Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Bát chánh đạo chính là Trung đạo

Một khía cạnh nổi bật của giáo lý đạo Phật là sự chấp nhận Bát chánh đạo như một lối sống cao quý. Một tên khác của Bát chánh đạo chính là Trung đạo. Đức Phật khuyên nhắc những người tin theo giáo lý của Ngài nên tuân thủ con đường Bát chánh này để tránh những cực đoan của việc hưởng thụ dục lạc và việc hành xác khổ hạnh.
Mục lục


Một khía cạnh nổi bật của giáo lý đạo Phật là sự chấp nhận Bát chánh đạo như một lối sống cao quý. Một tên khác của Bát chánh đạo chính là Trung đạo. Đức Phật khuyên nhắc những người tin theo giáo lý của Ngài nên tuân thủ con đường Bát chánh này để tránh những cực đoan của việc hưởng thụ dục lạc và việc hành xác khổ hạnh. Trung đạo là lối sống trung chính, lối sống không hề tán thành việc chấp nhận những mệnh lệnh của bất kỳ ai ngoài chính mình. Một người thực hành Trung đạo - sự hướng dẫn các hành vi đạo đức - không vì người ấy sợ bất kỳ tác nhân siêu nhiên nào, mà chỉ sợ những giá trị nội tại trong việc tuân thủ một hành động như thế. Người ấy chọn nền kỷ luật tự đặt cho mình ấy vì một mục tiêu xác định trước mắt: tự thanh tịnh bản thân.

Trung đạo là con đường được hoạch định về sự thăng tiến và tu dưỡng hướng nội. Một người có thể gặt hái được những tiến bộ về sự công chính và tuệ giác bằng cách theo đuổi con đường này, không cần phải dấn thân vào những hoạt động thờ phượng hay cầu nguyện. Theo Đức Phật, bất kỳ người nào sống phù hợp với Giáo pháp đều được hướng dẫn và được bảo vệ bởi chính những luật tắc ấy. Khi con người sống phù hợp với Giáo pháp, người ấy cũng sống trong sự hòa hợp với luật thiên nhiên.

Mọi Phật tử đều được khuyến khích uốn nắn đời sống của mình phù hợp với Bát chánh đạo như đã được giảng dạy bởi chính Đức Phật. Người nào điều chỉnh được đời sống của mình phù hợp với lối sống cao quý này sẽ được giải thoát khỏi những điều bất hạnh và những tai họa cả trong đời này lẫn ở đời sau.

Người ấy cũng sẽ có khả năng phát triển tâm thức của mình bởi việc kiềm chế những điều xấu ác và việc tuân thủ đạo đức.

Bát chánh đạo có thể so sánh với một tấm bản đồ đường xá. Hệt như một kẻ du hành cần đến một tấm bản đồ để hướng dẫn mình đến nơi muốn đến, chúng ta cũng cần đến Bát chánh đạo, là điều chỉ cho chúng ta con đường đạt tới Niết-bàn, mục tiêu cuối cùng của đời sống con người. Để đạt tới mục tiêu cuối cùng này, có ba khía cạnh của Bát chánh đạo phải được hành giả phát triển. Người ấy phải phát triển Giới, Định, và Tuệ. Trong khi ba khía cạnh đó phải được phát triển đồng thời, mức độ mãnh liệt của mỗi một lãnh vực liên hệ nên được thực hành khác nhau phù hợp với sự phát triển tâm linh của từng người. Trước hết, một hành giả phải phát triển tinh thần đạo đức của mình; nghĩa là hành động của người ấy phải mang lại sự tốt đẹp cho những chúng sanh khác. Người ấy làm như vậy bằng cách triệt để tôn trọng những giới cấm không sát sanh, không lấy của không cho, không nói sai sự thật, không buông lung trong đam mê dục lạc, không say đắm những chất gây nghiện. Vì người ấy phát triển tinh thần đạo đức, tâm thức của người ấy được kiểm soát một cách dễ dàng, cho phép người ấy phát triển năng lực tập trung tâm thức. Sau cùng, với sự phát triển việc tập trung năng lực tâm thức, tuệ giác của người ấy sẽ sinh khởi.

Sự phát triển dần dần

Với tuệ giác vô thượng, Đức Phật biết rằng không phải mọi người đều có cùng năng lực để ngay lập tức đạt tới sự trưởng thành về tâm linh như nhau. Cho nên, Ngài đã giải thích Bát chánh đạo theo một phương cách thực tiễn cho việc phát triển dần dần một lối sống tâm linh. Ngài biết không phải tất cả mọi người đều có thể trở thành hoàn hảo ngay trong một đời. Ngài bảo rằng Giới, Định, và Tuệ phải, và có thể, được phát triển qua nhiều đời nhiều kiếp với nỗ lực tinh cần. Cuối cùng, con đường này đưa đến sự an lạc tối hậu, ở đó không còn sự bất như ý nữa.
 

Đời sống chính đáng

Bát chánh đạo bao gồm tám thành tố sau:

Giới, gồm có Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, thuộc phạm vi giữ gìn đạo đức.

Định, gồm có Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định, thuộc phạm vi trau giồi tâm thức.

Tuệ, gồm có Chánh kiến, Chánh tư duy, thuộc phạm vi phát triển sự sáng suốt.

Chánh kiến là gì? Điều này được giải thích là có hiểu biết về Tứ diệu đế hay Bốn sự thật cao quý. Nói cách khác, đó là việc thấy được mọi sự vật đúng như chính chúng. Chánh kiến còn có nghĩa là biết được bản chất của những nghiệp tốt (có công đức) và những nghiệp xấu (làm mất công đức); cùng với cách mà những nghiệp ấy có thể được thành tựu bằng thân, khẩu, và ý.

Bằng việc hiểu rõ về nghiệp, một người sẽ học được cách tránh điều xấu ác và cách thực hiện điều hiền thiện, nhờ vậy mà tạo ra những kết quả thuận lợi trong đời sống của mình. Khi một người có Chánh kiến, người ấy cũng hiểu rõ ba đặc tính căn bản của đời sống (rằng mọi sự vật được hợp thành đều chóng tàn, chúng đều là đối tượng của sự đau khổ, và chúng không có bản chất tự chúng; nghĩa là Tam Pháp ấn, vô thường, khổ và vô ngã), đồng thời hiểu được Luật Duyên khởi. Một người có đầy đủ Chánh kiến là người đã thoát khỏi vô minh; nhờ vào tính chất của sự khai sáng này, người ấy đã loại bỏ được những gốc rễ của những điều xấu ác trong tâm mình và trở thành được giải thoát. Một mục đích cao quý của một vị Phật tử có rèn luyện là trau giồi Tuệ giác và đạt được Chánh kiến về chính mình, về đời sống và về mọi hiện tượng của cuộc đời.

Khi một người đã có Chánh kiến, người ấy cũng phát triển được Chánh tư duy. Thành tố này đôi khi còn được gọi là Chánh Quyết định, Chánh Khát vọng, Kế hoạch Hành động Chân chánh. Thành tố này liên quan đến trạng thái tâm thức đang loại trừ những ý định và quan điểm sai lạc trong lúc làm thăng hoa những yếu tố khác mang tính đạo đức có năng lực hướng tới Niết-bàn. Thành tố này phục vụ cho một mục tiêu kép của việc loại bỏ những ý nghĩ xấu và phát triển những tư tưởng thanh tịnh. Chánh tư duy rất quan trọng vì nó quyết định tư tưởng của một người là thanh tịnh hay nhiễm ô.

Có ba khía cạnh của Chánh tư duy. Trước hết, hành giả cần duy trì một thái độ xả bỏ sự hưởng thụ mọi thú vui trần tục thay vì cứ bám víu vào chúng với lòng ích kỷ. Hành giả cần có tư tưởng vị tha và luôn nghĩ đến hạnh phúc của người khác. Thứ đến, hành giả nên duy trì lòng từ, thiện chí và sự bao dung trong tâm thức mình, là những điều đối nghịch với lòng sân hận, bực dọc, tức tối. Sau cùng, hành giả nên hành động với những ý định mang tính không gây hại đối với mọi sinh linh, là những điều trái ngược với sự độc ác và thái độ không quan tâm đến người khác. Khi một hành giả tiến bộ trên con đường tâm linh này, những suy nghĩ của người ấy sẽ ngày càng bất hại, vô ngã và đầy từ bi.

Chánh kiến và Chánh tư duy vốn thuộc việc phát triển sự sáng suốt, sẽ dẫn tới mọi thiện hạnh: Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng.

Chánh ngữ bao hàm việc tôn trọng sự thật và tôn trọng hạnh phúc của người khác. Thành tố này có nghĩa là tránh nói lời dối trá, tránh nói lời vu khống và những phản ứng chua cay, tránh nói lời thô bỉ cộc cằn, và không nói chuyện vô ích. Chúng ta thường đánh giá thấp sức mạnh của lời nói và có khuynh hướng ít kiểm soát ngôn ngữ của chính mình. Thế nhưng chúng ta vẫn thường cảm thấy hoặc bị tổn thương hoặc được khuyến khích bởi lời nói của người khác. Người ta vẫn cho rằng một lời cay độc có thể gây thương tích còn nặng nề hơn những loại vũ khí trong khi một lời tử tế có thể lay động tâm can của ngay cả những kẻ tội phạm cứng cỏi nhất. Cho nên, để phát triển một xã hội hài hòa, chúng ta nên kiểm soát, trau giồi và sử dụng ngôn ngữ của mình theo chiều hướng tích cực. Chúng ta hãy nói những lời chân thực, tử tế, mang lại sự hòa hợp và có ý nghĩa. Đức Phật đã dạy, “lời nói dịu dàng ngọt như mật, lời nói chân thật đẹp như hoa, còn lời nói sai trái thì độc địa như rác rưởi”.

Thành tố tiếp theo thuộc thiện hạnh là Chánh nghiệp. Chánh nghiệp hay hành động chân chính đòi hỏi việc tôn trọng sự sống, tôn trọng quyền sở hữu, và tôn trọng những mối quan hệ giữa người với người. Thành tố này tương ứng với ba giới đầu tiên trong số năm giới vẫn được mọi Phật tử thực hành, đó là không giết hại, không lấy của không cho và không có tà hạnh trong sinh hoạt tình dục. Đối với tất cả mọi chúng sinh, đời sống là đáng quý; mọi chúng sinh đều run sợ trước hình phạt, trước cái chết và mọi chúng sinh đều quý trọng sự sống. Vậy thì chúng ta nên tránh việc tước bỏ sự sống vốn là điều mà chính chúng ta không thể cho đi; chúng ta cũng không nên làm hại bất kỳ chúng sinh nào. Tôn trọng quyển sở hữu có nghĩa là chúng ta không nên lấy những gì mà ta không được cho, bằng cách trộm cắp, lường gạt hay bởi sức mạnh. Tôn trọng những mối quan hệ giữa người với người có nghĩa là chúng ta không nên phạm tội ngoại tình và nên tránh những tà hạnh trong đời sống tình dục, vốn là những điều rất quan trọng trong việc duy trì tình yêu và niềm tin của những người ta yêu; cùng lúc, khiến cho xã hội mà chúng ta sống trong đó trở thành một nơi tốt đẹp hơn.
Thành tố Chánh mạng cũng thuộc phạm vi thiện hạnh, đề cập cách chúng ta mưu sinh trong xã hội. Thành tố này là phần mở rộng của hai thành tố Chánh ngữ và Chánh nghiệp liên quan đến việc tôn trọng sự thật, đời sống, quyền sở hữu và các mối quan hệ. Chánh mạng có nghĩa là chúng ta nên mưu sinh như thế nào mà không vi phạm đến những nguyên tắc nêu trên về thiện hạnh. Người Phật tử được nhắc nhở không nên mưu sinh bằng năm hình thức kiếm sống: kinh doanh con người; kinh doanh vũ khí; kinh doanh thịt sinh
vật; kinh doanh rượu, ma túy; và kinh doanh chất độc.
Có những người bảo rằng họ phải thực hiện các công việc kinh doanh ấy vì họ phải sống, và như thế chẳng có gì sai trái trong việc họ làm những việc như vậy. Thế nhưng lập luận ấy hoàn toàn không có cơ sở. Nếu lập luận ấy có giá trị, thế thì những kẻ trộm cắp, giết người, cướp của, buôn lậu, làm hàng giả, lừa đảo... có thể dễ dàng nói rằng họ thực hiện những hành vi không lương thiện ấy chỉ vì họ phải kiếm sống, và như
vậy chẳng có gì sai trái trong lối sống của họ.
Cũng có những người cho rằng câu cá hay săn thú để giải trí hoặc giết mổ súc vật để lấy thịt làm thức ăn không đi ngược lại các giới điều của nhà Phật. Đây cũng là một nhận thức lầm lạc khác xuất hiện do thiếu kiến thức về Giáo pháp. Tất cả những hành vi ấy đều không phù hợp giới luật và đều mang lại đau khổ cho chúng sinh khác. Nhưng với tất cả những tác động ấy, kẻ bị hại nhiều nhất chính là người thực hiện những hành vi không lương thiện. Gìn giữ sự sống bằng những phương tiện sai trái là điều không phù hợp với giáo pháp của Đức Phật. Đức Phật từng nói, “Mặc dù người ta có thể sống cả trăm năm trong tình trạng vô đạo đức và không biết kiềm chế, nhưng tốt hơn là chỉ nên sống một ngày với đức hạnh và thiền định” (Pháp Cú, kệ 103). Chết như một người có tu dưỡng và đáng được kính trọng còn hơn là sống như một kẻ độc ác xấu xa.

Ba thành tố còn lại của Bát chánh đạo là những thành tố giúp phát triển tuệ giác thông qua việc tịnh hóa tâm thức. Những thành tố ấy gồm Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Khi những thành tố này được thực hành, chúng giúp hành giả tăng cường và đạt được sự kiểm soát tâm, nhờ vậy bảo đảm rằng mọi hành động của hành giả luôn luôn đúng tốt và tâm thức của vị ấy được chuẩn bị để nhận thức đúng thực tại, là nền tảng cho việc mở ra cánh cửa của Tự tại và Tỉnh giác.

Chánh tinh tấn có nghĩa là chúng ta rèn luyện một thái độ tích cực và có nhiệt tình trong những công việc chúng ta làm, cho dù điều đó thuộc sự nghiệp thế tục, việc nghiên cứu hay việc thực hành Phật pháp của mình. Với một nhiệt tình bền bỉ và quyết tâm tự nguyện như thế, chúng ta có thể thành công trong mọi công việc. Có bốn khía cạnh của Chánh tinh tấn, hai khía cạnh liên quan đến điều xấu và hai khía cạnh liên quan đến điều tốt. Thứ nhất là cố gắng từ bỏ những hành vi xấu ác đã sinh khởi, thứ hai là ngăn cản sự sinh khởi những hành vi xấu ác khác. Thứ ba là cố gắng phát triển những hành vi tốt chưa sinh khởi, và thứ tư là cố gắng duy trì những hành vi tốt đã sinh khởi. Bằng việc thực hành Chánh tinh tấn trong đời sống của mình, chúng ta có thể làm giảm rồi lần lần triệt tiêu những ý thức không lương thiện, đồng thời tăng cường và thiết lập vững chắc những tư tưởng lương thiện như một phần tự nhiên của tâm thức mình.

Chánh tinh tấn kết hợp chặt chẽ với Chánh niệm. Việc thực hành Chánh niệm là điều rất quan trọng đối với các hành giả Phật giáo. Đức Phật xác định rằng thực hành Chánh niệm là biện pháp để đạt tới việc diệt trừ mọi đau khổ. Chánh niệm có thể được phát triển bằng cách thường xuyên tỉnh thức về bốn khía cạnh đặc biệt. Đó là việc áp dụng Chánh niệm đối với thân (tư thế của thân và hơi thở chẳng hạn), đối với cảm thọ (cho dù là dễ chịu, khó chịu hay trung tính), đối với tâm (biết rõ tâm đang khởi lòng tham hay không, đang khởi lòng giận dữ hay không, có bị tán loạn hay vô minh che mờ hay không), và các đối tượng của tâm thức (có những chướng ngại tinh thần cho việc định tâm, cho việc nhận thức rõ về Bốn sự thật cao quý... hay không). Ngay cả trong sinh hoạt hàng ngày, chánh niệm cũng có một vai trò quan trọng khi chúng ta hành động trong sự nhận thức rõ ràng về mọi hoạt động, mọi cảm nhận, mọi tư tưởng của mình cũng như mọi hiện tượng chung quanh mình. Tâm thức của ta sẽ luôn luôn trong sạch và có sự chú tâm thay vì bị che mờ hay tán loạn.

Trong khi Chánh niệm hướng sự chú ý của ta vào thân thể, cảm giác, tâm thức, các đối tượng của tâm thức hoặc trở nên mẫn cảm đối với các hiện tượng khác - nói khác đi, đặt sự chú ý của chúng ta vào đối tượng mà ta chọn trước - Chánh định là việc ứng dụng sự chú ý bền bỉ như thế trên một đối tượng mà không để cho tâm bị xao lãng. Định là việc thực hành sự chú ý nhất tâm trên một đối tượng duy nhất, cho dù đó là đối tượng vật lý hay tâm lý. Tâm thức hoàn toàn bị thu hút vào đối tượng ấy, không xao lãng, không dao động, không lo lắng và không uể oải. Thông qua việc thực hành dưới sự hướng dẫn của một vị thầy có kinh nghiệm, Chánh định mang lại hai lợi ích. Thứ nhất, nó đưa tới trạng thái an lạc, dễ chịu, thoải mái, bình thản, trầm tĩnh. Thứ hai, nó chuyển hóa tâm thức thành một công cụ có khả năng thấy được sự vật như chính chúng, và chuẩn bị cho tâm thức đạt tới tuệ giác.

Bát chánh đạo là chân lý quan trọng thứ tư đã được Đức Phật giảng dạy, còn gọi là Đạo đế. Là một vị y vương, Đức Phật đã nhận diện một căn bệnh đem lại đau khổ cho mọi hình thức của sự sống, Ngài gọi đó là Khổ hay tình trạng không hài lòng. Kế đó, Ngài đã chẩn đoán nguyên nhân của khổ chính là lòng tham lam vị kỷ và sự thèm muốn, khao khát. Ngài cũng phát hiện rằng có sự chữa lành cho chứng bệnh này, đó chính là Niết-bàn, là trạng thái mà ở đó mọi sự bất như ý đều triệt tiêu. Và phương thuốc cho sự chữa lành đó chính là Bát chánh đạo. Khi một vị bác sĩ có đủ năng lực chữa trị cho một bệnh nhân bị bệnh nặng, phương thuốc của ông ta không chỉ điều trị về thân mà còn điều trị về tâm lý nữa. Bát chánh đạo, con đường dẫn tới sự chấm dứt mọi đau khổ, là một liệu pháp tích hợp được chỉ định để chữa trị cho tình trạng luân hồi thông qua việc rèn luyện hành động và ngôn từ hợp đạo đức, phát triển tâm thức và chuyển hóa hoàn toàn sự hiểu biết cũng như phẩm chất của tư tưởng. Tóm lại, Bát chánh đạo chỉ ra con đường đạt tới sự trưởng thành về tâm linh và hoàn toàn thoát khỏi mọi đau khổ.
 

 

Nguyên tác: The Noble Eightfold Path - The Middle Way, trích trong What Buddhists Believe, K. Sri Dhammananda, Buddhist Cultural Center.

Tác giả: K. Sri Dhammananda (1919-2006) là một vị tu sĩ học giả người Sri Lanka, xuất gia từ khi mới 12 tuổi (năm 1931) và chính thức thọ đại giới vào năm 1940 trong lúc đang được đào tạo tại Học viện Phật giáo Vidyawardhana ở thủ đô Colombo. Đến năm 1952, ngài sang Mã Lai để truyền đạo và đã có những đóng góp lớn lao cho việc phục hưng Phật giáo Mã Lai. Công hạnh của ngài đã được giới thiệu trên Văn Hóa Phật Giáo số 270 phát hành ngày 1-4-2017 qua bài viết của tác giả Thích Nguyên Tạng có tựa đề Hòa thượng Dhammananda nhà truyền giáo nổi tiếng của Mã Lai.


K. Sri Dhammananda, Nguyễn Văn Nhật dịch
Theo Văn hoá Phật giáo số 279 ngày 15-08-2017

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm