Ajahn Chah (1919 - 1992) là vị thiền sư người Thái rất được tin kính. Các bài thuyết pháp của ngài rất thông thoáng, rõ ràng, dứt khoát - sự dứt khoát của vị đã chứng thực được giáo lý của Đức Phật.
Quán sát hơi thở. Chú tâm trên hơi thở. Mang tâm về với hơi thở. Chánh niệm đến hơi thở. Bạn không cần quan tâm đến thứ gì khác nữa. Tiếp tục tỉnh giác càng lúc càng sâu cho đến khi hơi thở thật vi tế, nhưng tâm vô cùng tỉnh thức.
Những nơi phát khởi đau nhức sẽ dần giảm bớt. Suy cho cùng, chúng ta quán sát hơi thở cũng giống như sau khi có người thân đến thăm, ta tiễn họ ra bến tàu hay bến xe buýt. Một khi tàu nổ máy, nó liền rời bến. Ta dõi theo cho đến khi nó đi khuất, rồi ta quay trở về.
Chúng ta theo dõi hơi thở cũng bằng cách đó. Trước hết, ta làm quen với hơi thở thô. Rồi ta làm quen với hơi thở vi tế. Khi hơi thở càng lúc càng vi tế, ta nhìn chúng qua đi. Hơi thở trở nên càng lúc càng nhẹ, nhưng ta giữ tâm càng lúc càng tỉnh giác. Ta tiếp tục theo dõi hơi thở càng lúc càng vi tế cho đến khi dường như không còn hơi thở. Chỉ có sự tỉnh giác, thực sự tỉnh giác.
Luôn quán sát
Nếu bạn thất niệm một phút, bạn điên đảo một phút. Nếu buông lơi chánh niệm hai phút, bạn điên đảo hai phút. Nếu lơ là nửa ngày, bạn điên đảo nửa ngày. Sự việc là như thế.
Chánh niệm có nghĩa là luôn giữ điều gì đó trong tâm. Khi hành động hay nói điều gì, bạn phải nhớ cảnh giác. Khi làm gì, bạn để tâm đến cái mình đang làm. Giữ điều đó trong tâm giống như có đồ vật muốn bán trong nhà. Bạn trông chừng đồ vật, quán sát người đến mua đồ, trông chừng kẻ cắp lấy đồ của bạn. Nếu luôn quan tâm đến những điều này, bạn sẽ biết người nào đến đây vì mục đích gì. Khi bạn có vũ khí trong tay giống như thế - nói cách khác, bạn luôn quan sát - thì kẻ cắp khi gặp bạn, chúng không dám làm gì.
Đối với các đối tượng trong tâm cũng thế. Nếu bạn cảnh giác, có niệm, chúng không thể làm gì. Bạn biết: Một đối tượng tốt đẹp không thể khiến bạn an vui mãi mãi. Chắc chắn như thế.Nó có thể biến mất bất cứ lúc nào. Vậy thì tại sao ta phải bám lấy nó? “Tôi không thích điều này”: Không chắc như thế. Trong trường hợp này, hãy coi đối tượng như trống không, chỉ có thế. Ta cứ tiếp tục huân tập theo cách này, ta cứ chánh niệm, luôn quán sát bản thân: cả ngày, cả đêm, bất cứ lúc nào.
Tiếp khách
Hãy giữ tâm cảnh giác và cảnh giác. Phải luôn canh chừng nó. Nếu có ai đến thăm, hãy đuổi họ đi. Không có chỗ cho họ ngồi, vì chỉ có một chỗ ngồi duy nhất. Hãy cố gắng ngồi tiếp khách cả ngày ở đây. Đó là ý nghĩa của “buddho”. Trụ vững chãi ngay tại đây. Luôn cảnh giác để có thể trông chừng tâm. Khi bạn ngồi tại đây, tất cả mọi người khách đã từng đến thăm viếng từ rất xa xưa - khi ta bé tí, vừa có mặt trên đời - sẽ quay lại ngay đây nơi ta tự thân tỉnh thức.
Còn các vị khách, những người bất chợt đến, thêu dệt đủ mọi điều, bạn hãy để họ theo đuổi mối quan tâm của họ. Hành động của cái tâm đi theo với họ gọi là tâm sở cetasika. Dẫu nó là gì, dẫu nó đi đâu, ai mà quan tâm? Chỉ làm quen với những vị khách thực sự muốn đến và ở lại. Nhưng ta chỉ có một chỗ ngồi cho khách, nên lúc nào ta cũng chỉ tiếp được một vị. Những người khác không có chỗ để ngồi. Khi họ đến để gặp bạn, họ không còn được ngồi xuống. Lần khác họ đến, bất cứ khi nào họ đến, họ cứ gặp người ngồi đây, không bao giờ đi chỗ khác. Như thế liệu họ có còn muốn đến đây chỉ để trò chuyện với bạn không? Rồi bạn sẽ biết tất cả mọi người, những người đã từng đến từ xa xưa khi bạn vừa mới biết đến sự vật quanh mình. Tất cả đã đến thăm viếng bạn.
Gà trong chuồng
Khi chánh niệm và tâm hợp lại, sẽ có cảm giác phát sinh. Nếu tâm sẵn sàng để an tịnh, nó sẽ được ở trong một nơi an tịnh, giống như gà được bỏ vào chuồng. Gà không rời khỏi chuồng, nhưng nó có thể đi qua, lại trong chuồng. Sự đi lại đó không có vấn đề gì, vì nó vẫn ở trong chuồng. Các cảm giác của tâm khi ta dùng chánh niệm để giữ cho nó an tịnh, các cảm giác ấy không phải là thứ sẽ khuấy động ta. Nói cách khác, khi tâm cảm giác, khi nó nghĩ suy, hãy để nó cảm nhận trong tĩnh lặng. Không có vấn đề gì.
Trẻ hư
Tựa như một đứa trẻ hư đang quậy phá, chọc giận ta cho đến khi ta phải la hay đánh nó. Chúng ta phải hiểu đó chỉ là bản chất của trẻ con. Khi hiểu được thế, ta có thể để đứa trẻ được vui chơi. Cảm giác bực bội, tức giận sẽ biến mất vì bạn sẵn lòng chấp nhận bản chất của trẻ. Đó là cách các cảm giác của bạn về một vấn đề đã thay đổi.
Khi ta chấp nhận bản chất của sự vật, ta có thể buông, để yên cho chúng. Tâm ta có thể an tĩnh, mát mẻ. Điều đó có nghĩa là ta đã hiểu đúng. Ta có chánh kiến. Vậy là kết thúc những vấn đề ta phải giải quyết.
Sống với rắn độc
Hãy nhớ rằng: Tất cả mọi đối tượng của tâm, không kể chúng là thứ bạn thích hay không thích, đều giống như rắn độc. Nếu chúng tấn công, cắn bạn, bạn có thể chết. Các đối tượng giống như rắn cực độc. Các đối tượng mà ta thích có nhiều nọc độc. Các đối tượng mà ta không thích cũng có nhiều nọc độc. Chúng khiến tâm không được tự do. Chúng có thể khiến tâm đi lệch khỏi các giới luật của Phật pháp.
Chớ đụng đến rắn
Các đối tượng và trạng thái của tâm giống như rắn hổ mang có nọc độc cực mạnh. Nếu không có gì cản trở rắn, nó bò đi theo đúng bản chất của nó. Dầu có nọc độc, nó không biểu lộ ra ngoài. Nó không gây hại cho ta nếu ta không đến gần nó. Rắn chỉ lo công việc của rắn. Nó luôn theo cách đó.
Nếu thông minh, bạn để yên mọi thứ. Bạn để yên các việc tốt; bạn để yên các việc xấu; bạn để yên những thứ bạn thích, theo như cách bạn để yên con rắn độc.Bạn để nó bò đi theo đường của nó. Dầu có nọc độc, nó bò đi theo đường của nó.
Lò nung
Hãy chú tâm. Chỉ ngồi với đôi mắt khép kín sẽ không giúp phát sinh trí tuệ. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý luôn có mặt. Nếu luôn cảnh giác, ta sẽ học được nhiều điều từ chúng. Ở bên ngoài, ta thấy lá, ta thấy muông thú, và ta sẽ học nhiều điều từ chúng, nếu ta mang chúng vào trong và khiến chúng thành opanayika: thích hợp cho nội tâm. Ta có thể thấy rõ ràng từ bên trong với trạng thái paccatam: rất cá nhân. Ngay cả khi những suy tưởng bên ngoài xuất hiện và lay động nội tâm, ta vẫn học được các bài học cho riêng mình. Ta không thải bỏ chúng.
Nói đơn giản, điều đó cũng giống như đốt lò than. Quý vị từng thấy lò than hay lò nung gạch chưa? Nếu làm đúng cách, thì khi người ta đốt lửa trước cửa lò với khoảng cách từ một hay hai thước, lò nung sẽ hút vào bên trong tất cả khói. Nếu họ xây lò nung đúng cách, theo đúng chỉ dẫn, thì dẫu họ đốt lửa hai hay ba thước trước cửa lò, thì ngay khi có khói, chúng bị hút hết vào trong lò, không có gì còn sót lại bên ngoài. Lúc đó tất cả sức nóng sẽ được tạo ra trong lò, không thoát ra ngoài được. Xây lò thiêu xác cũng thế. Nếu người ta làm đúng, thì tất cả lửa đều bị hút vào lò thiêu; sức nóng vào trong lò sẽ thiêu hủy xác người chết rất nhanh.
Các cảm giác của người hành thiền cũng giống như thế. Bất cứ khi nào có các cảm giác, tất cả đều bị hút vào chánh kiến. Ngay khi mắt nhìn thấy cảnh, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, tất cả đều bị hút vào và biến vào chánh kiến. Khi đã có chánh kiến, sẽ luôn có sự hướng dẫn để làm phát sinh tuệ theo cách đó.
Xoài rụng
Hãy sử dụng sự tĩnh lặng bạn có được để quán chiếu cảnh, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm và ý tưởng mà bạn tiếp xúc, không kể là chúng tốt hay xấu, hạnh phúc hay khổ đau. Giống như có người đã trèo lên cây xoài và lắc mạnh cây để các trái xoài rơi xuống đất.Chúng ta ở phía dưới, có nhiệm vụ lượm xoài. Ta không lượm những trái hư rữa. Ta chỉ chọn trái tươi ngon. Chúng ta không phí sức vì không phải trèo lên cây xoài. Chúng ta chỉ lượm trái trên mặt đất.
Nhện
Sư được một bài học hay từ việc quán sát những con nhện. Nhện làm tổ giống như một mạng lưới. Nó dệt mạng lưới rồi trải rộng ra các phía khác nhau. Có lần sư ngồi và quan sát một con nhện. Nó treo mạng lưới lên giống như một màn ảnh chiếu phim, và sau khi hoàn tất mạng lưới, nó lặng lẽ cuộn mình vào giữa mạng nhện. Nó không chạy loanh quanh. Ngay khi một con ruồi hay một con côn trùng nào đó bay vào lưới, màn nhện sẽ lung lay. Khi đó, con nhện lập tức chạy ra khỏi chỗ nằm và ăn thịt con mồi. Xong xuôi rồi, nó lại cuộn mình nằm giữa mạng lưới giống như trước đó. Không quan trọng là con gì đã bị sa lưới, con ong hay cái kiến: Ngay khi mạng nhện rung lên là con nhện chạy ra bắt mồi. Rồi nó sẽ trở lại chỗ cũ, chờ đợi trong lặng lẽ ở giữa mạng nhện nơi không ai có thể thấy nó, luôn như thế.
Quán sát cách hoạt động của con nhện như thế, sư hiểu được một điều. Sáu giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Tâm ở giữa. Mắt, tai, mũi, lưỡi và thân trải rộng ra giống như giăng lưới. Các đối tượng giác quan giống như các con côn trùng. Ngay khi cảnh vừa lọt vào mắt, hay âm thanh vào tai, mùi vào mũi, vị đến lưỡi, hay một xúc chạm đến thân, thì tâm là cái biết. Sự vật lay động ngay đến tâm. Chỉ có vậy cũng đủ làm phát sinh sự hiểu biết.
Chúng ta có thể sống thu mình vào bên trong, giống như nhện thu mình trong mạng lưới của nó. Ta không cần phải đi bất cứ nơi đâu. Khi các con côn trùng chạy vào mạng lưới, làm lay động tâm, rồi ngay khi nhận thức được điều đó, ta đi ra để bắt côn trùng. Sau đó ta trở về chỗ cũ.
Sau khi quan sát nhện, quý vị có thể áp dụng những gì mình đã học vào tâm. Cũng đại loại như thế. Nếu tâm cảm nhận được vô thường, khổ và vô ngã, tâm đã được khai mở. Tâm không còn là chủ của hạnh phúc, không còn là chủ của khổ đau, vì theo cách này tâm có thể thấy biết rõ ràng. Nó đã hiểu. Bất cứ quý vị làm gì, quý vị đều tự tại. Quý vị không còn ham muốn thứ gì nữa. Việc hành thiền của quý vị chỉ có việc thẳng tiến.
Gà hoang
Sư sẽ cho một thí dụ đơn giản. Giống như đám gà hoang. Ai cũng biết gà hoang như thế nào rồi. Không có giống vật nào trên vũ trụ này lại e dè với con người hơn gà. Khi sư mới về trú ở khu rừng này, sư đã huấn luyện mấy con gà hoang. Sư quan sát chúng và học được nhiều điều từ chúng.
Lúc đầu chỉ có một con dám đi ngang qua lúc sư đang đi kinh hành. Khi nó đến gần, sư giữ ý không nhìn về hướng của nó. Nó làm gì cũng mặc, sư không nhìn theo hướng của nó. Sư không làm động tĩnh gì khiến nó giật mình. Sau một hồi, sư đứng yên lại và nhìn nó. Mắt sư vừa chạm nó, nó liền chạy đi. Khi sư không nhìn nó nữa, nó sẽ bắt đầu cào đất, tìm mồi như trước đó. Nhưng mỗi lần sư nhìn là nó chạy mất.
Sau một hồi có lẽ con gà thấy sư yên lặng, nên nó không còn e dè mấy. Nhưng khi sư rải ít gạo về hướng nó, nó lại chạy mất. Nhưng sư không quan tâm. Sư cứ tiếp tục rải gạo cho nó. Sau một hồi, nó trở lại, nhưng chưa dám ăn gạo. Có lẽ nó không biết đó là gì. Chắc nó sợ sư bắt nó về nấu cà-ri. Nhưng sư không quan tâm việc nó có ăn gạo hay không.
Sau một hồi nó bắt đầu cào đất ngay chỗ có gạo. Có lẽ nó bắt đầu cảm nhận mấy hạt gạo đó là gì. Hôm sau nó trở lại chỗ cũ và ăn gạo sư rải ra. Khi hết gạo, sư rải thêm, thì nó lại chạy mất. Nhưng khi sư cứ tiếp tục lặp đi lặp lại việc rải gạo, nó chỉ hơi quay đi vài bước, rồi quay trở lại ngay để ăn gạo. Đó là khi nó đã hiểu biết.
Lúc đầu đám gà coi mấy hạt gạo như là kẻ thù vì chúng không quen thấy. Chúng không biết rõ đó là gì. Đó là lý do tại sao chúng cứ chạy mất. Nhưng khi chúng trở nên dạn dĩ hơn, chúng quay lại để xem mấy hạt gạo thực sự là gì. Đó là khi chúng hiểu, “Đây là gạo. Đây không phải kẻ thù. Không có gì nguy hiểm”. Đó là cách đám gà hoang ở đây học ăn gạo thóc từ ngày đó đến nay.
Qua đó sư học được bài học từ đám gà hoang. Ta cũng giống như chúng. Cảnh, âm thanh, mùi, vị, sự xúc chạm và ý nghĩ là những phương tiện giúp ta có hiểu biết về Pháp. Chúng đem lại những bài học cho bất cứ ai biết tu tập. Nếu ta nhìn thấy chúng rõ ràng theo đúng với pháp chân thật, ta sẽ thấy bản chất của chúng là như thế nào. Nếu ta không nhìn thấy chúng rõ ràng, chúng sẽ luôn là kẻ thù và ta sẽ luôn chạy trốn chúng.
Khỉ
Hãy để sư cho một thí dụ. Giả sử bạn có một con khỉ là thú nuôi nhà. Tu viện sư cũng có một con khỉ nuôi nhà. Khi bạn ở nhà thì chú khỉ không bao giờ chịu ngồi yên. Lúc nó nắm vật này; lúc nó nhảy chỗ kia - đủ mọi thứ chuyện. Giống khỉ là như thế. Giờ bạn đến thăm tu viện của sư. Sư cũng có một con khỉ, và con khỉ này cũng không chịu ngồi yên. Lúc nó lấy cái này; lúc nó chạy chỗ kia, nhưng nó không khiến bạn bực bội, đúng không? Tại sao? Vì bạn cũng có một con khỉ ở nhà. Bạn đã quen với tánh khỉ. “Khỉ ở nhà cũng giống như khỉ ở đây. Ở tu viện cũng giống như ở nhà. Cũng là khỉ”. Bạn biết chỉ một con khỉ, nhưng dầu đi đâu, bạn thấy khỉ cũng giống nhau, và nó không khiến bạn bực mình, đúng không? Đó là người hiểu khỉ.
Nếu ta hiểu khỉ, thì ta không trở thành khỉ. Nếu bạn không hiểu khỉ, thì ngay khi bạn thấy khỉ, chính bạn trở thành khỉ, đúng không? Khi bạn thấy nó lấy cái này, giựt cái kia, “Ồ!” Bạn bực mình. Bạn không vừa lòng vì khỉ. Đó là người không hiểu khỉ. Người hiểu khỉ thì nghĩ, “Cũng là khỉ. Con khỉ ở tu viện Diamond Light Cave cũng giống thế”. Vậy thì có gì phải bực bội? Bạn biết khỉ là như thế nào, vậy là đủ. Bạn có thể tự tại, an bình. Nếu khỉ có nhảy nhót trước mặt hay sau lưng, bạn đều tự tại. Bạn không bực mình với khỉ. Tại sao? Vì bạn hiểu khỉ - nên bạn không trở thành khỉ. Nếu bạn không hiểu khỉ, bạn bực bội. Khi bực bội, bạn trở thành khỉ - hiểu không? Đó là cách để sự việc trở nên dễ xử.
Chúng ta phải biết về các mối ưu tư của mình, hãy quán xét chúng. Có cái ta ưa thích; có thứ ta không, nhưng rồi thế nào chứ? Đó là việc của chúng. Đó là bản chất của chúng - giống như khỉ. Khỉ nào cũng giống nhau. Chúng ta hiểu các mối ưu tư, trạng thái của chúng như thế nào. Có cái ta ưa thích; có thứ ta không. Chúng là như thế. Chúng ta phải thành thuộc với chúng. Khi đã thành thuộc, hãy buông chúng: “Các mối ưu tư chẳng chắc chắn. Chúng vô thường, khổ và vô ngã”. Ta tiếp tục quán sát chúng theo cách đó.
Nếu chúng gây phiền toái, nếu chúng luồn lách, chỉ quán sát chúng - chúng chẳng là gì cả. Bất cứ ta ngồi ở đâu, khi ưu tư, bận tâm nổi lên qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân hay tâm, ta nhìn, “Hừm. Chúng chẳng là gì”. Giống như khi quan sát mấy con khỉ. Con khỉ nào cũng giống nhau. Chẳng có gì quan trọng. Sau đó chúng ta có thể an bình.
Cây tự ngã
Ham muốn và ái dục đưa ta đến khổ đau. Nhưng nếu chúng ta quán chiếu, sự quán chiếu kéo ta ra khỏi ham muốn. Tâm quán chiếu ham muốn, nó trì kéo, vật vã ham muốn, khiến ham muốn biến đi hay tự giảm cường độ.
Giống như cái cây. Có ai bảo nó phải làm gì không? Có ai gợi ý gì với nó không? Chúng ta không thể bảo nó phải làm gì. Chúng ta không thể khiến nó làm gì. Nhưng nó ngã ra, tự kéo mình xuống. Khi ta nhìn mọi sự theo cách này, đó là Pháp.
Khiêng nặng
Chánh niệm và tỉnh giác giống như hai người đang khiêng một khúc gỗ nặng. Người thứ ba đứng cạnh, và khi anh ta thấy khúc gỗ nặng, anh đến giúp. Khi thấy khúc gỗ nặng như thế, anh ta không thể không giúp. Anh phải giúp. Người giúp đỡ đây chính là trí tuệ. Nó không thể đứng yên. Khi có chánh niệm và tỉnh giác, trí tuệ phải đến gia nhập.
Nước đóng chai, nước suối
Giống như đổ nước vào chai và đưa cho ai đó uống. Một khi đã uống xong, anh ta sẽ quay trở lại và xin thêm - vì nước này không phải là nước ngoài suối. Nó là nước trong chai. Nhưng nếu bạn chỉ cho người đó con suối và bảo anh ta lấy nước ở đó, anh ta có thể ngồi đó, uống đầy hơi và không hỏi xin thêm, vì nước ở suối không bao giờ cạn.
Cũng thế khi ta thấy vô thường, khổ và vô ngã. Điều đó thật sâu lắng, vì ta thực sự hiểu biết, ta biết tận tường. Sự hiểu biết thông thường không sâu lắng. Nếu ta biết tận tường, cái biết đó không bao giờ hư hoại.
Bất cứ điều gì khởi sinh, ta biết một cách đúng - và nó hoại diệt. Chúng ta biết một cách đúng không dừng nghỉ.
Lặng yên, nước chảy
Bạn đã từng thấy nước chảy chưa? Nước chảy: Đã từng thấy chưa? Bạn đã từng thấy nước lặng yên? Nếu tâm bạn an tĩnh, nó giống như nước lặng yên. Bạn đã từng thấy nước chảy, lặng yên? (Cười) Đúng! Bạn chỉ thấy nước lặng yên và nước chảy. Chưa bao giờ thấy nước chảy, lặng yên. Ngay đó, ngay nơi bạn không thể suy nghĩ tới: nơi tâm đứng yên nhưng có thể phát triển trí tuệ. Khi bạn quán sát tâm, nó giống như nước đang chảy, tuy nhiên nó vẫn lặng yên. Nó giống như đang đứng yên, nó giống như đang chảy, vì thế nó được gọi là nước chảy, lặng yên. Nó giống như thế. Đó là nơi trí tuệ có thể phát khởi.
Khúc củi trên dòng kênh
Giống như chặt một khúc củi, vứt xuống một dòng kênh, và để nó xuôi theo dòng nước trong kênh. Nếu khúc củi không bị sâu bọ ăn, không mục, không bị va đập, không vướng vào bờ bên này hay bên kia, mà tiếp tục chảy xuôi xuống dòng kênh. Sư đoan chắc là cuối cùng nó sẽ ra được tới biển.
Chúng ta cũng thế. Nếu ta thực hành theo đúng cách của Đức Bổn Sư dạy, nếu ta đi theo con đường của Ngài, nếu ta xuôi theo dòng chảy, ta phải tránh hai việc. Gì là hai? Hai cực đoan mà Đức Phật dạy thiền giả không nên đắm chìm trong đó. Thứ nhất là đắm chìm trong khoái lạc. Thứ hai là tự hành xác. Hai thứ này là hai bờ kênh, hai bờ sông. Khúc củi chảy xuôi theo dòng nước, chảy ra sông, là tâm của chúng ta.
Sóng biển tràn bờ
Khổ và căng thẳng tâm lý không chắc chắn. Chúng luôn thay đổi. Hãy nhớ điều này trong tâm. Khi những thứ này phát khởi, ta biết chúng ngay và để chúng qua đi. Tâm lực này sẽ ngày dần mạnh hơn. Khi nó đã phát triển, nó có thể chế ngự uế nhiễm cực kỳ mau lẹ. Với thời gian, bất cứ điều gì phát khởi ngay đây, sẽ qua đi ngay đây, giống như sóng biển tràn bờ. Ngay khi chúng vừa tới bờ, là chúng cũng tan rã. Một đợt sóng mới lại xô tới và cũng tan rã. Nó không thể đi xa hơn bờ biển. Vô thường, khổ và vô ngã là bờ biển. Còn các đối tượng giác quan khi kéo đến, cũng giống như sóng biển, chỉ có vậy.
Cái cưa
Nhưng khi tâm thấy và biết mọi thứ, nó không mang theo Pháp bên mình. Giống như cái cưa này: Người ta dùng nó để cưa gỗ. Khi tất cả gỗ đã được cưa, mọi thứ đã làm xong, người ta đem cất cưa. Họ không cần phải sử dụng nó nữa. Cái cưa là Pháp. Chúng ta phải nhờ đến Pháp để tu tập các con đường đưa đến các quả vị. Khi công việc đã thành tựu, ta để Pháp đó qua một bên. Giống như cái cưa đã dùng để cưa gỗ: Họ cắt thứ này, họ cưa thứ kia. Khi đã xong việc, họ cất cưa đi. Lúc đó, cái cưa là cái cưa; gỗ là gỗ.
Đây được gọi là đã tới điểm dừng, một điểm thật quan trọng. Đó là lúc chấm dứt việc cưa cắt gỗ. Ta không phải cưa gỗ nữa, vì đã cưa đủ. Ta đem cưa đi cất.
Diệu Lý Thu Linh dịch
(Trích dịch theo In Simple Terms - 108 Similes,
Bản tiếng Anh do Tỳ-kheo ThannisaThannisaro dịch từ tiếng Thái)