Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Người học thiền thấu qua cửa sắc không

Người học thiền mà chưa qua được cửa “sắc không”, còn vướng phải chỗ này thì vẫn nằm trong trí đối đãi, y nguyên vẫn đứng ngoài cửa Tổ.
Mục lục

Như Thượng tọa Minh Nhan là người học rộng, nhớ giỏi, khi đến với Thiền sư Huệ Minh bàn luận về tông thừa; qua một lúc lý luận, cuối cùng Thiền sư Huệ Minh bảo:

 - Nói nhiều cách đạo càng xa, nay có việc xin hỏi: “Từ trước đến giờ các bậc Tiên đức có ngộ hay không?”

Minh Nhan đáp:

- Nếu là các bậc Thánh Tiên đức thì đâu không có ngộ.

Huệ Minh bảo:

- “Một người trở về nguồn chân, mười phương hư không thảy đều tiêu mất”, hiện nay núi Thiên Thai vẫn y nguyên đây, làm sao nói tiêu mất?

Minh Nhan không chỗ bám.

Thượng tọa Minh Nhan ban đầu lý luận thế này, thế nọ, cuối cùng bị Thiền sư Huệ Minh dẫn hai câu trong kinh Lăng Nghiêm gạn lại, liền mắc kẹt không qua khỏi được. Nghĩa là, người còn kẹt trong ý niệm “sắc không” đối đãi thì không thể nào vượt qua được chỗ này.

Người còn kẹt trong ý niệm “sắc không” đối đãi thì không thể nào vượt qua được chỗ này.

Kinh nói rõ: “Hễ một người đã trở về nguồn chân thì cả mười phương hư không thảy đều tiêu mất không còn dấu vết”, vậy xưa nay biết bao nhiêu người ngộ đạo, đã sống trở lại nguồn chân đó mà thành Tổ, thành Thiền sư, nhưng sao núi sông trước mắt vẫn còn dẫy đầy y nguyên đây, phải hiểu thế nào? Kinh nói sai sao?

Bởi người chưa thông, cứ hiểu “tiêu mất” theo nghĩa bị phá tan, dẹp cái “sắc” thành cái “không” đối đãi nhau, khiến không còn thấy biết gì mới là không. Đó là chỗ hiểu của thức tình sanh diệt, rơi trong cái thấy có không, biến thành đoạn diệt. Tức là bỏ “có” mà thành “không” nên bị vướng kẹt, ngăn ngại.

Với người đã mở mắt đạo thì ngay nơi “sắc” hiện tiền đó mà thấy suốt không chướng ngại, không ngăn che, nên mặc dù Sắc có đó vẫn như không, không một chút dấu vết mê mờ, đó mới thực là ngay sắc tức không, là con mắt bát nhã sáng ngời ! Nói rõ hơn, thấy tất cả núi sông, cảnh vật hiện trước mắt, nhưng THẤY VẪN LÀ THẤY, thì có TƯỚNG gì trong đó?

Thế là Sắc đầy dẫy trước mắt mà không có một chút gì ngăn ngại, che mờ con mắt ấy, tức là nó tiêu mất trong con mắt ấy chứ gì! Cho nên, “không” ở đây là không tâm dính cảnh thì cảnh tự không, không phải làm cho nó thành không. Chỗ này dù lý luận cách mấy cũng không đến được.

Sự thật, núi đâu tự nói nó cao, nó thấp bao giờ. Chỉ tại người sanh tâm ở trên đó, bèn thấy thành có cao, có thấp, rồi tranh chấp nhau mãi, càng đi xa trong sai biệt. (Ảnh minh họa)

Ngài Đại Huệ – Tông Cảo một hôm đang xem kinh Kim Cang, Thiền sư Chuẩn tức ngài Trạm Đường thấy thế bèn hỏi:

- “Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp”, vì sao nói núi Vân Cư cao, núi Bảo Phong thấp?

Đại Huệ đáp:

- Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp.

Nếu người chấp theo ngôn ngữ, nghe nói núi Vân Cư, nghe nói núi Bảo Phong liền theo đó sanh hiểu thì bị kẹt giữa sắc không, là bị ngại liền. Tức còn có tâm trụ trên cảnh thì hẳn thấy có cao, có thấp sai biệt. Trái lại, người học cần ngay đây thấu rõ: “Cái gì là pháp ấy?”, tức ngay đó vẫn như như, có gì là cao, là thấp?

Cho nên, Trạm Đường vừa hỏi câu đó, Đại Huệ chỉ đáp y câu hỏi “Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp”. Chính cái ông vừa hỏi đó, nó có cao thấp gì? Rời chỗ này mà thấy, liền có cao thấp ngay.

Sự thật, núi đâu tự nói nó cao, nó thấp bao giờ. Chỉ tại người sanh tâm ở trên đó, bèn thấy thành có cao, có thấp, rồi tranh chấp nhau mãi, càng đi xa trong sai biệt.

Giờ đây hãy trả lại ngay đó, THẤY CHỈ THẤY, nguyên vẹn như nó là nó, liền vượt qua tất cả sắc không, cao thấp, cửa Thiền đã hé mở!


Theo phatgiao.org.vn

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm