Khác với quan niệm của các tôn giáo hữu thần xem con người là sản phẩm của thần linh và do đó số phận hạnh phúc hay khổ đau của con người là hoàn toàn tùy thuộc vào thẩm quyền của Thượng đế hay đấng Tạo hóa, đạo Phật khẳng định tiềm năng giác ngộ có sẵn trong mỗi chúng sinh, đề cao ý chí và trí tuệ của con người, chủ trương phát huy các phẩm chất giác ngộ tự nội nhằm giải thoát nhân tính khỏi mọi trói buộc khổ đau.
Chính Đức Phật là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại chứng ngộ và tuyên bố tự do tuyệt đối (vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát) có sẵn trong chúng sinh, thuộc về tâm thức con người, hoàn toàn do mỗi cá nhân quyết định.
Theo nguồn tin từ bản kinh Ariyapariyesanà thì trước lúc giác ngộ, trong thời gian còn học đạo với hai đạo sĩ thời danh là Àlàra Kàlàma và Uddaka Ràmaputta, Đức Phật đã xác định mình có đầy đủ tư chất giác ngộ: “Rồi này các Tỳ-kheo, Ta suy nghĩ: ‘Không phải chỉ có Àlàra Kàlàma mới có lòng tin, Ta cũng có lòng tin. Không phải chỉ có Àlàra Kàlàma mới có tinh tấn, Ta cũng có tinh tấn. Không phải chỉ có Àlàra Kàlàma mới có niệm, Ta cũng có niệm. Không phải chỉ có Àlàra Kàlàma mới có định, Ta cũng có định. Không phải chỉ có Àlàra Kàlàma mới có tuệ, Ta cũng có tuệ...’. Rồi này các Tỳ-kheo, Ta lại suy nghĩ: ‘Không phải chỉ có Ràma mới có lòng tin. Ta cũng có lòng tin. Không phải chỉ có Ràma mới có tinh tấn, Ta cũng có tinh tấn. Không phải chỉ có Ràma mới có niệm, Ta cũng có niệm. Không phải chỉ có Ràma mới có định, Ta cũng có định. Không phải chỉ có Ràma mới có tuệ, Ta cũng có tuệ’”[1]. Với niềm tin vững chắc về tiềm năng giác ngộ vốn có trong chính mình, Sa-môn Gotama đã vận dụng năm phẩm chất tự nội - tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn - vào mục đích Vô sở hữu xứ (Àkincannàyatanùpaga) và Phi tưởng phi phi tưởng xứ (Nevasannà-nàsannàyatanùpaga) và nhanh chóng đạt được địa vị tâm thức ngang bằng với hai vị đạo sư Àlàra Kàlàma và Uddaka Ràmaputta, nhưng rồi Ngài đã từ bỏ hai quả chứng ấy[2]. Sau đó, Ngài tiếp tục phát huy tín, tấn, niệm, định, tuệ vào mục đích đoạn trừ các lậu hoặc, hướng đến đoạn tận khổ đau và chứng đắc Thánh quả giải thoát, trở thành Phật, bậc Giác ngộ hoàn toàn.
Từ kinh nghiệm tu tập và chứng đắc quả vị Chánh đẳng giác, Đức Phật khẳng định năng lực giác ngộ có sẵn trong mỗi chúng sinh, mở bày lối đi giải thoát cho nhân thế, khuyến khích mọi người phát huy tín căn, tấn căn, niệm căn, định, tuệ căn để đạt đến hoàn thiện, thành tựu mục đích giác ngộ, chấm dứt luân hồi khổ đau. Bậc Giác ngộ nhấn mạnh:
“Này các Tỳ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.
Do tu tập, do làm cho sung mãn năm căn này, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát[3].
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là tín căn? Ở đây, này các Tỳ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng tin, đặt lòng tin ở sự giác ngộ của Như Lai: ‘Đây là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn’. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là tín căn.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là tấn căn? Ở đây, này các Tỳ-kheo, vị Thánh đệ tử sống tinh cần, tinh tấn đoạn trừ các pháp bất thiện, làm cho đầy đủ các thiện pháp, với nỗ lực kiên trì, tinh tấn, không có từ bỏ gánh nặng các thiện pháp. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là tấn căn.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là niệm căn? Ở đây, này các Tỳ-kheo, vị Thánh đệ tử chánh niệm, thành tựu niệm tuệ, tối thắng ức niệm, tùy niệm các việc làm từ lâu, các lời nói từ lâu. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là niệm căn.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là định căn? Ở đây, này các Tỳ-kheo, vị Thánh đệ tử sau khi từ bỏ pháp sở duyên, được định, được nhứt tâm. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là định căn.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là tuệ căn? Ở đây, này các Tỳ-kheo, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sự sanh diệt các pháp, trí tuệ các bậc Thánh thể nhập (các pháp), đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là tuệ căn”[4].
Căn (indriya) có nghĩa là hạt giống, chủng tử, nguồn cội, nền tảng, nhân tố căn bản hay tính chất có sẵn, trên đó các yếu tố khác được thiết lập, được thực hiện, được thành tựu. Ví dụ, nhãn căn (cakkhu-indriya) là nhân tố cơ bản thuộc sắc thân vật lý, qua đó nhãn thức (cakkhu- vinnàna) được hiện khởi; tương tự như vậy, tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn là các chủng tử giác ngộ có sẵn trong chúng sinh, qua đó con đường Giới-Định-Tuệ được thiết lập, mục tiêu giải thoát được đề ra, Thánh quả giác ngộ được tu tập, được thành tựu. Tất nhiên, chỉ có căn không thôi mà không có các yếu tố khác dự phần hay tác động vào thì không có sự diễn tiến và hình thành nên các thành tựu khác. Chẳng hạn, có nhãn căn (con mắt) nhưng không có sắc pháp làm đối tượng, không có sự quy tụ xúc chạm (phassa) thích hợp giữa con mắt và sắc pháp thì nhãn thức không hiện khởi. Cũng vậy, tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn là các hạt giống giác ngộ có sẵn trong mỗi chúng sinh nhưng chúng sẽ không dự phần vào mục tiêu giải thoát khổ đau, nếu con người không biết đánh thức và phát huy chúng một cách đúng đắn. Tựa như các hạt giống thóc tốt nhưng không được gieo vào đám ruộng ẩm ướt đúng thời, không được chăm bón đầy đủ thì sẽ không cho ra mùa vụ bội thu vậy[5].
Nói khác đi, muốn thành tựu mục đích giác ngộ, chấm dứt khổ đau sanh tử luân hồi, thì con người cần phải biết nỗ lực đánh thức và nuôi lớn tín, tấn, niệm, định và tuệ, các tiềm năng giác ngộ có sẵn trong chính mình. Đạo Phật thường nói “Phật tại tâm” hay “ngọc trong chéo áo”, cốt yếu lưu nhắc mọi người về tiềm năng giác ngộ vốn có ở trong mỗi người, cần phải biết vận dụng và phát huy để đạt đến giác ngộ thật sự.
Tín căn (Saddhindriya) tức là đức tin hay sự tin tưởng vững chắc vào năng lực giác ngộ có sẵn trong chính mình, biểu hiện cụ thể qua sự tin tưởng ở bậc Thế Tôn Chánh đẳng giác: “Đây là Như Lai, bậc A-la-hán- Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Điều Ngự Trượng Phu, Vô Thượng Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”[6]. Nhận thức về Đức Phật có đầy đủ các phẩm chất và phẩm hạnh giác ngộ như thế để củng cố và phát huy ý chí giác ngộ trong chính mình, để nỗ lực học tập và phát triển các phẩm chất giác ngộ giống như Phật thì gọi là phát triển tín căn. Tín căn (saddhindriya) được tu tập lớn mạnh thì thành ra tín lực (saddhàbala), tức sức mạnh của lòng tin về khả năng giác ngộ hay năng lực giải thoát phiền não khổ đau của tự thân.
Tín căn được tu tập, được phát triển thì ý chí giác ngộ càng được nuôi dưỡng và ấp ủ, tạo nên một động lực mạnh mẽ thôi thúc con người quyết tâm thực thi lẽ sống giác ngộ hay bước đi trên con đường ra khỏi khổ đau.
Tấn căn (Viriyindriya) nghĩa là nền tảng của ý chí nỗ lực vốn có trong mỗi cá nhân; khi nhận ra và có lòng tin về điều kiện giác ngộ thì ý chí giác ngộ phát khởi trong con người đi kèm với quyết tâm thực hiện cho được mục tiêu giác ngộ. Đây là sự sanh khởi của tấn căn (viriyindriya), được tu tập và phát triển thì trở thành tấn lực (viriyabala), như được mô tả: “Vị ấy sống tinh cần, tinh tấn, đoạn trừ các pháp bất thiện, làm cho đầy đủ các thiện pháp, với nỗ lực kiên trì, tinh tấn, không có từ bỏ gánh nặng đối với thiện pháp. Vị ấy đối với các pháp bất thiện chưa sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho không sanh khởi; đối với các pháp bất thiện đã sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho đoạn tận; đối với các thiện pháp chưa sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho sanh khởi; đối với các thiện pháp đã sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho an trú, không có mê ám, được tăng trưởng, quảng đại, được tu tập, được làm cho viên mãn”[7].
Như thế, tấn căn được tu tập thì nhân tính được trong sáng và trong sạch, mọi ý nghĩ, lời nói và việc làm của con người đều trở nên tốt đẹp, hướng thiện, hướng thượng, lần lượt đi đến hoàn thiện. Đây hẳn là nhân tố căn bản cho việc xây dựng lối sống đạo đức hướng thượng của con người, giúp cho con người xác định rõ về lẽ sống giác ngộ của mình.
Niệm căn (Satindriya) tức là năng lực nghĩ nhớ, ức niệm, tùy niệm, chánh niệm vốn có sẵn trong mỗi người, có khả năng soi sáng tâm thức giác ngộ, duy trì năng lực sáng suốt và tỉnh táo, khiến cho tâm không mê mờ hay dao động, thấu rõ được bản chất như thật của các sự vật và hiện tượng. Niệm căn (satindriya) được tu tập thì thành ra niệm lực (satibala), tức sức mạnh của chánh niệm tỉnh giác, có khả năng hóa giải tham-sân- si, gốc rễ của phiền não khổ đau. Niệm căn được tu tập và phát triển như vầy: “Vị ấy sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các cảm thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu ở đời”[8].
Niệm căn được tu tập theo cách trên thì tâm trở nên tỉnh táo và sáng suốt, thấy rõ tính chất sanh diệt của các đối tượng quán niệm là thân, thọ, tâm, pháp, tức thấy rõ sự sanh diệt, vô thường, khổ, vô ngã của ngũ uẩn, có khả năng cắt đứt tập quán tham ái và chấp thủ, hướng đến ly tham, giải thoát.
Định căn (Samàdhindriya) tức là khả năng an trú, định tĩnh, không tán loạn, không dao động của tâm thức vốn có trong chúng sinh nhưng do tập quán tham-sân-si hay năm triền cái đeo bám lâu ngày và chi phối[9] nên tâm thường xuyên rơi vào dao động, tán loạn, không an tịnh, không định tĩnh. Giờ đây cần phải ứng dụng sự tu tập đúng pháp thì tâm mới trở lại định tĩnh, mới đạt đến nhất tâm (ekaggatà). Phương pháp tu tập nhằm phát triển định căn là chọn một đối tượng thích hợp (ví dụ hơi thở vào ra) và chú tâm trên đối tượng ấy khiến cho tâm trở nên chuyên chú, tập trung, không tán loạn, không dao động, đạt đến định tĩnh, nhất tâm. Đây gọi là cách làm cho tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh[10], tức vận dụng năm Thiền chi (tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm) để xua tan năm triền cái (tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi), khiến cho tâm không còn tán loạn, lần lượt chứng đạt và an trú các cấp độ định tâm từ Thiền thứ nhất cho đến Thiền thứ tư[11].
Kinh văn mô tả về sự tu tập và phát triển định căn:
“Vị ấy ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Vị ấy diệt tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Vị ấy ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là ‘xả niệm lạc trú’, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Vị ấy xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng đạt và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh”[12].
Như vậy, định căn được tu tập, được phát triển thì tâm thức được thanh lọc, được chuyển hóa, trở nên trong sáng, tịch tịnh, đạt đến định tĩnh, nhất tâm. Đây là bước tu tập khiến cho định căn (samàdhindriya) trở thành định lực (samàdhibala), tức sức mạnh của tâm khéo tu tập, trở thành định tĩnh, thuần tịnh, không cấu uế, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc bình thản[13], có thể hướng đến chứng đắc Tam minh (Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh) hay Lục thông (Thần túc thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông, Thiên nhãn thông, Lậu tận thông) mà kinh văn bảo là “có khả năng hướng tâm đến các pháp nào cần thắng tri và cần chứng ngộ như ý muốn”[14].
Tuệ căn (Pannindriya) nghĩa là khả năng thấy biết thông suốt về bản chất duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã của hết thảy sự vật và hiện tượng, hướng đến yếm ly, ly tham, giải thoát; khả năng ấy vốn có trong mỗi chúng sinh, cần được tu tập và phát huy để thực hiện mục tiêu giải thoát khổ đau. Để tu tập và phát triển tuệ căn thì cần phải thực thi nếp sống Bát Thánh đạo hay phải thực hiện nếp sống có giới đức và hành sâu Thiền định (Chỉ và Quán). Nhờ lối sống nỗ lực tu tập như vậy, vị Thánh đệ tử mới có được trí tuệ, mới thấy như thật về Khổ (ngũ uẩn: chỗ quy tụ và hiện hành của các nỗi khổ: sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, cầu không được, ái biệt ly, oán tắng hội), Khổ tập (ngũ uẩn tập khởi: ái tập khởi), Khổ diệt (ngũ uẩn đoạn diệt: ái đoạn diệt), Con đường đưa đến khổ đoạn diệt (Con đường đưa đến ngũ uẩn đoạn diệt: Bát Thánh đạo), mới diệt trừ được các lậu hoặc, mới thoát ly hoàn toàn khổ đau, như được mô tả: “Vị Thánh đệ tử có trí tuệ, đầy đủ trí tuệ về sự sanh diệt các pháp, trí tuệ thuộc bậc Thánh thể nhập các pháp, đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Vị ấy như thật rõ biết đây là khổ, như thật rõ biết đây là khổ tập khởi, như thật rõ biết đây là khổ đoạn diệt, như thật rõ biết đây là con đường đưa đến khổ đoạn diệt[15]. Nhờ biết như vậy, thấy như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải, khởi lên trí hiểu biết: Ta đã giải thoát. Vị ấy biết rõ: ‘Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa"[16].
Vậy nên, tuệ căn (pannindriya) được tu tập và phát triển thì thành ra tuệ lực (pannàbala), tức sức mạnh của trí tuệ, có khả năng chứng ngộ Khổ, Khổ tập, Khổ diệt và Con đường đưa đến khổ diệt, đưa đến đoạn tận dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, đạt đến tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chấm dứt khổ đau sanh tử luân hồi.
Nhìn chung, những cắt nghĩa về tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn cho chúng ta thấy rõ tiềm năng giác ngộ, khả năng giải thoát khổ đau vốn có sẵn trong mỗi cá nhân. Chỉ cần con người biết quay về tự nội, quan tâm chăm sóc và nuôi lớn các phẩm chất tín, tấn, niệm, định, tuệ trong chính mình, biến chúng thành sức mạnh, thì con đường giác ngộ được mở ra, đạo lý giác ngộ được thực hiện, cơ hội giải thoát sẽ đến với con người hết sức tự nhiên, như lúa chín đúng thời, sau khi hạt giống được gieo xuống mảnh ruộng ẩm ướt và được chăm bón kỹ lưỡng vậy[17].
Với kinh nghiệm của một bậc Toàn giác đã tu tập và phát huy trọn vẹn các phẩm chất giác ngộ, Đức Phật xác chứng cho chúng ta về kết quả lợi lạc của nếp sống tu tập và phát triển tín, tấn, niệm, định, tuệ.
Ngài tuyên bố: “Với sự toàn diện (samattà), này các Tỳ-kheo, với sự viên mãn năm căn này, là bậc A-la-hán. Yếu nhẹ hơn là bậc Bất hoàn. Yếu nhẹ hơn là bậc Nhất lai. Yếu nhẹ hơn là bậc Dự lưu. Yếu nhẹ hơn nữa là bậc Tùy pháp hành. Yếu nhẹ hơn nữa là bậc Tùy tín hành”[18].
“Với sự toàn diện, này các Tỳ-kheo, với sự viên mãn năm căn này, là bậc A-la-hán. Yếu nhẹ hơn là vị đang thực hành để chứng ngộ quả A-la-hán (A-la-hán hướng). Yếu nhẹ hơn là bậc Bất lai. Yếu nhẹ hơn là vị đang thực hành để chứng ngộ quả Bất lai (A-na-hàm hướng). Yếu nhẹ hơn là bậc Nhất lai. Yếu nhẹ hơn là vị đang thực hành để chứng ngộ quả Nhất lai (Nhất lai hướng). Yếu nhẹ hơn là bậc Dự lưu. Yếu nhẹ hơn là vị đang thực hành để chứng ngộ quả Dự lưu (Dự lưu hướng)”[19].
“Như vậy, này các Tỳ-kheo, ai làm viên mãn, được quả viên mãn. Ai làm từng phần, được quả từng phần. Này các Tỳ-kheo, Ta nói rằng năm căn không phải trống không”[20].
Như vậy, tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn được tu tập đi đến viên mãn thì mục tiêu giải thoát được thành tựu, quả vị giác ngộ được hoàn thành, Thánh quả A-la-hán được chứng đắc. Còn lại, các quả vị giác ngộ khác như A-la-hán đạo, Bất lai, Bất lai đạo, Nhất lai, Nhất lai đạo, Dự lưu, Dự lưu đạo, Tùy pháp hành, Tùy tín hành được thành tựu là tùy thuộc vào mức độ tu tập và phát triển năm căn: tín, tấn, niệm, định, tuệ.
Với những lời dạy về tín, tấn, niệm, định, tuệ, bậc Chánh Đẳng Giác đã gợi mở lối đi giác ngộ cho hết thảy mọi người. Hẳn nhiên, không phân biệt giai cấp hay giới tính, những ai quan tâm đến vấn đề khổ đau và giải thoát thì dễ dàng nhận ra con đường ra khỏi khổ đau do bậc Giác ngộ chỉ bày và vững tin vào khả năng giải thoát có sẵn ở trong chính mình.
Chú thích:
1. Kinh Thánh cầu, Trung Bộ.
2. Kinh Thánh cầu, Trung Bộ.
3. Kinh Đoạn tận các lậu hoặc, Tương Ưng Bộ.
4. Kinh Phân biệt, Tương Ưng Bộ.
5. Kinh Nghề nông, Tăng Chi Bộ.
6. Kinh Phân tích, Tương Ưng Bộ.
7. Kinh Phân tích, Tương Ưng Bộ.
8. Kinh Phân tích, Tương Ưng Bộ.
9. Kinh Bà-la-môn Sagàrava, Tăng Chi Bộ.
10. Kinh Thân hành niệm, Trung Bộ.
11. Kinh Đại không, Trung Bộ.
12. Kinh Phân tích, Tương Ưng Bộ.
13. Kinh Khiếp đảm và sợ hãi, Trung Bộ.
14. Kinh Kẻ lọc vàng, Tăng Chi Bộ.
15. Kinh Phân tích, Tương Ưng Bộ.
16. Tiểu kinh Ví dụ dấu chân voi, Trung Bộ.
17. Kinh Cấp Thiết, Tăng Chi Bộ.
18. Kinh Tóm tắt (1), Tương Ưng Bộ.
19. Kinh Thực hành, Tương Ưng Bộ.
20. Kinh Tóm tắt (3), Tương Ưng Bộ.