Tịnh độ là cảnh giới thanh tịnh tự tâm và thế giới (tự tướng). Do đó, không thể nói đơn thuần tâm hay cảnh (thế giới, tướng) trái lại phải vận dụng cả lý và sự, lý sự phải viên dung, nhất là cần phải mang ý nghĩa thực tiễn, không mơ hồ, huyễn mộng. Vì vậy, trong bộ Tây phương Hiệp luận do cư sĩ Viên Hoành Đạo soạn năm 1599, thời Minh, Trung Quốc, ngài đã nói rõ, có Lý đế tịnh độ và Tự tính tịnh độ.
Qua nội dung bộ Tây phương Hiệp luận, sau nầy Đại sư Trí Thúc (đời Thanh 1644) đã lý giải rõ ràng, biện luận chi tiết chặt chẽ và đặt cho tên mới là Niệm Phật Thập Yếu.
Từ ý nghĩa Tự tánh Tịnh độ và Lý đế Tịnh đột rong bộ Tây phương Hiệp luận rút ra tạo thành những ý nghĩa thực tiễn về Tịnh độ như sau:
1. Tỳ-lô-giá-na Tịnh độ
Tỳ-lô-giá-na (Virocana) nghĩa là Biến nhất thiết xứ, hiện hữu khắp mọi nơi. Đây chính là Pháp thân Tỳ-lô- giá-na Phật; nhưng là một dạng Pháp thân hiện hữu khắp pháp giới. Như hư không chỗ nào có hư không thì nơi đó có không khí, tác dụng không khí có sự sống còn của vạn hữu. Cũng vậy, năng lượng Pháp thân Tỳ- lô-giá-na hiện hữu khắp nơi, có tác dụng mầu nhiệm vô cùng, làm cho chúng sanh hiện hữu trong cảnh giới Tịnh độ và tăng trưởng Pháp thân vô tận, vô lượng thọ.
Như kinh Hoa nghiêm nói: “Pháp thân hiện hữu khắp mười phương. Thường xuyên hiển hiện trước chúng sanh. Tùy duyên ứng hiện khắp tất cả. Nhưng thường an trú Bồ-đề đạo tràng” (Pháp thân sung mãn ư thập phương. Phổ hiện nhất thiết chúng sanh tiền. Tùy duyên phó cảm mỵ bất châu. Như thường xử thử Bồ-đề tòa).
Như vậy, từng phút, từng giây chúng sanh đều được năng lượng tác dụng của Pháp thân về sống và hấp thụ được Tịnh độ mầu nhiệm vô cùng của Pháp thân Phật Tỳ-lô-giá-na.
2. Lô-xá-xa Tịnh độ
Lô-xá-na (Rocana) nghĩa là Tịnh quang. Tịnh là Thường trụ Chơn như, Niết-bàn. Quang là Bát-nhã, là tuệ giác viên mãn. Nói cách khác là phước đức và trí huệ trang nghiêm. Do đó, khi chúng sanh thực hành đầy đủ trí tuệ, chính là một thế giới tịnh phúc đức, thanh tịnh trí tuệ, do con người chúng sinh tạo nên, không ai ban cho mà tịnh độ chính là đây, ngay nơi đây. Như vậy, mỗi chúng sanh đều là Lô-xá-na, đều có Tịnh độ Lô-xá-na hay Tịnh độ về phúc đức và trí tuệ trang nghiêm. Mà phúc trí trang nghiêm thì thành tựu Phật quả, đồng với chư Phật không khác. Tóm lại, đây là Tịnh độ của Phật Lô-xá-na, mà cũng là nhân quả của chúng sanh, có phần tương ưng một cách mầu nhiệm và thực tiễn.
3. Thác tích Tịnh độ
(Ký thác Tịnh độ, Nhất sanh bổ xứ Tịnh độ)
Có vị Bồ-tát từ khi phát tâm Bồ-đề, tu hành Lục độ vạn hạnh và Bồ-tát đạo, trải qua ba A-tăng-kỳ kiếp, đến kiếp cuối cùng, chờ ngày giáng sanh xuống cõi Ta-bà tu hành thành Phật, hiệu Thích-ca-mâu-ni. Trước khi giáng trần, Ngài tức là Bồ-tát Hộ Minh (Setaketu) ngự tại cung trời Đâu-suất (Tusita). Do đó trời Đâu-suất là Tịnh độ của Bồ-tát Nhất sanh Bổ xứ thành Phật. Hiện nay, tại cung trời Đâu-suất Bồ tát Di-lặc (Mettreya) đang cư trú. Thỉnh thoảng ngài cũng giáng trần thị hiện trong nhân gian làm một người bình thường hóa đạo, nhưng đó là Bồ-tát hiện thân. Có một kiếp ngài hiệu Bố Đại Hòa thượng ở Trung Quốc, sau khi nhập diệt, ngài để lại bài kệ tại chùa Nhạc Lâm như sau: “Di- lặc chơn Di-lặc, hóa thân vô số ức. Thời thời thị thời nhơn. Thời nhân giai bất thức” (Ta thật là Di-lặc, hóa thân vô số ức. Thường xuyên hóa độ người, mà người người không biết).
Qua đó, Bồ-tát Di-lặc đang cư trú tại Đâu-suất-đà thiên (Tusita) là Tịnh độ của ngài, chờ kiếp giảm thứ mười trong tương lai ngài sẽ giáng sanh xuống cõi Ta- bà, tu hành thành Phật Di-lặc. Vì vậy thường gọi Đức Bồ-tát Di-lặc là vị Phật tương lai của chúng sanh ở thế giới Ta-bà nầy.
4. Thập phương Tịnh độ
Mười phương thế giới, mỗi phương đều có một vị Phật làm Giáo chủ và phương ấy là Tịnh độ của Ngài, cũng là của chúng sanh. Như vậy, về mặt nào chúng sanh cũng đều được tiếp cận với chư Phật và hấp thụ Tịnh độ của Phật đó trong thế giới nầy, không tìm đâu xa mà ngay đây và tại đây. Đó là phương Đông có Đức Phật Thiện Đức Như Lai; phương Nam có Đức Phật Chiên-đàn Đức Như Lai; phương Tây có Đức Phật Vô Lượng Minh Như Lai; phương Bắc có Đức Phật Tướng Đức Như Lai; phương Đông Nam có Đức Phật Vô Ưu Đức Như Lai; phương Tây Nam có Đức Phật Bảo Thí Như Lai; phương Tây Bắc có Đức Phật Tam Thức Hành Như Lai; phương trên có Đức Phật Quảng Chúng Đức Như Lai; phương dưới có Đức Phật Minh Đức Như Lai. Đó là mười Đức Phật tiêu biểu trong hằng hà sa số chư Phật trong mười phương mà Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã giới thiệu. Tuy nhiên, lại có hai Đức Phật ở hai phương, là phương Đông có Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, phương Tây có Đức Phật A-di-đà lại được chúng sanh ở thế giới Ta-bà nầy tưởng niệm nhiều nhất về danh hiệu cũng như Tịnh độ của Ngài.
5. Nhất tâm Tịnh độ
Như Thiện Đạo Đại sư nói: “Niệm Phật tại tâm lìa sắc tướng. Tịch quang chơn cảnh thường hiện tiền. Một niệm không sanh toàn thể hiện. Tự thân thọ dụng dứt suy lường”.
Do đó, một niệm không sanh, tức nhất tâm thì Thường tịch quang Tịnh độ hiện tiền. Đây là cảnh Tịnh độ của Pháp thân. Vì Thường tịch là Pháp thân đức, Quang là Bát-nhã đức, Tịnh độ là Giải thoát đức, đầy đủ ba đức của Pháp thân trong mỗi chúng sanh. Còn một dạng khác là Thật bảo Trang nghiêm Tịnh độ, đây chính là cảnh giới Tịnh độ của Bồ-tát, gồm cả hai thật đức là Phúc đức và Trí huệ trang nghiêm. Nếu chúng sanh có đầy đủ Phúc đức và Trí huệ thì chính là cũng an trú trong cảnh Tịnh độ của Bồ-tát. Cuối cùng là Phương tiện Hữu dư Tịnh độ, là Tịnh độ của A-la-hán tại nhân gian, nếu đã đoạn trừ hoàn toàn năm hạ phần kiết sử là thân kiến, biên kiến, giới cấm thủ, tham, sân và năm thượng phần kiết sử là tham cõi sắc, tham cõi vô sắc, trạo cử, mạn và vô minh, thành tựu Tịnh độ tại nhân gian. Còn chỉ chứng Tam quả A-na-hàm thì sinh về Ngũ tịnh cư thiên (Pancasubha) gọi là cảnh giới Bất hoàn của A-na-hàm, tiếp tục đoạn trừ năm thượng phần kiết sử là tham sắc, tham vô sắc, trạo cử, mạn và vô minh thì chứng quả A-la-hán và nhập Niết-bàn, do đó Ngũ tịnh cư thiên còn được gọi là Tịnh độ bậc thánh A-na-hàm (Anagama) thuộc sắc giới (Rupaloka).
Tóm lại, như trong bài phú Cư trần lạc đạo, Phật hoàng Trần Nhân Tông nói: “Di-đà là tánh sáng soi. Tịnh độ là tâm thanh tịnh”. Qua đó, trực nhận tự tánh sáng suốt là Bát-nhã, là Di-đà. Tự tâm thanh tịnh của chính mình là Chơn như, Niết-bàn, không tìm đâu xa. Thế nên, kinh Hoa nghiêm nói: “Ở trong thể tánh Bồ-đề, mà sinh phiền não. Ở trong cảnh giới Niết-bàn, mà sinh sự ràng buộc, khổ đau. Thật đáng thương” (Ư Bồ-đề trung nhi khởi phiền não. Ư Niết-bàn trung nhi khởi triền phược, thậm khả lân mẫn).
Còn trong kinh Đại Thiện Kiến vương (thuộc kinh Trường, Trung A-hàm, Trường, Trung bộ kinh) khi nói về đất nước, kinh thành của Đại Thiện Kiến vương (Maha Sudassama) gồm vàng, ngọc, lưu ly, xa cừ, cây cối bằng ngọc, bằng vàng... phát ra âm thanh vi diệu... Đây chính là Đức Phật gián tiếp nói về Tịnh độ nhân gian qua câu chuyện tiền thân của Ngài và cũng đủ chứng minh tính thực tiễn về nghĩa Tịnh độ tại Tâm và Thế giới.
Do đó, cổ đức nói:
“Nhất cử nhất động vô phi Tịnh độ”.
(Một bước chân, một động tác đều là Tịnh độ vậy).
Bài viết liên quan: Chuyển hoá về Tịnh độ