Phật đúng như lời Ngài dạy hẳn là một cách nói thận trọng cho thấy việc học tập và hành trì pháp của Phật phải như thế nào mới đúng đắn và có kết quả, vì có những trường hợp học tu theo pháp của Phật nhưng không hiểu đúng và hành đúng lời Phật dạy, như trường hợp Tỷ-kheo Sati được nói đến trong Đại kinh Đoạn tận ái, hoặc Tỷ-kheo Arittha trong Kinh Xà dụ, hai bản kinh thuộc tuyển tập Trung bộ.

Do tính chất lợi ích quan trọng của giáo pháp đối với đời sống của chúng sinh, việc chú tâm học tập và thận trọng hành trì luôn luôn được nhấn mạnh như là điều kiện để duy trì lâu dài pháp giải thoát của Thế Tôn trên cuộc đời. Bản kinh Diệu pháp hỗn loạn, Tăng chi bộ, lưu lời Thế Tôn nhấn mạnh năm cách khiến cho diệu pháp được an trú, không hỗn loạn, không biến mất, trong đó cẩn trọng thực hành pháp và tùy pháp được xem là pháp thứ năm: “Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cẩn trọng nghe pháp; cẩn trọng học thuộc lòng pháp; cẩn trọng thọ trì pháp; cẩn trọng quan sát nghĩa các pháp được thọ trì; cẩn trọng thực hành pháp và tùy pháp, sau khi hiểu nghĩa và hiểu pháp. Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến[4].
Một ý nghĩa khác của thuật ngữ
Anudhamma (tùy pháp) được tìm thấy trong các kinh Pàli là sự khẳng định chắc chắn kết quả thiết thực của việc hành trì pháp của Phật. Chẳng hạn, các bản kinh có tên Tùy pháp (Anudhamma) thuộc Tương ưng bộ cho chúng ta vài ý niệm về cách dùng thuật ngữ này:
“Đối với vị Tỷ-kheo thực hành pháp và
tùy pháp, tùy pháp này c mặt: Vị ấy sống tùy quán v thường trong sắc... trong thọ... trong tưởng... trong các hành... trong  thức.
Đ
ối với vị Tỷ-kheo
thực hành pháp và tùy pháp, tùy pháp này có mặt: Vị ấy sống tùy quán khổ trong sắc... trong thọ... trong tưởng... trong các  hành... trong thức.
Đối với vị Tỷ-kheo thực hành pháp và tùy pháp, tùy pháp này có mặt: Vị ấy sống tùy quán vô ngã trong sắc... trong thọ... trong tưởng... trong các hành... trong thức.
Ai sống tùy quán vô thường, khổ, vô ngã trong sắc, trong thọ, trong tưởng, trong các hành, trong thức; vị ấy liễu tri sắc, liễu tri thọ, liễu tri tưởng, liễu tri các hành, liễu tri thức. Do vị ấy liễu tri sắc, liễu tri thọ, liễu tri tưởng, liễu tri các hành, liễu tri thức; vị ấy giải thoát khỏi sắc, giải thoát khỏi thọ, giải thoát khỏi tưởng, giải thoát khỏi các hành, giải thoát khỏi thức, giải thoát khỏi sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói vị ấy giải thoát khỏi đau khổ”[5].

Một bản kinh khác có tên tương tự cũng khẳng định:

“Đối với vị Tỷ-kheo thực hành pháp và tùy pháp, tùy pháp này có mặt: Đối với sắc, vị ấy sống nhiều yếm ly; đối với thọ, vị ấy sống nhiều yếm ly; đối với tưởng, vị ấy sống nhiều yếm ly; đối với các hành, vị ấy sống nhiều yếm ly; đối với thức, vị ấy sống nhiều yếm ly.

Ai sống nhiều yếm ly đối với sắc... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành... đối với thức, vị ấy liễu tri sắc... liễu tri thọ... liễu tri tưởng... liễu tri các hành... liễu tri thức. Do liễu tri sắc... thọ... tưởng... các hành... thức, vị ấy được giải thoát khỏi sắc, giải thoát khỏi thọ, giải thoát khỏi tưởng, giải thoát khỏi các hành, giải thoát khỏi thức, giải thoát khỏi sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói vị ấy giải thoát khỏi đau khổ”[6].

Như vậy, thuật ngữ Tùy pháp (Anudhamma) trong câu “tùy pháp này có mặt” thuộc các bản kinh trên được sử dụng như một khẳng quyết về kết quả chắc chắn của việc thực hành đúng đắn lời Phật dạy. Các trích đoạn thứ nhất hàm ý rằng đối với vị Tỷ-kheo thực hành pháp và tùy pháp, nghĩa là thực hành tùy quán vô thường, khổ, vô ngã trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức đúng như lời Phật dạy, thì vị ấy (chắc chắn) sẽ có được sự hiểu biết rốt ráo (liểu tri) về sắc, thọ, tưởng, hành, thức dẫn đến sự giải thoát khỏi tham ái (hay tham-sân-si) đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức, đồng nghĩa với giải thoát khỏi khổ đau sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Tương tự, các trích đoạn thứ hai khẳng định rằng đối với vị Tỷ-kheo thực hành pháp và tùy pháp, nghĩa là tùy quán vô thường, khổ, vô ngã trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức đúng như lời Phật dạy, thì vị ấy (chắc chắn) sẽ sống nhiều yếm ly (nhàm chán) đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức; do sống nhiều yếm ly đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức, vị ấy sẽ có được sự hiểu biết rốt ráo (liểu tri) về sắc, thọ, tưởng, hành, thức đưa đến sự thoát khỏi ái luyến đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức, đồng nghĩa với giải thoát khỏi khổ đau sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ở đây “Anudhamma” có nghĩa là “sự kiện này chắc chắn xảy ra”, đồng nghĩa với “Ayam ettha dhammatà” hay “Dhammatà esà” (Pháp nhĩ như thị), tức bản chất của pháp là như vậy, không thể khác được.
 


Trong Kinh tạng Pàli, thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp những lời khẳng định mạnh mẽ của Đức Phật về giáo pháp của Ngài, cho thấy tính chất thiết thực và chắc chắn của giáo pháp do Ngài chứng ngộ và giảng dạy. Sự khẳng định như vậy thường mở đầu bằng câu “Pháp nhĩ là vậy” nhằm nhấn mạnh hệ quả chắc chắn, không thể khác, của việc hành trì pháp và tùy pháp, như được thấy ở đoạn kinh sau đây:

“Này các Tỷ-kheo, với người có giới, có giới đầy đủ, không cần phải làm với dụng ý rằng: “Mong rằng không hối tiếc sẽ sanh khởi nơi ta”. Pháp nhĩ là vậy, này Tỷ-kheo, với người có giới, có giới đầy đủ, không hối tiếc sanh khởi. Này các Tỷ-kheo, với người không hối tiếc, không cần phải làm với dụng ý rằng: “Mong rằng hân hoan sẽ sanh khởi nơi ta”. Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ- kheo, với người có không hối tiếc, hân hoan sanh khởi. Này các Tỷ-kheo, với người có hân hoan, không cần phải làm với dụng ý rằng: “Mong rằng hỷ sẽ sanh khởi nơi ta”. Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ-kheo, với người có hân hoan, hỷ sanh khởi. Này các Tỷ-kheo, với người có ý hoan hỷ, không cần phải làm với dụng ý rằng: “Mong rằng thân ta được khinh an”. Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ-kheo, với người có ý hoan hỷ, thân được khinh an. Này các Tỷ-kheo, với người có thân khinh an, không cần phải làm với dụng ý rằng: “Mong rằng ta cảm thọ an lạc”. Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ-kheo, với người có thân khinh an, an lạc được cảm thọ. Này các Tỷ-kheo, với người có an lạc, không cần phải làm với dụng ý: “Mong rằng tâm ta được Thiền định”. Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ-kheo, với người có an lạc, tâm được Thiền định. Này các Tỷ-kheo, với người có Thiền định, không cần phải làm với dụng ý: “Mong rằng ta biết, ta thấy như thật”. Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ-kheo, người có tâm Thiện định, biết và thấy như thật”. Này các Tỷ-kheo, với người biết vả thấy như thật, không cần phải làm với dụng ý: “Mong rằng ta sẽ nhàm chán, ta sẽ ly tham”. Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ-kheo, với người biết và thấy như thật, nhàm chán và ly tham. Này các Tỷ-kheo, với người nhàm chán, ly tham, không cần phải làm với dụng ý: “Mong rằng ta sẽ chứng ngộ giải thoát tri kiến”. Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ-kheo, người nhàm chán, ly tham, chứng ngộ giải thoát tri kiến”.

Rõ là việc thực hành pháp của Phật đúng như lời Phật dạy (thực hành pháp và tùy pháp) chắn chắc đưa đến kết quả lợi ích xác đáng, cứ làm đúng thì có kết quả chính đáng, không cần phải động tâm mong ước hay thệ nguyện; tựa như người muốn lấy sữa tìm đến vú con bò cái mà vắt thì chắc chắn lấy được sữa vậy[7].


 

Chú thích:

1. Kinh Màgandiya, Trung bộ.
2. Kinh Vị thuyết pháp, Tương ưng bộ.
3&4. Kinh Diệu pháp hỗn loạn, Tăng chi bộ.
5. Các kinh Tùy pháp, Tương ưng bộ.
6. Kinh Tùy pháp, Tương ưng bộ.
7. Kinh Phù-di, Trung bộ.


Theo Văn hoá Phật giáo số 343 ngày 01-05-2020

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm