Tư tưởng Phật giáo phát triển theo từng thời kì xã hội, nếu như trong giai đoạn đầu Phật giáo chú trọng đến giải thoát cá nhân, thì khi tư tưởng Bồ tát đạo của xuất hiện, bên cạnh mặt tự độ, Phật giáo đại thừa chú trọng hơn về vấn đề độ tha. Theo đó, khái niệm giải thoát không phải là một cảnh giới ở một phương trời nào đó, mà giải thoát ở tại nhân gian ngay nơi thân ngũ uẩn này.
Tư tưởng “Sinh tử tức Niết Bàn, phiền não tức bồ đề” là tư tưởng nhằm giải thích rõ hơn về bản chất của Niết Bàn theo quan niệm Đại thừa nhưng vẫn dựa trên các kinh điển nguyên thủy. Từ đó giúp cho hành giả thấy cái bất sinh bất tử trong cái sinh tử, thấy được tịnh độ ngay tại ta bà này.
Sinh tử là sự tái sinh trói buộc mình trong nẻo luân hồi, nguyên nhân chính là vô minh và (chấp ngã) và tham ái (phiền não). Sự trói buộc ấy trong Trung quán luận gọi là “phược”. Trói buộc được cấu tạo từ phiền não trói buộc và người bị trói buộc gọi là sinh tử. ngược lại Niết Bàn là một trạng thái vắng mặt của sinh tử khổ đau.
Trong kinh Trung bộ, Đức Phật mô tả sự chứng ngộ của mình rằng: “Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý Y Tính Duyên Khởi Pháp; sự kiện này thật khó thấy; tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự trừ bỏ tất cả sinh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết Bàn.”
Như vậy pháp mà đức Phật chứng dưới cội bồ đề chính là pháp “Y Tính Duyên Khởi”. Y tính ở đây chính là Niết Bàn, duyên khởi là hiện tượng, như vậy tính chất của các hiện tượng duyên khởi nó chính là Niết Bàn. Niết Bàn đã được Đức Phật định nghĩa trong kinh tạng Pali, bản thể không thể rời hiện tượng, tính không thể rời tướng, duyên khởi pháp là tướng, y tính là bản thể, bản chất của tướng trạng đó.
Từ đó chúng ta cũng có thể hiểu sự tịnh chỉ của các hành (hành không phải khái niệm trong 12 nhân duyên mà hành ở đây là các pháp mà chúng ta khái niệm được – hành pháp) Niết Bàn. Tịnh chỉ không có nghĩa là dừng lại các hành mà đó là thấy được bản tính duyên sinh của các pháp chính là Niết Bàn. Các pháp vốn không tên, không tuổi, đủ duyên thì hình thành. Tính của các pháp duyên khởi là Niết Bàn. Niết Bàn không rời duyên khởi. Do đó Đức Phật đã tuyên bố: “Ai thấy duyên khởi là thấy pháp, ai thấy pháp là thấy ta” .
Trong kinh Lăng Nghiêm, ngài A Nan bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, cái gì là cội gốc của sinh tử, cái gì là cội gốc của Bồ-đề Niết-bàn?”. Đức Phật không trả lời. Lát sau, trên hư không mười phương chư Phật đều đồng thinh trả lời rằng: “Này A-nan, cội gốc của sinh tử là sáu căn của ông, cội gốc Bồ đề Niết Bàn cũng là sáu căn của ông”.
Sáu căn tượng trưng cho sự tồn tại của một chúng hữu tình. Đó là phần biểu hiện bên ngoài gọi là duyên sinh, duyên khởi, đây cũng là phần sinh diệt, ví dụ con mắt được cấu tạo từ nhiều bộ phận như giác mạc, thủy tinh thể… (duyên hợp), nhưng khi bị biến hoại, các bộ phần đó dần trả về cho tứ đại (duyên hợp) gọi là tử.
Như vậy con mắt ở phần duyên sinh gọi là sinh tử, còn phần vô ngã, bản thể hay tính của con mắt chính là Niết Bàn. Như vậy ngay nơi con mắt chúng ta nhận thấy thể vô ngã của nó và biểu hiện duyên hợp của nó là sinh tử ngay đó chính là Niết Bàn. Còn ngược lại, khi con mắt thấy sắc liền chạy theo sắc từ đó cho cái thấy đó là thực có, là của mình từ đó khổ não phát sinh, luân hồi xuất hiện. Tướng là sinh tử, sinh tử là hiện tượng. Tính là Niết Bàn, Niết Bàn là bản thể.
“Phật ở đâu xa, Phật ở lòng
Cõi lòng thanh tịnh tợ hư không
Phật tuy xa như đất trời mở rộng
Nhưng cũng gần như một trận mưa rơi”
Phẩm Quán phược giải, Trung quán luận của ngài Long Thụ có dạy:
Bất ly ư sinh tử
Nhi biệt hữu Niết-bàn
Thực tướng nghĩa như thị
Vân hà hữu phân biệt.
(Chẳng lìa sinh và tử.
Mà riêng có Niết-bàn
Nghĩa thực tướng như vậy,
Làm gì có phân biệt?)
Phật giáo là một đạo giác ngộ, người giác ngộ chính là người thấy được thế gian là vô ngã, vô thường:
“Thế gian vô thường,
Quốc độ nguy thúy,
Tứ đại khổ không,
Ngũ ấm vô ngã” (kinh Bát đại nhân giác).
Nếu như phải loại trừ vọng tưởng mới thấy được chân như đó là rơi chấp không, chấp có, bởi lẽ cái thể vô ngã của tâm vọng tưởng (và cả tâm không vọng tưởng) chính là chân tâm. Như vậy dù còn vọng tưởng hay hết vọng tưởng cũng đều có thể nhận ra được Niết Bàn, chân tâm. Cũng giống như biển lặng yên hay biển có sóng đều là biển nước. Vô minh, sinh tử là động tâm và tịnh tâm. Niết Bàn là thể của động và tịnh, chứ không phải là một thứ tâm riêng biệt. Do đó sinh tử tức Niết Bàn, bản thể của vô minh tức Phật tính, thân không - huyễn hóa tức pháp thân.
Thấy được bản thể của các pháp tức là tịnh độ hiện tiền như vua Trần Nhân Tông đã dạy:
“Tịnh độ là lòng trong sạch, sao còn hỏi đến Tây phương.
Di Đà là tính sáng soi sao phải nhọc tìm về cực lạc.”
Như vậy với tinh thần “Sinh tử tức Niết Bàn, phiền não tức bồ đề” đã phá vỡ khái niệm nhị nguyên về Niết Bàn, giúp cho hành giả thấy được bản tính vô ngã bất nhị của các pháp sinh tử, tức Niết Bàn. Từ đó phát triển tinh thần bồ tát đạo dấng thân phục vụ chúng sinh nhưng không bị phiền não chúng sinh trói buộc, sống giữa sinh diệt mà chẳng bị sinh diệt chi phối.
“Lộ ngực trần thân xuống chợ đời
Lấm lem tro đất ngoác mồm cười
Thần thông bí quyết không dùng tới
Chỉ cốt cành khô trổ nụ cười ....”.
Theo phatgiao.org.vn