Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Ngũ căn & ngũ lực

Ngũ căn nói đây là Tín căn, Tinh tấn căn, Niệm căn, Định căn và Tuệ căn. Gọi là ngũ, vì bao gồm năm thứ. Gọi là căn, vì từ đó có thể sinh ra các thiện pháp. Căn, nghĩa là gốc, là nền tảng… từ đó sinh ra các thứ khác.
Mục lục
Không đọc học kinh luận, khó mà hiểu được nguồn gốc của khổ - Ảnh minh họa

Đây là phần thứ ba trong Ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Các phần còn lại là Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ thần túc, Ngũ lực, Thất giác chi và Bát chánh đạo.
Tín căn là tin vào đạo và các thiện pháp trợ đạo.
Tinh tấn căn là siêng cầu không ngừng khi thực hành đạo và pháp trợ đạo ấy. 
Niệm căn là chỉ nghĩ nhớ đến đạo và pháp trợ đạo, không còn nghĩ gì khác.
Định căn là nhất tâm nhớ nghĩ không tán loạn.
Tuệ căn là vì đạo và thiện pháp trợ đạo mà quán sát hành tướng như vô thường, khổ, không, vô ngã v.v…
Đó là luận tổng quát về Ngũ căn theo luận Đại trí độ. Song tùy chỗ ứng dụng mà sự tổng quát ấy có sai biệt. Như Tín căn là tin vào đạo và các thiện pháp trợ đạo. Đạo, với hàng Nhị thừa, là quả vị A-la-hán hay Bích Chi Phật, nhưng với Bồ-tát là quả vị Phật. Thiện pháp trợ đạo, với hàng Nhị thừa là Tứ đế, Thập nhị duyên sinh, Ba mươi bảy phẩm trợ đạo được giảng nói theo tinh thần Nhị thừa. Với Bồ-tát, cũng vẫn các thứ trên nhưng được giảng nói theo tinh thần Đại thừa, thêm vào đó còn có Lục độ ba-la-mật, Tứ nhiếp pháp v.v…
Ngũ lực là từ Ngũ căn mà có. Đó là Tín lực, Tinh tấn lực, Niệm lực, Định lực và Tuệ lực. Nói ngũ, vì bao gồm năm thứ. Nói lực, vì y vào lực dụng phá ác sinh thiện mà nói. Ngũ căn tăng trưởng, không bị phiền não phá hoại, gọi là ngũ lực. Đây là phần thứ tư nói trong Ba mươi bảy phẩm trợ đạo.    

Tín căn & Tín lực
Tín là tin ta có khả năng đạt được các quả vị mà kinh luận đã nói, tin vào lý thật mà Phật Tổ đã nêu, tin vào pháp hành mà Phật Tổ đã đề ra. Tin rồi thực hành các thiện pháp. Do Tín mà có việc thực hành các thiện pháp, Tín là nền tảng từ đó có việc thực hành các thiện pháp, nên Tín được gọi là Tín căn. Thiện pháp đưa đến quả báo thiện lành, giúp niềm tin càng được vững chắc, nên gọi là Tín căn.
Bạn có tin tâm mình là Phật, thanh tịnh, đầy đủ diệu dụng, chỉ vì vô minh bất giác, huân tập các thứ vọng tưởng mà thành náo loạn rồi có thân, căn và thế giới hiện nay? Tin được thì bạn có Tín căn. Tin rằng mọi khổ đau hạnh phúc hiện nay không ai mang lại cho mình, mà do chính mình đã tự huân tập và tích tụ thiện nghiệp cũng như ác nghiệp trong quá khứ, giờ đủ duyên hiện ra và gặt quả? Tin được thì bạn có Tín căn. Do niềm tin ấy, bạn hành thiện nghiệp, lìa bỏ ác nghiệp, thanh tịnh tâm mình, nên nói Tín căn.
Tín căn là nền tảng của mọi thiện pháp trợ đạo. Không có Tín căn, khó mà thực hiện được thiện pháp trợ đạo. Không thực hiện thiện pháp trợ đạo thì không có chứng nghiệm. Không chứng nghiệm thì khó mà có niềm tin dài lâu với đạo. Niềm tin và thiện pháp trợ đạo có tác dụng hỗ tương cho nhau.
Thiền sư Bạch Ẩn, sau khi xuất gia, được gửi đến tu tập ở chùa Thiền Tùng. Sư đến đó với lòng tràn đầy hy vọng, chuẩn bị tư tưởng cho một chương trình tu học cam go, mong đạt được những chứng ngộ mà chư vị Thiền sư nổi tiếng từng đạt được. Nhưng mọi thứ không như ông nghĩ. Ở đó, Tăng sinh không phải trải qua những thời khóa miên mật và kéo dài. Họ thiên về cái học từ chương, không hành trì. Không có điều kiện hành trì thì coi như nguyện của Sư không được thỏa mãn.
Trong một buổi giảng pháp, Sư trưởng của chùa có đề cập đến một câu thơ, liên quan đến một Đại Thiền sư Trung Hoa tên Nham Đầu. Qua tìm hiểu, Sư biết Nham Đầu đã bị bọn cướp cắt đầu. Khi bị cắt đầu, tiếng hét của Nham Đầu vang xa đến mười dặm. Việc đó làm Sư mất niềm tin. Một Đại Thiền sư khi còn sống còn không thể thoát khỏi tay bọn cướp, sao thiền có thể giúp Sư thoát khỏi ngọn lửa địa ngục khi chết?
Khám phá đó làm tắt mọi kỳ vọng của Sư. Sư không còn thấy thích thú với việc học tập thiền mà ngày càng thấy chán ghét. Chỉ cần nhìn thấy kinh sách hay một hình ảnh Phật giáo nào, ruột Sư liền cồn cào. Sư thấy hối hận cho việc xuất gia của mình, xem đó là một sai lầm khá lớn. Sư sống trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Để tự giải thoát cho mình, Sư không còn đặt nặng vào việc học Phật mà quay sang học văn thơ và thư pháp Trung Hoa.
Cho đến ngày Sư nghe tin mẹ mất…
Sư nhận ra, những sở học tri thức không làm vơi được phiền não.
Lần nữa, Sư lại đắm mình trong buồn rầu, khóc than, hối tiếc và cuối cùng là… cầu cứu chư Phật. Minh chứng cho sự hỗ trợ này là Sư tìm thấy cuốn Vượt rào cản vào thiền trong đống sách cũ của thư viện. Hành trạng tu hành của Thiền sư Từ Minh đã tạo cho Sư sự hưng phấn. Cuốn đó trở thành sách gối đầu của Sư. Sư bắt đầu việc tu tập của mình một cách nghiêm túc và miên mật. Bất cứ khi nào, dù đang trên đường đi, Sư cũng dụng công. Một lần, sau bảy ngày công phu miên mật, vào khoảng nửa đêm, toàn thân Sư như tan biến trong hư không. Sư hét lớn, “Ông già Nham Đầu vẫn còn sống y nguyên.”(1)
Niềm tin trợ duyên cho việc hành trì và chứng nghiệm. Chứng nghiệm củng cố niềm tin thêm vững mạnh. Không có chứng nghiệm, niềm tin khó được củng cố, nhất là đối với những cảnh giới mà phải có sự trải nghiệm mới thấu hiểu. Đó là mối liên kết chặt chẽ giữa niềm tin và việc thực hành các thiện pháp trợ đạo.
Niềm tin vững chắc sẽ tạo ra một lực, lực này có công năng phá trừ các nghi hoặc, gọi là Tín lực.   

Tinh tấn căn & Tinh tấn lực
Tinh tấn là siêng cầu không ngừng khi thực hành đạo và thiện pháp trợ đạo. Ở đây nói ‘siêng cầu không ngừng’ khi thực hành là nói siêng cầu đi đôi với thực hành, không phải chỉ siêng cầu suông. Siêng cầu như thế biểu hiện cho cái gọi là Tinh tấn. Đó là một cách định nghĩa khá rõ ràng cho hai chữ Tinh tấn. Luận Đại trí độ tập I nói về Tinh tấn như sau: “Muốn được, muốn biết, muốn thực hành, muốn tụng, muốn đọc, muốn nghe các kinh pháp thâm diệu…”. Cái muốn đó là nền tảng để Tinh tấn được triển khai. Chỉ là làm sao khiến thiện pháp bạn đang thực hành tăng cấp độ lên, hay chí ít là không lui sụt, giải đãi, đó là Tinh tấn; muốn có tác dụng khiến pháp được tăng trưởng. Tăng vừa đúng với sức khỏe và năng lực của mình, như dây đàn được căng đúng độ, không khiến phải quá mệt nhọc mà bỏ cuộc. 
Thực hành đạo là phát huy được dụng của đạo vào đời sống thường nhật để mình và người được an vui.
Thực hành các pháp trợ đạo giúp điều phục thân tâm để việc lợi ích tha nhân được tốt hơn.   
Gọi là Tinh tấn căn vì do tinh tấn mà sinh ra các thiện pháp khác. Đây chỉ nói tinh tấn ở mặt thiện pháp, vì nó thuộc Ngũ căn, là một trong Ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Đã nói trợ đạo thì phải là thiện nghiệp, không thể là ác nghiệp.
Tinh tấn là pháp mà trong các pháp trợ đạo hầu như đều có. Trong Tứ chánh cần, toàn bộ bốn pháp đều là tinh tấn sinh phát và tinh tấn trừ ngăn(2). Trong Tứ thần túc thì có Cần thần túc, Ngũ căn thì có Tinh tấn căn, Ngũ lực thì có Tinh tấn lực, Thất giác chi thì có Tinh tấn giác chi, Bát chánh đạo thì có Chánh tinh tấn. Trong Lục độ thì có Tinh tấn độ. Việc đó cho thấy Tinh tấn là pháp không thể thiếu trong việc tu đạo và hành đạo. Nó quyết định sự thành công trong việc tu và hành đạo không ít. Tuy vậy, nó lại là pháp không có phương pháp rõ ràng như các pháp khác. Thật khó trả lời khi có người hỏi “Thực hành tinh tấn là thực hành thế nào”? Chỉ có thể định nghĩa như cách luận Đại trí độ đã nói.
Đêm tôi ngồi tọa thiền, ngày tôi tụng kinh, tôi chẳng bỏ qua một giây phút nào. Trong thời gian này tôi đã kinh qua những lần tiểu ngộ và đại ngộ không kể xiết...”. Thiền sư Bạch Ẩn nói như thế trong tập sách Bạch Ẩn Huệ Hạc(3). Đó là một dạng của Tinh tấn và là Đại Tinh tấn. Vì là Đại Tinh tấn nên không phải ai cũng làm như thế mới gọi là Tinh tấn. Chỉ cần thực hành đúng thời khóa tu tập đã đề ra là đã thực hành được Tinh tấn.
Sư thường nghiên cứu những tác phẩm thiền cũng như các kinh Phật khác. Ngữ lục của Phật Tổ không bao giờ rời xa Sư. Sư dùng tâm để làm sáng tỏ những giáo lý xưa và dùng những giáo lý đó để làm sáng tỏ tâm(4). Thường nghiên cứu kinh sách cũng là một dạng của Tinh tấn, trong lĩnh vực tham cứu học hỏi. 
Trong bốn mươi năm còn lại của cuộc đời, Bạch Ẩn đã tận dụng hết khả năng để truyền đạt lại những kinh nghiệm và tri thức của mình, đem hết năng lực phi thường sẵn có ra xoay chuyển bánh xe pháp để hoằng pháp độ sinh... Cho đến năm cuối cùng của đời, càng ngày Bạch Ẩn càng gia tăng những nỗ lực và thời gian để dành cho nhu cầu của lớp thính chúng mới mẻ và mở rộng…(5). Đây là Tinh tấn trong vấn đề giáo hóa nhân sinh. Có thể y đó mà mở rộng ra ở những thiện nghiệp khác như bố thí, cúng dường, phóng sinh v.v… Bất cứ khi nào gặp người thiếu thốn, bạn sẵn sàng cho đi, đó là đang thực hành Tinh tấn. Nếu khởi tâm tính toán, gạt tâm ấy qua một bên và tiếp tục cho đi, đó là đang thực hành Tinh tấn. Lên kế hoạch thường xuyên cho các thiện nghiệp phù hợp với khả năng của mình, ấy là đang thực hành Tinh tấn...  
Tôi định tâm vào một ý tưởng và không nói với ai cả. Nếu có ai đến cửa, tôi chỉ nhìn mà không nói gì cả. Một thời gian sau, bất cứ khi nào nhìn thiên hạ, tôi thấy họ như những khúc gỗ chết khô, tâm tôi rơi vào cảnh giới mà tôi không nhận ra lấy một chữ. Mới đầu kỳ thiền này, nghe tiếng bão hú và tiếng băng đập, tôi thấy xao động… Hỏi Diệu Phong về việc ấy, Diệu Phong nói: “Tất cả cảm tình xuất phát từ tâm. Không phải ở ngoài tới. Ông không nghe các bậc cổ đức nói: “Ba mươi năm nghe tiếng nước chảy mà không chuyển ý căn, thế nào cũng chứng Quán Âm viên thông sao?”. Tôi bèn lên cầu gỗ ngồi thiền trên đó mỗi ngày. Thoạt đầu tôi nghe tiếng suối chảy rất rõ. Nhưng dần dần tôi chỉ nghe thấy nếu tôi muốn nghe. Tâm động tôi còn nghe thấy tiếng nước. Tâm tĩnh, tôi không nghe thấy gì cả. Một hôm trong khi đang ngồi trên cầu, tôi quên mình có thân. Nó đã biến mất cùng với các âm thanh chung quanh tôi. Từ ấy, tôi không còn bị tiếng động gì quấy rầy nữa(6). Đây là Tinh tấn trong công phu. Chỉ cần biết tâm, không biết cảnh. Từ chỗ tinh tấn hành trì liên tục, Đại sư Hám Sơn đã trải nghiệm được những cảnh giới mà phàm phu không thể nào tưởng tới. Với pháp môn Niệm Phật hay Biết vọng cũng vậy, khi lực vọng tưởng còn mạnh, việc niệm Phật hay biết vọng của bạn không được liên tục. Dù vậy bạn vẫn kiên tâm hành trì không bỏ cuộc, đó là Tinh tấn. Việc tinh tấn hành trì đó là nền tảng giúp nảy sinh định lực, trí tuệ và các thiện pháp khác, nên gọi là Tinh tấn căn. Khi niệm Phật hay biết vọng trở nên thuần thục, tức sự tỉnh giác đã có lực, bạn sẽ nhận được những cảnh giới tương tự, biểu hiện cho tâm an định xuất hiện.
Bồ-tát Long Thọ nói: “Không ghét pháp bất thiện cũng không ưa pháp thiện, được sự tinh tấn bình đẳng, tiến thẳng không lui sụt, được chánh tinh tấn định tâm, nên gọi là Tinh tấn căn(7). Tâm không rơi vào nhị biên phân biệt, ấy là tinh tấn thực hành trung đạo, con đường đưa đến Bồ-đề vô thượng. Tiến thẳng không lui sụt, là một dạng của Tinh tấn. Do tinh tấn ấy mà được thường định của chư Phật, nên gọi tinh tấn ấy là Tinh tấn căn.
Tóm lại, thân chịu mọi khổ nhọc, không tiếc thân mạng siêng cầu thực hành các thiện pháp, ấy là thân tinh tấn. Cầu hết thảy thiền định, trí tuệ, tâm không mỏi mệt biếng nhác, ấy là tâm tinh tấn. Tinh tấn tạo phước đức, ấy là thân tinh tấn. Tinh tấn phát huy trí tuệ, ấy là tâm tinh tấn. Bồ-tát từ khi mới phát tâm cho đến khi chứng Vô sinh nhẫn, tinh tấn ấy gọi là thân tinh tấn. Chứng vô sinh nhẫn trở đi, được pháp tánh thân, cho đến khi thành Phật, gọi là tâm tinh tấn(8).
Khi Tinh tấn căn được huân tập mạnh, tăng trưởng, tạo ra một lực, có công năng phá trừ sự biếng nhác của thân tâm, gọi là Tinh tấn lực. Được Tinh tấn lực thì như buồm thuận gió, cứ vậy mà tiến tới trước.    

Niệm căn & Niệm lực       
Niệm, là nhớ nghĩ. Chỉ nhớ nghĩ đến đạo và pháp trợ đạo, không nghĩ gì khác. Từ những nhớ nghĩ này mà sinh ra các thiện pháp khác, nên gọi là Niệm căn.  
Không nghĩ gì khác là không để những tư tưởng không mang tính Phật pháp chi phối suy nghĩ, lời nói và hành động của mình. Mọi thứ đều y tựa vào lời Phật dạy, mà giới là thứ được lấy làm nền tảng cho hành vi và lời nói của mình. Khi khởi tâm muốn lấy của người, dù cọng cỏ cây kim, cũng không thực hiện, vì nhớ đến giới đã thọ. Nhớ đến giới đã thọ nên không sát sinh khi có điều kiện sát sinh, không nói dối dù nói dối ấy mang lại lợi ích cho mình, không tà hạnh dù dư điều kiện để thực hiện nó, không uống rượu dù được mời mọc v.v… Nhớ đến giới đã thọ gọi là Niệm. Việc nhớ đó là nền tảng làm phát sinh các thiện pháp; vì dừng chỉ được các bất thiện pháp nên gọi việc nhớ ấy là Niệm căn.
Giới là thứ dễ nhớ để thực hiện Niệm căn nhất, vì khi quy y Tam bảo, Phật tử được thọ ngũ giới, có liền năm pháp trong đầu để nhớ khi tiếp duyên. Còn lại đòi hỏi phải có tâm học hỏi, nghiên cứu đối với giáo pháp của Phật thì mới có thứ để nhớ mà thực hành. Nhưng dù giáo pháp sâu rộng bao nhiêu thì chung quy cũng không ngoài việc giúp người tu trừ bỏ tham, sân, si, là cái nhân khiến chúng sinh phiền não trong hiện tại, gặp quả báo không tốt trong tương lai, cũng không thể sống lại với tánh Phật của mình. Chỉ cần nắm được tinh thần đó thì cũng có thứ để nhớ mà tu hành, dù không có điều kiện đọc học kinh luận. Tuy vậy, giáo pháp của Đức Phật có tác dụng giúp ta phát sinh hiểu biết, loại bỏ tham, sân, si dễ dàng hơn. Thiếu nó khó mà có niềm tin và phương cách để điều phục tham, sân, si.    
Tôi vẫn chưa thay đổi gì nhiều. Khả năng tự chủ của tôi chưa thay đổi được bao nhiêu. Đau khổ cùng cực, tôi liền đổi phương pháp. Tôi tìm mua bức tranh Mona Lisa, vẽ một phụ nữ đang cười, treo đầu giường và tự nhủ trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng mỉm cười, bất chấp tất cả. Mỗi khi bà vợ lão sư quát mắt, tôi định tâm, hít một hơi thật dài rồi mỉm cười. Phương pháp này giúp tôi bình tĩnh, lạc quan và tự chủ hơn. Từ đó bất cứ chuyện gì xảy ra, tôi cũng cố gắng kiểm soát hơi thở và mỉm cười. Mỗi lần trong lòng tôi nổi một niệm khởi gì, tôi tập trung tư tưởng nghĩ đến nụ cười bất diệt của Mona Lisa(9). Đó là một cách thực hành Niệm căn. Khi gặp duyên khiến Satomi Myodo sinh khởi phiền não, bà không phân tích chia chẻ đúng sai, chỉ nhớ duy nhất một pháp: hít vào sâu, thở ra hết và cười. Pháp được nhớ nghĩ đó có tác dụng đối trị duyên phiền não trong hiện tại và bà đã thành công.
Trong lúc thất vọng cùng cực, tự nhiên tôi nhớ đến một câu kinh quen thuộc: ‘Nếu có chúng sinh nào bị mọi khổ đau, một lòng xưng niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, tức thì Bồ-tát Quán Thế Âm quán sát tiếng kêu ấy, độ cho họ thoát khỏi khổ não’. Tôi vội vã cung kính chắp tay thành tâm niệm lớn Nam-mô đại từ đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát... Tôi không biết mình đã niệm danh hiệu Quán Thế Âm bao nhiêu lần, nhưng tự nhiên trước mắt tôi bỗng có một luồng sáng hiện ra sáng chói, với một dòng chữ lớn ở giữa: Con hãy tập yêu thương…(10). Niệm ở đây là nhớ đến kinh luận. Pháp trợ đạo là niệm Phật, niệm danh hiệu của Bồ-tát Quán Thế Âm. Nhớ nghĩ đến kinh luận là nền tảng sinh ra việc niệm Phật, nên gọi nhớ nghĩ ấy là Niệm căn.
Các pháp trợ đạo khác cũng vậy. Khi bạn thực hiện pháp Biết vọng, vọng khởi liền biết, không để nó tiếp tục hiện khởi dẫn bạn theo nó, là bạn đang nhớ đến pháp trợ đạo và ứng dụng pháp trợ đạo, một dạng của Niệm căn.
Nếu bạn thực thành Niệm căn tinh cần, lâu xa và chuyên nhất, nhớ nghĩ sẽ thành chủng tử ẩn sâu trong tạng thức, thì khi gặp duyên phát sinh phiền não, bạn sẽ thực hành pháp trợ đạo mà không cần hiện tướng Niệm căn nữa. Tức niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm, niệm nói đây là Niệm căn. Như pháp bố thí, thấy người khổ liền cho, thấy người sợ liền che, không cần phải hiện tướng nhớ nghĩ. Người ứng dụng pháp Biết vọng, một khi dụng công được thuần thục, thì có vọng liền biết, không cần hiện tướng nhớ nghĩ. Đó là lúc niệm căn có lực. Niệm căn có lực gọi là Niệm lực. Niệm lực có công năng phá diệt các tà niệm, giúp thành tựu công đức chánh niệm xuất thế.

Định căn & Định lực   
Định căn là nhất tâm nhớ nghĩ không tán loạn(11).
Vọng tâm của chúng sinh sinh diệt liên tục trên từng sát-na. Nếu không biết đạo và các thiện pháp trợ đạo thì không có ý thức để dừng tâm, cũng không có tác ý trừ tâm sinh diệt, nhất tâm khó hiện, tán loạn không thể dừng, nên định nghĩa Định căn là “nhất tâm nhớ nghĩ không tán loạn” dù trạng thái của định tâm chỉ nằm ở mấy từ “nhất tâm, không tán loạn”. Từ điển Phật học Huệ Quang ghi định căn là “Nhiếp tâm không cho tán loạn, nhất tâm định tịch”. 
- Nhất tâm là không có hai tâm. Thường buộc tâm vào một duyên không cho phân tán cũng gọi là nhất tâm.
Tịnh Độ tông có các pháp như Trì danh hiệu Phật, Quán tưởng Phật v.v… giúp hành giả đạt được nhất tâm. Đại sư Bạch Ẩn nói: “Người kia nếu niệm Phật một cách tập trung triệt để, hoàn toàn tinh thuần, không hề quan tâm đến Sa-bà uế trược, cũng chẳng hề tìm cầu Tịnh độ, quyết chí tiến hành không lui sụt, y sẽ đắc định trước mười ngày(12).     
Trong Thiền môn, có Chỉ quán song hành, tham công án, Biết vọng không theo v.v… giúp hành giả được nhất tâm. Đại sư Trí Khải đưa ra ba loại Chỉ giúp hành giả dừng vọng tâm. Một là Hệ duyên thủ cảnh chỉ, là mượn duyên để giữ tâm, như đặt tâm vào chóp mũi, đan điền v.v… để giữ tâm. Hai là Chế tâm chỉ, là tâm khởi thì tự giác biết, dừng tâm. Ba là Thể chân chỉ, là có trí tuệ hiểu về duyên khởi, tâm tự dừng mà được định tâm.
Tôi định tâm vào một ý tưởng và không nói với ai cả. Nếu có ai đến cửa, tôi chỉ nhìn mà không nói gì cả. Một thời gian sau, bất cứ khi nào nhìn thiên hạ, tôi thấy họ như những khúc gỗ chết khô, tâm tôi rơi vào cảnh giới mà tôi không nhận ra lấy một chữ(13). Định tâm vào một ý tưởng là mượn cảnh để đạt định tâm. “Tâm tôi rơi vào cảnh giới mà tôi không nhận ra lấy một chữ” là đạt được định tâm.         
- Không tán loạn là vọng niệm tự không, không còn lực dẫn chúng sinh suy nghĩ hay tạo tác miên man. Đó là cảnh giới của Định tâm.
Gọi là Định căn vì từ trạng thái nhất tâm bất loạn ấy có thể sinh ra Tuệ căn và các thiện căn khác. Muốn có Tuệ thì nhất định phải có Định, dù có Định thì chưa hẳn đã có Tuệ.
Định căn tăng trưởng tạo ra một lực có công năng diệt trừ các loạn tưởng, phát sinh các thiền định, gọi là Định lực

Tuệ căn & Tuệ lực   
Tuệ căn là y nơi đạo và thiện pháp trợ đạo mà quán sát hành tướng như vô thường, khổ, không, vô ngã v.v… Đó là giải thích được nói trong luận Đại trí độ tập I. Từ điển Phật học Huệ Quang thì ghi: “Tuệ căn là quán chiếu các pháp rõ ràng”. Khi giải thích về Tuệ căn, cả hai đều nói đến quán, là chỉ cho cái thấy của hành giả. Có thể là quán sát, có thể là quán chiếu, song đều là quán. Quán một cách tường tận, chưa thấy tường tận thì y theo kinh luận mà tập thấy cho tường tận, gọi là quán. Thấy thế nào? Thấy các pháp đúng với bản chất của chúng, không lầm lẫn. Bản chất của pháp là vô thường thì thấy rõ là vô thường. Việc này có thể kiểm nghiệm ở thế gian. Vô thường vì không có tự tánh, thấy rõ không có tự tánh. Không có tự tánh nên hiện tướng đó mà thật không có chủ tể, thấy rõ các pháp vô ngã. Vô thường, không, vô ngã mà tâm vọng tưởng của chúng sinh lại thường dính chấp nên khổ, thấy rõ khổ là do dính chấp. Dính chấp vì được tích tụ quá nhiều trong tạng thức, một dạng của tích tụ là thói quen, chính thói quen tạo ra một lực khiến chúng ta phải luôn vướng mắc vào đó, không thể tự tại với các pháp. Tích tụ ấy là tập. Đó là lý do Phật nói tập là nhân của khổ.    
Vì sao các pháp vô ngã, không có tự tánh? Vì duy tâm sở hiện. Tất cả pháp đều từ tâm biến hiện, như ngủ mê rồi mộng mà thấy có cảnh giới. Trong mê vẫn thấy ta, người và mọi thứ như thật, nhưng thực chất thì mọi thứ không có tánh thật, tỉnh mộng liền không, vì các pháp vốn đã không ngay khi đang mộng.
Quá trình chân thể bất giác huân thành động tâm rồi biến hiện ra cảnh giới chúng sinh thế nào được trình bày rõ trong luận Đại thừa khởi tín, kinh Thủ Lăng-nghiêm, kinh Lăng-già tâm ấn, chỉ là nói tổng quát hay chi tiết.
Chính vì mọi thứ đều từ tâm biến hiện, không có cội gốc riêng, mà tướng các pháp thành vô thường. Nếu chúng có cội gốc của riêng chúng thì tướng các pháp sẽ thường hằng. Cho nên khi nói các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã là nói đến pháp ở mặt hiện tướng, với cái nhìn thông qua nghiệp thức của chúng sinh, một chúng sinh đã có phần giác ngộ. Còn khi nói đến thường, lạc, ngã, tịnh là nói đến cội nguồn chân thật của vạn pháp. Tất cả đều là hiện tướng của một cái “không” thông qua luật Nhân duyên, Nhân quả, gọi chung là Duyên khởi.                      
Đây là chỗ khác biệt giữa thiền của ngoại đạo và Phật giáo. Ngoại đạo tu thiền tập trung phát triển định lực để tìm an lạc và đạt được lực dụng phi thường. Không quán vô thường, khổ, không, vô ngã. Không thấy được pháp do nhân duyên sinh. Cũng không được dạy tính không của nhân duyên sinh là gì.
Tuệ căn tăng trưởng tạo ra một lực, gọi là Tuệ lực, có công năng ngăn chặn kiến hoặc và tư hoặc trong ba cõi.

Tuệ căn là tối cần thiết, nhưng…
Tuệ căn là phần khá quan trọng đối với hành giả tu hành, nhất là những hành giả tu giải thoát. Bởi không đọc học kinh luận, khó mà hiểu được nguồn gốc của khổ. Người đời khi khổ, thường có khuynh hướng thấy khổ từ ngoài đưa tới, ít ai thấy khổ chính từ mình mà ra, không thấy được do tự mình tạo nhân từ quá khứ, thông qua nhân quả mà gặt quả khổ trong hiện tại, cũng không thể thấy mọi thứ đều do tập chủng đã tích tụ trong tạng thức mà thành. Gốc của khổ không nắm được thì nhất định không thể diệt khổ tận gốc. Cứ theo ngọn mà trị thì quả này lan thành nhân kia để tiếp tục gặt quả. Vì thế Tuệ căn là điểm mà hành giả tu Phật cần chú trọng. Chính nhờ phần đọc học kinh luận này mà chúng ta biết cách thực hành, từ đó mới có thể phát được trí vô sư của mình.
Muốn có tuệ thì phải có định. Nếu bạn không chú tâm, dồn tâm cho việc đọc học kinh luận, bạn chẳng thể nào hiểu được những gì kinh luận đã nói. Một thứ có thể giúp bạn có định tâm nữa là giữ giới. Phạm giới, quả của nó khiến tâm bạn bất an, trạo cử, lo lắng và hoảng sợ, dù nhân bạn gây đó, hiện tại bạn không còn nhìn thấu được. Với một tâm như thế, bạn khó có định tâm để có thể ngồi yên một chỗ mà tập trung cho kinh luận. Song muốn thực hiện được những việc đó, chúng ta cần có niềm tin, sự tinh tấn và nhớ những gì mình đã đọc học đó. Không có niềm tin, bạn không thể đọc học cũng như thực hành những gì kinh luận đã nói. Không có tinh tấn, mọi việc sẽ lưng chừng, chẳng tới đâu. Không nhớ nghĩ được những gì đã học, những giới cần phải giữ, bạn cũng không thể thực hành tốt để thành tựu được mục đích mà mình đã đặt ra. Cho nên, Tuệ căn là tối cần thiết mà phải đủ cả Ngũ căn. Ngũ căn nếu không thành Ngũ lực thì không đủ lực để phá bỏ các loại nghiệp lực chúng sinh đã huân từ vô lượng kiếp. Vì thế, Ngũ căn phải đi kèm với ngũ lực thì tác dụng mới tròn đầy. Đó là lý do nói Ngũ căn kèm với Ngũ lực. 
  

(1) Bạch Ẩn Huệ Hạc, Cuộc đời, Ngữ lục, Thư pháp, Họa phẩm - Thuần Bạch và Ngọc Bảo dịch 
(2)  1/ Tinh tấn trừ bỏ ác pháp đã sinh. 2/ Tinh tấn ngăn ngừa ác pháp chưa sinh. 3/ Thiện pháp chưa sinh tinh tấn làm cho nó sinh. 4/ Thiện pháp đã sinh thì tinh tấn làm cho tăng trưởng.
(3)  Bạch Ẩn Huệ Hạc, Cuộc đời, Ngữ lục, Thư pháp, Họa phẩm - Thuần Bạch và Ngọc Bảo dịch.  
(4)  Sđd.   
(5)  Sđd.     
(6)  Thiền đạo tu tập - Phần Ngữ lục của Đại sư Hám Sơn - Trương Trừng Cơ - Như Hạnh dịch.
(7)  Luận Đại trí độ - Tổ Long Thọ - HT.Thích Thiện Siêu dịch và chú.
(8)  Sđd. 
(9)  Hoa trôi trên sóng nước - Satomi Myodo - Nguyên Phong dịch. 
(10)  Sđd. 
(11)  Luận Đại trí độ - Tổ Long Thọ - HT.Thích Thiện Siêu dịch và chú.
(12)  Bạch Ẩn Huệ Hạc, Cuộc đời, Ngữ lục, Thư pháp, Họa phẩm - Thuần Bạch và Ngọc Bảo dịch.  
(13)  Thiền đạo tu tập - Phần Ngữ lục của Đại sư Hám Sơn - Trương Trừng Cơ - Như Hạnh dịch.

Theo GIÁC NGỘ online

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm