Nói về chữ Hương. Hương, nghĩa là thơm, một danh từ trừu tượng chỉ cho cái biết của mũi. Chỉ có mũi mới nghe thơm. Duy thức học của Phật giáo gọi cái biết của mũi là Tỷ thức, danh từ vật lý là khứu giác. Cái biết của mũi có phân biệt nhiều mùi: tanh, hôi, thơm, thối, mốc meo...
Chữ Hương là từ Hán Việt, nghĩa là Thơm. Người Việt ta có lúc nói cả hai chữ “hương thơm”. Thế nào gọi là Thơm? Mùi nào, mũi vừa nghe, ý không phản đối, bằng lòng và thích, đó là mùi thơm. Ngược lại, không gọi là hương. Có những mùi thơm làm quyến rũ con người vừa đi qua, phải quay lui, liếc mắt tìm xem mùi thơm đó từ chỗ nào, vật nào tỏa ra khi mắt chưa phát hiện. Hoặc là một vật thể mang nhãn hiệu nước hoa khi mắt đã thấy, người ta cầm lên mũi ngửi để xác định phẩm chất và giá trị của nó.
Mùi thơm, đa số ở các loài hoa như sen, hồng, ngọc lan, lài, dạ lý hương... và gỗ như gỗ trầm.
Các loài hoa, chúng tự tỏa ra mùi thơm. Còn gỗ trầm phải đốt lên tỏa khói mới nghe thơm. Trong các loài hoa có mùi thơm, thì hoa sen tỏa mùi thơm ngát và thanh thoát hơn tất cả, cho nên gọi là Hương sen và trầm cũng thơm ngát, thanh thoát khắp không gian, gọi là Hương trầm khi được đốt lên, nghe rõ qua lời ca: “Trầm hương đốt, xông ngát mười phương”, cho nên gọi là Trầm Hương. Khói trầm bốc lên không trung quyện lại thành mây gọi là mây thơm (Hương vân).
Hai loại mùi thơm tinh khiết và quyến rũ lòng người, đó là hoa và trầm. Do vậy nhân loại trên thế giới trong các giai cấp vua, chúa, quý tộc, giàu sang...từ ngàn xưa, đã tìm đủ mọi cách, làm sao cho những mùi thơm của hoa, trầm luôn tồn tại mãi nơi bản thân mình. Với hoa, khó có thể tạo ra mùi thơm lâu dài! Còn trầm hương có thể được, bằng cách đốt lên trong căn phòng, rồi đặt để những quần, áo, xiêm, y vào đó, để xông ướp mùi thơm.
Ngày nay khoa học, kỹ thuật của nhân loại đã tiến bộ, cho nên đã chế tạo ra nhiều loại nước hoa rất tinh xảo cho nam giới, nữ giới một cách riêng biệt có mùi thơm thanh nhẹ, đậm đà, nồng nàn thật quyến rũ khứu giác con người.
Mùi thơm trên cõi đời này được thấy ở hai lãnh vực vật chất và tinh thần. Vật chất như những thứ: hoa, trầm, cà- phê, rượu, cam, lê, ổi, táo, rau thơm, ngò rí... Mùi thơm của ngò, khi cầm trong tay liền nghe thơm, bỏ vào nồi canh, càng nghe rõ hơn, đúng như lời người chị dặn: “Khi nấu canh, em nhớ bỏ ngò vào cho thơm”. Ngũ cốc, như các thứ gạo, nếp đều có mùi thơm. Chất thơm của gạo, khi bản thể của chúng đang có tên Lúa trên cánh đồng đã thơm rồi, gọi là hương đồng nội, được nghe qua lời thơ: “Hôm qua em đi tỉnh về, hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” (thơ Nguyễn Bính).
Bản thể đang còn hạt lúa đã thơm, sau khi bị xay xát thành gạo, nấu lên thành cơm càng thơm hơn, nghe là muốn ăn liền. Để cho khách hàng được thấy rõ, các chủ chợ đề ngoài bao: “Gạo thơm thượng hạng”. Có thứ gạo ít thơm, nhưng người ta cứ đề thơm thượng hạng để được giá.
Lãnh vực này được đa số Phật tử đem lời thắc mắc, rằng tinh thần mà cũng có mùi thơm à? Xin trả lời, có chứ! Mùi thơm của tinh thần được gọi là Tâm hương, hay còn gọi là lòng thơm thảo. Tâm hương cũng được thấy
ở hai giới nhân sinh: Đời và Đạo. Đạo ở đây là đạo Phật. Chỉ có đạo Phật mới có Tâm hương. Người theo đạo Phật, ai cũng được có từ một, ba, bốn hay năm loại Tâm hương (vị hương của tâm), theo nguyên lý hễ có tu tập Phật pháp một cách tinh tấn là có tâm hương. Người không tu tập Phật pháp, cũng có, nhưng hương đó gọi là hương đời, do có công gì với núi sông, được đời biết đến. Hương có tu tập Phật pháp gọi là hương đạo.
Tâm hương của người thế gian Việt Nam
Tâm hương của người Việt chúng ta, đó là những đức tính nhân bản đầy nhân ái, đạo đức, hiền lành, biết thương yêu đồng bào, sống đời khẳng khái, cương trực, công minh, liêm chính, chân thật, tận tụy việc nước, việc nhà thật chu toàn... Tâm hương này, được thấy ở các hàng sĩ phu, trí thức khoa bảng ở các địa vị giáo dục, chính quyền, chính trị, quân sự trong mọi thời đại trên quê hương xưa và nay. Tất cả đức tính nhân bản này là nền tảng tạo nên lòng yêu nước, cương quyết chống ngoại xâm một cách bất khuất trước bạo lực của giặc, để giành độc lập dân tộc. Tâm hương là đó, cũng được gọi là vị ngọt tâm hồn, lòng thơm thảo. Tâm hương của những nhà đạo đức, liêm chính này, được đi vào tâm hồn của toàn dân trên cả nước, đâu đâu cũng nghe, biết đến. Những người có tâm hương, một khi được có trong lòng, ắt phải hiển lộ ra những hành động quên mình: cho Tổ quốc, vì dân, vì nước, luôn vị tha, lợi lộc cho dân tộc trước hết và trên hết. Phải có danh gì với núi sông như vậy, thì danh mới thơm, tên tuổi được đi vào trang sử Việt, đúng theo định lý duyên khởi của Phật giáo “Thử hữu cố bỉ hữu” (Cái này có, cái kia có).
Tâm hương của người trong đạo Phật, không nhất thiết là Tăng, Ni, Phật tử của Phật giáo Việt Nam. Những quốc gia nào trên thế giới đang có đạo Phật hiện hữu, mà Tăng, Ni, Phật tử, tại các nước đó hễ có quyết tâm học Phật và tu tập đúng chánh đạo, là có ngay Tâm hương. Từ Tâm hương cơ bản này, là mẹ đẻ ra năm người con khác nữa có tên Hương:
1. Giới hương.
2. Định hương.
3. Huệ hương.
4. Giải thoát hương.
5. Giải thoát Tri kiến hương.
Tất cả năm người con này cùng sống chung trong ngôi nhà Tâm linh (A-lại-da-thức hay Bạch tịnh thức). Nói rõ hơn, trong tâm thức của các cấp Tăng, Ni, Phật tử dù ở quốc độ nào, luôn có năm Tâm hương do tu tập Phật pháp và hành trì Giới luật thật nghiêm minh tinh tấn. Do vậy, trước khi đi vào mọi thứ nghi lễ, người con Phật, bất luận Tăng sĩ hay cư sĩ đều sử dụng năm loại Tâm hương của mình để Cúng Hương lên Tam bảo trong mười phương hiện tại (Hiện tiền Tam Bảo Phật-Pháp-Tăng). Gọi cúng hương này là “Niệm hương”. Bài Niệm hương: Giới hương, Định hương, dữ Huệ hương, Giải thoát, Giải thoát Tri kiến hương. Quang minh vân đài biến pháp giới, cúng dường thập phương Tam bảo tiền. Nam-mô Hương vân cái Bồ-tát, Ma-ha-tát. Hoặc “Nam-mô Hương cúng dường Bồ-tát, Ma-ha-tát”. Cho dù ngôn ngữ lúc niệm hương bạch Phật là tiếng Việt, Hoa, Nhật, Anh, Pháp, Mỹ... vẫn không ngoài năm Tâm hương đó (giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến). Cụm từ “Hương vân cái”, có nghĩa là: “Cây lọng khói trầm hương”. Do khói trầm, từ lư trầm tỏa lên không trung, tụ lại như cây lọng giữa bầu trời bao la, nếu không nói là nhân cách hóa.
Bài niệm hương trên không thấy tác giả, hiện hữu rất lâu đời trong chốn thiền môn Việt Nam cả thế kỷ qua từ 1900, được chư Tăng, Ni tại các chùa Việt Nam trên ba miền Bắc, Trung, Nam niệm lên thành lời để cúng hương trước bàn Phật. Niệm đủ năm tâm hương ấy, rồi cắm ba cây hương lên lư hương, sau đó vào nghi lễ tụng niệm cầu siêu, cầu an, lạy sám hối...
Sau này, một số chư Tăng thuộc Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã soạn thêm một vài bài Niệm hương. Chẳng hạn như bài “Dâng Hương”: Hương xông đảnh báu. Giới, định, tuệ hương. Giải thoát, tri kiến quý khôn lường. Ngào ngạt khắp muôn phương. Thanh tịnh tâm hương. Đệ tử nguyện cúng dường. Nam-mô Hương cúng dường Bồ- tát. Bài Dâng Hương này vẫn còn đủ năm Tâm hương.
Một bài niệm hương nữa, có tên “Cúng Hương”: Nguyện thử diệu hương vân. Biến mãn thập phương giới. Cúng dường nhứt thiết Phật. Tôn Pháp chư Bồ-tát... Bài “Cúng Hương Tán Phật”: Nguyện đem lòng thành kính. Gởi theo đám mây hương. Phảng phất khắp mười phương. Cúng dường ngôi Tam bảo... Những bài Niệm Hương, Cúng Hương, càng về sau, bớt đi năm tâm hương. Mặc dù có bớt đi, nhưng tâm ý những người con Phật cúng hương, niệm hương vẫn ẩn tàng năm tâm hương bên trong. Qua đây, cho ta thấy năm tâm hương rất quan trọng đối với các hành giả trên bước đường tu tập Phật pháp để đạt cho bằng được tư lương giải thoát.
Người niệm hương trước bàn Phật phải là Tăng, Ni có đủ ba đức tính lớn: Giới, Định, Huệ, ba Tâm hương của các bậc tu hành cao tột, trong vai trò trụ trì ngôi chùa, tu viện, lãnh đạo tối cao trong các giáo hội, mới có thể đại diện cho Tăng đoàn và Phật tử, quỳ trước bàn Phật, nói lời tác bạch lên chư Phật, Bồ-tát, chư Thánh hiền Tăng trong mười phương, trước khi đi vào nghi lễ cầu an, cầu siêu, các lễ vía chư Phật, Bồ-tát, chư vị Tổ sư, Hòa thượng, Ni sư tiền bối đã viên tịch.
Để biết rõ thêm bản chất và lý nghĩa của năm tâm hương qua sự giảng luận sau đây: Năm Tâm hương trên, trong đó ba thứ Giới, Định, Huệ (Tuệ), là nền tảng vượt thoát khỏi sinh, tử, luân hồi, gọi là ba thứ Vô lậu. Lậu, có nghĩa là bị lọt vào (hữu lậu) con đường sanh tử, luân hồi, bị lọt xuống ba cõi Ác: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh. Vô, có nghĩa là không bị. Vô lậu, không bị lọt vào ba đường ác. Qua đó, cho ta thấy rằng chư tôn đức Tăng, Ni trong Phật giáo Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung, đều có Tâm vô lậu, cho nên vào lời niệm hương, quý Ngài nói ba lời: Giới hương, Định hương, dữ Huệ hương...
Giới Hương
Bản chất của Giới là thanh tịnh. Cội gốc của muôn hạnh lành, do tâm hành giả trên vận hành tu tập, có quyết tâm hành trì các giới luật của Phật, sống đúng tám con đường chơn chánh một cách nghiêm mật. Suốt đời tu hành, thân, khẩu, ý luôn thanh tịnh, nguyện làm các điều lành. Được mọi người ngoài xã hội, trong Phật giáo thấy rõ qua những đức tính: từ, bi, hỷ, xả, không còn những thứ ngã, nhân, sở, ái... luôn thương yêu mọi loài vật và con người trong các giới một cách bình đẳng trong đối đãi.
Những bậc tu hành có giới đức nghiêm minh, được tỏa ra khắp nơi, làm cho đồng bào các giới nghe, biết đến, giống như nghe đến mùi thơm của hương trầm, cho nên cụm từ Giới hương, cũng được gọi là Giới Pháp thân, như thân Phật.
Định hương
Định, nghĩa là tâm thanh tịnh, vắng lặng, gọi tắt là tịch tịnh. Nói khác hơn, tâm của hành giả trong đạo Phật trên vận hành tu tập, luôn luôn tỉnh thức, an trú trong chánh niệm, đối cảnh luôn vô tâm, xa lìa mọi vọng niệm, không hề khởi tâm nhận thức hay khái niệm, gọi là im lặng như Chánh pháp. Tuy nhiên, đôi lúc cũng tư duy về công án tu tập và phương cách phụng trì Chánh pháp cho công cuộc hoằng hóa độ sanh, luôn nói đúng theo Chánh pháp. Tất cả những tư tưởng vì đạo pháp này, giống như khói trầm hương từ lư trầm vươn lên cao vút tận trời mây, không bao giờ lộn xuống không gian cõi trần. Qua đó, cho ta thấy rằng; tâm định là tâm siêu lên như khói trầm hương.
Cũng như vậy, tâm hồn của chư Tăng, Ni luôn luôn sống trong định, cho dù có tư duy công việc đạo pháp, tâm hồn quý ngài cũng vẫn vươn lên như khói trầm hương, vì không có việc nào là ích kỷ, riêng tư của quý ngài! Nếu không nói là tự tánh bất động trước vật chất. Do đó cụm từ Định hương, được gọi là Định Pháp thân, như thân Phật.
Huệ hương
Huệ, nói cho đủ là trí huệ, hay trí tuệ, tuệ giác. Tâm thức của hành giả trong đạo Phật, được có trí huệ, là do qua quá trình giữ gìn giới luật một cách kỹ lưỡng, nói như lời Phật dạy: “Người tu tập Phật pháp phải giữ giới luật, như gìn giữ con ngươi của mắt mình. Bên cạnh đó, luôn thường hằng hành thiền định, gọi là sống trong định. Nhờ hai thứ: gìn giữ giới luật và thiền định, là năng lực xua đuổi, nhận chìm các lậu hoặc bên trong, làm cho tâm yên lặng, trống rỗng, không bị cảnh trần chi phối, là nền tảng phát sinh ra trí huệ, giống như tim đèn sáng rực, đứng yên một chỗ không bị lu, bị tắt, do có bóng đèn che gió. Nói rõ hơn, tâm hành giả không còn bị tám ngọn gió cảnh giới (bát phong) thổi vào tâm ý nữa.
Tâm hành giả, một khi được có Huệ rồi, không bao giờ nghĩ đến các việc ác. Bởi vì đã thấy rõ nguyên lý của các việc ác, nếu hành động, ắt sẽ nhận lãnh quả báo nghiệp của địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, luân hồi, sanh tử, cho nên luôn tránh né. Nếu có nghĩ, nghĩ đến những điều hay, lẽ phải, cao siêu, mang tính trong sạch, thơm tho, giải thoát. Nếu hành động cứu khổ độ sanh, thì tâm hồn vươn cao, siêu lên giống như khói trầm hương luôn bay cao lên không trung. Vì thế cho nên cụm từ Huệ hương, được gọi là Huệ Pháp thân, như thân Phật.
Giải thoát hương
Một lúc nào đó, hành giả tự cảm thấy tâm hồn mình thảnh thơi, thanh tịnh, an lạc trong thực tại, không nghĩ ngợi, giận hờn, suy tư gì hết trước sắc trần thế gian. Được như vậy, do thường trực tri hành ba giáo pháp Vô lậu: Giới, Định, Huệ. Ba tâm hương vô lậu này, cũng gọi là Hương Vị Chân Tâm, chính là tâm giải thoát của những hành giả trong đạo Phật nói chung, chư Tăng, Ni nói riêng. Nếu ai đang có ba Tâm hương ấy ngay thực tại trong kiếp này, ắt sẽ được giải thoát, siêu lên các thế chư Phật ở mai sau. Qua đây, cho ta thấy rõ ràng ba pháp: Giới, Định, Huệ, là Nhân. Hành giả tri hành ba pháp vô lậu này một cách đúng đắn, thì nhất định được có quả giải thoát không sai chạy.
Giải thoát Tri kiến hương
Giải thoát Tri kiến hương là phần của hành giả đã thấy được tư lương giải thoát, là do ba pháp Vô lậu: Giới, Định, Huệ, qua quá trình tu tập về giới luật, thiền định. Nhờ thiền định, tâm có trí tuệ. Cho nên, nghĩa của Giải thoát Tri kiến hương là phần thấy cuối cùng của cái tâm có chứa đựng ba môn học giải thoát ngay sau khi được có Trí huệ hay còn gọi Tuệ giác.
Với chư tôn đức trong Phật giáo Việt Nam và thế giới, càng thấy rõ hơn ba môn học Vô lậu (Tam vô lậu học) là nền tảng trọng yếu đối với những ai đến với đạo Phật, để tìm cầu cho mình con đường giải thoát, là phải tiếp nhận “ba môn học giải thoát” (Tam vô lậu học), rồi quyết tâm tu tập đúng cách, đúng pháp về Giới, Định, Huệ, thì nhất định ắt sẽ được có Tâm hương giải thoát, thường hằng siêu lên các thế giới chư Phật ngay trong kiếp này, không đợi ở tương lai sau khi xả bỏ báo thân trần thế!
Hành giả thấy biết trước “Tâm hương Giải thoát” (Giải thoát Tri kiến hương) hôm nay và cả mai sau, đó là những danh tăng Phật giáo Việt Nam. Cho nên quý ngài đã biên soạn thêm một số bài Niệm hương Cúng dường, tác bạch lên chư Phật, Bồ-tát, Thánh hiền Tăng trước khi vào các nghi thức tụng niệm trong bài Niệm hương. Nếu không nói rằng để nhấn mạnh và nhắn nhủ quý Phật tử các giới về ba bài pháp Giới, Định, Huệ là con đường giải thoát rất quan trọng, cần phải tinh tấn, tri hành trên vận hành tu tập... Do vậy, nhiều bài niệm hương sau này; từ 1959 trở đi, cũng do một số danh tăng Việt Nam biên soạn có Giới, Định, Huệ hương hay không có nhưng Giới, Định, Huệ hương vẫn ẩn tàng trong bài, không bao giờ mất ba thứ quan trọng đó.