Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Tại sao Thiền sư Thường Chiếu dám 'cãi' về Tổ Bồ Đề Đạt Ma?

Thiền sư Thường Chiếu là người can đảm phi thường dám nói thẳng về sự viên tịch của Tổ Bồ Đề Đạt Ma khi sử sách khăng khăng Tổ về Ấn Độ chứ Tổ không viên tịch. Thiền sư đã buông một câu: "Một con chó lớn sủa láo, bầy chó nhỏ sủa theo". Tại sao Thiền sư dám phủ nhận?
Mục lục

Theo Hòa thượng Thích Thanh Từ, Thiền sư Thường Chiếu họ Phạm, quê làng Phù Ninh, không rõ năm sinh, tịch năm 1203 đời thứ 12 dòng Vô Ngôn Thông, tiểu sử của Ngài in trong quyển Thiền Sư Việt Nam trang 203 cùng tác giả. Một trong những vị Thiền sư nổi tiếng của nước Việt đó là Thiền sư Thường Chiếu. Ngài đã có công rất lớn khi sát nhập 3 dòng thiền như Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường thành một. Với tính cách đặc biệt, những câu chuyện về Ngài giống như những huyền thoại hấp dẫn. Hòa thượng Thích Thanh Từ đã lấy tên Tổ Thường Chiếu đặt tên cho Thiền viện thành Thiền viện Thường Chiếu. Lý do bởi câu chuyện dưới đây:

“Một hôm Ngài (Thiền sư Thường Chiếu) báo tin sắp tịch, đệ tử Ngài là Thần Nghi thưa rằng : “Hòa thượng cũng tịch nữa sao ?” Ngài hỏi lại : “Ông nói có ai không tịch ?” Thần Nghi thưa : “Tổ Bồ Đề Đạt Ma không tịch”. Ngài hỏi : “Tại sao ông biết Tổ không tịch ?” Thần Nghi thưa : “Tổ chống gậy trở về Ấn Độ chớ không tịch”.

Ngài hỏi : “Căn cứ vào đâu?” Thần Nghi thưa : “Rõ ràng vua Hiếu Trang Đế cho người dở quan tài ở núi Hùng Nhĩ thấy chỉ có một chiếc dép, còn môt chiếc Tổ đã quảy về Ấn Độ”.

Ngài bảo : “Một con chó lớn sủa láo, bầy chó nhỏ sủa theo”.


Câu nói này tôi rất tâm đắc. Tại sao vậy ? Vì trong Sử 33 Vị Tổ Thiền Tông ấn Hoa ghi rằng: “Khi Tổ Bồ Đề Đạt Ma tịch nhục thân của Ngài nhập tháp tại chùa Định Lâm, núi Hùng Nhĩ. Nhưng sau Tống Vân đi sứ Ấn Độ về gặp Tổ tại núi Thông Lãnh tay xách chiếc dép, một mình đi nhanh như bay. Tống Vân hỏi: “Thầy đi đâu ?” Tổ đáp : “Về Ấn Độ”. Tống Vân trở về tâu việc này lên vua Hiếu Trang Đế, vua ra lệnh mở cửa tháp dở quan tài ra, thấy quan tài trống không chỉ còn một chiếc dép”.

Trong sử đã ghi như vậy thì ai dám cãi, nhưng tại sao ngài Thường Chiếu dám phủ nhận?

Đó là một vấn đề tôi cho là hệ trọng. Lâu nay chúng ta có cái bệnh, những gì sử sách ghi lại, những gì người xưa nói, chúng ta đều cho là chân lý. Vì cho là chân lý nên không dám cãi, ở đây ngài Thường Chiếu dám cãi, đó là chuyện lạ thường trong giới tu hành.

Vậy Ngài cãi có lỗi gì không?

Sau đây là đoạn đối thoại giữa Phật và ngoại đạo giúp chúng ta sáng tỏ vấn đề này.

Một vị Bà La Môn hỏi Phật :

- Nghe nói Gotama Ngài biết huyền thuật và dùng huyền thuật ấy để lôi cuốn những người ngoại đạo phải không ?

Phật trả lời :

- Này Bà La Môn! Ngươi chớ có tin điều gì do báo cáo đem lại, chớ có tin điều gì do tin đồn đem lại, chớ có tin điều gì do truyền thống để lại, chớ có tin điều gì do kinh điển để lại, chớ có tin điều gì do  phù hợp với định kiến của mình, chớ có tin điều gì do người có uy quyền nói ra, chớ có tin điều gì do bật dạo sư chỉ dạy. Này Bà La Môn ngươi chỉ tin những gì do chính ngươi thực sự chứng nghiệm cái đó có an lạc hạnh phúc hay không.

Vì Tổ Bồ Đề Đạt Ma tu theo phật là đệ tử của Phật, Phật 80 tuổi tịch, Tổ không tịch chẳng lẽ Tổ tu tiên? Đó là lý do chính đáng để chúng ta có quyền tin là Tổ đã tịch.

Ở đây đức Phật dạy chúng ta đừng vội tin một việc gì dù cho kinh điển để lại.

Tại sao vậy? Vì có vài lần tôi viết sử  một vài vị thiền sư, khi viết rồi lòng tôi thấy không an, nhưng không thể viết khác được. Chẳng hạn như khi viết sử của thầy mình chẳng lẽ viết hết những điều dở của thầy?

Giả sử hồi đó ai làm không vừa ý là thầy bực và rầy rà, thầy hết rầy người này tới rầy người kia. Đâu có viết những điều dở của thầy mà chỉ viết những cái hay. Song, chúng ta xét kỹ là một con người ở thế gian làm sao toàn vẹn. Do đó những điều chưa toàn vẹn của thầy người sau tô điểm cho thật toàn vẹn. Vì viết sử là để lại những gương tốt cho đời sau con cháu đọc. Con cháu đọc sử thấy tổ tiên mình có nhiều điều hay mà không có điều dở.

Tôi rất nể những nhà viết sử các thiền sư Trung Hoa, dám viết trung thực. Sử thiền sư Trung Hoa có ghi một Hòa thượng (tôi không nhớ tên) sai một người đệ tử đi giữ trang trại. Ở chùa mấy vị thân cận Hòa thượng báo cáo tiền thu huê lợi của trang trại vị ấy tiêu xài bậy bạ hết rồi. Hòa thượng nghe qua, kêu vị tăng đó về hỏi: Ta nghe nói tiền thu huê lợi của trang trại được bao nhiêu ngươi xài hết phải không? Vị tăng thưa  Dạ phải. Hòa thượng bực tát vị tăng một bạt tai và bảo đem sổ sách lên trình. Vị tăng đem sổ lên trình rằng khoảng này cho con gái, khoảng kia con xài vặc... ông trình như vậy, nhưng thực tế thì ông không xài gì hết, tiền vẫn còn nguyên, không sơ suất một đồng.

Chúng ta thấy người Trung Hoa họ ghi điều hay mà cũng dám ghi điều dở, còn sử những vị danh tăng Việt Nam, thấy ghi vị nào cũng hay quá, không có chút nào dở cả. Đó là chúng ta còn nhát chưa dám ghi hết sự thật. Tôi nghĩ ai trong thời gian còn đang huân tu dù có trăm điều phải cũng có năm bảy điều quấy, không trọn vẹn tốt hết. Chỉ có đức Phật là bật giác ngộ hoàn toàn mới không còn những điều sai trái. Nếu chúng ta ghi sử mà tô điểm quá sẽ trở thành lố bịch, vì thiếu trung thực.

Cho nên ghi sử chúng ta ghi vừa phải đừng tô điểm thêm, có điều nào dở cũng ghi lại cho người sau biết để rút kinh nghiệm. Đọc người xưa thấy ai cũng có ít phàm tình, để cho chúng ta có chút anúi rằng ai thành thánh cũng không rời phàm. Đọc lích sử Phật, tôi thấy quá hay, đức Phật có đủ tam minh lục thông, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng... thế mà đệ tử của Ngài cũng có những vị dở chớ đâu phải Thánh hết.

Nào là lục quần tỳ kheo làm những điều không hợp đạo là tác nhân để Phật chế ra giới luật. Nào các vị tỳ kheo tranh chấp ở Kosambi, Phật hết lời khuyên can cũng không được. Thêm người em chú bác với Phật là Đề Bà Đạt Đa gây rối cho Phật không ít...

Như vậy để thấy rằng nội bộ tăng đoàn thời đức Phật cũng có những người sai phạm chớ không phải toàn là Thánh hết. Tuy nhiên đối với những việc rắc rối như vậy đức Phật vẫn thản nhiên, không chán nản và thối tâm trên đường hoằng pháp lợi sanh.

Ngày nay chúng ta làm phật sự cứ mong việc mình làm phải thành công viên mãn, mong mà không được như ý hoặc làm mà gặp khó khăn thất bại thì chán nản thối tâm. Mang tâm trạng như thế thì không thể làm phật sự ở cõi Ta bà có nhiều chúng sanh cang cường khó điều phục. Nói như vậy để tăng ni sẽ lãnh đạo ở tương lai biết, đừng nghĩ rằng tu làm phật sự là làm việc chân chánh tốt đẹp thì sẽ gặp mọi việc như ý. Đừng bao giờ nghĩ như vậy, mà phải nhớ rằng, dù gặp khó khăn trở ngại vẫn hăng hái tiến bước để vượt qua, đó mới là người có ý chí hoàn thành trách nhiệm của mình đối với việc lợi sanh.

Ngày xưa đức Phật và chư Tổ cũng gặp nhiều khó khăn trên con đường hoằng hóa chớ đâu có suôn sẻ. Nhưng các Ngài thản nhiên không chán nản. Vậy thì ngày nay chúng ta ra làm phật sự nếu gặp những điều bất như ý, phải can đảm vượt qua không than không chán, lúc nào cũng vui cười để hạnh lợi tha được viên mãn. Làm phật sự gặp khó khăn chứng ngại mà không thối tâm thì ý chí kiên cường, tâm hạnh quên mình vì đạo mới đầy đủ.

Từ trước tôi nói hơi xa, bây giờ trở lại thiền sư Thường Chiếu, Ngài dám quả quyết rằng Tổ Đạt Ma tịch chớ không quảy dép về Ấn Độ. Ai nói Tổ quảy dép về Ấn Độ là nói láo. Vì các vị vua quan đều nói như thế, nên Ngài nói “Con chó lớn sủa láo bầy chó nhỏ sủa theo”.

Vua quan là người có thế lực nên nói ai nghe cũng tin, cũng chấp nhận, nhưng thiền sư Thường Chiếu thì dám phủ nhận. Tại sao vậy ? Vì Tổ Bồ Đề Đạt Ma tu theo Phật là đệ tử của Phật, Phật 80 tuổi tịch, Tổ không tịch chẳng lẽ Tổ tu tiên? Đó là lý do chính đáng để chúng ta có quyền tin là Tổ đã tịch.

Hơn nữa nói rằng Tổ không tịch, vậy Ngài về Ấn Độ rồi ở đâu? Có ai gặp Ngài không? Nếu không ai biết Ngài ở đâu thì chắc chắn Ngài đã tịch. Vả lại giáo lý đức Phật dạy con người có sanh thì có tử, không bao giờ có sanh mà không có tử. Tất cả các pháp có hình tướng có sanh thì có diệt, nếu Tổ Bồ Đề Đạt Ma có sanh mà không có tử thì trái với chánh pháp Phật dạy làm sao chúng ta tin được?

Tôi thấy thiền sư Thường Chiếu là người can đảm phi thường dám nói thẳng, người nhút nhát sợ sệt thì không bao giờ dám nói. Vì tôi phục tính ngay thẳng của Ngài nên lấy tên Ngài đặt tên Thiền viện. Chư tăng ở Thiền viện Thường Chiếu nhớ học theo tính độc đáo này của Ngài.

Sau đây là bài kệ thị tịch: Âm :

    Đạo bổn vô nhan sắc,

    Tân tiên nhật nhật khoa.

    Đại thiên sa giớ ngoại,

    Hà xứ bất vi gia.

Dịch :

    Đạo vốn không nhan sắc,

    Ngày ngày lại mới tươi.

    Ngoài đại thiên sa giới,

    Chỗ nào chẳng là nhà.

Giảng :

Bài kệ này hết sức đơn giản, nhưng đầy đủ ý nghĩa. Người đời thường nói đi tu là phát tâm cầu đạo hay tìm đạo. Vậy đạo là gì, cầu ở đâu ? Nếu đạo ở ngoài mới đi tìm. Ở đây Ngài mượn chữ Đạo của đạo Lão để chỉ cho tâm thể chân thật thanh tịnh không sanh không diệt có sẵn nơi mỗi người.

Ngài nói :

“Đạo bổn vô nhan sắc, tân tiên nhật nhật khoa”. Nghĩa là đạo vốn không nhan sắc, nhưng ngày ngày lại mới tươi. Không nhan sắc tức là không có hình tướng, đạo chỉ là một thể trong sáng tròn đầy. Ở thế gian cái gì có hình tướng thì sanh diệt, sanh diệt thì tươi khi héo. Còn đạo là thể không sanh diệt không hình tướng, nhưng ngày ngày mới và tươi, chẳng phải là cái không ngơ vô tri vô giác.

Như chúng ta tu, khi xếp chân ngồi yên, bao nhiêu vọng tưởng mới cũ khỡi lên liên tục. Chúng ta bận lo diều phục vọng tưởng nên nhọc nhằn nét mặt đăm chiêu, chân mày châu lại... Một lúc nào đó bất chợt bặt hết vọng tưởng thì gương mặt tươi lên giống nhu đang mỉm cười. Người nào vọng tưởng nhiều thì bực bội cau có gương mặt như héo xào.

Nhìn tượng Phật chúng ta thấy gương mặt Ngài thản nhiên tươi sáng và dường như mỉm cười. Vậy khi tâm chúng ta đa đoan nhiều rối loạn thì đầu óc mù mờ và hiện ra nét mặt u tối. Ngược lại khi tâm rảnh rang thanh tịnh thì đầu óc nhẹ nhàng sáng suốt và hiện ra nét mặt vui tươi. Hơn nữa khi tâm thanh thản nhẹ nhàng, cần giải quyết vấn đề gì thì trí chúng ta rất nhạy bén, giải quyết một cách mau chóng và chính xác. Thiền tông gọi trí này là “thời trí” tức là trí kịp thời, trí này sáng suốt nhạy bén do tâm không có vọng tưởng che đậy làm mờ. Như vậy lúc không nghĩ tính thì tâm yên lặng sáng suốt.

“Đại thiên sa giới ngoại, hà xứ bất vi gia”. Ngoài đại thiên sa giới chỗ nào chẳng là nhà. Vì tâm thể không tướng mạo không giới hạn trong một phạm vi cố định, nên Ngài nói ngoài đại thiên sa giới chỗ nào cũng là nhà. Nghĩa là tâm thể thanh tịnh không tướng mạo mà trùm khắp pháp giới. Qua bốn câu kệ ngắn gọn chúng ta thấy Ngài là một thiền sư ngộ đạo thấu suốt được nguồng gốc của đạo và kiếp sống của con người.

Anh Nhy (Biên tập)
Nguồn: phatgiao.org.vn

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm