Lại một lần nữa, mùa Vu-lan Báo hiếu, mùa tri ân báo ân, đã về với người con Phật hay những ai có niềm tin và lòng tưởng nhớ đến công đức sanh thành của cha mẹ, hoặc những ân nhân, những người có công đối với Tổ quốc, xã hội cũng như có mối quan hệ tương thân tương tác trong cộng đồng xã hội nói chung. Cho nên dân gian có câu: “Mỗi độ Vu-lan rằm tháng Bảy, chiều thu vọng lại tiếng chuông chùa, những ai còn nhớ ân sanh dưỡng, hãy vận lòng thành đón Vu-lan”.
Qua đó, mùa Vu-lan Báo hiếu gợi cho chúng ta một vài suy nghĩ về đạo hiếu trong thời đại đầy ắp tình người ngày hôm nay và mãi mãi về sau.
Xuất phát từ tâm từ bi vô lượng, đồng thể đại bi, thuộc thiện tâm; từ khi Đức Thế Tôn thành đạo dưới cội Bồ-đề, Ngài đã huấn thị: “Hiếu thuận với cha mẹ, hiếu thuận với Sư Tăng (Tam sư: Hòa thượng đàn đầu, Hòa thượng Yết-ma, Hòa thượng Giáo thọ và các vị Tôn chứng Tăng già), hiếu thuận với Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng). Hiếu thuận là Pháp chí đạo, hiếu gọi là giới...”.
(Kinh Phạm Võng)
Qua đó, hiếu thuận về mặt bản thể là thuận với tánh thiện, ngược với tánh thiện là ác. Thuận với chân lý tuyệt đối là thiện, ngược với chân lý tuyệt đối là ác. Theo luận Câu-xá: “Tự tánh thiện là Tối thắng thiện, là Niết-bàn, Bồ-đề”. Vì thế, thuận với Bồ-đề, Niết-bàn là hiếu, là giới, là thiện.
Nói như thế có nghĩa là vì giới là đoạn trừ các điều ác thuộc hành động về thân, miệng và ý. Thành tựu quả Đoạn đức là Niết-bàn. Giới là thực hành các điều thiện ngang qua thân, miệng và ý; thành tựu quả Trí đức thuộc về Bồ-đề. Giới là làm lợi ích chúng sanh thông qua thân, miệng và ý; thành tựu quả Ân đức, thuộc Đại Từ bi.
Nói cách khác, quả Đoạn đức dẫn đến tương ưng với thanh tịnh Pháp thân. Quả Trí đức tương ưng với Báo thân. Quả Ân đức tương ưng với Ứng hóa thân. Vì thế, hiếu đồng nghĩa với giới, giới đồng nghĩa với hiếu; và rất quan trọng, nó là căn bản của tất cả thiện pháp và Phật quả. Do đó, kinh Hiếu Tử nói: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Muốn chứng quả đồng như Phật, việc làm đầu tiên là phải hiếu thảo song thân”.
Nhưng tâm Phật là gì? Chính là tâm Từ bi và tâm Trí tuệ. Do tâm Từ bi mà Đức Phật cứu độ chúng sanh, thương yêu bình đẳng các loài chúng sanh, muốn cho chúng sanh đều giác ngộ giải thoát, thành tựu Phật quả, chứng Bồ-đề và Niết-bàn. Như Khế kinh nói: “Ta hằng nghĩ như vầy, làm sao cho chúng sanh đồng chứng được Phật huệ cũng như Ta, không khác”.
(Kinh Pháp Hoa)
Thế nên, tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật, là làm vui lòng cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ, nhớânvàbáoânchamẹ,hướngdẫnchamẹquyy Tam bảo, tránh ác làm lành; thành tựu Nhân đức là Từ bi; thành tựu Trí đức là Bồ-đề. Do đó, cha mẹ được an vui giải thoát, không bị sa đọa luân hồi đau khổ, đó là sự báo hiếu cao thượng, cứu cánh của đạo Phật. Vì thế, có thể nói hiếu là thuận với tánh thiện, là chân lý tuyệt đối. Như Khế kinh nói: “Vui thay hiếu kính với cha. Vui thay hiếu kính với mẹ. Vui thay hiếu kính bậc Thánh. Vui thay hiếu kính Sa-môn”.
(Kinh Pháp cú, kệ số 332)
Mặt khác, hiếu thuận với cha mẹ là dứt các điều ác thuộc phạm vi thế gian, tương ưng với tánh thiện. Đó là, thân hành thiện, miệng nói lời thiện, ý nghĩ điều thiện. Thân hành thiện là thân cung kính, cúng dường, đảnh lễ, chăm sóc cha mẹ về mặt vật chất không cho thiếu thốn. Miệng nói lời từ tốn, nhẹ nhàng, khuyên lơn, an ủi cha mẹ. Ý là tâm cung kính, luôn luôn nghĩ đến công ơn cha mẹ, bách ý bách thuận, không được chống đối, không làm phật ý cha mẹ; do đó, ba nghiệp thanh tịnh; một khi ba nghiệp thanh tịnh thì Phật tánh xuất hiện. Thế nên, kinh Trung A-hàm nói: “Do tâm cung kính, thân cung kính, miệng cung kính thiện pháp mà chứng Niết- bàn, giải thoát, thành tựu Ngũ phần Pháp thân”.
Về hiếu thuận Tam sư... là người tác thành giới thân huệ mạng, do đó phải nhớ ân và giữ gìn giới luật trang nghiêm thanh tịnh. Vì cổ đức nói: “Sinh ra thân tứ đại là công ơn cha mẹ. Sinh giới thân huệ mạng là công ơn Thầy Tổ, của Tam bảo...”.
(Qui Sơn cảnh sách)
Do đó, phải quyết tâm giữ gìn giới pháp thanh tịnh. Một khi giới pháp thanh tịnh, thì thành tựu định và huệ. Qua đó, giới thuộc Pháp thân giải thoát, định là Chơn như tự tánh Pháp thân thường trú, huệ là Bát-nhã Pháp thân. Như pháp Trích lục nói: “Kính lạy giới hay sinh định tuệ, chứng Bồ-đề khế hiệp Chân như, ác duyên ba nghiệp tịnh trừ, Tam thừa chứng quả Vô dư Niết-bàn”.
Còn hiếu thuận Tam bảo, không những cung kính hoan hỷ mà còn nỗ lực duy trì, phát huy Tam bảo bên ngoài làm cho tồn tại ở thế gian, lợi lạc hữu tình chúng sinh và thế giới an vui hạnh phúc. Như cổ đức nói: “Hoang mang giữa quãng đêm trường, nhờ đèn Tam bảo soi đường chúng sinh. Mênh mông bể khổ linh đinh, nương thuyền Tam bảo chúng sinh thoát nàn”.
Cuối cùng phát huy, tương ưng và thể nhập Tam bảo tự tánh sẵn có của chính mình. Như Phó Đại Sĩ nói: “Ta có nhà Tam bảo. Trong vốn không sắc tướng, ngời ngời tự tại chẳng làm chi. Phơi phới rồi thì sẽ thấy kỹ”.
Qua đó cho thấy, Tự tính sáng suốt là Phật bảo, Tự tính thường trú là Pháp bảo, Tự tính thanh tịnh là Tăng bảo.
Hơn nữa, hiếu thuận với cha mẹ là dứt các điều ác thuộc phạm vi thế gian, chứng nhập chân lý; Hiếu thuận Tam bảo là dứt các điều ác thuộc phạm vi xuất thế gian, chứng nhập chân lý, giải thoát giác ngộ. Bằng ngược lại là bất hiếu. Như người xưa nói: “Con hiếu thảo với cha mẹ, thì sinh ra con hiếu thảo với mình. Bằng bất hiếu với cha mẹ, thì sinh con ra sẽ bất hiếu với mình” (Hiếu phụ hoàn sanh hiếu tử. Ngỗ nghịch hoàn sanh ngỗ nghịch nhi).
Từ đó suy ra, tất cả thiện pháp đều xuất phát từ tâm Từ bi, tâm Trí tuệ. Vì tâm Từ bi là sinh nhân, tâm Bồ-đề là liễu nhân. Do đó, một khi đã từ một nhân cơ sở phát sinh, thì trên lĩnh vực cá biệt dù có định vị khác nhau, nhưng đứng về mặt tự tánh là một thể chân như. Do đó, có thể nói tất cả tự tánh Pháp thế gian là Phật pháp. Tự tánh Phật pháp là tự tánh Pháp thế gian bình đẳng nhất như.
Thành thử, Toàn Nhật Đại sư nói: “Lưng mang bức tượng Di-đà, chữ trung, chữ hiếu việc nhà vẹn phân. Dù cho đi trọn đường trần, đạo tâm há để một lần phôi pha”.
(Hứa Sử truyện)
Mặt khác, như kinh Đại Tập nói: “Sinh vào thời không gặp Phật, khéo thờ cha mẹ là thờ Phật”. Từ ý nghĩa ấy, Đức Phật đã đề cao và đồng hóa cha mẹ như là hai Đức Phật ở trong nhà cũng như trong tâm của mỗi người. Cho nên kinh Nhẫn Nhục nói: “Thờ cha kính mẹ trong nhà, Thích-ca từ phụ, Di-đà mẫu thân. Cúng dường, lễ bái ân cần. Mai sau thành Phật một vầng hào quang”.
Nói chí lý, “Thích-ca là Pháp thân Tỳ-lô-giá-na. Có nghĩa là pháp thân hiện hữu khắp tất cả mọi nơi, như hư không rộng lớn bao la, như không khí chan hòa khắp tất cả. Còn Tự tánh Di-đà cũng như là đất, có công năng phát sinh và duy trì vạn vật. Đất chính là Tâm địa - Thường Tịch Quang Tịnh độ, vì tự tánh Di-đà Vô lượng thọ là Pháp thân thường trụ. Tự tánh Di-đà Vô lượng quang là Bát-nhã đức Pháp thân. Tự tánh Di-đà vô lượng thanh tịnh là giải thoát pháp thân. Như vậy, trời che (cha), đất chở (mẹ), âm dương hòa hợp thì sẽ sinh thành vạn hữu vũ trụ về mặt pháp thế gian, mưa thuận gió hòa, thế giới bình an hạnh phúc. Ngược lại, thì những hiện tượng bất tường xảy ra trong xã hội và thế giới. Về mặt Phật pháp cũng vậy, các thiện pháp hòa hợp thì sinh thành tất cả công đức, tất cả thiện pháp, gọi là thành Phật”.
Như vậy, cho thấy tất cả các thiện pháp đều xuất phát từ tâm Từ bi, nếu không có tâm Từ bi thì không có hành động theo thiện pháp. Thế nên, thường thường một khi con người nói: Tôi thương cha mẹ, nghĩ mà thương cha mẹ và nhớ ơn cha mẹ cũng như tất cả chúng sinh. Đó là tâm Từ bi. Và lo báo đáp, lo phụng dưỡng, lo hướng dẫn cha mẹ tu hành, tránh ác làm lành, mới lo cho cha mẹ hiện đời, và lo cho cha mẹ đời sau, lo cho cha mẹ một đời, nhiều đời là thế, thuộc về tâm Trí tuệ. Do đó, nếu không có ý niệm cơ bản là lòng Từ bi, soi sáng bằng Trí tuệ hiểu biết, thì không thể có vấn đề tri ân và báo ân. Một khi đã có vấn đề tri ân và báo ân, dĩ nhiên đã xuất phát và tương ưng chân lý, tùy thuận chân lý rồi. Do đó mà gọi là hiếu đứng đầu tất cả hạnh lành.
Trên phạm vi trách nhiệm, tình cốt nhục nghĩa đồng bào, cho nên ngày xưa, vua Tỳ-lưu-ly xâm chiếm, tiêu diệt nước Ca-tỳ-la-vệ và dòng họ Thích-ca, Đức Phật đã ba lần hiện làm vị Sa-môn cản đường tiến quân của vua Tỳ-lưu-ly. Tại sao? Dù biết rằng nhân quả là vấn đề khó tránh; nhưng trên tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ và tình thương yêu đồng bào, quê hương xứ sở, giòng họ, nên Ngài không thể ngồi nhìn đất nước bị xâm lăng, dân tộc bị tiêu diệt.
(Kinh Tăng nhất A-hàm)
Đức Phật đã hành động như thế, huống là đệ tử của Phật mà lại làm ngược đi. Và kinh Phạm Võng cũng xác định: “Bồ-tát không được vì quyền lợi mà làm sứ giả, không làm thông sứ cho hai bên đánh nhau... Nếu làm là phạm khinh cấu tội” (điều 11). Đối với đất nước người khác còn như thế, huống hồ là quê hương xứ sở và dân tộc mình, nơi chôn nhau cắt rốn, sinh ra mình.
Qua đó chứng minh, rõ ràng là dù bất cứ hệ tư tưởng nào, kinh nào, thời đại nào cũng vậy, vấn đề hiếu và nhân quả là điều tất nhiên, và rõ ràng. Do đó, từ phạm vi Đức Phật cho đến hàng đệ tử Phật cũng thế.
Như kinh A-hàm nói: “Khi phụ vương Tịnh Phạn lâm bệnh, Ngài đã trở về hoàng cung để thăm hỏi Phụ vương và khi Phụ vương băng hà, chính đích thân Đức Phật đứng ra lo tang lễ, và trong giờ di quan, Đức Phật đã đỡ kim quan thân phụ đưa đến nơi làm lễ trà-tỳ, và thường xuyên lên cõi trời Đao-lợi thuyết pháp cho thân mẫu Ma- da nghe, nhờ đấy mà Phụ thân và Mẫu thân thấm nhuần đạo lý giải thoát, an vui tự tại”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm)
Tóm lại, tâm Từ bi là đầu mối quan hệ hữu cơ hiếu đạo, từ đấy có ra ý nghĩa thiện tâm, thiện pháp, thiện hạnh và thực hành Bồ-tát đạo, dẫn đến thành Phật. Mà Đức Phật không những đã chứng minh bằng hành động trên cơ sở Phật quả, cũng như từ lúc tu nhân khi còn Bồ-tát vị, mà còn trình bày cụ thể qua giáo pháp Phật, để chúng sanh y cứ tu hành thành tựu đạo hiếu và thành tựu Phật quả, như Phật và đệ tử Đức Phật là Tôn giả Xá-lợi-phất trước khi viên tịch Ngài đã trở lại quê nhà thăm mẫu thân lần cuối và nhập diệt tại quê nhà. Tôn giả Mục-kiền-liên sau khi thành tựu đạo quả, đã tìm mọi cách để cứu độ mẫu thân thoát khỏi cảnh khổ đau. Cả hai trong hội Pháp Hoa, Tôn giả Xá-lợi-phất được Đức Phật thọ ký hiệu là Hoa Quang Như Lai. Tôn giả Mục-kiền-liên được Đức Phật thọ ký thành Phật hiệu là Đa-ma-la Bạt-chiên-đà Hương Như Lai.
(kinh Pháp Hoa)
Và đạo hiếu ấy cũng thể hiện qua các mặt thế gian, xuất thế gian: hiếu đối với cha mẹ, đối với Tam bảo, đối với đất nước và đối với chúng sanh. Như truyện Quan Âm Nam Hải nói: “Chân như Đạo Phật nhiệm mầu. Tâm trung chữ Hiếu, niệm đầu chữ Nhân. Hiếu thì độ được song thân. Nhân thì cứu vớt trầm luân muôn loài”.