Trong tu tập của chúng ta, điều quan trọng nhất là nhận ra chúng ta có Phật tính. Chúng ta biết điều đó, về mặt trí tuệ, nhưng thật là khó để tiếp nhận. Cuộc sống hàng ngày là trong lãnh vực của tốt và xấu, lãnh vực của nhị nguyên, trong khi Phật tính chỉ tìm thấy trong tuyệt đối, ở đó không có cái tốt không có cái xấu. Có một thực tại hai mặt. Thực tập của chúng ta là để vượt ra ngoài lãnh vực của tốt và xấu, và để nhận ra cái tuyệt đối. Có thể khó để hiểu ra điều đó.
Thiền sư nổi tiếng Hashimoto, viên tịch năm 1965, bảo rằng, cách thức chúng ta (người Nhật) nấu ăn là sửa soạn mỗi thành phần một cách riêng rẽ. Gạo ở đây, dưa chua ở đó. Nhưng khi bạn nạp chúng vào dạ dày, bạn không biết cái nào là cái nào. Súp, cơm, dưa chua và mọi thứ trộn lẫn nhau. Đó là thế giới của tuyệt đối. Khi nào mà cơm, dưa chua và súp vẫn còn giữ riêng biệt thì chúng không hoạt động. Bạn sẽ không được nuôi dưỡng. Việc này cũng giống như sự hiểu biết về mặt trí tuệ hay kiến thức sách vở - nó vẫn tách biệt với đời sống thực của bạn.
Thực tập thiền tọa (Zazen) là hòa trộn những lối hiểu biết khác nhau mà chúng ta có được và để chúng cùng làm việc với nhau. Một ngọn đèn dầu hỏa không thể làm việc được chỉ vì nó đầy dầu hỏa. Nó còn cần không khí để cháy, và dù có không khí thì nó cũng cần diêm. Nhờ sự trợ giúp của diêm, không khí và dầu hỏa, ngọn đèn mới làm việc được. Đó là thực tập thiền zazen của chúng ta.
Cùng một cách như vậy, dầu ngay cả khi bạn nói, “Tôi có Phật tính,” điều đó vẫn chưa đủ. Nếu bạn không có người đồng tu hay tăng đoàn, thì vẫn chưa được. Khi chúng ta thực tập với sự trợ giúp của tăng đoàn - được Phật giúp đỡ - thì chúng ta thực tập zazen trong nghĩa đích thực của nó. Chúng ta sẽ có ánh sáng bừng nở ở đây trong thiền đường Tassajara hay trong đời sống hàng ngày.
Dĩ nhiên có được kinh nghiệm giác ngộ (tạm gọi như thế) là quan trọng, nhưng cái quan trọng hơn là biết làm thế nào điều chỉnh ngọn lửa trong zazen và trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Khi ngọn lửa ở trong trạng thái đốt cháy hoàn toàn, bạn không thấy mùi dầu. Khi đèn bị khói, bạn ngửi phải mùi gì đó. Bạn có thể nhận ra đó là cây đèn dầu hỏa. Khi đời sống của bạn ở trong trạng thái đốt cháy hoàn toàn, bạn không than phiền và không thấy cần phải lưu tâm đến thực tập của bạn. Nếu chúng ta nói quá nhiều về zazen, ấy là cây đèn dầu hỏa đã có khói rồi đấy.
Có thể tôi là cây đèn dầu hỏa đầy khói. Tôi không nhất thiết muốn thuyết giảng gì cho ai. Tôi chỉ muốn được sống với các bạn: di chuyển đá, tắm suối nước nóng, ăn món ngon gì đó. Thiền (zen) là ở ngay đó. Khi tôi bắt đầu nói thì cây đèn dầu đã có khói rồi. Khi nào mà tôi còn thuyết giảng thì tôi phải giải thích: “Đây là thực tập đúng, đây là sai, đây là cách để thực tập thiền zazen...”. Giống như người ta cho bạn công thức làm món ăn. Công thức đó không tự làm việc được. Bạn không thể ăn công thức.
Thông thường, một thiền sư sẽ nói: “Thực tập zazen thì bạn sẽ đạt trạng thái giác ngộ. Nếu bạn đạt được giác ngộ, bạn sẽ buông bỏ mọi thứ, và bạn sẽ thấy mọi sự như nó là.” Tất nhiên đó là đúng, nhưng con đường của chúng ta không luôn luôn như thế. Chúng ta đang học làm thế nào để điều chỉnh độ to nhỏ của ngọn lửa. Dogen Zenji[1] (Thiền sư Đạo Nguyên) đã làm rõ điểm này trong Shobogenzo[2] (Chánh pháp nhãn tạng). Lời dạy của ngài là sống mỗi thời điểm trong trạng thái đốt cháy hoàn toàn như một ngọn đèn dầu hay đèn cầy. Sống mỗi thời điểm, trở thành một với tất cả, đó là điểm nhấn của lời dạy và thực tập của ngài.
Thực tập Zazen là một chuyện rất tinh tế. Khi bạn thực tập zazen, bạn ý thức về những gì bạn không chú ý trong khi bạn làm việc. Hôm nay, tôi di chuyển đá một hồi, và tôi không thấy bắp thịt của tôi mỏi mệt. Nhưng khi tôi ngồi thiền tọa một cách tĩnh lặng, tôi nhận ra, “Ồ! Mấy bắp thịt của tôi đã khá rã rời rồi”. Tôi cảm thấy đau nhiều chỗ trong thân thể. Bạn có thể nghĩ bạn có thể thực tập zazen tốt hơn nếu bạn không có vấn đề gì, nhưng thật ra có vấn đề gì đó lại là cần thiết. Không cần phải là cái gì lớn lao. Nhờ có khó khăn, bạn có thể thực tập zazen. Đây là một điểm có ý nghĩa đặc biệt, chính vì thế nên Thiền sư Đạo Nguyên nói:“Thực tập và giác ngộ là một.” Thực tập là cái gì đó bạn làm một cách có ý thức, cái gì đó bạn làm với cố gắng. Thế đó! Giác ngộ là ở ngay đó.
Nhiều thiền sư sơ sót ở điểm này, trong khi họ cố gắng đạt zazen hoàn toàn: những gì hiện hữu đều không toàn hảo. Mọi thứ trên thế giới này đều thật sự hiện hữu như vậy. Không có gì ta thấy hay ta nghe là toàn hảo. Nhưng ngay ở trong sự bất toàn chính là thực tại toàn hảo. Điều này đúng về mặt trí tuệ và cũng đúng trong lãnh vực thực tập. Điều này là đúng trên giấy và đúng với thân thể của chúng ta.
Bạn nghĩ rằng bạn chỉ có thể tạo được thực tập đích thực sau khi bạn đạt được giác ngộ, nhưng không phải vậy. Thực tập đích thực được xây dựng trên ảo tưởng và trong bức bối. Nếu bạn phạm sai lầm nào đó thì đó chính là nơi để bạn tạo lập thực tập của bạn. Không có nơi nào khác cho bạn để tạo lập thực tập.
Chúng ta nói về giác ngộ, nhưng trong nghĩa đích thực của nó. Giác ngộ hoàn toàn ở ngoài tầm hiểu biết của chúng ta, ngoài tầm kinh nghiệm của chúng ta. Ngay cả trong thực tập không hoàn hảo, giác ngộ cũng ở đó. Chúng ta chỉ không biết thôi. Vì thế, điểm nhấn là tìm thấy ý nghĩa đích thực của thực tập trước khi ta đạt giác ngộ. Bất kỳ bạn ở đâu, giác ngộ ở đó. Nếu bạn đứng thẳng ngay tại nơi bạn ở, đó là giác ngộ.
Đây là cái gọi là thiền zazen tôi-không-biết. Chúng ta không còn biết zazen là cái gì nữa. Tôi không biết tôi là ai. Tìm được sự tĩnh lặng hoàn toàn khi bạn không biết bạn là ai hay bạn ở đâu, đó chính là bạn thừa nhận mọi sự vật như nó là. Ngay cả mặc dầu bạn không biết bạn là ai, bạn đã thừa nhận chính bạn. Đó là “bạn” trong nghĩa đích thực của nó. Khi bạn biết bạn là ai, “bạn” sẽ không phải là bạn trong thực tế. Bạn có thể đánh giá cao về mình quá dễ dàng, nhưng khi bạn bảo, “Ồ, tôi không biết”, thế là bạn-là-bạn, và bạn biết bạn một cách đầy đủ. Đó là giác ngộ.
Tôi nghĩ giáo lý của chúng ta là tốt, rất tốt, nhưng nếu ta trở nên ngạo mạn và tin vào mình quá sức, thì ta sẽ lạc lối. Sẽ không còn có giáo lý, không còn có đạo Phật gì hết. Khi chúng ta tìm thấy niềm vui sống trong sự tĩnh lặng của mình, chúng ta không biết nó là gì, chúng ta không hiểu điều gì cả, khi đó tâm chúng ta rộng lớn vô cùng. Tâm chúng ta mở ra với mọi sự vật, vì thế nó đủ lớn để biết, trước khi chúng ta biết được điều gì. Chúng ta biết ơn ngay cả trước khi chúng ta có được chút gì. Ngay cả trước khi chúng ta đạt giác ngộ, chúng ta vẫn thấy hạnh phúc để tu tập theo cách của chúng ta. Bằng không, chúng ta chẳng đạt được cái gì trong nghĩa đích thực của nó.
Cảm ơn các bạn rất nhiều.
Thiền sư Shunryu Suzuki
Cao Huy Hoá dịch
Nguyên tác: “Wherever You Are, Enlightment Is There” được lấy từ tuyển tập “Not Always So”.
Chú thích:
1. Thiền sư Đạo Nguyên, 1200-1253, theo Từ điển thiền và thuật ngữ Phật giáo (online) của Thiện Phúc. (Chú thích của người dịch).
2. Diệu pháp trí tạng, theo Từ điển thiền và thuật ngữ Phật giáo (online) của Thiện Phúc (Chú thích của người dịch).