Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Khéo tu thì nổi

Đức Phật dạy có năm pháp hay năm sức mạnh có khả năng cứu nguy cho các chúng sinh đang bị chìm đắm trong biển sinh tử luân hồi, giúp cho chúng sinh tìm thấy lối đi ra khỏi khổ đau trầm luân. Đó là biết nuôi dưỡng lòng tin (saddhà) trong các thiện pháp, biết nuôi dưỡng lòng xấu hổ (hiri), biết nuôi dưỡng lòng sợ hãi (ottappa), biết phát huy sự tinh tấn (viriya) trong các thiện pháp và biết phát triển trí tuệ (pannà).
Mục lục


Đức Phật dạy có năm pháp hay năm sức mạnh có khả năng cứu nguy cho các chúng sinh đang bị chìm đắm trong biển sinh tử luân hồi, giúp cho chúng sinh tìm thấy lối đi ra khỏi khổ đau trầm luân. Đó là biết nuôi dưỡng lòng tin (saddhà) trong các thiện pháp, biết nuôi dưỡng lòng xấu hổ (hiri), biết nuôi dưỡng lòng sợ hãi (ottappa), biết phát huy sự tinh tấn (viriya) trong các thiện pháp và biết phát triển trí tuệ (pannà). Với tuệ nhãn của bậc Giác ngộ, Phật thấy chúng sinh trôi lăn trong biển sinh tử, giống như các thuyền nhân gặp nạn đắm tàu trong đại dương bao la, nên Phật đưa ra phương pháp cứu độ, khiến cho những ai khéo vận dụng các phương pháp của Phật thì thoát được nạn đắm chìm.

Nuôi dưỡng lòng tin (saddhà) trong các thiện pháp nghĩa là phải biết thiết lập lòng tin đối với Phật - bậc Giác ngộ, bậc đã giải thoát khổ đau; đối với Pháp - giáo lý giác ngộ của Phật, có khả năng đưa chúng sinh ra khỏi khổ đau luân hồi; đối với Tăng - các bậc tu hành đệ tử của Phật, nguyện trọn đời đi theo con đường của Phật với mục đích giải thoát khổ đau cho tự thân và cho tha nhân. Thiết lập được lòng tin như thế tức là có Chánh kiến, biết nhận ra giá trị lợi lạc của các thiện pháp, quyết chắc đi theo thiện pháp, sống theo thiện pháp, không đi theo ác pháp, không sống theo ác pháp. Đây chính là nền tảng của lối sống hạnh phúc an lạc, rời xa phiền não khổ đau, khởi điểm của lối đi ra khỏi biển khổ sinh tử luân hồi.

Nuôi dưỡng lòng xấu hổ (hiri) tức là phải luôn luôn cảm thấy mắc cỡ hổ thẹn khi có những ý nghĩ không chân thật, những lời nói không chân thật, những việc làm không chân thật khởi lên trong chính mình; phải thấy xấu hổ tự trách móc mình về các hành vi sai trái xấu ác mà mình lỡ mắc phải trong ý nghĩ, trong lời nói hay trong việc làm. Đây chính là biểu hiện của thiện tâm hay tâm giác ngộ, có khả năng ngăn ngừa và chặn đứng các hành vi bất thiện thuộc thân, khẩu, ý, nuôi dưỡng đạo đức của con người.

Nuôi dưỡng lòng sợ hãi (ottappa) có nghĩa là cảm thấy lo lắng sợ hãi đối với các ý nghĩ bất chánh, những lời nói bất chánh, những việc làm bất chánh thể hiện trong đời sống hàng ngày; nhận ra quả báo tai hại khổ đau của các hành vi bất thiện thuộc thân, khẩu, ý để sinh tâm lo lắng sợ hãi mà kiên quyết từ bỏ lối sống sai trái xấu ác. Đây là dấu hiệu tăng trưởng của tâm giác ngộ, có năng lực đoạn tận các hành vi bất thiện thuộc thân, khẩu, ý, làm tăng trưởng giới đức của con người.

Tinh tấn (viriya) trong các thiện pháp nghĩa là nhiệt tâm tu tập thiện pháp và diệt trừ ác pháp, tinh cần tu tập thiện pháp và diệt trừ ác pháp, tinh tấn tu tập thiện pháp và diệt trừ ác pháp một cách liên tục trong quá trình tu tập hướng đến mục đích giác ngộ. Cụ thể là nỗ lực thực hành và làm viên mãn giới đức, nỗ lực tu tập và làm viên mãn thiền định, nỗ lực phát triển và làm viên mãn trí tuệ đưa đến đoạn tận các lậu hoặc, chấm dứt khổ đau sinh tử luân hồi.

Phát triển trí tuệ (pannà) có nghĩa là phát huy năng lực sáng suốt của tâm thức có giới đức và thiền định hỗ trợ nhằm thấy rõ bản chất sinh diệt, chuyển biến, hư huyễn, không thực, không thường tại của hết thảy những gì hiện hữu trên thế gian, nhận rõ tính chất khổ đau của những gì chịu sự sinh diệt biến hoại, biết rõ hết thảy các pháp sinh diệt ấy không thuộc về mình, không phải của mình, mình không nắm bắt được, mình không làm chủ được. Tất cả chỉ là hệ quả của mê lầm khổ đau, cần phải buông bỏ. Đây chính là tiếng nói của trí tuệ, là bước ngoặt lớn của tiến trình tu học lời Phật dạy với mục đích thoát ly khổ đau sinh tử luân hồi, tức thấy được Tứ Thánh đế, khổ, tập, diệt, đạo, hiểu rõ thế nào là khổ đau sinh tử và thế nào là thoát ly khổ đau trầm luân.

Trên đây là năm pháp hay năm phương tiện do Phật đưa ra nhằm cứu nguy cho các chúng sinh đang bị chìm đắm trong biển sinh tử luân hồi; giống như những chiếc phao cứu hộ, giúp cứu nguy cho các thuyền nhân không may gặp nạn đắm tàu giữa biển cả mênh mông.

Để giúp cho mọi người thấy rõ tầm quan trọng của các phương tiện cứu độ, Đức Phật dùng ví dụ về bảy hạng người đi trên một con tàu không may gặp nạn rơi xuống vùng biển sâu. Ba hạng người đầu không biết và không khéo dùng các phương tiện cứu hộ nên không thoát khỏi nạn bị chìm đắm hay trôi giạt mãi trong vùng biển thâm sâu. Bốn hạng người sau cùng khéo dùng các phương tiện cứu hộ gắn với sự nỗ lực chính đáng của bản thân nên thoát khỏi nạn bị chìm đắm, dần dần bơi vào được đất liền một cách an toàn.

Phật dạy như vầy:

“Này các Tỳ-kheo, có bảy hạng người được ví dụ với nước, có mặt hiện hữu ở đời. Thế nào là bảy?

Ở đây, này các Tỳ-kheo, có hạng người lặn một lần rồi chìm luôn; ở đây, này các Tỳ-kheo, có hạng người sau khi nổi lên, lại chìm xuống; ở đây, này các Tỳ-kheo, có hạng người sau khi nổi lên, được đứng lại; ở đây, này các Tỳ- kheo, có hạng người sau khi nổi lên, lại nhìn thấy; ở đây, này các Tỳ-kheo, có hạng người sau khi nổi lên lại bơi tới; ở đây, này các Tỳ-kheo, có hạng người sau khi nổi lên, đạt được chỗ có chân đứng; ở đây, này các Tỳ-kheo, có hạng người sau khi nổi lên, sau khi bơi qua đến được bờ bên kia, lên đứng trên đất liền, là một vị Bà-la-môn.

Và này các Tỳ-kheo, thế nào là hạng người, lặn một lần rồi chìm luôn?

Ở đây, này các Tỳ-kheo, có hạng người hoàn toàn thành tựu với các pháp đen, bất thiện. Như vậy, này các Tỳ-kheo, là hạng người lặn một lần rồi chìm luôn.

Và này các Tỳ-kheo, thế nào là hạng người sau khi nổi lên lại chìm xuống?

Ở đây, này các Tỳ-kheo, có hạng người nổi lên và suy nghĩ: ‘Lành thay, lòng tin trong các thiện pháp! Lành thay, lòng xấu hổ... Lành thay, lòng sợ hãi... Lành thay, sự tinh tấn... Lành thay, trí tuệ trong các thiện pháp!’. Lòng tin đó của vị ấy không an trú, không tăng trưởng, bị giảm thiểu. Lòng xấu hổ đó của vị ấy... lòng sợ hãi đó của vị ấy...sự tinh tấn đó của vị ấy... Trí tuệ đó của vị ấy không an trú, không tăng trưởng, bị giảm thiểu. Như vậy, này các Tỳ- kheo, là hạng người sau khi nổi lên, lại chìm xuống.

Và này các Tỳ-kheo, thế nào là hạng người sau khi nổi lên, được đứng lại?

Ở đây, này các Tỳ-kheo, có hạng người nổi lên và suy nghĩ như sau: ‘Lành thay, lòng tin trong các thiện pháp!

Lành thay, lòng hổ thẹn... Lành thay, lòng sợ hãi... Lành thay, sự tinh tấn... Lành thay, trí tuệ trong các thiện pháp!’. Lòng tin đó của vị ấy không giảm thiểu, không tăng trưởng, được đứng lại; lòng hổ thẹn đó của vị ấy... lòng sợ hãi đó của vị ấy... sự tinh tấn đó của vị ấy...trí tuệ đó của vị ấy không giảm thiểu, không tăng trưởng, được đứng lại. Như vậy, này các Tỳ-kheo, là hạng người sau khi nổi lên, được đứng lại.

Và này các Tỳ-kheo, thế nào là hạng người sau khi nổi lên, lại nhìn thấy?

Ở đây, này các Tỳ-kheo, có hạng người nổi lên và suy nghĩ: ‘Lành thay, lòng tin trong các thiện pháp! Lành thay, lòng hổ thẹn... Lành thay, lòng sợ hãi... Lành thay, sự tinh tấn... Lành thay, trí tuệ trong các thiện pháp!’. Vị ấy, sau khi đoạn diệt ba kiết sử, là bậc Dự lưu, không còn bị đọa lạc, quyết chắc chứng ngộ Bồ-đề. Như vậy, này các Tỳ-kheo, là hạng người sau khi nổi lên, lại nhìn thấy.

Và này các Tỳ-kheo, thế nào là hạng người sau khi nổi lên, lại bơi tới?

Ở đây, này các Tỳ-kheo, có hạng người nổi lên và suy nghĩ: ‘Lành thay, lòng tin trong các thiện pháp! Lành thay, lòng hổ thẹn... Lành thay, lòng sợ hãi... Lành thay, sự tinh tấn... Lành thay, trí tuệ trong các thiện pháp!’. Vị ấy, sau khi đoạn diệt ba kiết sử, sau khi làm muội lược tham sân si, là bậc Nhất lai, còn trở lui đời này một lần nữa rồi đoạn tận khổ đau. Như vậy, này các Tỳ-kheo, là hạng người sau khi nổi lên, lại bơi tới.

Và này các Tỳ-kheo, thế nào là hạng người sau khi nổi lên, lại đặt được chân đứng?

Ở đây, này các Tỳ-kheo, có hạng người nổi lên và suy nghĩ: ‘Lành thay, lòng tin trong các thiện pháp! Lành thay, lòng hổ thẹn... Lành thay, lòng sợ hãi... Lành thay, sự tinh tấn... Lành thay, trí tuệ trong các thiện pháp!’. Vị ấy, sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, tại đấy nhập Niết-bàn, không trở lui trạng thái ấy. Như vậy, này các Tỳ-kheo, là hạng người sau khi nổi lên, lại đặt được chân đứng.

Và này các Tỳ-kheo, thế nào là hạng người sau khi nổi lên đã bơi qua, đạt đến bờ bên kia, đứng trên đất liền, là bậc Bà-la-môn?

Ở đây, này các Tỳ-kheo, có hạng người nổi lên và suy nghĩ: ‘Lành thay, lòng tin trong các thiện pháp! Lành thay, lòng hổ thẹn... Lành thay, lòng sợ hãi... Lành thay, sự tinh tấn... Lành thay, trí tuệ trong các thiện pháp!’. Vị ấy, sau khi đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Như vậy, này các Tỳ-kheo, là hạng người sau khi nổi lên đã bơi qua, đạt đến bờ bên kia, đứng trên đất liền, là bậc Bà-la-môn.

Này các Tỳ-kheo, đây là bảy hạng người được ví dụ với nước, có mặt, hiện hữu ở đời” [1].


Lời Phật dạy về bảy hạng người rơi xuống vùng biền sâu gợi cho chúng ta nhiều điều đáng suy nghĩ.

Trước hết, hết thảy chúng sinh hiện diện trên thế gian đều đang ở trên con thuyền định mệnh, con thuyền của sanh, già, bệnh, chết, sớm hay muộn phải đi đến kết cục chìm đắm, không an toàn, không tồn tại mãi. Đó là con thuyền ngũ uẩn đang trôi giạt trong biển luân hồi, một ngày nào đó phải đi đến chấm dứt, bị chìm đắm trong sanh, già, bệnh, chết, không ai tránh được. Bậc Giác ngộ thấy rõ sự thật bất hạnh này của chúng sinh nên soạn sẵn cho mọi người các phương tiện cứu độ, dạy cho mọi người biết rõ cách thức tự cứu nguy cho mình bằng các phương tiện do Ngài chỉ dạy. Đó là biết thiết lập lòng tin trong các thiện pháp, biết nuôi dưỡng lòng xấu hổ, biết nuôi lớn lòng sợ hãi, biết phát huy sức mạnh tinh cần trong các thiện pháp và khéo phát triển trí tuệ. Đó là những chiếc phao cứu hộ, tuyệt đối cần thiết cho những người gặp nạn đắm tàu.

Phương tiện đã được tạo ra, cách thức sử dụng cũng đã được chỉ bày, vấn đề còn lại là mỗi người cần phải nhận ra tầm quan trọng của các phương tiện cứu hộ, phải thường xuyên vận dụng và thực tập các phương pháp cứu hộ thì mới có đủ hiểu biết và kinh nghiệm để tự cứu nguy cho mình. Rõ ràng, người biết trang bị cho mình các phương tiện và kỹ năng tự cứu hộ thì không còn lo lắng điều gì một khi phải đối diện với nạn đắm tàu.

Trở lại câu chuyện về bảy hạng người rơi vào vùng biển sâu thì ba hạng người đầu xem như chưa thấy được tầm quan trọng của các phương tiện cứu độ do Phật chỉ bày, không thiết tha học tập và hành trì những lời Phật dạy, không biết trang bị cho mình các kỹ năng thoát hiểm; kết quả là cả ba hạng người này bị chìm đắm và trôi giạt mãi trong biền khổ luân hồi. Chỉ có bốn hạng người sau cùng mới ý thức đầy đủ về tầm quan trọng của các phương tiện cứu độ, tha thiết học tập và hành trì giáo pháp giác ngộ của Phật, nhờ đó mới thấy rõ phương hướng quyết chắc ra khỏi biển khổ trầm luân.

Trong bảy hạng người được đề cập thì hạng thứ nhất hoàn toàn không biết gì về thiện pháp, nghĩa là không có lòng tin trong các thiện pháp, không có lòng xấu hổ, không có lòng sợ hãi, không tinh tấn trong các thiện pháp và không có trí tuệ, chuyên tâm sống theo ác pháp; vì vậy hạng người này sau khi thân hoại mạng chung bị đọa sinh vào các cảnh giới bất hạnh khổ đau như địa ngục, bàng sanh hay ngạ quỷ, gọi là lặn một lần rồi chìm luôn. Tựa như một người rơi xuống biển sâu nhưng không biết bơi, cũng không biết sử dụng phao cứu hộ nên bị chìm ngay vào dòng nước thâm sâu.

Hạng thứ hai ít nhiều có nhận ra lợi ích của thiện pháp nhưng không an trú vào thiện pháp, nghĩa là lòng tin trong các thiện pháp không tăng trưởng, bị giảm thiểu; lòng xấu hổ không tăng trưởng, bị giảm thiểu; lòng sợ hãi không tăng trưởng, bị giảm thiểu; sự tinh tấn trong các thiện pháp không tăng trưởng, bị giảm thiểu; trí tuệ không tăng trưởng, bị giảm thiểu; vì vậy hạng người này cũng không thoát khỏi bị tái sinh trong các cảnh giới bất hạnh khổ đau, gọi là sau khi nổi lên lại chìm xuống. Giống như một người rơi xuống biển vớ được chiếc phao cứu hộ nhưng không bám chắc vào chiếc phao, dần dần bị tuột khỏi chiếc phao và chìm sâu vào biển cả.

Hạng thứ ba được gọi là sau khi nổi lên được đứng lại, ngụ ý các chúng sinh có an trú vào thiện pháp nhưng sự an trú ấy không tăng giảm, nghĩa là lòng tin trong các thiện pháp không tăng trưởng cũng không giảm thiểu, lòng xấu hổ không tăng trưởng cũng không giảm thiểu, lòng sợ hãi không tăng trưởng cũng không giảm thiểu, sự tinh tấn trong các thiện pháp không tăng trưởng cũng không giảm thiểu, trí tuệ không tăng trưởng cũng không giảm thiểu; do vậy hạng người này không bị chìm sâu vào các cảnh giới bất hạnh như địa ngục, bàng sanh hay ngạ quỷ, nhưng cũng không thăng tiến về mặt giải thoát, phải tiếp tục tái sinh không hạn định trong các cảnh giới luân hồi thuộc loài người hay loài trời, gọi là sau khi nổi lên được đứng lại. Giống như một người rơi xuống biển nắm được chiếc phao cứu hộ và giữ chặt chiếc phao ấy, không để tuột mất, nhưng người ấy hoàn toàn không nhìn thấy bờ, không thấy phương hướng nào để nỗ lực thoát hiểm, cứ ôm lấy chiếc phao và để cho dòng nước cuốn trôi đi.

Khác với ba hạng người đầu bị giam hãm trong vòng luân hồi khổ đau vì không thấy được lối đi ra khỏi biển khổ trầm luân, hạng thứ tư được gọi là sau khi nổi lên lại nhìn thấy (khổ và con đường thoát khổ), ngụ ý những người chuyên tâm học tập và hành sâu lời Phật dạy, lòng tin trong các thiện pháp, lòng xấu hổ, lòng sợ hãi, sự tinh tấn trong các thiện pháp và trí tuệ được an trú và phát triển vững chắc, nhờ vậy những vị này đạt được Pháp nhãn (Dhammacakkhu), thấy rõ bản chất sinh diệt của mọi hiện hữu, hiểu rõ Bốn Thánh đế, tức khổ đau và con đường ra khỏi khổ đau, dứt trừ được ba kiết sử đầu trong mười kiết sử là thân kiến (sakkyàditthi), nghi (vicikicchà), giới cấm thủ (sìlabbataparàmàsa), đắc quả Dự lưu (Sotapanna), thể nhập Thánh đạo, quyết chắc hướng đến giác ngộ, không còn đọa vào các cảnh giới tối tăm, chỉ qua lại trong các cảnh giới người và trời tối đa bảy lần thì chấm dứt luân hồi khổ đau. Hạng người này được ví như một người gặp nạn rơi xuống biển có mang sẵn chiếc phao cứu hộ và nhìn thấy bờ ở một khoảng cách xa xa, người ấy không còn lo sợ bị chết chìm, quyết chắc vào được bờ an toàn nhưng còn phải nỗ lực nhiều mới đến được bờ an toàn.

Hạng thứ năm được gọi là sau khi nổi lên lại bơi tới, chỉ cho những người đã thể nhập Thánh đạo, tiếp tục hành sâu lời Phật dạy, đoạn trừ được thân kiến (sakkàyaditthi), nghi (vicikicchà), giới cấm thủ (sìlabbataparàmàsa) và làm muội lược tham (kàmacchanda), sân (patigha), si (moha), chứng được quả Nhất lai, nghĩa là sau khi rời bỏ đời sống hiện tại chỉ còn sinh lại đời này một lần nữa thì hoàn toàn chấm dứt luân hồi khổ đau. Hạng người này tựa như một người gặp nạn rơi xuống biển với áo phao cứu hộ mang sẵn trong mình, trông thấy bờ biển và tiếp tục dùng áo phao ấy bơi dần vào bờ, chỉ cần nỗ lực một thời gian nữa thì đến được bờ an toàn.

Hạng người thứ sáu được gọi là sau khi nổi lên đã đặt chân đứng, ngụ ý những người đã thể nhập Thánh đạo, nỗ lực hành sâu hơn nữa giáo pháp Giới-Định- Tuệ của Phật, dứt trừ được năm hạ phần kiết sử gồm thân kiến (sakkàyaditthi), nghi (vicikicchà), giới cấm thủ (sìlabbataparàmàsa) tham dục (kàmacchanda), sân hận (patigha), chứng quả Bất lai, nghĩa là sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên cảnh giới Tịnh cư thiên (Suddhavàsa) và tại đó chứng Niết-bàn, không còn tái sinh luân hồi. Hạng người này được ví như một người gặp nạn rơi xuống biển với áo phao cứu hộ mang sẵn trong mình, trông thấy bờ và tiếp tục dùng áo phao ấy bơi thẳng vào bờ, đặt được chân đứng tại chỗ đất cứng nằm sát bờ biển.

Hạng người thứ bảy được gọi là sau khi nổi lên đã bơi qua, đạt đến bờ bên kia, đứng trên đất liền, là bậc Bà-la-môn, chỉ cho những người đã tu học hoàn tất giáo pháp giải thoát của Phật; đã thực hành đầy đủ Giới-Định-Tuệ đạt đến giải thoát và giải thoát tri kiến; đã hoàn tất mười Thánh đạo gồm Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định, Chánh trí và Chánh giải thoát; đã đoạn trừ mười kiết sử gồm thân kiến (sakkàyaditthi), nghi (vicikicchà), giới cấm thủ (sìlabbataparàmàsa) tham dục (kàmacchanda), sân hận (patigha), sắc ái (rùparaga), vô sắc ái (arùparàga), mạn (màna), trạo cử (uddhacca), vô minh (avijjà), chứng quả A-la-hán, nghĩa là chấm dứt luân hồi khổ đau ngay trong đời này. Hạng người này được ví như một người gặp nạn rơi xuống biển với áo phao cứu hộ mang sẵn trong mình, trông thấy bờ và tiếp tục dùng áo phao ấy bơi vào bờ, đặt được chân đứng tại chỗ đất cứng nằm sát bờ biển và sau đó ra khỏi vùng nước và đứng trên đất liền một cách an toàn.

Nhìn chung, Đức Phật dùng ví dụ về bảy hạng người rơi xuống vùng biển sâu chỉ để nhắc cho chúng ta về mối nguy hiểm của lối sống trôi lăn trong sinh tử luân hồi và về con đường tu tập quyết chắc thoát ly biển khổ trầm luân. Ý thức được điều này tức là thấy ra giá trị to lớn của lời Phật dạy, nhận ra sự thật không thể thay đổi là hết thảy chúng sinh đều có chung số phận bị chìm đắm trong sanh, già, bệnh, chết và do đó mục đích lớn nhất mà mọi người cần tập trung theo đuổi là phải tương trợ cho nhau để thoát ly biển khổ luân hồi, cái khổ lớn nhất đưa đến muôn vàn khổ đau khác như là hệ quả[2].

Đáng chú ý rằng mục đích chính của việc học Phật là nhằm chấm dứt khổ đau tái sinh, thoát ly sinh tử luân hồi, vì Phật chỉ dạy hai điều: khổ và diệt khổ. Còn tái sinh tức là còn khổ đau, chấm dứt tái sinh tức là khổ đau chấm dứt. Do đó, điều quan trọng của việc học tu theo lời Phật là làm sao thấy ra bản chất khổ đau của sự kiện tái sinh trong các cảnh giới luân hồi, thấy rõ sự khổ nằm trong hiện hữu để sinh tâm nhàm chán mà dứt bỏ tái sinh, vì dầu có được làm thân người hay sinh làm chư Thiên thì cũng phải chịu khổ đau bởi quy luật sanh, già, bệnh, chết.

Chưa nhận ra sự khổ tái sinh hay chưa nhàm chán đối với sự kiện hiện hữu thì không thấy được lối đi ra khỏi khổ đau trầm luân; tựa như ba hạng người đầu bị trôi lăn trong các cảnh giới tái sinh vì không nhìn thấy bờ giải thoát, không biết phương hướng ra khỏi khổ đau trầm luân, cứ tiếp tục chìm đắm và trôi lăn mãi trong biển sinh tử luân hồi, không có lối thoát. Trái lại, bốn hạng người sau ý thức rất rõ về khổ đau tái sinh và con đường ra khỏi khổ đau, chuyên tâm thực hành các pháp môn cứu độ do Đức Phật chỉ dạy, nhờ đó lần lượt đi ra khỏi luân hồi khổ đau, gọi là những người nhìn thấy bờ, nỗ lực bơi tới, đặt được chân đứng và bước lên bờ giải thoát một cách an toàn.

Nói cách khác, những ai nỗ lực tu học theo Bát Thánh đạo hay con đường Giới-Định-Tuệ do Đức Phật giảng dạy thì sớm muộn sẽ nhìn thấy bờ giải thoát, quyết tâm bước đi trên con đường sáng suốt ấy thì sẽ lần lượt tiến gần đến bờ, đặt được chân đứng và bước lên bờ Niết-bàn một cách an toàn. Vì Bát Thánh đạo chính là lối đi nhận ra khổ đau (Chánh kiến) và cách thức đi ra khỏi khổ đau, là phương tiện cứu độ thiện xảo của chư Phật, được mệnh danh là con đường đưa đến chấm dứt khổ đau (sinh tử luân hồi).

 


Chú thích:

1.Kinh Ví dụ với nước, Tăng Chi Bộ.
2.Xem chương IV, Tương ưng vô thỉ, Tương Ưng Bộ.


Theo Văn hoá Phật giáo số 276 ngày 01-07-2017

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm