Thuật ngữ chết cũng còn được sử dụng với nhiều từ đồng nghĩa tùy theo trường hợp. Nếu kính trọng thì người ta thường dùng chữ: từ trần, tạ thế, khuất núi, quy tiên, qua đời, mất, đi xa, ra đi, yên nghỉ, từ giã cõi đời, trút hơi thở cuối cùng; đối với vua chúa thì gọi là băng hà, với các bậc tu hành thì gọi là viên tịch, thâu thần thị tịch, Đức Phật và Thánh tăng thì gọi là nhập diệt, nhập Niết-bàn. Còn đối với người bình thường thì gọi là: chết, qua đời, tử vong, thiệt mạng...
Nhiều trường phái triết học cổ đại Ấn Độ cho rằng có một linh hồn thường tại sau khi chết. Và sau khi chết linh hồn sẽ rời khỏi thân xác cũ, chuyển kiếp đầu thai trong một kiếp sống mới. Theo quan điểm của người Ki-tô hữu, chết không phải là hết mà là bước vào một cuộc sống mới vĩnh cửu. Cuộc sống vĩnh cửu này sướng hay khổ là do cuộc sống hiện tại này ta có tin vào Thiên Chúa, vào Ðức Ki-tô, và có sống phù hợp với niềm tin ấy hay không. Người Ki-tô hữu còn tin rằng ngay cả thân xác này cũng sẽ sống lại vào ngày tận thế để trở thành thân xác bất khả hư hoại hầu sống đời sống vĩnh cửu, để được thưởng hoặc chịu phạt muôn đời. Các trường phái duy vật thì cho rằng con người chết là dấu chấm hết. Người Trung Hoa cho rằng, “Sanh ký tử quy”, cuộc sống chỉ giả tạm mà thôi, còn cái chết là sự trở về vĩnh cửu. Do vậy, người Ả-rập các vua quan sau khi chết thường chôn vàng bạc, châu báu, và còn chôn theo cả cung phi mỹ nữ và người hầu cận xuống huyệt để có kẻ hầu hạ. Người Trung Hoa có cải tiến hơn, họ không chôn vàng bạc và người thật, thay vào đó là chôn cất theo các thứ đồ giấy. Từ đó hàng mã có cơ hội sinh sôi phát triển. Ở Việt Nam chúng ta thường nghe câu thán “yên nghỉ ngàn thu”, hay cụm từ “sự ra đi vĩnh viễn” để chỉ cho cái chết là sự yên nghỉ lâu dài.
Chết là chấm dứt, hay chết mà linh hồn vẫn tồn tại bất biến sẽ dẫn đến sự nguy hiểm trong nhận thức dẫn đến nguy hiểm trong nếp sống đạo đức. Vì dù hành động như thế nào khi còn sống đến chết là chấm dứt thì con người tha hồ mà hành động, bất chấp tất cả, và không có trách nhiệm với hành động của mình. Mặt khác nếu cho rằng có một linh hồn tồn tại xuyên suốt thì con người cũng ỷ lại với đời sống dài lâu nên không nỗ lực hoàn thiện nhân cách, và không có xu hướng cầu tiến.
Phật giáo không chấp nhận bất cứ một linh hồn vĩnh cửu nào tồn tại xuyên suốt từ kiếp sống này qua kiếp sống khác. Và cũng không cho rằng con người sau khi chết là hết. Theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, con người sau khi chết lập tức tái sanh, tùy theo nghiệp cảm của mình mà tái sanh trong cảnh giới tương ứng. Còn theo quan điểm Phật giáo Đại thừa, con người sau khi chết tái sanh chậm nhất là 49 ngày. Học thuyết về thân trung ấm để giải thích các trường hợp chết khác nhau mà chưa thể tái sanh liền. Sau khi chết thân tứ đại trả về với tứ đại, còn thần thức, thuật ngữ Phật học gọi là thức tái sanh hay tâm tái tục mang theo nghiệp cảm của người ấy tiếp tục đi đầu thai trong một kiếp sống mới. Nhưng người ấy không thể nào nhớ hết lại chuyện quá khứ, bởi nằm trong bào thai mẹ và do vô minh che lấp. Chỉ khi đạt đến thánh vị, chứng được túc mạng minh mới nhớ lại hết kiếp quá khứ. Những hạt giống nghiệp gieo trong kiếp trước sẽ trổ quả trong kiếp hiện tại, tùy theo nhân duyên và điều kiện tăng thượng duyên hay nghịch duyên. Nếu gặp tăng thượng duyên thì những hạt giống sẽ phát triển thuận lợi. Do đó sẽ có những hiện tượng thần đồng xuất hiện. Thông minh hay ngu đần, giàu sang hay nghèo hèn... đều do túc nghiệp và nhân duyên đời hiện tại quyết định.
Giải thích về sự tái sinh theo quan điểm Phật học có sự khác biệt so với các nghiên cứu khoa học. Khoa sinh vật học chứng minh rằng một nhân phôi là sự hợp nhất của hai thành tố, tinh trùng của người đàn ông và noãn của người đàn bà. Tức chỉ cần tinh cha và trứng mẹ hòa hợp trong điều kiện người mẹ có thể thụ thai. Phật giáo cho rằng ngoài hai thành tố này còn có một thành tố thứ ba nữa là cái thức tái sinh (patisandhi- vinnāna) xuất hiện vào lúc thụ thai: điều ấy có nghĩa rằng khi những điều kiện di truyền được thể hiện trong hoàn cảnh thuận tiện, một hình thức tâm vật lý xâm nhập vào, và giúp cho sự sống tương tục của một hữu thể người, như Đức Phật đã dạy:
“Này các Tỳ-kheo, nơi nào có ba thành tố ấy hợp lại thì tại nơi đó một mầm sống được gieo”.
Hữu thể tái sinh là lối gọi nhân cách hóa của một loại thức tái sinh, là yếu tố tâm vật lý ở trạng thái năng lực, kết quả của những hành động trong các đời trước (karma) và thể hiện ra vào lúc hình thành một đời sống mới. Cái thức tái sinh là cơ bản của một cá nhân, trên đó tâm và thân (nāmārupa - danh sắc) phát triển. Nếu không có nó thì sự sống của một hữu thể (chúng sinh) mới không xuất hiện; cũng như cuộc đối thoại sau đây giữa Đức Phật với đệ tử A-nan của Ngài:
- Này A-nan, nếu cái thức này không giáng nhập vào bụng người mẹ thì tâm và thân có hình thành trong bụng người mẹ không?
- Bạch Thế Tôn, không.
- Này A-nan, nếu thức ấy, sau khi đã giáng nhập vào bụng người mẹ mà lại bỏ chỗ này đi thì tâm và thức có tạo thành cái này hay cái nọ không?
- Bạch Thế Tôn, không.
- Này A-nan, còn nếu cái thức này đang ở trong một bé trai hay một bé gái khi mà các em này còn nhỏ, lại biến mất đi thì tâm và thân có tăng trưởng, phát triển và lớn lên không?
- Bạch Thế Tôn, không.
(Dn, II, 63)
Như thế, cái thức tái sinh này được xem như chủng tử (bija) phối hợp với sức mạnh của hành động (karma-nghiệp lực) và khát ái (tanhā), nhất là hữu ái (bhavatanha - khao khát được hiện hữu) làm sinh khởi sự sống mới của các chúng sinh:
“Này A-nan, hành động là ruộng, thức là hạt giống (chủng tử) và khát ái là sự ẩm ướt. Các chúng sinh bị vô minh kìm giữ, bị khát ái trói buộc, các tâm thức bị tê cóng trong các cảnh giới thấp (dục giới)”.
(An,III,76)
Sau khi đã an lập trong bào thai của người mẹ, thức (cái thức tái sinh) phối hợp với hai yếu tố khác: sức sống và hơi ấm, để đạt được và duy trì các chức năng của sự sống cho đến khi chết.
Theo định lý 12 chi phần duyên khởi thì vô minh, ái và thủ là nguyên nhân dẫn chúng sinh đi tái sanh và già chết, sầu bi khổ ưu não có mặt. Yếu tố thứ ba trong 12 chi phần duyên khởi đó là “thức” sẽ gắn liền với “danh sắc” cấu tạo nên một chúng sinh có đầy đủ tâm vật lý. Về yếu tố “hữu” cái đang trở thành sẽ là để sanh, già, chết tiếp tục có mặt. Vòng tròn này luôn vận hành, vô cùng tận. Khi nào không còn nhiên liệu của vô minh, ái, thủ thì bánh xe sanh tử luân hồi chấm dứt. Hành giả đạt đến thánh quả A-la-hán, sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, không còn tái sanh trở lại đời này nữa.
Theo Phật giáo, sinh được định nghĩa là sự sản xuất, kết quả, sự sinh khởi của một hình thức mới. Nếu sinh là sự kết hợp của năm yếu tố (sắc, thọ, tưởng, hành và thức), thì cái chết là sự tan rã, sự phá vỡ của kết hợp này. Kinh Chánh kiến (Sammādiṭṭhi) thuộc Trung bộ (Majjhima Nikāya), định nghĩa sinh là: “Thuộc bất kỳ hữu tình giới nào trong từng mỗi loại hữu tình, sự sanh, hiện khởi, xuất hiện, hiện diện, hiện hành các uẩn, tụ đắc các xứ; Chư Hiền, như vậy gọi là sanh” [2].
Trong kinh điển, sinh thường được mô tả có bốn loại, đó là: noãn sanh, thai sanh, thấp sanh và hóa sanh. Noãn sinh (andaja): Sự sinh ra từ trứng, như sự sinh ra của gà, vịt, chim chóc. Thai sinh (jatābuja): Sự sinh ra từ bào thai của người mẹ, như sự sinh ra của loài thú và loài người. Thấp sinh (samsedja): Sự sinh ra từ sự ẩm thấp hay từ sự rịn rỉ của các thành tố, đất, nước v.v., như các loại côn trùng sanh ra từ nơi ẩm thấp. Hóa sinh (oppātika): Sự sinh ra bằng sự hóa hiện không qua giai đoạn phôi thai, như sự sinh ra của chư Thiên hay của các lưu đồ địa ngục và như ong, bướm, tằm, kén... Những chúng sinh người đầu tiên là những chúng sinh thuộc sự hóa sinh.
Và cái chết được định nghĩa như sau: “Chư Hiền, thế nào là chết? Thuộc bất kỳ hữu tình giới nào trong từng mỗi loại hữu tình, sự mệnh một, từ trần, hủy hoại, hoại diệt, tử biệt, mệnh chung, hủy hoại các uẩn, vất bỏ hình hài; chư Hiền, như vậy gọi là chết”[3].
Tuy nhiên, với cái chết cũng xảy ra theo từng trường hợp riêng biệt. Có người sống thọ, chết già; có người sống non, chết yểu. Có người chết bất đắc kỳ tử, chết đứng, chết ngồi, chết do tật bệnh, do tai nạn, sẩy thai... Tất cả các hình thức chết đó theo lý giải của Phật giáo là do nghiệp lực hay phước báo của từng người. Người sống thọ, chết già được xem là có phước báo về thọ mạng. Người sống non, chết yểu được xem là thiếu phước; người chết do tai nạn, bệnh tật được xem là kết nghiệp.
Kinh Pháp cú mô tả cái chết như một trận lũ lụt mang theo những ngôi làng mà không chừa lại bất cứ cái gì; cái chết cũng quét sạch tất cả những tài vật mà con người thu lượm, cất giữ các đồ vật hưởng thụ thế gian.
Cái chết được hình thành là sự kết thúc của cuộc đời hay của một sự tồn tại. Chính xác hơn, cái chết là sự giải thể của sinh vật được hình thành khi sinh ra để trải nghiệm những thành quả của một hành động nhất định. Cái chết là sự ngưng hẳn mọi hoạt động của thể chất và tinh thần. Theo Phật giáo, sự sinh diệt được diễn ra trong từng sát-na, một khoảng thời gian quá ngắn mà con người ít ai nhận thấy. Giống như ngọn lửa của một ngọn đèn dầu đang cháy, nó tiếp tục thay đổi trong từng khoảnh khắc. Cũng như vậy, có một “cái chết liên tục” diễn ra trong con người trong từng giây phút. Tuy nhiên, con người không hề ý thức được quá trình chết này diễn ra bên trong chúng ta qua từng sát-na. Con người nghĩ rằng cái chết là trạng thái cuối cùng khi cơ thể không còn tồn tại ở đời nữa. Mặc dù nói về cái chết là một quá trình liên tục, luôn luôn diễn ra bên trong con người, nhưng hầu hết các Phật tử cũng tin rằng cái chết là sự kết thúc của một sinh mạng, đó là sự tách biệt các uẩn (skandha), bao gồm các yếu tố sắc thân (rùpakāya) cũng như các yếu tố của tâm ý (vijnana).
Sự chết cũng thế, hiểu như sự chấm dứt khả năng sống của một hình thái hiện hữu, chỉ là sự gián đoạn tạm thời của một hình thái. Nó không phải là sự tiêu diệt toàn bộ một cá nhân; đúng hơn, nó là biểu hiện của một sự chuyển đổi sang một sự hiện hữu khác. Chỉ riêng các quan năng ngưng vận hành, chứ năng lực, sự khao khát được hiện hữu (hữu ái) nằm trong nghiệp lực vẫn tiếp tục thể hiện dưới một hình thái khác của sự sống. Đức Phật đã khẳng định rằng: “Một nơi không có sự chết, là nơi không có thật, không có trên hư không, không có trong biển cả, cũng không có cả trong núi rừng”.
Dù sao, chết là một hiện tượng cũng bình thường như sinh ra. Thường thường, những người đang hấp hối, yếu ớt về thể chất không còn có thể kiểm soát và điều động các ý tưởng của họ. Do đó, những ấn tượng gây nên bởi những biến cố quan trọng trong các cuộc đời này hay các cuộc đời trước hiện trở lại mạnh mẽ trong tâm thức, và họ không cách nào loại bỏ chúng.
Sau đây là ba loại ý tưởng vào lúc người ta sắp chết sẽ hiện khởi lên:
Ba loại ý tưởng mà người ta không thể chọn lựa một cách có ý thức xuất hiện rõ ràng trong tâm thức vào lúc chết. Chúng tạo thành những hành động gần với cái chết (cận tử nghiệp, ācinna kamma) ảnh hưởng và quyết định đặc tính của đời sống sắp đến, cũng giống như ý tưởng sau cùng trước giấc ngủ có thể trở thành ý tưởng đầu tiên lúc thức dậy. Cũng thế, những hành động quan trọng nhất trong một đời sống (garuka kamma), cũng như những hành động bình thường, tốt hay xấu, trở thành những ý tưởng tích cực và thù thắng trong những phút cuối cùng. Nếu như một ý tưởng nào đó trong các ý tưởng ấy vắng mặt vào lúc người ta chết thì cái hành động tiềm ẩn tích lũy (katattā kamma) tạo thành sức mạnh gây nên sự tái sinh.
Trong các tác phẩm của triết học A-tỳ-đàm (Abhidharma), chúng ta tìm thấy một sự mô tả phức tạp hơn về cái chết. Đó là, nguồn gốc của mọi sự tồn tại đều xuất phát từ một ý tưởng (tâm hành) dẫn đến sự cấu thành một hiện hữu mới trong tử cung (pratisandhi), và ý chí này được gọi là “hữu” (bhavānga) hoặc là (bhavāngasantati) (một chuỗi của sự tồn tại), nó là một chi của mười hai chi phần duyên khởi. Hữu (Bhavānga) vận hành thành một chuỗi các trạng thái tinh thần tương đối đồng nhất, tương đối giống như dòng chảy của một con sông. Như vậy, hữu có thể được coi như là nền tảng của một linh hồn, sự hỗ trợ và nguồn gốc của những tư tưởng đặc biệt làm gián đoạn nó. Vào cuối cuộc đời, tư tưởng này tan rã và chuyển thành một ý nghĩ trong trạng thái đang hấp hối. Sự tồn tại trong chuỗi tồn tại kết thúc với sự biến mất của hữu. Theo các nhà nghiên cứu Phật học, ở giai đoạn chết, một sự hiện hữu mới xuất hiện trong một trạng thái mới vì ý nghĩ trong giai đoạn chết được phản ánh trong “tư tưởng trong một trạng thái sinh ra”. Theo quan điểm đó, cái chết là sự chuyển đổi của hữu (‘chi của sự tồn tại’) thành tư tưởng mới nổi.
Về ý thức hệ, các triết gia Phật giáo thừa nhận học thuyết về tái sanh cho người thường, cái chết chỉ là sự chấm dứt của cuộc sống. Mặc dù thực tế cái chết là điều không thể tránh khỏi, nhưng những người bình thường sợ chết vì không có trường hợp nào trở lại của người quá cố. Trong một số cuộc đối thoại, Đức Phật đã cố gắng giải thích để cho mọi người thấy rằng không có gì để sợ cái chết. Cái chết đã trở thành một sự thật không thể tránh khỏi. Do đó theo Phật giáo không có gì đáng sợ bởi vì nó là quy luật tất yếu. Trong ham muốn của mình, con người luôn muốn sống - họ chiến đấu để sống và ước muốn sống trong tương lai, thậm chí ở tương lai không tốt hơn so với hiện tại. Đức Phật đã cố gắng tấn công vào cơn sốt cơ bản của tâm thức con người. Trong các giáo lý khác nhau của mình, Ngài chỉ ra rằng tất cả điều này là do sự thiếu hiểu biết (vô minh). Vì vậy, nếu vô minh này có thể được thay thế bởi trí tuệ, con người có thể nhận ra hiện tượng thế giới cũng như bản thân thực sự trống rỗng và vô ngã. Với trí tuệ như vậy sẽ quét sạch tất cả những ham muốn và sẽ dẫn đến con đường hoàn thiện. Một khi con người có thể tự đặt mình trên con đường đó, mỗi cuộc đời liên tiếp sẽ được coi là dẫn dắt người ấy đến gần mục tiêu tốt đẹp. Đối với một người như vậy, cái chết sẽ không làm họ hoảng hốt lo sợ. Mà cái chết chỉ đơn giản là một cánh cửa để mở một cuộc sống mới được trang bị tốt hơn cho nhiệm vụ phía trước. Thân thể vật chất là vô thường cuối cùng đã bị mòn và đến ngày hư hoại. Giống như một cỗ xe được sử dụng lâu ngày thì nó trở thành cũ kỹ mục nát và hư hoại là điều tất yếu. Ngay cả Đức Phật, mặc dù đạt được Niết-bàn, cũng không thể tránh được tuổi già và những căn bệnh bao trùm xác thịt, cũng không thể tránh được sự phân tán cuối cùng của thân thể vật chất. Vì vậy, tất cả con người tìm kiếm đạt được Niết-bàn, phải trải qua quá trình bỏ vỏ bọc trống rỗng và đi qua cánh cửa chết để lấy lại thanh niên và sức sống để họ có thể tiếp tục tiến trình của họ trên con đường duy trì bởi trí tuệ đạt được trong cuộc sống hiện tại của họ. Vì vậy, đối với người Phật tử, cuộc sống hiện tại là cơ hội để tạo ra căn lành thiện nghiệp, nhằm chuyển hóa những bất thiện nghiệp đã được tạo ra bởi cuộc sống trong quá khứ. Cái chết là cửa ngõ cho những cơ hội tiếp theo để đạt được sự hoàn thiện hay Niết-bàn. Nếu nhận thức được như vậy, không có gì để sợ chết - đúng hơn là nó phải được hoan nghênh.
Mục đích cuối cùng của việc tu học trong Phật giáo là thoát khỏi cảnh sanh, già, bệnh và chết. Kiếp sống luân hồi sanh tử là thật khổ đau. Khi nào thoát khỏi sự chết mới thật sự giải thoát, không còn khổ đau. Vấn đề là chuẩn bị cho mình một sự chết bình an bằng cách tạo các thiện nghiệp, hướng tâm đến vô lậu giải thoát. Và con đường đưa đến đoạn tận sanh tử đó là tam vô lậu học: giới, định tuệ; hay con đường Bát chánh đạo: chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Khi hành giả thực hành theo con đường này hoàn mãn thì chấm dứt sự sống chết khổ đau, đạt đến Niết-bàn tịch tịnh, an lạc giải thoát. Thuật ngữ Phật giáo gọi là bất sanh bất diệt, tự tại vô khứ vô lai.
Ghi chú:
1. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, https://vi.wikipedia. org/wiki/Ch%E1%BA%BFt.
2. Trung bộ kinh, kinh Chánh kiến.
3. Ibid.