Đạo Phật được mệnh danh là đạo trí tuệ, nghĩa là con đường hay lối sống sáng suốt, có khả năng giúp cho con người ra khỏi mê lầm khổ đau, đạt đến giác ngộ an lạc. Con đường ấy nhấn mạnh rằng việc con người sinh ra trên cõi đời là một sự kiện phiền toái khổ đau; do vậy, con người không nên vọng tâm nghĩ tưởng mê lầm (phi như lý tác ý) khiến khổ đau tiếp tục phát sinh, mà nên tập trung suy tư chín chắn (như lý tác ý) để ra khỏi mê lầm khổ đau[1].
Nghĩ tưởng mê lầm (phi như lý tác ý: ayoniso- manasikàra) nghĩa là nghĩ tưởng những chuyện viển vông, vô ích, không ứng hợp với chân lý thoát khổ, khiến cho tham-sân-si có cơ hội dấy khởi và tăng trưởng, làm cho đời sống trở nên dao động, quay cuồng, mê say, tham đắm, phóng dật, lầm lỗi, mệt mỏi và phiền muộn. Trái lại, suy tư đúng đắn (như lý tác ý: yoniso- manasikàra) tức là chú tâm nhận diện về sự kiện phiền toái của bản thân (Khổ), tìm hiểu vì sao tấm thân phiền toái này có mặt (Khổ tập), làm sao dứt trừ khổ đau (Khổ diệt), và con đường nào giúp giải quyết vấn đề phiền toái khổ đau của tự thân (Khổ diệt đạo). Chỉ với định hướng suy tư chín chắn như vậy thì con người mới có cơ hội nhận rõ chính mình, mới thấy được ý nghĩa và giá trị đích thực của cuộc sống, mới hiểu ra lẽ sống nào mình cần nỗ lực nuôi dưỡng và phát huy, lối sống nào cần hạn chế và nhiếp phục. Đạo Phật gọi lối suy tư nhận thức như vậy là Chánh kiến (Sammà-ditthi), tức sự hiểu biết chân chánh, có công năng mở đường cho lối sống sáng suốt đưa đến chấm dứt khổ đau.
Nhận rõ chính mình tức là nhận ra mình đang ở trong tình trạng luẩn quẩn khổ đau, bị khổ đau chi phối, bị sanh già bệnh chết, bị sầu, bị ô nhiễm, bị tái sanh, cần phải nhanh chóng tìm ra con đường thoát khỏi mê lầm khổ đau, không nên tiêu tốn thời gian và công sức tìm cầu thêm những gì luẩn quẩn, vô ích, không cần thiết cho mục tiêu thoát khỏi sự kiện khổ đau: sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi khổ, ưu, não[2]. Đức Phật, bậc thức tỉnh về khổ đau nhân sinh và đã thoát khỏi mọi hệ lụy khổ đau của các tư tưởng luẩn quẩn, nhắc cho chúng ta rằng dù cho ta có nhiều tiền của, có kiến thức rộng lớn bao nhiêu cũng không giải quyết được vấn đề khổ đau của tự thân, nếu không tập trung nhận diện đầy đủ về sự khổ, không thấy được căn nguyên gốc rễ của khổ đau, không chứng nghiệm sự khổ diệt, không thực hành con đường đưa đến chấm dứt khổ đau. Chính vì thế mà khi đến với thế gian này Phật không dạy gì khác ngoài hai vấn đề: khổ (dukkha) và diệt khổ (dukkhanirodha).
Có vị Tỳ-kheo tên là Màlunkyaputta nghĩ tưởng Đức Phật, bậc thầy của mình, không uyên bác như các vị hiền triết khác, vì Ngài không bao giờ đề cập hay bàn đến các tư tưởng lớn lao và tế nhị như (1) thế giới là thường hằng hay (2) không thường hằng; (3) thế giới là hữu biên hay (4) vô biên; (5) sinh mệnh và thân thể là một hay (6) khác; (7) Như Lai có tồn tại hay (8) không tồn tại sau khi chết; (9) Như Lai vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi chết; (10) Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết. Thầy ấy liền đến chất vấn Đức Phật và yêu cầu Ngài giải thích cho mình các vấn đề trên, nếu không sẽ từ bỏ đời sống xuất gia và hoàn tục.
Mười thắc mắc do Tỳ-kheo Màlunkyaputta đưa ra tiêu biểu cho khuynh hướng nỗ lực tìm hiểu bản chất tự ngã (atta) và thế giới (loka) của một số tư tưởng gia đương thời, mà Đức Phật - bậc đã chứng ngộ trọn vẹn về sự thật Duyên khởi- Vô ngã của hết thảy hiện hữu – không bàn đến[3]. Ở đây chữ Tathàgata (Như Lai) được hiểu như satta (chúng sanh) hay atta (bản ngã)[4].
Lời Phật nhắc nhở Tỳ-kheo Màlunkyaputta về mục đích tu học theo giáo pháp giác ngộ của Ngài cho chúng ta câu trả lời xác đáng về những gì Đức Phật tập trung giảng dạy và những gì Ngài không giảng dạy, giúp cho chúng ta hiểu vì sao pháp của Phật được gọi là “thiết thực hiện tại, đến để mà thấy, được người có trí tự mình chứng hiểu”:
“Này Màlunkyaputta, ví như một người bị mũi tên bắn, mũi tên được tẩm thuốc độc rất dày. Bạn bè và bà con huyết thống của người ấy mời một vị y sĩ khoa mổ xẻ đến săn sóc. Nhưng người ấy lại nói: ‘Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi thuộc giòng hoàng tộc, hay Bà-la-môn, hay buôn bán, hay người làm công’. Người ấy có thể nói như sau: ‘Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi tên là gì, tộc tánh là gì?’. Người ấy có thể nói như sau: ‘Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi là cao hay thấp, hay người bậc trung’. Người ấy có thể nói như sau: ‘Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi là da đen, da sẫm hay da vàng’. Người ấy có thể nói như sau: ‘Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi thuộc làng nào, thuộc thị trấn nào, thuộc thành phố nào’. Người ấy có thể nói như sau: ‘Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết cái cung mà tôi bị bắn, cái cung ấy thuộc loại cung thông thường hay loại cung nỏ’. Người ấy có thể nói như sau: ‘Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được dây cung mà tôi bị bắn, dây cung ấy làm bằng cây leo, hay cây lau, hay một thứ gân, hay một thứ dây gai, hay một thứ cây có nhựa’. Người ấy có thể nói như sau: ‘Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết cái tên mà tôi bị bắn, cái tên ấy thuộc một loại cây lau này hay cây lau khác’. Người ấy có thể nói như sau: ‘Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết cái tên mà tôi bị bắn, mũi tên ấy có kết lông gì, hoặc lông con kên, hoặc lông con cò, hoặc lông con ó, hoặc lông con công, hoặc lông một loại két’. Người ấy có thể nói như sau: ‘Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết cái tên mà tôi bị bắn, cái tên ấy được cuốn bởi loại gân nào, hoặc là gân bò cái, hoặc là gân trâu, hoặc là gân nai, hoặc là gân lừa’. Người ấy có thể nói như sau: ‘Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết cái tên mà tôi bị bắn, cái tên ấy thuộc loại tên nhọn, hay thuộc loại tên móc, hay thuộc loại tên như đầu sào, hay thuộc loại tên như răng bò, hay thuộc loại tên như kẽm gai’. Này Màlunkyaputta, người ấy sẽ chết và vẫn không được biết gì. Cũng vậy, này Màlunkyaputta, ai nói như sau: ‘Ta sẽ sống Phạm hạnh theo Thế Tôn khi nào Thế Tôn trả lời cho ta: Thế giới là thường còn hay thế giới là vô thường... Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết’, thời này Màlunkyaputta, người ấy sẽ chết (và) vẫn không được Như Lai trả lời”[5].
Theo tuệ giác của Phật thì chúng sinh bị mũi tên độc vô minh và tham ái bắn trúng[6] nên bị thương tật và bị giam cầm trong tù ngục tam giới, cần phải nhanh chóng rút bỏ mũi tên, chữa trị vết thương để thoát khỏi ngục tù khổ đau, không nên phí hoài công sức cho những tra vấn luẩn quẩn vô bổ chỉ tiếp tục kéo dài chuỗi mê lầm khổ đau.
Bậc Giác ngộ giải thích cho Màlunkyaputta rằng mục đích tu học theo giáo pháp giác ngộ của Ngài cốt yếu là để đoạn trừ khổ đau, chấm dứt tái sanh, giải thoát sanh tử luân hồi; sự tu học như vậy không dính dáng gì đến các quan điểm hay nhận thức rằng thế giới là thường hằng hay không thường hằng, hữu biên hay vô biên... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết. Nói cách khác, các hiểu biết hay tri thức liên quan đến bí mật thế giới và bản chất tự ngã không giúp ích gì cho đời sống tu học của người xuất gia, chúng không giúp cho con người trưởng thành về giới đức, tâm đức và tuệ đức, không phải là những tri kiến đưa đến giảm thiểu và chấm dứt khổ đau. Chính vì thế mà Đức Phật bỏ qua một bên, không đề cập, không trả lời, không giảng dạy chúng:
“Này Màlunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc với quan điểm ‘Thế giới là thường còn’. Này Màlunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc với quan điểm ‘Thế giới là vô thường’. Này Màlunkyaputta, dầu cho có quan điểm ‘Thế giới là thường còn’, hay dầu cho có quan điểm ‘Thế giới là vô thường’, thời vẫn có sanh, có già, có chết, có sầu, bi, khổ, ưu, não, mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay trong hiện tại. Này Màlunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc với quan điểm ‘Thế giới là hữu biên’. Này Màlunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc với quan điểm ‘Thế giới là vô biên’. Này Màlunkyaputta, dầu cho có quan điểm ‘Thế giới là hữu biên’, hay dầu cho có quan điểm ‘Thế giới là vô biên’ thời vẫn có sanh, có già, có chết, có sầu, bi, khổ, ưu, não, mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay trong hiện tại. Này Màlunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc quan điểm‘ Sinh mạng này và thân này là một’. Này Màlunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc quan điểm‘ Sinh mạng này và thân này là khác’. Này Màlunkyaputta, dầu cho có quan điểm ‘Sinh mạng này và thân này là một’, hay dầu cho có quan điểm ‘Sinh mạng này và thân này là khác’, thời vẫn có sanh, có già, có chết, có sầu, bi, khổ, ưu, não mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay trong hiện tại. Này Màlunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc quan điểm ‘Như Lai có tồn tại sau khi chết’. Này Màlunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc quan điểm ‘Như Lai không có tồn tại sau khi chết’. Này Màlunkyaputta, dầu cho có quan điểm ‘Như Lai có tồn tại sau khi chết’ hay dầu cho có quan điểm ‘Như Lai không có tồn tại sau khi chết’, thời vẫn có sanh, có già, có chết, có sầu, bi, khổ, ưu, não mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay trong hiện tại. Này Màlunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc vào quan điểm ‘Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết’. Này Màlunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc với quan điểm ‘Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết’. Này Màlunkyaputta, dầu cho có quan điểm ‘Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết’, hay dầu cho có quan điểm: ‘Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết’, thời vẫn có sanh, có già, có chết, có sầu, bi, khổ, ưu, não mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay trong hiện tại”[7].
Và bậc Giác ngộ đi đến kết luận:
“Do vậy, này Màlunkyaputta, hãy thọ trì là không trả lời những gì Ta không trả lời. Hãy thọ trì là có trả lời những gì Ta có trả lời. Và này Màlunkyaputta, điều gì Ta không trả lời? ‘Thế giới là thường còn’, này Màlunkyaputta là điều Ta không trả lời. ‘Thế giới là vô thường’ là điều Ta không trả lời. ‘Thế giới là hữu biên’ là điều Ta không trả lời. ‘Thế giới là vô biên’ là điều Ta không trả lời. ‘Sinh mạng này và thân này là một’ là điều Ta không trả lời. ‘Sinh mạng này và thân này khác’ là điều Ta không trả lời. ‘Như Lai có tồn tại sau khi chết’ là điều Ta không trả lời. ‘Như Lai không có tồn tại sau khi chết’ là điều Ta không trả lời. ‘Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết’ là điều Ta không trả lời. ‘Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết’ là điều Ta không trả lời. Và này Màlunkyaputta, vì sao điều ấy Ta không trả lời? Này Màlunkyaputta, vì điều ấy không liên hệ đến mục đích, điều ấy không phải là căn bản Phạm hạnh, điều ấy không đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, cho nên điều ấy Ta không trả lời.
Và này Màlunkyaputta, điều gì Ta trả lời? ‘Đây là khổ’, này Màlunkyaputta là điều Ta trả lời. ‘Đây là khổ tập’ là điều Ta trả lời. ‘Đây là khổ diệt’ là điều Ta trả lời. ‘Đây là con đường đưa đến khổ diệt’ là điều Ta trả lời. Và này Màlunkyaputta, vì sao điều ấy Ta trả lời? Này Màlunkyaputta, vì điều ấy có liên hệ đến mục đích, điều ấy là căn bản Phạm hạnh, điều ấy đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, vì vậy điều ấy Ta trả lời”[8].
Như vậy, lập trường và mục đích thuyết pháp của Đức Phật là rất rõ ràng. Ngài không giảng dạy những tri thức liên quan đến thế giới và tự ngã, vì chúng không liên hệ đến mục đích thoát khổ, không phải là căn bản của lối sống đưa đến chấm dứt khổ đau, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt (tà kiến và tham dục), không hướng đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết- bàn. Trái lại, Ngài quan tâm thuyết giảng về Khổ, Khổ tập, Khổ diệt và Con đường đưa đến khổ diệt, vì những vấn đề ấy liên hệ đến mục đích giải thoát khổ, là căn bản của đời sống thoát ly khổ đau, hướng đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt (tà kiến và tham dục), đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
Nói cách khác, Phật không chú tâm giải đáp các thắc mắc mang tính siêu hình, vì đối với một bậc Giác ngộ như Phật thì những tra vấn như vậy chỉ khiến cho chúng sinh, những kẻ chưa giác ngộ, càng rơi vào vòng xoáy của kiến chấp sai lầm, càng làm tăng trưởng ngã ái, ngã chấp[9], ngã mạn[10], không thoát khỏi phiền toái khổ đau bởi những kiến chấp luẩn quẩn của mình[11]. Tựa như một người bị trúng tên độc mà cứ nhất mực đòi tìm cho ra ai là kẻ bắn tên rồi mới chịu chữa trị vết thương, một kẻ cố chấp xuẩn ngốc như thế chắc chắn phải chết trước khi biết được ai đã hãm hại mình! Chính do sự vô ích và nguy hại của những kiến chấp mê lầm như vậy mà trong một văn cảnh khác, Đức Phật gọi những suy tưởng siêu hình là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến kiết phược, đi đôi với khổ, với tàn hại, với nhiệt não, không hướng đến yếm ly, ly tham, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”[12].
Đáng chú ý rằng Đức Phật đã chứng thực nhiều cảnh giới khác nhau thuộc phạm vi sanh tử luân hồi và Ngài biết rõ lối sống nào trói buộc và giam cầm chúng sinh trong các cảnh giới mê lầm đau khổ ấy[13]. Với trí tuệ của bậc thoát ly tam giới, Đức Phật bảo cho chúng ta rằng do vô minh che lấp và tham ái buộc ràng mà chúng sinh không ngừng trôi lăn trong các cảnh giới luân hồi sanh tử, đến độ sữa mẹ mà mỗi chúng sinh đã uống trong thời gian lưu chuyển còn nhiều hơn nước trong bốn biển[14].
Nói khác đi, cái vòng luân hồi khổ đau gồm nhiều cảnh giới tái sinh khác nhau do tâm sinh (do tà kiến và tham ái tạo ra) là vô hạn, tâm khởi như thế nào thì cảnh hiện ra như thế ấy, sanh và diệt liên tục, khiến cho chúng sinh không nhận ra mình bị giam cầm trong vòng luẩn quẩn do chính tâm tưởng mê lầm của mình tạo ra, cứ thích thú rong ruổi trong các cảnh giới tái sinh khổ đau (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) với ý tưởng khám phá thêm những điều bí ẩn mới lạ!
Ngày xưa, có vị Thiên tử đến thưa với Đức Phật rằng đời trước mình từng là một ẩn sĩ có tên gọi là Rohitassa, đã vận dụng thần thông để thám hiểm vũ trụ với ý nghĩ đạt cho đến chỗ tận cùng của thế giới. Cứ hết ngày này sang ngày khác, vị ẩn sĩ ấy quyết chí du hành khắp thế giới cho đến 100 năm không một phút giây ngừng nghỉ nhưng rồi đã bỏ mạng giữa đường thám hiểm[15].
Bậc Giác ngộ xác chứng rằng hết thảy các pháp đều do tâm tạo; tâm sinh thì thế giới sinh, tâm diệt thì thế giới diệt. Cái thế giới sinh và diệt do tâm ấy là vô cùng vô tận, không có chỗ dừng, càng thích thú tra vấn hay nghĩ tưởng về nó thì nó càng rối ren và phức tạp, càng vây quấn lấy chúng sinh[16], khiến cho chúng sinh bị trói chặt ở trong đó, không thoát ra được, vì nó là phóng ảnh của tâm, do tà kiến và tham dục vẽ nên. Cái thế giới được dựng lên bởi tham dục và kiến chấp như vậy không chỉ chôn vùi vị ẩn sĩ ngông cuồng kia mà đã chôn vùi sinh mạng của vô số chúng sinh từ vô thỉ kiếp, đến độ nếu được gộp lại thì xương của một chúng sinh lưu chuyển sinh tử có thể sánh bằng núi[17], máu có thể đong thành biển vậy[18].
Vì lẽ đó mà Đức Phật khuyên mọi người cần phải thấy sợ hãi và biết nhàm chán đối với các ý tưởng tra vấn hão huyền, phải dừng lại các tư tưởng mê lầm tạo nên khổ đau. Và tất nhiên, với trách nhiệm của một bậc đã thấy rõ sự nguy hại của tâm thức vọng động, Ngài tuyệt nhiên không giải đáp các thắc mắc vô bổ, không tạo cơ hội cho chúng sinh lún sâu vào thế giới suy tưởng mê lầm[19], tự trói buộc mình trong vòng luẩn quẩn khổ đau.
Khoa học gia Matthieu Ricard bày tỏ quan điểm tương tự khi cho rằng: “đúng là một sự tiến bộ không phủ nhận được khi ta hiểu rõ hình dáng và kích thước chuẩn xác của trái đất, nhưng dù nó tròn hay phẳng cũng không làm thay đổi ý nghĩa của cuộc sống, bởi những kiến thức đó không làm thay đổi cơ chế căn bản của đau khổ và hạnh phúc”[21].
Theo lời Phật dạy thì con người không nên nghĩ tưởng và tìm kiếm thêm những gì vô ích, khộng thực có, ở bên trong hay ở bên ngoài,[22] mà nên tập trung nhận rõ về chính mình để đi ra khỏi khổ đau[23]. Vì tất cả đều có mặt trong thân ngũ uẩn của mỗi người: thế giới (khổ: già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não), thế giới tập khởi, (khổ tập: tà kiến và tham ái), thế giới đoạn diệt (khổ diệt: tà kiến và tham ái đoạn diệt) và con đường đưa đến thế giới đoạn diệt (khổ diệt đạo: Bát Thánh đạo)[24]. Hãy nhìn thẳng vào đó mà tu tập để thoát khỏi mê lầm khổ đau, để thực nghiệm giải thoát an lạc.
Chú thích:
1. Kinh Tất cả lậu hoặc, Trung Bộ.
2. Kinh Thánh cầu, Trung Bộ; Kinh Thành ấp, Tương Ưng Bộ.
3. Xem Kinh Phạm võng, Trường Bộ.
4. Nyanatiloka, Buddhist Dictionary, tr.208.
5. Tiểu kinh Màlunkyaputta, Trung Bộ.
6. Kinh Màgandiya, Kinh Devadaha, Kinh Thiện Tinh, Trung Bộ.
7. Tiểu kinh Màlunkyaputta, Trung Bộ.
8. Tiểu kinh Màlunkyaputta, Trung Bộ.
9. Kinh Phạm võng, Trường Bộ.
10. Kinh Anuruddha (2), Tăng Chi Bộ.
11. Kinh Phạm võng, Trường Bộ.
12. Kinh Aggivacchagotta, Trung Bộ.
13. Kinh Phạm võng, Trường Bộ.
14. Kinh Sữa, Tương Ưng Bộ.
15. Kinh Rohitassa, Tăng Chi Bộ.
16. Kinh Tư duy, Tương Ưng Bộ; Kinh Không có thể nghĩ được, Tăng Chi Bộ.
17. Kinh Người, Tương Ưng Bộ.
18. Kinh Khoảng ba mươi, Tương Ưng Bộ.
19. Kinh Tư duy, Tương Ưng Bộ.
20. Tỷ-khưu Kassapa Thera, Sống trong hiện tại, tr.117, Phạm Kim Khánh dịch, Nxb Tôn Giáo, 2016.
21. Hồ Hữu Hưng, Đối thoại giữa Triết học và Phật giáo, tr.32.
22. Kinh Ví dụ con rắn, Trung Bộ.
23. Kinh Sakuludàyi, Trung Bộ; Kinh Các Bà-la-môn, Tăng Chi Bộ.
24. Kinh Rohitassa, Tăng Chi Bộ.
Theo Văn hoá Phật giáo số 260 ngày 01-11-2016