Pháp thí thắng mọi thí - Pháp hỷ thắng mọi hỷ - Ái diệt thắng mọi khổ - Niết-bàn lạc tối thượng.

>>

Tỉnh thức giữa quần mê

Đức Phật là bậc thức tỉnh (Buddho) giữa thế gian, thức tỉnh về sự thật khổ đau và lẽ sống đi ra khỏi khổ đau nhân sinh. Giữa lúc nhân loại còn mê say trong các huyễn cảnh trần thế thì Siddhattha đã tỉnh ra cơn mê sầu muộn thế gian.
Mục lục


Đức Phật là bậc thức tỉnh (Buddho) giữa thế gian, thức tỉnh về sự thật khổ đau và lẽ sống đi ra khỏi khổ đau nhân sinh. Giữa lúc nhân loại còn mê say trong các huyễn cảnh trần thế thì Siddhattha đã tỉnh ra cơn mê sầu muộn thế gian. Bản kinh Mahà Sakyamuni Gotama thuộc Tương ưng bộ ghi nhận những dấu hiệu đi đến thức tỉnh của Thế Tôn:

“Này các Tỷ-kheo, trước khi giác ngộ, chưa thành chánh giác, khi còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: ‘Thực sự thế giới này rơi vào khổ đau, bị sanh, bị già, bị chết, bị đoạn diệt và bị tái sanh. Thế nhưng từ nơi đau khổ này, sự thoát khỏi già chết không được biết đến. Không biết bao giờ sự giải thoát già chết mới được biết đến’.

Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ: ‘Do cái gì có mặt, già chết có mặt? Do duyên gì, già chết sanh khởi?’ Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy về vấn đề này, Ta thành tựu trí tuệ hiểu biết như sau: ‘Do sanh có mặt nên già chết có mặt. Do duyên sanh nên già chết sanh khởi’.

Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ: ‘Do cái gì có mặt, sanh có mặt? Do duyên gì, sanh sinh khởi?’ Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy về vấn đề này, Ta thành tựu trí tuệ hiểu biết như sau: ‘Do hữu có mặt nên sanh có mặt. Do duyên hữu nên sanh sinh khởi... Do thủ có mặt nên hữucómặt,do ái có mặt nên thủ có mặt,do thọ có mặt nên ái có mặt, do xúc có mặt nên thọ có mặt, do lục nhập có mặt nên xúc có mặt, do danh sắc có mặt nên lục nhập có mặt, do thức có mặt nên danh sắc có mặt, do hành có mặt nên thức có mặt, do vô minh có mặt nên hành có mặt, do duyên vô minh nên hành sanh khởi. Như vậy vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này’. Tập khởi, tập khởi, này các Tỷ-kheo, suy tư về các pháp chưa từng được nghe trước đây, ở trong Ta, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh’.

Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ: ‘Do cái gì không có mặt, già chết không có mặt? Do cái gì diệt nên già chết diệt?’ Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy về vấn đề này, Ta thành tựu trí tuệ hiểu biết như sau: ‘Do sanh không có mặt nên già chết không có mặt. Do sanh diệt nên già chết diệt’. Tương tự như vậy, Ta thành tựu trí tuệ hiểu biết về sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập, danh sắc, thức, hành, vô minh. Như vậy do vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên lục nhập diệt, lục nhập diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sanh diệt, sanh diệt nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này’. Đoạn diệt, đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, suy tư về các pháp chưa từng đuợc nghe trước đây, ở trong Ta nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh”[1].
 


Trầm tư quán sát sâu sắc về nỗi khổ sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não của kiếp nhân sinh khiến tâm Đức Phật đi đến hoàn toàn tỉnh thức, hoàn toàn giác ngộ, thoát ly mọi hệ lụy sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não của muôn kiếp tái sinh, gọi là chứng đắc tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Với trí tuệ thẩm sát, Ngài chứng ngộ lý duyên sanh và lý duyên diệt của mọi hiện hữu, thấy rõ căn nguyên của khổ đau sanh, già, bệnh, chết và cách thức diệt trừ khổ đau tái sanh; tất cả nằm ở chỗ con người. Theo Đức Phật, thiếu hiểu biết về khổ mà rơi vào ái luyến thích thú hiện hữu thì khổ phát sinh. Có trí tuệ sáng suốt buông bỏ tâm luyến ái đối với hiện hữu thì khổ chấm dứt. Đó là sự chứng ngộ lớn của bậc Đại giác về nhân sinh; từ đây đạo giải thoát được mở ra cho toàn thể loài người, cho những ai sẵn sàng lắng nghe. Thế nào là tỉnh thức giữa quần mê?

Bậc Giác ngộ tuyên bố:

“Này các Tỷ-kheo, có hai sự tầm cầu này: Thánh cầu và phi Thánh cầu. Này các Tỷ-kheo, thế nào là phi Thánh cầu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh... tự mình bị chết... tự mình bị sầu... tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm.

Này các Tỷ-kheo, cái gì theo các Người gọi là bị sanh?

Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị sanh; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị sanh; dê và cừu là bị sanh; gà và heo là bị sanh; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị sanh; vàng và bạc là bị sanh. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy bị sanh, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị sanh lại tầm cầu cái bị sanh.

Và này các Tỷ-kheo, cái gì theo các Người gọi là bị già? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị già; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị già; dê và cừu là bị già; gà và heo là bị già;voi,bò, ngựa đực, ngựa cái là bị già; vàng và bạc là bị già. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy là bị già, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già.

Và này các Tỷ-kheo, cái gì theo các Người gọi là bị bệnh? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị bệnh; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị bệnh; dê và cừu là bị  bệnh;gà và heo là bị bệnh; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị bệnh. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy là bị bệnh, và người ấy lại nắm giữ tham đắm, mê say chúng, tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh.

Và này các Tỷ-kheo, cái gì các Người gọi là bị chết? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bi chết; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị chết; dê và cừu là bị chết; gà và heo là bị chết; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị chết. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy là bị chết, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị chết lại tìm cầu cái bị chết.

Và này các Tỷ-kheo, cái gì theo các Người gọi là bị sầu? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị sầu; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị sầu; dê và cừu là bị sầu ,gà và heo là bị sầu; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị sầu. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy là bị sầu, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu.

Và này các Tỷ-kheo, cái gì theo các Người gọi là bị ô nhiễm? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị ô nhiễm; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị ô nhiễm; dê và cừu là bị ô nhiễm; gà và heo là bị ô nhiễm; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị ô nhiễm; vàng và bạc là bị ô nhiễm. Và này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy là bị ô nhiễm, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm.

Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là phi Thánh cầu.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh cầu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị bệnh... tìm cầu cái không bệnh... tự mình bị chết... tìm cầu cái bất tử... tự mình bị sầu... tìm cầu cái không sầu... tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, như vậy, gọi là Thánh cầu” [2].

Như vậy, nhận ra lối sống mê lầm tự mời gọi khổ đau bởi sanh, già, bệnh, chết, sầu, ô nhiễm (phi Thánh cầu) và chấp trì lẽ sống sáng suốt đi ra khỏi khổ đau, không sanh, không già, không bệnh, không chết, không sầu, không ô nhiễm (Thánh cầu) tức là bắt đầu tỉnh ra cơn mê sầu muộn của kiếp nhân sinh, gọi là tỉnh thức giữa quần mê. Đây là cụm từ chỉ cho những người khéo tác ý lời Phật dạy, quyết tâm đi theo con đường giác ngộ của Phật với một ý chí mạnh mẽ thể hiện qua nếp sống viễn ly - thân viễn ly, tâm viễn ly, hữu viễn ly -, cần cầu vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn, gọi là xuất gia. Những người này đã tỉnh ra:

“Ta bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này”[3].
 


Thân viễn ly nghĩa là buông bỏ, rời xa đời sống gia đình cùng với người thân và các tài sản sở hữu thế gian, chấp trì đời sống Phạm hạnh mà kinh Phật gọi là từ bỏ tài sản nhỏ hay từ bỏ tài sản lớn, từ bỏ bà con quyến thuộc nhỏ hay từ bỏ bà con quyến thuộc lớn, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, và xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Tâm viễn ly nghĩa là thực tập buông bỏ, rời xa các tập quán mê chấp sai lầm của tâm thức thông qua nếp sống Bát Thánh đạo hay con đường Giới-Định- Tuệ, khiến cho tâm rời xa các cấu uế tham-sân-si, thoát ly các phiền não lậu hoặc, đạt đến giải thoát không chấp thủ.

Hữu viễn ly tức là vận dụng thuần thục tâm viễn ly để cắt đứt tham ái và vô minh, gốc rễ của khổ đau tái sanh, thực chứng vô sanh, Niết-bàn, không còn chịu luân hồi khổ đau trong các cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới.

Nói khác đi, những ai nhận ra lợi ích của giáo pháp Đức Phật, bắt đầu thực tập chuyển hóa đời sống của mình theo Bát Thánh đạo hay con đường Giới-Định- Tuệ với một ý thức nỗ lực nhiếp phục các tập quán mê lầm trói buộc của thế giới sinh tử luân hồi thì được gọi là tỉnh thức giữa quần mê. Vị ấy được gọi là Thánh đệ tử có Chánh kiến và Chánh tinh tấn, tức nhận rõ sự khổ tái sanh, nguyên nhân khổ đau, sự diệt khổ và con đường đưa đến sự diệt khổ, chấp trì lối sống viễn ly, “không tìm cầu dục lạc, dầu là dục chư Thiên, chỉ ưa thích ái diệt” [4].

Vị ấy được mô tả:

Tinh cần giữa phóng dật,
Tỉnh thức giữa quần mê;
Người trí như ngựa phi,
Bỏ sau con ngựa hèn
[5].

Do tỉnh ra cơn mê sầu muộn của sự kiện tái sanh, nhận ra sự thật hư huyễn của kiếp nhân sinh, vị Thánh đệ tử trở nên tỉnh thức giữa cuộc đời, không còn mơ tưởng chuyện thế gian, không còn ham muốn theo đuổi các mục tiêu danh lợi trần thế, tâm tư thiên về xả ly, chấp trì lối sống thiểu dục tri túc, nỗ lực vun trồng giới đức, trưởng dưỡng tâm thức và phát triển trí tuệ hướng đến mục đích giác ngộ.

Vị ấy được gọi là tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê, vì giữa khi nhiều người khác để mặc cho các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) rong ruổi theo các trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) thì vị Thánh đệ tử chuyên tâm uốn nắn đời sống của mình theo kỷ cương và thiện pháp, thể hiện qua lối sống biết tàm quý (luôn luôn có tâm lý xấu hổ và sợ hãi đối với các ác pháp), thực tập thân hành, khẩu hành, ý hành thanh tịnh (không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham dục, không sân hận, có chánh kiến), nuôi sống trong sạch (thực thi nếp sống tri túc giản dị, không mưu sinh bằng các phương tiện bất chánh), thường xuyên nhiếp hộ các căn (giữ cho mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tránh tiếp xúc với các đối tượng gây rối loạn và ô nhiễm tâm thức), tiết độ trong ăn uống (ăn uống có chừng mực, có giác sát, không tạo thói quen mê đắm), chú tâm cảnh giác (chú tâm gột rửa, không để cho các bất thiện pháp sinh khởi quấy rầy tâm thức trong đời sống tu tập), chánh niệm tỉnh giác (chú tâm tỉnh thức trong mọi sinh hoạt hằng ngày).

Vị Thánh đệ tử ấy cũng được gọi là tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê, vì trong khi mọi người khác còn khao khát tìm cầu các lạc thú thế gian thì vị ấy lặng lẽ tìm đến những nơi cô tịch để thực tập tâm viễn ly, nỗ lực thanh lọc nội tâm thông qua Thiền định, tinh tấn thực hành tăng thượng tâm, chuyên cần nâng cao sự giác tỉnh sáng suốt của tâm thức qua tiến trình tu tập chuyển hóa nội tâm. Vị ấy lần lượt thực nghiệm các cấp độ định tâm, cảm nhận “hỷ lạc do ly dục sanh” ở Thiền thứ nhất, “hỷ lạc do định sanh” ở Thiền thứ hai, “xả niệm lạc trú” ở Thiền thứ ba, “xả niệm thanh tịnh” ở Thiền thứ tư; tìm thấy thanh thản an lạc trong đời sống hành Thiền, tâm tư thiên về viễn ly, không còn bị các vọng niệm thế gian làm cho quay cuồng điên đảo.

Vị ấy cũng được tán thán là tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê, do vị ấy chuyên tâm phát triển trí tuệ và thể hiện nếp sống trí tuệ trong đời sống hằng ngày. Giữa khi nhiều người khác còn thích thú mê say trong các lý thuyết bàn về vũ trụ và nhân sinh thì vị Thánh đệ tử định tâm nhìn thẳng vào sự thật tự nội, tập trung quán sát về Ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), thấy rõ sự thật duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã của mọi hiện hữu, buông bỏ các tập quán mê chấp sai lầm của tâm thức, không còn bám víu chấp trước một vật gì ở trên đời. Vị ấy sống ở thế gian với tâm giải thoát, tuệ giải thoát; khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc, ý nhận thức các pháp, vị ấy không khởi niệm phân biệt, không nắm giữ bất kỳ đối tượng nào, tâm không rơi vào thuận ứng và nghịch ứng, không yêu thích cái này và ghét bỏ cái kia, đạt đến giải thoát, an nhiên tự tại, không bị các pháp thế gian trói buộc, làm cho lo âu sầu khổ.

Vị ấy được mô tả có đời sống tỉnh thức như thế này:

Khi xúc chạm việc đời,
Tâm không động, không sầu,
Không uế nhiễm, an ổn,
Là điềm lảnh tối thượng
[6].

Nhìn chung, tỉnh thức giữa quần mê là lẽ sống trí tuệ tỏa ra từ nhân duyên học nghe lời Phật dạy, nhận ra thâm ý sâu xa của lời Phật dạy, chuyên tâm hành sâu lời Phật dạy, chứng ngộ đạo lý giải thoát và thể hiện đạo lý giải thoát trong đời sống hằng ngày. Đó là tiếng nói của Giới-Định-Tuệ, của chánh trí ngay trong hiện tại, của tâm giải thoát, tuệ giải thoát hiện diện giữa thế gian, giữa mọi biến động bất an của cuộc đời. Đó là hướng đi của vô minh diệt, hành diệt, thức diệt, danh sắc diệt, lục nhập diệt, xúc diệt, thọ diệt, ái diệt, thủ diệt, hữu diệt, sanh diệt, già chết diệt, không còn sầu, bi, khổ, ưu, não đời này và đời sau. Kinh Pháp cú có mấy câu kệ sau đây ngợi ca về lẽ sống tỉnh thức giữa quần mê:

Vui thay, chúng ta sống,
Không hận, giữa hận thù;
Giữa những người thù hận,
Ta sống, không hận thù.
Vui thay chúng ta sống,
Không bệnh, giữa ốm đau;
Giữa những người bệnh hoạn,
Ta sống, không ốm đau.

Vui thay chúng ta sống,
Không rộn, giữa rộn ràng;
Giữa những người bận rộn,
Ta sống, không rộn ràng.
Vui thay chúng ta sống,
Không gì gọi của ta;

Ta sẽ hưởng hỷ lạc,
Như chư thiên Quang Âm
[7].


Chú thích:

1. C.A.F. Rhys Davids, The Book of the Kindred Sayings, tập I, tr.6-7.
2. Kinh Thánh cầu, Trung bộ.
3. Đại kinh Ví dụ lõi cây, Kinh Catuma, Trung bộ.
4. Kinh Pháp cú, kệ số 187.
5. Kinh Pháp cú, kệ số 29.
6. Kinh Điềm lành tối thượng, Kinh Tập, Tiểu bộ.
7. Kinh Pháp cú, kệ số 197-200.


Theo Văn hoá Phật giáo số 331 ngày 15-10-2019

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tháng Năm