Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Bát Khổ: Chân lý thứ nhất bao quát Tứ Diệu Đế

Xưa nay do nhìn từ quan niệm “đời là bể khổ” mà đã có ý kiến phiến diện cho rằng Đạo Phật bi quan, yếu thế. Nhưng nếu dùng tuệ nhãn mà nhìn nhận thì có thể nói “Khổ đau” là một trong nhiều quan niệm của Phật giáo về nhân sinh quan chứa đựng giá trị nhân văn cao rất đẹp.
Mục lục
Phật giáo chỉ ra bản chất khổ đau của sự hiện hữu là gì và từ đó, giúp con người thực hành như thế nào để không bị rơi vào trạng thái tuyệt vọng, để khi đối mặt với những nỗi đau khổ của cuộc sống hiện thực, con người biết sống tích cực trong chính cuộc đời ngắn ngủi này.
Sự đau khổ của con người trong cuộc sống không có từ ngữ nào có thể diễn tả cho hết mặc dù có khi nó được cụ thể rất ngắn gọn và súc tích trong dân gian: “họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai”.

Quan niệm khổ đau của Phật giáo có vai trò là kim chỉ nam dẫn lối cho con người nhận thức được sự khổ và giải thoát khỏi những nỗi khổ mà từ khi thọ thai đến khi nhắm mắt xuôi tay con người phải gánh nhận.

Khổ đau còn bao hàm cả trạng thái hạnh phúc tương đối. Chính là khi con người hiểu rõ được căn nguyên của sự vật, hiện tượng, con người sẽ tự tìm cho mình được cách giải thoát ra khỏi những bấn loạn hiện hữu.

Khổ đế là chân lý thứ nhất trong bài pháp Tứ đế mà Đức Phật thuyết giảng ngay sau khi chứng đắc Thánh Đạo tại vườn Lộc Uyển với nội dung căn bản là tám loại khổ não mà chúng sinh luân hồi sinh tử trong Lục đạo luôn gánh chịu, bao gồm những nỗi khổ đau như sau: Sinh khổ, Lão khổ, Bệnh khổ, Tử khổ, Ái biệt ly khổ, Cầu bất đắc khổ, Oán tắng hội khổ, Ngũ ấm thạnh khổ.

Sự đau khổ của con người trong cuộc sống không có từ ngữ nào có thể diễn tả cho hết mặc dù có khi nó được cụ thể rất ngắn gọn và súc tích trong dân gian: “họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai” hay được Xuân Diệu nhân cách hóa rất triết lý: “Trái đất ¾ nước mắt. Đi như giọt lệ giữa không trung”.

Sinh khổ:

Sinh khổ là nỗi khổ đau trong sự thụ thai và sinh ra đời của mỗi con người bao gồm cả mẹ và con. Người mẹ mang thai con thì rất khổ nhọc, nào nôn ói, suy nhược, đau đớn, dơ uế; có người mẹ ốm yếu còn cần phải truyền nước thường xuyên, không vận động hoặc đi lại để tránh ảnh hưởng đến thai nhi làm cho người mẹ luôn cảm thấy buồn bực, mệt mỏi. Khi còn là bào thai, đứa trẻ đã có tình thức nên đã có sự cử động cảm xúc. Nếu người mẹ ăn thức lạnh vào thì thai nhi cảm thấy như ở trong giá băng; lúc người mẹ ăn thức nóng vào thì thai nhi cảm thấy như bị nung đốt. Nếu người mẹ buồn rầu, căng thẳng thì sinh con cũng hay u sầu và không thông minh. Thai nhi phải sống trong chỗ chật hẹp, tối tăm và nhơ nhớp, vừa lọt lòng đã kêu khóc oa oa…

Sinh khổ là nỗi khổ đau trong sự thụ thai và sinh ra đời của mỗi con người bao gồm cả mẹ và con.

Bởi mới sinh ra mà đã nếm mùi đau khổ, nên Nguyễn Gia Thiều mới thốt lên rằng:

“Thảo nào khi mới chôn nhau

Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra

Khóc vì nỗi thiết tha sự thế

Ai bày trò bãi bể nương dâu”.

Lão khổ:

Là sự khổ trong lúc tuổi già. Con người khi già yếu, các căn đều suy yếu, mắt mờ, tai lãng, lưng mỏi, chân run, ăn không có cảm giác ngon, ngủ không an giấc, trí nhớ chẳng còn minh mẫn, làn da khô nhăn; răng thường đau nhức, rụng rớt dần.

Lão khổ là sự khổ trong lúc tuổi già.

Dù cho sức khỏe đến đâu thì một thanh niên cường tráng hay một thiếu nữ trẻ khỏe cũng đều phải đối mặt với cái tuổi già yếu này theo quy luật vô thường của vũ trụ. Người già đa phần là tinh thần lú lẫn, con cái hỏi ăn cơm chưa thì nói chưa ăn mặc dù vừa trước đó đã ăn rồi; vì nặng tai nên con cái hỏi câu chuyện A thì trả lời vấn đề B…; Người già không còn được minh mẫn nên mọi sinh hoạt hàng ngày như đi lại, ăn uống, giặt giũ… đều chậm chạp và không được sạch sẽ; có những người do già yếu quá không đi lại được nằm một chỗ sống nhờ vào sự chăm lo của người thân; con cháu dù thân thương đến đâu cũng sinh nhàm chán, xa lánh, sao nhãng bổn phận.

Chính những hành động, thái độ thiếu hiểu biết, cảm thông, vô trách nhiệm của con cháu đã khiến người tuổi già chịu nhiều tủi khổ. Như vậy có thể nói tuổi già thật đáng buồn tủi, khổ sầu.

Bệnh khổ:

Là sự khổ trong cơn đau bệnh tật. Có thân là có bệnh, mà đã là bệnh thì cho dù là bệnh nhẹ như đau răng, đau bụng, nhức đầu… hay bệnh nặng như đau gan, đau thận, ung thư thì bệnh nào cũng là đau khổ. Vướng vào bệnh nan y, tự thân đã đau đớn, lại tốn kém, hoặc không có tiền chạy chữa lại càng khổ hơn.

Ảnh minh hoạ

Bệnh khổ có 2 loại:

Thân bệnh: Thân bệnh là tất cả những chứng bệnh con người mắc phải. Những chứng bệnh này đều do TỨ ĐẠI: địa, phong, thủy, hỏa không điều hòa mà phát sinh, như địa đại không điều hòa, thì thân thể nặng nề; phong đại không điều hòa, thì thân thể bị tê cứng; thủy đại không điều hòa, thì thân thể bị phù thũng; hỏa đại không điều hòa, thì thân thể bị nóng bức.

Tâm bệnh: Trong lòng ôm ấp suy nghĩ khổ não, buồn thảm, bi ai, tuyệt vọng…  Xưa nay đau đớn về thể xác thì có thể chữa trị để qua khỏi nhưng nỗi sầu khổ trong tâm tư thì đáng sợ hơn gấp ngàn lần và dường như chẳng thuốc nào có thể trị được.

Tử khổ:

Là sự khổ trong lúc chết. Phàm là con người thì từ người giàu sang, sung sướng cho đến những kẻ sống khổ cực, khốn cùng thì ai ai cũng tham sống sợ chết. Oái oăm hơn, người bị bệnh nan y, hiểm nghèo lại khát khao sự sống hơn bao giờ hết. Nhưng dù muốn hay không thì chưa có một người nào trên thế gian này có thể thoát khỏi bàn tay của tử thần. Người sắp lìa bỏ cõi đời, tâm thân bấn loạn với nỗi lo gia đình con cái thiếu người chăm sóc, tham tiếc ruộng vườn của cải, buồn rầu phải biệt ly bà con quyến thuộc, nỗi lo cho thân mình đi vào một thế giới cô đơn, vắng lạnh, tương lai mịt mờ, đen tối.

Ảnh minh hoạ

Tâm sợ hãi, còn thân thì đau đớn từng cơn. Khi ấy, con người còn có những biểu hiện như mắt trợn ngược, gân giật, bẻ tay, bẻ chân… trông thật đau khổ vô cùng.

Tử khổ có 2 loại:

Bệnh tử: Vì bệnh, mạng sống hết mà phải chết.

Ngoại duyên: Gặp ác duyên như bị người giết, bị tai nạn đột ngột mà chết, bị nước, lửa thiêu… mà chết.


Ái biệt ly khổ:

Ảnh minh hoạ

Là sự khổ khi xa lìa người thân yêu.

Ái biệt ly khổ có hai loại:

Khổ sinh ly: Trong hoàn cảnh chiến tranh ta thấy rõ điều này nhất. Biết bao gia đình chịu cảnh kẻ Bắc, người Nam; biết bao thanh niên xa gia đình dấn thân nơi chiến trận, người ở nhớ thương, kẻ đi sầu thảm… Cảnh tượng đau xót này khiến có người phải than rằng: “Thà tử biệt chớ ai nỡ sinh ly”. Cũng vì nỗi khổ sinh ly tử biệt này mà thi sĩ Hàn Mặc Tử mới có thể thốt lên vần thơ khổ đau thống thiết và điên dại:

“Người đi một nửa hồn tôi mất

Một nửa hồn kia bỗng dại khờ”.

Khổ tử biệt: Nỗi đau mà cái chết đem lại thì quả không gì kể cho xiết. Nhiều người tuổi hãy còn xuân, tử thần cướp đi người bạn đời để phải chịu cảnh góa bụa bơ vơ; có biết bao em bé mồ côi phải nương thân nơi cô nhi viện; rồi lại có gia đình cha mẹ, anh em, con cái đều bị tử nạn… Cảnh sinh ly, tử biệt đối với người thân yêu quả thật vô cùng sầu khổ.

Oán tắng hội khổ:

Là sự khổ về oan gia hội ngộ. Thói thường, con người đau khổ vì phải xa cách người mình yêu thương, nhưng nếu phải gần gũi, làm việc chung với người mình chẳng ưa chẳng thích thì nỗi ức chế phải kìm giữ trong tâm tạo nỗi dằn vặt không kém. Hoặc trong một gia đình, cha mẹ, anh em, vợ chồng con cái… bất đồng ý kiến, thường có sự tranh cãi, giận ghét, buồn phiền, mưu hại lẫn nhau.

Ảnh minh hoạ

Thật là: “Thấy mặt kẻ thù như kim đâm vào mắt. Ở chung với người nghịch như nếm mật nằm gai”. Đây là nỗi khổ oan gia, tức đầu thai vào trong một gia đình để gây khổ đau cho nhau, đâu có gì là hạnh phúc.

Cầu bất đắc khổ:

Là sự khổ về mong cầu bất toại ý. Trong đời sống, con người có rất nhiều khát vọng, ước mơ, mong cầu… Chẳng hạn, nghèo hèn muốn được giàu sang, xấu xí muốn cho xinh đẹp, thất nghiệp muốn có việc làm, không con muốn cho có con, có con muốn cho nó nên người, thông minh, hiếu thuận. Ngàn muôn ước vọng như thế, nếu cầu mong mà không toại nguyện, thì tạo thành nỗi khổ. Mà phàm là con người thì ham muốn “vô biên giới” như một bản năng khó mà chối bỏ.

Ngũ ấm thạnh khổ:

Ngũ Là sự khổ về năm ấm hưng thạnh. Năm ấm là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc ấm thuộc về thân, bốn ấm kia thuộc về tâm. Như vậy, ở đây nói về sự khổ của THÂN và TÂM. Ngũ ấm này hợp lại tạo nên thân con người, nếu không điều hòa với nhau, thường hưng thịnh thì phát sinh khổ não. Ngũ ấm tạo nên thân con người mà thân con người phải trải qua quá trình sinh, già, bệnh, chết, đương nhiên luôn phải chịu nhiều khổ não.

Ngũ ấm thạnh khổ này bao quát bảy loại khổ trước: THÂN thì sinh, già, bệnh, chết, đói, khát, nóng, lạnh, vất vả nhọc nhằn; TÂM thì buồn, giận, lo, thương, trăm điều phiền lụy.

Ảnh minh hoạ

Bên cạnh Bát khổ còn bao nỗi khổ sầu khác đang chi phối toàn bộ kiếp sống nhân sinh, tạo nên nỗi khổ không cùng cho chúng sinh. Nỗi khổ mênh mông ấy có thể không giống nhau nhưng đều có chung một nguồn gốc gây nên là do vô minh. Tức là do sự ngu si, không nhận chân rõ thật tướng về con người và thế giới mà con người đang sống là “ giả tạm, không và vô thường”; do đó không biết tu tâm, tích đức, xả ngã, vị tha…

Đức Phật vì không thể ngồi yên nhìn chúng sinh chịu khổ cho nên đã xuất gia với tâm nguyện là tìm ra phương pháp tu tập chân chính nhất để con người có thể giải thoát được những nỗi khổ về vật chất và tinh thần giữa cuộc đời hiện hữu. Khi Đức Phật giác ngộ, thì Khổ đế – chân lý thứ nhất đã bao quát toàn bộ tư tưởng của Tứ Diệu đế. Và vi diệu hơn cả là Ngài đã ngộ ra nguyên nhân mọi khổ đau của chúng sinh là do vô minh mà ra.

Vì thế, người Phật tử tu học Phật pháp như được trao vũ khí sắc bén để tiêu trừ “độc vô minh” khi họ biết dùng trí tuệ để suy tư, nhận thức được bản chất khổ đau, nhân ra thật tướng của vạn pháp, rồi chuyên tâm tu tập theo triết lý cao đẹp, thì nỗi khổ sẽ được vơi dần theo năm tháng, dần dần đạt đến hạnh phúc, cao hơn nữa là an vui, tối thắng nhất là đạt được an lạc tuyệt đối của Niết Bàn.

Theo phatgiao.org.vn

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm